Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
Theo đó, quy định cụ thể ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí này theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trước văn bản tháo gỡ khó khăn, đốc thúc triển khai này, liệu các địa phương có cải thiện được tốc độ giải ngân?
Lại điệp khúc chậm giải ngân, người lao động bối rối tìm cách nộp hồ sơ
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 4/7, Bộ đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp với 558.024 lao động, đề nghị kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Trong đó, mới phê duyệt 209 tỷ đồng cho 280.954 lao động tại 38 địa phương.
Song, mới có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí khoảng trên 70 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 1% so với mục tiêu đề ra.
Lý giải nguyên nhân, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh cho biết, trước hết là do các địa phương đang chờ hướng dẫn tại Quyết định 791, mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để tiến hành chi trả.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, một số địa phương cũng sợ làm sai nên yêu cầu phải có các xác nhận vượt quy định. Ví dụ, trong hướng dẫn quy trình thủ tục, chỉ yêu cầu giấy xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu cả chính quyền địa phương cấp xã, phường phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sợ sai nên chậm nộp danh sách qua cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Chưa kể, nhiều lao động không nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn lên doanh nghiệp.
Theo hướng dẫn của các địa phương, như tại Quyết định 1426/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, người lao động làm đơn theo mẫu 01 gửi doanh nghiệp. Phần còn lại là công việc của doanh nghiệp, cơ quan BHXH, UBND huyện, tỉnh.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của Reatimes, thực tế nhiều công ty, địa phương đang tự “làm mới” quy trình. Hiện có những công ty sẵn sàng đứng ra làm đầu mối tổng hợp hồ sơ, tư vấn hỗ trợ công nhân, gửi xét duyệt tổng hợp, nên công tác giải ngân diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Song vẫn còn nhiều công ty yêu cầu công nhân tự làm giấy tờ, từ gửi hồ sơ xác nhận tham gia bảo hiểm đến việc gõ cửa các sở LĐTB&XH địa phương.
Vì thế, nhiều công nhân vẫn còn băn khoăn không biết mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ không, hay quy trình thủ tục thế nào? Chia sẻ với PV, chị Đào Hiên, nhân viên một công ty sản xuất ở quận Đống Đa cho biết, chị đã đọc hướng dẫn nhưng không hiểu, nên vẫn phải “lên mạng” để hỏi quy trình cụ thể. Song, chị lại gặp tình cảnh “chín người mười ý”, có địa phương cần giấy tạm trú, tạm vắng, có địa phương không yêu cầu. Vậy nên, muốn biết chính xác chị chỉ có thể… lên quận.
Tương tự, chị Phùng Uyên, công nhân tại xã La Phù (Hoài Đức) cho biết, sau khi nộp hồ sơ online trên phần mềm BHXH và được phê duyệt, chị phải tiếp tục gọi điện lên Phòng LĐTB&XH huyện Hoài Đức để hỏi quy trình và được báo liên hệ xã. Quay sang xã, chị nhận được câu trả lời là “Không biết ai phụ trách cái này”. Cuối cùng chị đành lên hội nhóm trên Facebook “cầu cứu”!
Để hiểu rõ hơn quy trình và tiến độ hỗ trợ người lao động, PV Reatimes đã liên hệ ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, Bắc Giang cũng như các nơi đều thực hiện tuyên truyền qua kênh công đoàn và kênh doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng công nhân chưa hiểu rõ quy trình, chưa hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu.
Theo ông Ngọc, hiện Bắc Giang đã tiếp nhận yêu cầu của 261 doanh nghiệp, đề nghị hỗ trợ cho 99.698 người lao động. Trong đó, đã phê duyệt cho 161 doanh nghiệp với trên 57.000 người lao động.
Những con số này khá lý tưởng so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công nhân chưa có tên trong danh sách chờ, cũng như công tác tiến hành rà soát đảm bảo phê duyệt đúng đối tượng của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc.
"Theo quy định, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu chi trả sai đối tượng, nên họ phải rà soát kỹ hồ sơ từng công nhân. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ có thể dựa trên đơn đề nghị của người lao động chứ không thể đi xác minh chỗ ở tạm trú, tạm vắng tận nơi được. Do vậy, vẫn còn ách tắc ở chỗ này", ông Ngọc thông tin.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đốc thúc tiến độ giải ngân
Liên quan đến việc này, Chính phủ đã từng có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Cụ thể, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Tiếp theo, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 ngày 19/5/2022 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động sử dụng bảo hiểm xã hội. Đến ngày 31/5/2022, tiếp tục có văn bản từ Bộ LĐTB&XH yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định 08 này.
Như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể và liên tục đốc thúc các bộ ngành địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Theo quy định chậm nhất là ngày 15/8/2022 phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ này.
Báo cáo tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, hiện Bộ LĐTB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương hướng dẫn, cập nhật cơ sở dữ liệu để tránh việc trùng lặp. Hiện nay các cơ quan và địa phương đã đồng loạt triển khai vấn đề này.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, vì mới có Quyết định 791, quy định cụ thể ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nên các địa phương mới bắt đầu giải ngân.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để phía Bảo hiểm Xã hội phê duyệt.
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ rà soát, phê duyệt đúng đối tượng hỗ trợ, ông Lê Xuân Ngọc cho biết: “Chúng tôi đang kiến nghị chuyển việc rà soát tạm trú, tạm vắng sang địa phương, hoặc khi người lao động nộp hồ sơ lên doanh nghiệp sẽ phải kèm phiếu xác nhận tạm trú, tạm vắng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng phê duyệt và gửi danh sách qua cơ quan BHXH nhanh hơn”.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tuyên truyền, hướng dẫn cho công nhân cần cụ thể, liên tục, rõ ràng để họ nắm bắt thông tin. Trong quá trình làm, cần có ban bệ đứng ra hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Trong khi công nhân lao động đa số có trình độ chưa cao. Nếu truyền tải thông điệp thiếu hiệu quả, có thể nhiều người không tiếp nhận được, dẫn đến việc làm sai quy định hay chậm nộp hồ sơ.
Mặt khác, các doanh nghiệp, địa phương có tâm lý thận trọng trong việc dùng ngân sách Nhà nước, để tránh đối đa việc vi phạm pháp luật nên thường đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, cần yêu cầu doanh nghiệp, địa phương tuân thủ quy trình, chấm dứt tình trạng công nhân phải tự mình đi gõ cửa cơ quan công quyền. Đây là quy trình thủ công, đơn lẻ, mất thời gian của rất nhiều người, nhiều bên trong việc sắp xếp và rà soát hồ sơ.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là chính sách thiết thực, nhân văn, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, tiếp thêm động lực và niềm tin cho người lao động. Đặc biệt, chính sách này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp đều đang thiếu nhân lực, do nhiều công nhân chưa sẵn sàng quay lại nhà máy sau dịch Covid -19.
Như đánh giá của các chuyên gia, việc hoàn thành GDP 6 tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn mà một trong các lý do đó là doanh nghiệp thiếu nhân lực để tái sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là một hạng mục có ý nghĩa quan trọng trong gói hỗ trợ an sinh xã hội gần 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Khi gói an sinh xã hội nói chung hay vấn đề hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân chưa được giải quyết đúng mức, người lao động sẽ không có động lực quay lại làm việc hay gắn bó lâu dài với công việc. Điều này ảnh hưởng lớn tới quá trình khởi động trở lại của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất. Một khi sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch và mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm, cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo kế hoạch, ngày 15/8 tới đây sẽ dừng việc tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ. Với sự đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, người lao động đang mong mỏi 6.600 tỷ đồng hỗ trợ sẽ kịp đến tay trước khi chương trình hỗ trợ kết thúc.
Dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở các địa phương: TP.HCM: Hơn 1 triệu lao động - 1,77 nghìn tỷ đồng; Bình Dương: 820.000 lao động - 1,38 nghìn tỷ đồng; Đồng Nai: 440.000 lao động - 720 tỷ đồng; Hà Nội: 228.000 lao động - 385 tỷ đồng; Long An: 214.000 lao động - 363 tỷ đồng. Một số địa phương khác cũng có nhiều lao động thuộc diện hỗ trợ như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...