Aa

Bức tranh thu hút FDI đang thay đổi như thế nào?

Thứ Sáu, 20/04/2018 - 20:00

Bức tranh đầu tư FDI vào Việt Nam đang thay đổi. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án với quy mô vốn khác nhau cũng đang "chảy" nhiều hơn vào Việt Nam.

Quy mô dự án đa dạng

Điều này được thể hiện trong số các dự án điều chỉnh tăng vốn, đăng ký đầu tư mới FDI vào Việt Nam trong quý I/2018, không có dự án “khủng” nào trị giá tỷ USD.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đầu tư lớn cũng mới dừng lại ở quy mô 501 triệu USD từ dự án nhà máy LG innitek Hải Phòng hay như dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 260 triệu USD của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, hoặc như dự án tăng vốn thấp nhất là của Công ty TNHH Vina Cell Technology trị giá 100 triệu USD. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân phần nào lý giải, về mặt kỹ thuật, dòng vốn thu hút FDI vào Việt Nam quý I/2018 chỉ đạt 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, CJ sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đang và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, CJ sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đang và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Ngoài ra, theo các nhà đầu tư Hàn Quốc, trong thời gian tới, bên cạnh các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, CJ…sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó là doanh nghiệp Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự.

Cụ thể theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), quy mô đầu tư dưới 5 triệu USD từ các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang chiếm 90% tổng dự án đầu tư. Theo đó, tổ chức này cũng dự báo các dự án đầu tư quy mô nhỏ tiếp tục có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, việc đa dạng nhà đầu tư và quy mô dự án sẽ trở thành một xu hướng “nở rộ” trong thời gian tới, khi những nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang là những nhà đầu tư dẫn dắt “cuộc chơi” đầu tư FDI vào Việt Nam.

Cơ hội dàn đều

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, sự đa dạng về đối tượng đầu tư và quy mô nguồn vốn khác nhau sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhận định về sự chuyển dịch của bức tranh FDI vào Việt Nam thời gian gần đây, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận xét: “Chúng ta không chỉ nhìn thấy các doanh nghiệp lớn, mà đang có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội dàn đều trong phát triển các ngành kinh tế Việt Nam”.

“Điều đó phản ánh sự mở rộng các loại hình đầu tư mà Việt Nam thu hút FDI và sự đa dạng như vậy sẽ tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Eric Sidgwick cho biết thêm.

Minh chứng cho nhận định từ ông Eric Sidgwick, có thể thấy, mặc dù hiệu ứng lan toả giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa như mong đợi nhưng rõ ràng mọi câu chuyện đang có những chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung đã có sự gia tăng đáng kể. Chỉ tính riêng con số doanh nghiệp Việt Nam nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, đã tăng từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên 29 doanh nghiệp trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

Cùng với dự thảo 2 Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới có thể tin tưởng rằng, mọi sự chuyển biến đang tích cực hơn, và đây là một quá trình và không thể nóng vội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top