Aa

8 cải cách đột phá giúp Việt Nam hút FDI thế hệ mới

Thứ Ba, 10/07/2018 - 06:00

Một trong những ưu tiên hàng đầu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan toả FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu.

Ngày 9/7, hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 – 2030” đã được tổ chức tại Hà Nội, nhằm đánh giá những thách thức của Việt Nam trước vấn đề cải cách thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới đồng thời đưa ra các khuyến nghị.

Tại hội thảo, Báo cáo Các Khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Việt Nam được IFC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) giới thiệu, nhằm cung cấp các phát hiện và khuyến nghị tham khảo cho Chính phủ xây dựng định hướng thu hút FDI thế hệ mới, một nội dung căn bản của các tài liệu chiến lược như Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021 - 2030).

 Hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 – 2030”

Hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 – 2030”.

Đánh giá về tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng, các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu. Đặc biệt trong thập kỷ vừa qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, phải nhận thức ngày càng rõ nét rằng, Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn.

“Thách thức chúng ta phải đối mặt là rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta cần phải tiến hành tổng kết đánh giá Luật Đầu tư nước ngoài và tác động của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Chúng ta cần phải xây dựng định hướng, chiến lược cho thu hút đầu tư và quản lý nguồn vốn FDI đặc biệt trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nói.

Cũng tại hội thảo, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho hay: “Giải quyết được các vấn đề trên sẽ giúp chính phủ có khả năng đón đầu và tận dụng được nhiều cơ hội hơn nữa cho Việt Nam. Phân tích chính của báo cáo tập trung vào việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực ưu tiên tiềm năng.

Mục đích là nhằm xác định các ngành đi kèm các điều kiện cần thiết sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (cả FDI và đầu tư trong nước), từ đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tăng tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương”.

Báo cáo các Khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Việt Nam nêu rõ, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn.

Thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.

Để tăng hiệu quả nguồn vốn FDI, báo cáo này cũng khuyến nghị tám đề xuất cải cách mang tính đột phá.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan toả nhờ FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu.

Để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số/trực tuyến cạnh tranh được với đối thủ khác trong khu vực.

Ngoài ra, các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư; chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài và ban hành chiến lược, chính sách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

Đặc biệt, trên tất cả, cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị nêu trên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top