Aa

7 điểm tham quan du lịch hàng đầu của Việt Nam

Thứ Năm, 26/10/2017 - 08:38

Trong lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu V.iệt Nam năm 2017 do Bộ VHTT&DL;, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã công bố 7 điểm tham quan hàng đầu tại Việt Nam

7 điểm tham quan được vinh danh bao gồm:

  • Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám
  • Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
  • Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
  • Hoàng Cung Huế
  • Địa đạo Củ Chi
  • Thung lũng Tình yêu

1. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Điện Kính Thiên di tích trung tâm trong tổng thể khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Điện Kính Thiên di tích trung tâm trong tổng thể khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).

Hoàng thành Thăng Long hé lộ những dấu vết khảo cổ trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha.

Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một hệ thống nhất nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.

2. Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các - Biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến

Khuê Văn Các - Biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến

Được mệnh danh là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng ở đất thủ đô mà còn là nơi chứa đựng những tinh hoa của những giai đoạn lịch sử phong kiến trước kia, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của đất Việt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là hạt bụi vàng tô điểm lấp lánh cho mảnh đất kinh kỳ Hà Nội trong hôm nay và cả mai sau.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng trong năm 1070 vào đời vua Lý Thánh Tông nhằm tôn thờ Nho học, sau đó được trở thành nơi tổ chức khoa thi, hướng đến mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những người tài giỏi để bổ nhiệm làm quan, cùng tham gia xây dựng đất nước.

Quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khá đa dạng, phong nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau nằm hài hòa trong khuôn viên. Trải qua nhiều tu sửa, hiện nay quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái học.

Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế trong dịp du lịch Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Hà thành trong những ngày tết truyền thống với ước mong năm mới an lành hay trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.

3. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bức tượng

Bức tượng "Mẹ Việt Nam" là biểu tượng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi lưu giữ, trưng bày và tái hiện hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ đất Việt từ thời xa xưa cho tới hiện đại.

Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề với phương pháp tiếp cận mới là nhân học xã hội, phản ánh sự phát triển và thay đổi của xã hội đương đại bằng các dự án hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em bị thiệt thòi, yếu thế.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có bộ sưu tập khoảng 25,000 tài liệu, hiện vật về Phụ nữ Việt Nam. Bộ sưu tập của bảo tàng được phân loại theo chất liệu như dệt, kim loại, gỗ, giấy, gốm, da, sừng, đất, kính... được sưu tầm từ những năm 1970. Mỗi hiện vật đều có những câu chuyện về những trải nghiệm trong giai đoạn lịch sử

Trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu vai trò, sự tham gia của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc mà còn đề cập đến muôn mặt cuộc sống đời thường của người phụ nữ trong chiến tranh.

Những câu chuyện cuộc đời, những đóng góp, chiến công và cả sự hy sinh, mất mát của họ cho nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước được khắc họa đậm nét qua các hiện vật trưng bày.

Hình ảnh người phụ nữ đương đại trong công cuộc xây dựng đất nước với những phẩm chất nhân hậu, bản lĩnh, nghị lực và đầy đam mê cũng được thể hiện qua các bộ phim ngắn.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lọt vào danh sách Top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á (đứng vị trí 6/25) năm 2014.

4. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, cách trung tâm Hà Nội chừng 8 km. Được xây dựng từ năm 1997, tới nay bảo tàng trở thành  địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những vật trưng bày bình dị, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người Việt Nam.

Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 27.000 hiện vật, trong đó 23.000 hiện vật về cộng đồng các dân tộc Việt Nam, còn lại là các hiện vật về các dân tộc ở Đông Nam Á và các các nước khác.

Khối lượng tư liệu nghe nhìn gồm 11.000 kiểu ảnh tư liệu về các mảng đề tài khác nhau. Các hiện vật được phân loại và trưng bày theo từng nội dung khác nhau trong tòa nhà Trống Đồng, nơi du khách có thể tìm hiểu đời sống người dân tộc qua các vật dụng thường ngày của họ và gợi tả được nhiều nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

5. Hoàng cung Huế

Hoàng cung Huế

Hoàng cung Huế

Hoàng cung Huế hay  Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. 

Lịch sử Hoàng thành Huế được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long nhưng đến năm 1833 thời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh. Vòng thành kết cấu bằng gạch, có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, gồm 4 cửa để ra vào, trong đó cửa chính ở phía Nam là Ngọ Môn.

Các kiến trúc bên trong thành đều được thiết kế hài hòa giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn non bộ và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm, tạo thêm vẻ thanh thoát cho hình ảnh Hoàng thành Huế.

Sơ đồ Hoàng thành Huế gồm quần thể công trình được bố trí trên một trục đối xứng, phần trung tâm là các hạng mục chỉ dành riêng cho vua.

Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”, tính từ trong ra.

Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).

Vào tham quan Hoàng thành Huế có thể thấy, dù quy mô của mỗi công trình khác nhau nhưng tổng thể đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” tức là kiểu nhà kép hai mái trên một nền đá cao. Các cột được sơn thếp theo mô típ long - vân (rồng - mây).

Nội thất đa số được trang trí theo cùng một phong cách “nhất thi nhất họa” (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu hay tứ thời một cách công phu tinh xảo, khiến khách du lịch Hoàng thành Huế không khỏi trầm trồ, thán phục.

Bản đồ Hoàng thành Huế có hơn 100 công trình kiến trúc bề thế, nổi bật như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu, Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, và Cửu Đỉnh...

6. Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi được miêu tả bằng đồ họa blog quân sự Cherrieswriter

Địa đạo Củ Chi được miêu tả bằng đồ họa blog quân sự Cherrieswriter

Địa đạo Củ Chi một cụm công trình ngầm đươc mệnh danh là mảnh đất thép đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới đồng thời là một lỗi khiếp đảm của quân Mỹ – Nguỵ…

Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Nằm cách trung tâm Tp.Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng đông bắc.

Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, là một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như màng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km…

Hơn 20 năm xây dựng, địa đạo Củ Chi đã được hoàn thành không phải bằng một kỹ thuật hiện đại mà là từ bàn tay của những con người đất thép quyết giữ gìn từng tấc đất quê hương.

 

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Củ Chi là một nỗi thất vọng lớn, câu hỏi khó đối với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Mỹ và Australia từng cố gắng phát hiện và xâm nhập địa đạo bằng nhiều cách, song tất cả nỗ lực đều thất bại. ….

Không thể giành ưu thế bằng chiến tranh hóa học, quân đội Mỹ bắt đầu cắt cử nhiều binh lính xuống địa đạo. Những người này được gọi là “chuột đường hầm”. Họ được trang bị súng máy, dao, đèn pin. Song với sự phức tạp của hệ thống và không có đường lui, binh sĩ Mỹ hầu hết thiệt mạng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, khu di tích lịch sử này đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách trong nước và nước ngoài tham quan mỗi ngày.

Ngoài việc len lỏi vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem lại những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi, được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè dân dã mà ngon miệng.

Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia môn thể thao bắn súng để thử khả năng tinh nhuệ và chính xác của mình.

Và chắc chắn rằng ai cũng cảm thấy thật dễ chịu khi len lỏi vào những cánh rừng trung quân lá xanh ngút ngàn, ngồi đong đưa trên những chiếc võng, hoài niệm một chút về quá khứ, để biết rằng cuộc sống thanh bình ngày hôm nay được đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người năm xưa trên khắp đất nước Việt Nam….

Kênh truyền hình Mỹ CNN xếp hạng địa đạo Củ Chi là 1 trong 12 công trình ngầm hấp dẫn du khách nhất thế giới.

7. Thung lũng Tình yêu

Thung Lũng Tình Yêu

Thung Lũng Tình Yêu

Thung lũng tình yêu Đà Lạt nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về hướng Đông Bắc. Thung lũng tình yêu mang vẻ đẹp của rừng thông quanh năm xanh biếc, tạo ấn tượng cho du khách tham quan.

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, Toàn quyền Đông Dương Varenne và các cặp tình nhân người Pháp thường đến đây để ngắm cảnh, tâm tình vào những ngày cuối tuần.

Người Pháp đã đặt tên cho thắng cảnh này là Vallee d’Amour. Sau này đến thời vua Bảo Đại thì thắng cảnh được gọi tên là Thung lũng Hòa Bình.

Đến năm 1953 thì ông Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã Đà Lạt đã đề xuất thay tên tiếng Pháp của các hồ nước và các con đường Đà Lạt bằng tiếng Việt. Từ đó cái tên “Thung lũng Tình yêu” cũng chính thức xuất hiện.

Từ năm 1972, Thung lũng tình yêu trở nên hấp dẫn khi một đập ngăn nước được xây dựng tạo thành hồ Đa Thiện. Sự xuất hiện của Hồ Đa Thiện đã làm biến đổi hình thái và tăng thêm sức quyến rũ cho cảnh quan nơi đây. Có thể nói hồ chính là trái tim của Thung lũng tình yêu.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top