Aa

6 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt

Thứ Sáu, 14/07/2017 - 21:28

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công thương diễn ra sáng nay, 14/7, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) trong 6 tháng đầu năm được đánh giá là có xu hướng tăng trưởng tốt, tuy nhiên, mức tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2016.

Nhìn chung, theo báo cáo tóm tắt Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải công bố, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2017 đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.

Cụ thể, chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2017 tăng 6,2%. Tuy nhiên mức IIP vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2016 6,2% so với 7,2%) do ngành khai khoáng sụt giảm và ngành điện tăng thấp.

Đặc biệt nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số IIP 6T/2017 của nhóm này tăng 10,5% so cùng kỳ.
 
Tuy nhiên vẫn còn một số ngành có mức tăng trưởng thấp như thuốc lá, hàng may sẵn, linh kiện điện tử, sản xuất mì sợi...
Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều tăng chậm, sức mua của các thị trường lớn ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản đều cầm chừng.

Đồng thời giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn so với cùng kỳ nhưng giá sản phẩm không thể tăng.
 
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải công bố báo cáo tóm tắt 6 tháng đầu năm 2017

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải công bố báo cáo tóm tắt 6 tháng đầu năm 2017

Với nhóm ngành khai khoáng: Tốc độ tăng chỉ số IIP của ngành này 6/2017 giảm 8,2% so với cùng kỳ 2016. Mức giảm này dần được thu hẹp qua các tháng của 2017.

Về nhóm ngành sản xuất và phân phối điện: tăng trưởng ở mức 8%, thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do điện thương phẩm cho nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư tăng rất cao tới 3,73%, trong khi đó điện thương phẩm cho nhóm công nghiệp - xây dựng vẫn tăng cao 11,8%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 18,8%, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá và về lượng. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có mức tăng trưởng rất cao.

Xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 26,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh ở hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước, đạt 3,66 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2016. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng 16,7% với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD, trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả và thủy sản.

Tuy nhiên, xuất khẩu giai đoạn 6 tháng đầu năm vẫn còn điểm đáng lưu tâm đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ đạo (72,1%) và có mức tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, tăng 20,4%.

Buổi họp báo có sự tham dự của lãnh đạo các Khối Vụ, Khối Tổng cục và Cục của Bộ Công Thương

Buổi họp báo có sự tham dự của lãnh đạo các Khối Vụ, Khối Tổng cục và Cục của Bộ Công Thương

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%. 

Điểm đáng ghi nhận đó là nhập khẩu tăng cao từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao như Hòa Kỳ (24,2%) với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD và tăng thấp ở một số thị trường châu Á như Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là sự tăng cao của mặt hàng rau quả, sắt thép phế liệu, xe máy và linh kiện phụ tùng.

Bên cạnh đó, nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ khu vực thị trường châu Á (tăng 23,8%), tăng cao kỷ lục từ thị trường Hàn Quốc (51,3%). Nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu phục vụ máy móc thiết bị và nguyên phụ liệ cho nhà máy Samsung.

Về cán cân thương mại, tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với kim ngạch xuất khẩu.

Trong nước, các mặt hàng thiếu yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn, nguồn cung dồi dào, đa dạng, giá hàng hóa không có biến động lớn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.924.124 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4%. Điều này cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top