Theo đó, thu nội địa ước tính đạt 462,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7% dự toán; thu từ dầu thô 24,6 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đã bằng 64,1% kế hoạch năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4% dự toán.
Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 43,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 90,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 84,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 95 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2%.
Trong khi đó, chi ngân sách đạt 646,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm. Chi thường xuyên đạt 474 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán năm. Chi trả nợ lãi 60,1 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% và chi trả nợ gốc từ đầu năm đến 15/7 đạt 110 nghìn tỷ đồng bằng 67,1% dự toán năm. Riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2017, mức bội chi ngân sách là 61,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 2/3 cùng kỳ năm trước. Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đánh giá là 2 quý đầu năm 2017, bội chi ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể, bởi thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.
Trước đó, tại buổi sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chia sẻ, Việt Nam đang có nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; thị trường tài chính, chứng khoán khởi sắc; thu hút và giải ngân vốn FDI khả quan; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá...
Mặc dù vậy, ông Hải cho rằng Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,73%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 6,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh; giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm so với yêu cầu; ngành chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ; dịch bệnh và diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.