R&D là thuật ngữ chỉ các hoạt động nghiên cứu (research) và phát triển (development) trong các doanh nghiệp, tập đoàn nhằm tăng tỷ lệ thành công cho các kế hoạch kinh doanh, tiếp thị sản phẩm mới.
Tại Hội thảo trực tuyến: “R&D -Nghiên cứu phát triển bất động sản kỷ nguyên số” mới đây, các chuyên gia cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động R&D càng được xem là chìa khóa của nhiều doanh nghiệp bởi các sản phẩm có giá trị cao, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Cá biệt với những sản phẩm ở phân khúc cao cấp lẫn hạng sang, mức giá có thể dao động vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Hoặc các khu đô thị quy mô lớn đến hàng chục hecta thì quá trình đầu tư có thể kéo dài nhiều thập kỷ, rủi ro trong một sản phẩm có thể kéo ngã toàn bộ dự án.
Từ đó đòi hỏi các công tác nghiên cứu trước đầu tư lẫn quy trình phát triển sản phẩm phải được chú trọng đúng mực. Theo các chuyên gia, R&D chuẩn chỉnh về thị trường, công nghệ, pháp lý... sẽ tạo nền móng vững chãi, tăng cường năng lực cạnh tranh của các chủ đầu tư. Đồng thời sản phẩm, dự án sẽ đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của người sử dụng.
Dù vậy, trên thực tế, các hoạt động R&D bất động sản tại Việt Nam còn vướng mắc nhiều rào cản. Theo một khảo sát sơ bộ thực hiện trên 50 đại diện doanh nghiệp bởi RealCom - Cộng động Phát triển bất động sản bền vững, cho thấy hơn 60% đại diện doanh nghiệp biết rằng R&D có vai trò quan trọng, nhưng chưa có bộ phận R&D chuyên biệt. Chỉ 40% doanh nghiệp có bộ phận R&D riêng nhưng gần nửa số đó chỉ nghiên cứu khả thi, chứ chưa có nhiều đóng góp hiệu quả, giá trị.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, CEO Sen Vàng Group cho hay, Việt Nam đang đứng trước tiềm năng vô cùng lớn trong lĩnh vực bất động sản với cơ cấu dân số vàng, độ tuổi 30 - 35 chiếm ưu thế, các doanh nghiệp cũng nở rộ nhanh chóng ở mọi phân khúc. Dù vậy, trừ các tập đoàn đầu ngành thì hiếm có doanh nghiệp có phòng R&D hoạt động chuyên nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu - phát triển đóng góp thực tiễn.
“Các đơn vị vẫn đi theo những chiến lược đơn thuần, sản phẩm đưa ra thị trường còn khá tương đồng nhau, chưa có những yếu tố cạnh tranh cần có. Từ đó dẫn đến việc chưa có nhiều bứt phá trong các chiến lược kinh doanh và bán hàng”, bà Ngọc nói.
Lý giải hiện trạng này, chuyên gia cho rằng, R&D vốn không phải “cuộc chơi” dành cho tất cả. Các doanh nghiệp cần đối đầu với ít nhất ba thách thức sau nếu muốn xây dựng một đội ngũ R&D tinh nhuệ.
Thứ nhất, lĩnh vực R&D tại Việt Nam đang thiếu nhân lực trầm trọng. Không nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo ra các chuyên gia R&D.
Thứ hai, về mặt chi phí để “nuôi” một bộ phận R&D trong dài hạn không hề nhỏ, đặc biệt là các chuyên gia từ nước ngoài.
Thứ ba, để các thông số từ R&D có tính hiệu quả đòi hỏi thời gian đủ lâu dài, các khảo sát chuyên sâu. Đối với các chủ đầu tư triển khai chiến lược kinh doanh cần tốc độ thì đôi khi chưa phù hợp.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) cho hay, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều đang có cho mình các dữ liệu phù hợp để quản lý. Tuy nhiên để có thể tổng hợp và theo dõi các dữ liệu sẽ cần một số vốn lớn. Theo đó, họ chỉ có thể liên hệ với chính quyền, đơn vị quản lý Nhà nước để cần các thông tin cụ thể, minh bạch. Vấn đề liên hệ này cũng cần thời gian rất dài vậy thì tại sao họ không tiên phong kết nối giữa các thông tin giữa các doah nghiệp với nhau?
“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam cần một đơn vị để kết nối và điều phối các thông tin có thể là trường đại học, viện nghiên cứu… để có được một lượng thông tin chính xác minh bạch. Và từ đó có thể triển khai theo các chính sách hoặc phản hồi lại chính sách với Nhà nước một cách rõ ràng”, bà Trịnh Tú Anh cho hay.
Còn TS. Hoàng Hữu Phê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - Vinaconex R&D chia sẻ, cho đến nay, các thông tin về thị trường bất động sản tại các quốc gia lớn như Mỹ, Thuỵ Điển… tại bất cứ thời điểm nào, đều có 5% lượng bất động sản thay đổi quyền sở hữu. Do đó, quản lý rất nghiêm ngặt về số liệu. Tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa minh bạch được số liệu do thiếu các công cụ, thiếu các nguồn số liệu đầu vào thực tế. Nếu thiếu dữ liệu, chúng ta khó xây dựng được đô thị, dự án thông minh.