Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP.HCM cho thấy một năm buồn của thị trường bất động sản. Cụ thể, cả năm 2019 tại TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm 2018. Toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85%; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với năm 2018.
Theo HoREA, đây là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh.
Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối bất động sản gặp khó vì không có sản phẩm để bán.
Theo tìm hiểu, có công ty phải cho nhân viên nghỉ Tết cách đây cả tuần vì không có hàng bán, doanh thu sụt giảm và không có tiền để thưởng Tết nên đành cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.
Theo đó, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018).
Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%.
Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam xác nhận có nhiều doanh nghiệp đến giai đoạn quý 4/2019 phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Đây là một năm không tốt với doanh nghiệp bất động sản, nhất là đơn vị môi giới.
Cũng theo ông Đính, nhiều môi giới phải chuyển nghề vì không có hàng bán, vì sự cạnh tranh khốc liệt và trường hợp đó là những môi giới "non tay", còn môi giới có nhiều kinh nghiệm vẫn tự biết cách săn lùng tìm thị trường, tự tạo ra thị trường.
"Môi giới chung cư thường nằm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... nhu cầu ở những thành phố đó lớn, dù giảm nhưng vẫn lớn, vài nghìn giao dịch thành công thì không phải là ít; song số lượng giao dịch đó thì không thấm vào đâu so với lực lượng môi giới đông đảo. Tất nhiên đông thì phải có sự cạnh tranh, người yếu không có năng lực, không hiệu quả thì phải rời thị trường thì lại có những người mới muốn thử sức lao vào thị trường...", ông Đính cho hay.
Mặc dù lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản đánh giá đây là vấn đề bình thường của thị trường lao động trong ngành bất động sản. Nhưng ông Đính cũng phải thừa nhận đúng là có hiện tượng nhiều anh em bỏ nghề, rời nghề.
Theo thống kê hệ thống của Hội Môi giới thì cả nước có khoảng 300.000 môi giới, TP.HCM đông nhất là 90.000; Hà Nội có khoảng 60.000 – 70.000, còn lại là ở các tỉnh khác. Những môi giới có chứng chỉ hành nghề chỉ bằng 1/10 con số đó.
"Tính cạnh tranh trong nghề môi giới là rất mạnh, số lượng đông, cạnh tranh mạnh, nếu không thực sự có năng lực sẽ bị đào thải. Nhưng đây là nghề có lợi nhuận , lại không bỏ vốn đầu tư nên thu hút nhiều người muốn vào trải nghiệm", ông Đính cho biết thêm.