Aa

5 vấn đề cần quan tâm khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia

Thứ Hai, 11/11/2019 - 10:47

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ những bất cập, khó khăn, tồn tại của các quy hoạch thời kỳ trước, Bộ KH&ĐT đề xuất quan tâm tới 5 vấn đề khi lập QHTTQG.

Từ tháng 7 - 10/2019, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập QHTTQG. Theo đó, căn cứ để lập QHTTQG là các văn bản quy phạm pháp luật; các chiến lược, quy hoạch phát triển; các báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước.

Theo Bộ KH&ĐT, QHTTQG lần đầu tiên được lập nên sẽ không có QHTTQG thời kỳ trước để rà soát, đánh giá. Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh quy hoạch cấp quốc gia được lập cho thời kỳ 2011 - 2020 thì có các quy hoạch ngành quốc gia, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch phát triển vùng.

Sau khi xem xét những bất cập, khó khăn, tồn tại từ các quy hoạch nêu trên và các quy hoạch của thời kỳ trước, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh 5 vấn đề cần phải quan tâm khi lập QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia phải đảm bảo tính khả thi về huy động nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc ven biển, sân bay quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Thứ nhất, phải cụ thể hóa những định hướng tổng quát rõ ràng về phát triển không gian đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ.

Thứ hai, phải tạo bộ khung cơ sở phát triển tạo dựng nền tảng kết nối, đồng bộ, hệ thống hữu cơ chặt chẽ cho các loại hình quy hoạch khác, đặc biệt là các quy hoạch cùng cấp.

Thứ ba, phải nâng cao và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của lãnh thổ Việt Nam, trong đó phải xác định được mức độ ưu tiên và việc lựa chọn những lãnh thổ động lực cho phát triển, lãnh thổ hạn chế phát triển, lãnh thổ cần bảo tồn, bảo vệ, các điểm kết nối đối ngoại…

Thứ tư, phải bảo đảm tính hài hòa, khả năng sức chứa, tính dự trữ, khả năng đàn hồi, chống chịu trong phát triển lãnh thổ.

Thứ năm, phải đảm bảo tính khả thi về hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện QHTTQG, đặc biệt là những dự án hạ tầng như đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc ven biển, sân bay quốc tế.

Theo Luật Quy hoạch, QHTTQG tích hợp những hợp phần quy hoạch từ ngành, lĩnh vực và lãnh thổ. Để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực, thời gian, tuân thủ đúng luật định, phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam và khả năng tích hợp, cần phải lựa chọn số lượng và tên các hợp phần phù hợp.

Trong Dự thảo Báo cáo, Bộ KH&ĐT đề xuất, các hợp phần của QHTTQG sẽ gồm: Không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia; các lãnh thổ trọng điểm, đặc biệt có vai trò quan trọng, có đóng góp lớn vào tổng thể phát triển của quốc gia (tích hợp theo chiều ngang); một số ngành quan trọng, cốt yếu là đối tượng trực tiếp của QHTTQG (theo Điều 22 Luật Quy hoạch) (tích hợp theo chiều dọc).

Theo đó, 17 bộ, ngành sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức lập hợp phần QHTTQG. Cụ thể, Bộ KH&ĐT tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập 8 hợp phần; Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lập 3 hợp phần; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập 4 hợp phần…

Theo Kế hoạch lập QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, thời hạn lập QHTTQG tính từ khi ban hành Nghị quyết quyết định nhiệm vụ lập QHTTQG cho đến khi công bố Quy hoạch, dự kiến là 25 tháng, từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top