Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.
"Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Ở phần đối thoại, trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) về chính sách đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết liên quan đến vấn đề này, cần nhất quán chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan chia sẻ rằng, giá trị sản phẩm nông nghiệp có thể được nâng cao từ những thứ rất đơn giản. "Ví dụ cùng là cây đu đủ nhưng chúng ta để nó phát triển tự nhiên, nó chỉ là cây đu đủ bình thường, nhưng nếu biến nó thành cây bonsai thì giá trị kinh tế nâng lên rất nhiều lần. Đồng thời, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, chúng ta buộc phải học. Và không cần phải học đâu xa xôi. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như chính ngôi nhà, khu vườn, không gian xung quanh nơi mình sống", Bộ trưởng nói. Đồng thời cho rằng, đôi khi các giáo viên trong trường đào tạo lại không hiệu quả bằng chính những cán bộ, những người nông dân truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, do đó Bộ trưởng rất khuyến khích việc nông dân tự học và tự hỗ trợ, đào tạo, giúp đỡ nhau.
Trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) về vấn đề tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Quy hoạch là vấn đề căn cốt, liên quan trực tiếp tới sản xuất của doanh nghiệp, HTX, nông dân bởi đất đai là tư liệu quan trong nhất.
Thế chế tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, Luật Đất đai năm 2024 đã có những điểm mới quan trọng.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc tập trung đất nông nghiệp được thực hiện thông qua 3 phương thức:
Một là, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa.
Hai là, thuê quyền sử dụng đất.
Ba là, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Việc tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn vằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất. Luật cũng bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
"Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã giải quyết được các vướng mắc, tồn tại của luật cũ nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thi hành các chính sách về đất nông nghiệp tại Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, giúp các tổ chức cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, đây là những quy định mới, Luật cũng mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, có thể bà con chưa đủ thời gian để nghiên cứu tiếp nhận, vì vậy đề nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai 2024 để bà con nắm được và áp dụng các quy định của Luật cho việc tích tụ, tập trung đất đai đủ lớn phục vụ sản xuất", ông Đỗ Đức Duy nói.
9 vấn đề quan trọng để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thành tựu chung của cả nước, ngành nông nghiệp, phát triển nôn thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.
Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta không chỉ làm đủ ăn mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế.
Những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm.
"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỉ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân, người tiêu dùng ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Vấn đề thứ ba là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng - hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Vấn đề thứ năm là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.
"Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hòa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…", Thủ tướng lấy ví dụ.
Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã… "Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.
Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.
Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi . "Vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ khác, sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, phải quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Vấn đề thứ chín, hệ thống chính trị cơ sơ phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.
Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Theo đó, xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng hạ tầng chiến lược (về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao…) để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân, và tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất - đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới./.