1. Lễ hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội)
Lễ hội chùa Hương thường diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Hội chùa Hương là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất trong năm trên khắp cả nước, lễ hội thu hút một lượng lớn khách thập phương đến từ mọi miền.
Đến với lễ hội chùa Hương, du khách không chỉ được tham gia vào một lễ hội có quy mô lớn, được ngắm cảnh sắc thiên nhiên mà còn được hành hương về cõi Phật để cầu chúc bình an, may mắn cho một năm mới.
2. Lễ hội khai ấn đền Trần (Lộc Vượng, TP. Nam Định)
Lễ khai ấn đền Trần Nam Định diễn ra từ ngày 13 đến ngày rằm tháng giêng hàng năm. Dù ở miền Bắc có nhiều đền Trần cùng tổ chức khai ấn dịp đầu năm nhưng lễ khai ấn đền Trần Nam Định là lễ hội lớn nhất, nhằm tri ấn công đức các vị vua Trần.
Cứ đúng giờ Tý (giữa đêm) ngày 13 tháng giêng, lễ khai ấn được tiến hành, bắt đầu lễ hội đền Trần kéo dài trong 3 ngày. Ấn được phát tại 3 địa điểm là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và trong khu vực vườn cây đền Trần. Xin được Ấn đền Trần là một trong những "thủ tục" không thể thiếu mà ai đến với lễ hội này cũng muốn làm, để cầu mong một năm mới may mắn, sung túc, mạnh khỏe, mọi sự hanh thông.
3. Hội chợ Viềng (Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định)
Cũng là một lễ hội nổi tiếng của tỉnh Nam Định, hội chợ Viềng là một trong những lễ hội đặc biệt nhất miền Bắc. Chỉ diễn ra vỏn vẹn từ tối ngày mùng 7 đến rạng sáng mùng 8 tháng giêng, hội chợ Viềng thực chất là một phiên chợ với các mặt hàng như nông sản, nông cụ. Người đến hội chợ Viềng để mua những mặt hàng này như một quy tắc "mua may, bán rủi", mong một năm mùa màng bội thu, may mắn.
Hội chợ Viềng được tổ chức tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, Nam Định.
4. Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)
Quảng Ninh là vùng đất rất nhiều chùa chiền, trong đó ngôi chùa có lễ hội lớn nhất dịp đầu năm chính là chùa Yên Tử, ở xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí.
Hội Yên Tử khai hội vào ngày 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để du khách hành hương về cõi Phật, vừa thể hiện đức tin vừa cầu may mắn, tài lộc, sức khỏe. Cũng là dịp để du xuân, vãn cảnh.
Đến với lễ hội Yên Tử, du khách có thể đi bộ dọc núi Yên Tử nhưng cũng có thể đi cáp treo.
5. Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)
Lễ hội núi Bà Đen hay còn gọi là lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu cũng là một trong những lễ hội không thể bỏ qua dịp đầu xuân năm mới. Hội khai vào ngày mùng 4 tháng giêng hàng năm, là dịp để bà con khắp nơi tìm về để vui chơi, thăm quan, vãn cảnh, cầu Thánh Mẫu phù hộ bình yên, may mắn, tai qua nạn khỏi, cũng nhân dịp vãn cảnh Núi Bà.
6. Hội Lim (Bắc Ninh)
Hội Lim là lễ hội mùa xuân lớn nhất vùng kinh bắc. Hội Lim diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng hàng năm, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đến với hội Lim, du khách có thể trải nghiệm các trò chơi dân gian, các nghi lễ, tục hát thờ hậu, hát hội...
Ngoài ra, ở hội Lim, du khách có thể tham gia các trò chơi như đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, thi nấu cơm...
7. Hội chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một trong những công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với các bức tượng Phật khổng lồ, các điện đài đẹp mắt. Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Ở hội chùa Bái Đính có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, du khách có thể tham gia vào các đoàn rước kiệu, các buổi viết thư pháp...
Đến với hội chùa Bái Đính, nhiều người thường cầu mong bình an, yên ấm...
8. Lễ hội Bà Chúa Xứ
Lễ hội Bà Chúa Xứ, hay còn gọi là Lễ Vía Bà, được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội Bà Chúa Xứ là một lễ hội lớn của người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngày lễ chính của Hội Bà Chúa Xứ là ngày 25/4 âm lịch.
Hội Bà Chúa Xứ thu hút rất đông du khách tập trung về đây để cầu mong tài lộc, may mắn. Cũng là dịp để thưởng ngoạn, ngắm cảnh núi Sam. Ở lễ hội Bà Chúa Xứ (lễ hội Vía Bà) có các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật dân gian như múa chén, múa mâm thao, hát bội...