Trong nửa đầu năm 2019, thị trường bất động sản chịu nhiều tác động khách quan cũng như chủ quan, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn và thị trường đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung.
Trước bối cảnh ấy, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có 6 thông điệp lớn gửi tới các doanh nghiệp hội viên.
Một là, cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực. Cơ cấu dân số Việt Nam là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực.
Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, kể từ giữa 2018 đến nay, thay vì bổ sung thêm nguồn cung, các sản phẩm mới ra thị trường lại tiếp tục theo xu hướng nhỏ giọt.
Đặc biệt, từ đầu năm 2019, số lượng dự án mở bán mới ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như tại TP.HCM chỉ có 3 dự án mới được ra mắt trong 6 tháng qua. Như vậy, dự báo nguy cơ tiếp tục thiếu hàng thời điểm cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020 - 2022).
Hai là, gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Thậm chí phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; Mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.
Việc phân lô bán nền không giải quyết được được sự tích đọng cho quy mô của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lởm khởm về quy hoạch cũng như gây ra ách tắc giao thông, gây ra sự lộn xộn lớn cho bộ mặt đô thị.
Do đó, UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với: Các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật; Tổ chức, cá nhân đưa thông tin về quy hoạch, thông tin về dự án và giá bất động sản... sai sự thật để trục lợi.
Ba là, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản tạo ra những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản phải “trở mình” để tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác.
Trong đó, có việc tự nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp; chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài thông qua việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
Thứ tư là, theo ông Nam, điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới.
Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, nhất là trong bối cảnh các bộ ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt.
Xu hướng đầu tư vào phân khúc này phải nhằm vào tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Năm là, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi, ban hành khung pháp lý liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản cho phù hợp với những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ Luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở… quy định chuyện mua nhà của người nước ngoài, condotel, offitel...
Hay như việc từ thời điểm các bộ, ngành, địa phương dừng thực hiện các dự án BT đến nay đã hơn 1 năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa thể hoàn tất dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT, có thể tạo ra một số rủi ro cho nhà đầu tư.
Hay như khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp cần gấp rút sửa đổi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Đặc biệt, các chính sách tín dụng cần phải khéo léo, mềm mại, có lộ trình phù hợp, tránh tình trạng thay đổi đột ngột để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Những chính sách sau khi ban hành cần phải có đánh giá tác động hàng năm và sửa đổi kịp thời khi có những bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Theo ý kiến của Hiệp hội, lộ trình giảm việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nên thực hiện trong 5 năm, mỗi năm 2% để đưa từ 40% về 30%. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, không nên hạn chế tín dụng để mua nhà ở; chỉ nên hạn chế tín dụng mua đất.
Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: "Thị trường của chúng ta về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hoá còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thông sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà.
Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng. Và do đó, các doanh nghiệp cần làm ăn chân chính hơn, chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc chấp hành pháp luật".