Theo đánh giá của nhiều đơn vị nghiên cứu thì khu vực Đông Nam Á vẫn đang là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, các nền kinh tế trong khối ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5%/năm so với tốc độ tăng trưởng của toàn cầu là 3,5%/năm. Với mức tăng trưởng 6,3% năm 2016 thì Việt Nam là một thị trường đầu tư BĐS đầy tiềm năng trong phân khúc văn phòng, nhà ở và bán lẻ. JLL nhận định, Việt Nam đang là một “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực BĐS của khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng của thị trường xây dựng và BĐS của Việt Nam trước hết thể hiện thông qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, lượng vốn FDI đổ vào BĐS trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 600 triệu USD cũng là tín hiệu đáng được ghi nhận.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2016 tổng dư nợ cho vay vốn để đầu tư trong lĩnh vực BĐS Việt Nam rơi vào khoảng 420.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với năm 2015. Mức tăng khoảng 24% được đánh giá là mức tăng quy mô vốn mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy rằng, nguồn tiền đổ vào thị trường nhà đất đã tăng mạnh mẽ và xu hướng này tiếp tục tăng lên trong năm 2017.
Theo Báo cáo của Vietnamreport, xét trên nhiều phương diện thì quy mô vốn này khi giải ngân sẽ giúp gia tăng cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, qua đó làm tăng GDP và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi xây dựng đang là một trong số các ngành quan trọng nhất xét theo cơ cấu GDP của Việt Nam. Cùng với tiến trình hội nhập và thu hút ngày càng nhiều FDI thì ngành xây dựng và BĐS đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính trong năm 2016 của các doanh nghiệp nhìn chung đều khả quan hơn, thể hiện ở các chỉ tiêu như lợi nhuận sau thuế/doanh thu hay ROA, ROE đều gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể thị trường đã có trên 50% các doanh nghiệp trong ngành BĐS đạt được “sức khỏe lý tưởng”, số lượng chỉ tiêu nhiều nhất được cải thiện (được ghi nhận là “tốt lên”) của doanh nghiệp thuộc ngành BĐS qua các năm cao nhất là 18/21 chỉ tiêu (chiếm 86%) vào năm 2015, còn lại là 17/21 chỉ tiêu (chiếm 81%) vào năm 2014 và 2016. Từ đó vai trò của ngành này càng tăng lên và được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2017.
Cũng theo Vietnamreport, quy mô sử dụng lao động của BĐS tăng lên rất nhanh, chiếm đến 24,7% tổng lực lượng lao động (trong khi đó năm 2015 chỉ có 22,8%). Quy mô sử dụng lao động của ngành tiếp tục tăng lên cùng với xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và nhà ở của Việt Nam trong thời gian tới.
“Năng suất lao động của ngành đạt 112 triệu đồng/lao động trong năm 2016, tăng gần 10% so với năm 2015 và ở nhóm cao nhất trong số các ngành của nền kinh tế, điều này cũng giúp cải thiện năng suất lao động chung của nền kinh tế. Dự báo, trong năm 2017 năng suất lao động trong lĩnh vực BĐS sẽ tiếp tục tăng lên”, báo cáo của đơn vị này cho biết.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng có mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của thị trường BĐS. Chính vì vậy không thể không kỳ vọng vào tương lai của ngành xây dựng khi thị trường địa ốc đang hồi phục mạnh mẽ cùng với sự ổn định về tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các lĩnh vực trong ngành BĐS đều có tín hiệu tốt trong năm 2015 và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 khi thị trường bán lẻ tiếp tục diễn biến tốt với tỷ lệ căn hộ trống chỉ duy trì ở mức 10% - 12%, thị trường văn phòng cũng chờ đón nhiều nguồn cung chất lượng cao, phân khúc bình dân tiếp tục được ưa chuộng. Đặc biệt, quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam cũng sẽ tác động tốt lên thị trường văn phòng tại các thành phố lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại tự do.
Hơn nữa, cùng với sự hồi phục của thị trường BĐS, sự ổn định về tăng trưởng của nền kinh tế, mức độ đô thị hoá tăng nhanh, việc cho phép mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đối với người nước ngoài và triển vọng tích cực từ nguồn FDI là những yếu tố khiến ngành xây dựng dân dụng sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn 2016 – 2017. Dòng vốn này tăng sẽ kích thích nhu cầu về nhà xưởng, nhà ở và tạo nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Dự báo của BMI (Business Monitor International) cho biết, ngành xây dựng sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm trong giai đoạn 2017 – 2025. Năm 2016 vừa qua cũng ghi nhận tốc độ tăng của ngành xây dựng ở mức khoảng 11%.
Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy mặc dù ngành này chỉ chiếm tỷ trọng 33,25% nhưng tăng trưởng mạnh và đóng góp gần 50% cho sự tăng trưởng của GDP, cao hơn đóng góp từ ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, trong năm 2016, thị trường tài chính chứng kiến sự tăng nhẹ của mặt bằng lãi suất nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp đã kích thích sự phục hồi của thị trường BĐS, hỗ trợ xây dựng công trình và mua nhà trong dân cư. Khi nền kinh tế hồi phục, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực xây dựng và BĐS thường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn so với dư nợ toàn bộ nền kinh tế. Việc duy trì lãi suất ở mức thấp sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và BĐS mở rộng hoạt động kinh doanh của mình đồng thời hỗ trợ người dân trong việc vay mua nhà theo mục đích sử dụng.
Ngoài ra, mức độ đô thị hoá nói chung của Việt Nam ngày càng nhanh hơn cũng là một yếu tố kích thích sự tăng trưởng của ngành xây dựng. Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ đô thị hoá ước đạt khoảng 36,8% (tăng 3,1% so với năm 2015) và dự báo diện tích sàn nhà ở bình quân sẽ đạt khoảng 29 m2/người vào năm 2020.
Có thể nói rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức trên 6% trong năm 2016 và hướng đến mức tiệm cận 7% trong các năm tới đây là một minh chứng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần quay lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Việc thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt, vượt mức 2100 USD/người/năm đã tạo đà cho ngành xây dựng và BĐS bước vào một giai đoạn “bùng nổ” tiếp theo.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị ổn định, xu hướng hội nhập sâu rộng và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế đã giúp kích hoạt các dòng vốn đầu tư vào thị trường trong nước, từ đó giúp ngành xây dựng và BĐS có dư địa rộng lớn cho tăng trưởng giai đoạn tới.