Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.
6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi, một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 và đã đạt được những kết quả ban đầu, các nước phát triển dần mở cửa trở lại. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU dự báo đạt mức tăng trưởng khá nhờ nỗ lực tiêm vắc-xin và ban hành những gói cứu trợ nền kinh tế. Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, lạm phát, rủi ro tài chính gia tăng ở một số nền kinh tế lớn, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu.
Trong nước, tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả khá. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư, đặc biệt tại các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cũng cho thấy sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011 - 2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014 - 2021, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2021 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định./.