Aa

7 tháng năm 2021, vốn FDI vào bất động sản đạt 1,16 tỷ USD

Thứ Tư, 28/07/2021 - 06:30

Tính đến ngày 20/7, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,16 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% (giảm 11,1%) so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, 7 tháng năm 2021 có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,9%), tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, có 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 9,4%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD (giảm 3,7% so với cùng kỳ); 2.403 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 46,1%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD (giảm 55,8% so với cùng kỳ).

Tính theo số lượng dự án, tất cả phần dự án mới, dự án điều chỉnh vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần đều giảm. Còn tính theo số vốn, chỉ có vốn đầu tư đăng ký mới tăng, ngoài ra cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm so với cùng kỳ.

Trước đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt 15,27 tỷ USD, giảm 2,6%, trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

vốn FDI vào bất động sản 7 tháng năm 2021
7 tháng năm 2021, vốn FDI vào bất động sản đạt 1,16 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Internet)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, theo lĩnh vực đầu tư, trong 7 tháng năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD.

Xét theo địa bàn, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,78 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội...

Về đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, chiếm gần 35,4% tổng vốn đầu tư vào nước ta, giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD, chiếm gần 15,2% tổng vốn đầu tư, tăng 58,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Ngoài ra, Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 135,8 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 120,9 tỷ USD, tăng 37,6% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14,9 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 14,1 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 17,4 tỷ USD.

Tính lũy kế, cả nước có 33.967 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 399 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 242,36 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top