A Magical Journey – Một hành trình nhiệm màu

A Magical Journey – Một hành trình nhiệm màu

Hà Thư
Hà Thư hathu132@gmail.com
Thứ Tư, 26/05/2021 - 06:00

PNJ

Một ngày Hà Nội đầy nắng và gió, tôi tìm đọc lại cuốn sách kinh điển “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho. Hành trình đi tìm kho báu của chàng trai chăn cừu Santiago một lần nữa mang lại rất nhiều cảm xúc cho tôi. Cuộc phiêu lưu dũng cảm và ly kỳ đã bắt đầu từ quyết định táo bạo khi anh khước từ mong muốn của gia đình là trở thành linh mục, để theo đuổi đam mê “được đi đó đây”. Lội ngược dòng với định mệnh tưởng chừng đã áp định sẵn lên cuộc đời, Santiago lên đường với lời chỉ dẫn từ trái tim, trải qua rất nhiều giống tố, thăng trầm, để rồi tìm thấy tình yêu, tìm thấy kho báu đích thực của đời mình. Hành trình ấy đầy khát vọng, đầy hoài bão, đầy táo bạo, chẳng điều gì cản nổi bước chân anh..., đã truyền cảm hứng cho biết bao người suốt bao thế hệ tìm và tin vào giá trị của bản thân.

Hóa ra, kho báu chẳng ở đâu xa, lại nằm ở chính bên trong chúng ta. Mà chìa khóa để mở cánh cửa ấy, không gì khác chính là niềm tin.

Bất giác tôi chợt nghĩ, niềm tin quả là một thứ vừa lý thú, lại vừa kỳ lạ –  Vô hình nhưng lại có sức mạnh làm nên những thứ hữu hình, đầy vi diệu. Nó có thể đưa ta chạm chân đến những vùng đất lấp lánh kim cương, hoặc ngược lại, bước xuống tận cùng địa ngục.

... 

Một cách tình cờ, đây lại là chủ đề xuyên suốt cuộc chuyện trò của tôi với ông Đinh Nho Bảng, người được mệnh danh là “cây đại thụ” tâm huyết với ngành kim hoàn nước nhà. Trước khi trở về đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, ông là Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong những ngày Thủ đô lặng lẽ, trầm buồn với nhịp sống thời Covid, ông chia sẻ với tôi về những thứ lấp lánh theo nghĩa đen – vàng, bạc, đá quý,… xoay quanh hành trình mà “người đàn bà thép” Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận – Tập đoàn PNJ đã đi qua, để đưa thương hiệu này vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn ra thế giới như ngày hôm nay. Hành trình đó, thật đồng điệu với chặng đường mà chàng trai Santiago đã đi – Sống mãi theo thời gian và truyền cảm hứng cho thật nhiều người - Hành trình của những điều kỳ diệu – A Magical Journey! 

PNJ

- “Khi nhìn lại bước đường ba mươi năm qua, chúng tôi đã tự hỏi tại sao và điều gì đã giúp PNJ tồn tại, phát triển bền vững và có được vị thế như ngày hôm nay? Chúng tôi đã nhận ra một giá trị cốt lõi vô cùng quý giá và có thể nói là bất biến, đó chính là ‘niềm tin’. Niềm tin đã giúp chúng tôi vượt qua bao khó khăn, thách thức để xây dựng một mái nhà chung PNJ ngày càng cao và vững chắc”. Chị Cao Thị Ngọc Dung đã từng chia sẻ như vậy trong dịp Kỷ niệm 30 năm thương hiệu PNJ ra đời, ông nghĩ sao về hai chữ “niềm tin” này?

Ông Đinh Nho Bảng: Nếu không có niềm tin, thì chắc hẳn không có một PNJ như ngày hôm nay mà chúng ta nhìn thấy. Từ một cửa hàng nhỏ cấp quận, cơ sở ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM, không ai có thể nghĩ rằng, sau hơn 30 năm, PNJ vươn lên trở thành thương hiệu trang sức TOP 1 châu Á. Tôi rất ấn tượng khi trong đêm trao giải JNA Award 2020 được tổ chức tại Hong Kong vào tháng 10/2020, đơn vị này đã xuất sắc vượt qua tất cả các doanh nghiệp trang sức, kim hoàn hàng đầu châu lục để được tôn vinh ở vị trí quán quân, trở thành Doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á – Thái Bình Dương – Outstanding Enterprise of the Year APAC.

Ông đinh nho bảng

JNA Awards là một trong những giải thưởng uy tín nhất thế giới về ngành trang sức nhằm ghi nhận sự đổi mới của ngành công nghiệp kim hoàn, tôn vinh những doanh nghiệp đã đóng góp vào sự tiến bộ của ngành này tại châu Á. Giải thưởng này được mô tả như là “giải Oscar” của ngành kim hoàn, chứng thực cho sự thành công của các đơn vị với tư cách là nhà sản xuất, cung cấp đồ trang sức tốt nhất được làm từ vật liệu chất lượng cao kết hợp với tay nghề thủ công tinh tế và công nghệ hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, PNJ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được trao giải thưởng danh giá này. Trong giải thưởng đó, họ còn được vinh danh thêm tại 2 hạng mục quan trọng là Doanh nghiệp có sáng kiến bền vững của năm và Nhà sản xuất xuất sắc của năm.

Ngược trở lại quá khứ, kể từ Hiến pháp năm 1992 cho phép tự do kinh doanh, phát triển kinh tế nhiều thành phần, dấu mốc này đã mở ra những cơ hội mới cho các doanh nhân nói chung và doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc nói riêng ở Việt Nam thời bấy giờ.

Sau từng ấy năm, đối diện với rất nhiều thách thức, khó khăn, giờ những cái tên thực sự nổi bật, khẳng định được vị thế của mình trong thị trường trang sức mỹ nghệ, kim hoàn đến giờ quả là không nhiều. Nhất là với PNJ, xuất thân từ một đơn vị của Nhà nước, chị Cao Thị Ngọc Dung quả cảm bước ra cổ phần hóa để vươn lên như ngày hôm nay, thì đó là một hành trình dũng cảm mà nhiều doanh nghiệp không dám làm.

PNJ đạt quán quân JNA- Được nảy nở trong cùng một điều kiện mà chỉ có số ít doanh nghiệp kim hoàn thời bấy giờ thực sự bứt phá lớn mạnh như PNJ. Điều gì đã làm nên khác biệt này, thưa ông?

Ông Đinh Nho Bảng: Ở giai đoạn thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, vàng miếng là dòng sản phẩm được đa số người dân Việt Nam lựa chọn, xuất phát từ thói quen tích lũy của dân ta từ ngàn đời. Vì thế mà hầu như tất cả các doanh nghiệp lúc bấy giờ đều đổ xô đi sản xuất vàng miếng. Trong dòng chảy đó, năm 1988, khi chị Dung đảm nhận vị trí Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ đã chọn cách đi “ngược dòng”, định hướng phát triển doanh nghiệp theo con đường sản xuất vàng trang sức.

Chị xác định đây là tầm nhìn cốt lõi, hướng đi rõ ràng và kiên định từ đó đến nay. Vì vậy, mặc dầu trong những lúc khó khăn, khi vàng miếng lên ngôi, vàng trang sức rất bị coi nhẹ thì PNJ vẫn xem mục tiêu sản xuất dòng trang sức mỹ nghệ là hàng đầu và là chiến lược lâu dài. Về sau này, đó là xu hướng tất yếu của thời đại và của thế giới. Khi doanh nghiệp đã có kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm trang sức lâu năm thì đương nhiên trở thành lợi thế nổi trội.

- Quyết định chiến lược ấy của chị Cao Thị Ngọc Dung, đặt trong bối cảnh đó, không chỉ là cách đi “ngược dòng” như ông nói, mà dường như còn là một sự liều lĩnh?!

Ông Đinh Nho Bảng: Hơn cả sự liều lĩnh! Quyết định ấy khi đó với thị trường Việt Nam quả thực mạo hiểm và tôi tin chắc rằng, nhiều người sẽ nhìn nhận đó là hướng đi không phù hợp, nhiều rủi ro lúc bấy giờ. Vì tất cả các ngân hàng thương mại rồi doanh nghiệp lớn nhỏ chỉ làm vàng miếng, mua bán vàng miếng, xuất khẩu vàng miếng. Mà lãi cũng ở chỗ đó. Nhưng tôi tin, chị Dung có sự nhạy cảm nhất định của một nữ doanh nhân lớn. Và niềm tin ấy đã đưa chị cùng PNJ có được ngày hôm nay.

Minh chứng cho sự nhạy cảm và tinh tường ấy được thể hiện qua một hành trình không hề ngắn. Đến tận những năm 2005 – 2011, cơn “sốt” đầu cơ vàng giúp cho tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều ăn lên làm ra. Đầu năm 2011, tiêu thụ trang sức trong nước vẫn tiếp tục suy giảm, trong khi vàng miếng tăng trưởng khoảng 30% so với 2010 – đạt con số kỷ lục hơn 90 tấn. Trong hoàn cảnh đó, với nhiều doanh nghiệp, chắc chắn họ không chọn con đường của PNJ. Họ phải đổi hướng ngay chứ, thậm chí là đổi hướng từ sớm để quay sang kinh doanh vàng miếng. Nhưng PNJ vẫn kiên nhẫn “ngược dòng” theo đuổi con đường riêng với một quyết định ngoan cường pha chút liều lĩnh tiếp theo mà giờ nhìn lại, rất nhiều người phải nể phục chị Dung, bởi đó chính là bước ngoặt của Tập đoàn: Đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng xí nghiệp trang sức hàng đầu Việt Nam.

Bà Cao thị ngọc dung pnj

Cuối năm 2011, đứng trước lo ngại về một thị trường vàng bị đầu cơ đẩy giá quá mức, thiếu sự quản lý và cũng thiếu cả sự minh bạch, Nhà nước đã tuyên bố độc quyền vàng miếng để ổn định thị trường vàng.

Giá vàng sau đó bước vào chuỗi sụt giảm kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào mảng kinh doanh này chao đảo. Năm 2012, Nghị định 24 của Chính phủ ra đời. Đây là bước ngoặt quan trọng và đúng đắn định hướng cho thị trường vàng phát triển. Điểm nổi bật là siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng và khuyến khích phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều đơn vị nhỏ lẻ không kịp thích ứng phải tạm ngừng hoạt động.

Một cuộc thanh lọc ngành kim hoàn diễn ra đã sàng lọc những doanh nghiệp không có năng lực sản xuất và trả vàng miếng về với vị trí là sản phẩm tích trữ.

Đây là một xu thế tất yếu và hợp thời đại. Bởi với các quốc gia trên thế giới, thị trường vàng quốc tế chủ yếu là vàng trang sức, xuất nhập khẩu cũng chủ yếu là vàng trang sức. Còn vàng miếng chỉ là nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và vàng dự trữ của các quốc gia.

Khi các doanh nghiệp khác còn đang lúng túng trước sự thay đổi của ngành, của cơ chế chính sách, một số doanh nghiệp mới bắt đầu quay lại đẩy mạnh mảng chế tác trang sức, thì lúc này PNJ đã sở hữu một xí nghiệp sản xuất nữ trang lớn nhất Việt Nam, sử dụng công nghệ hiện đại từ châu Âu và đội ngũ thợ kim hoàn lành nghề và với bộ máy quản lý hiệu quả.

Đây đều là những gì PNJ đã tích lũy từ nhiều năm trước mà sau này nhiều đối thủ rất khó khăn để đuổi kịp. Với việc liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ, từ đó đến nay PNJ đã tăng trưởng thị phần không ngừng, doanh thu trang sức tăng trưởng trung bình 18 – 20%/năm.

Những gì PNJ đã tích lũy từ nhiều năm trước mà sau này nhiều đối thủ rất khó khăn để đuổi kịp

Đây có lẽ là một bước đi mang tầm vóc thời đại của PNJ. Và sự thật là, PNJ đã vượt qua được sự bủa vây của hàng ngàn khó khăn, nhất là vượt qua được chính mình rồi định kiến xã hội, vượt qua được xu hướng chung của xã hội Việt Nam ngày đó, vượt qua cả những rào cản về tư duy, cốt lõi là tư duy kinh tế, để quyết tâm “lội ngược dòng”. Lúc ấy chị Dung có gì? Với số vốn khởi điểm chỉ 14 triệu đồng và 20 con người, thì chính niềm tin khiêm tốn ban đầu mà chị đặt vào canh bạc đó quả thực đã giúp chị chiến thắng.

PNJ

- Ông có phải là người tin vào hai chữ “may mắn” không? Hành trình này của PNJ liệu có phải là may mắn?

Ông Đinh Nho Bảng cười hiền từ: Với tôi, may mắn xuất phát từ chữ “nhân”. Bạn nghĩ sao khi giữa một biển lớn thị trường vàng Việt Nam lúc đó, trong tay chị Cao Thị Ngọc Dung vừa không có “thiên thời” (thị trường vàng Việt Nam những thập niên 80 – 90 còn rất hỗn độn, chưa có một hướng đi bền vững, nhiều rủi ro, chủ yếu chạy theo thói quen tích lũy...), không có cả “địa lợi” (các doanh nghiệp đổ xô đi kinh doanh vàng miếng, không có ai đứng trên cùng một chiến tuyến với PNJ lúc đó), thế thì chỉ còn chữ “nhân hòa”.

Nhưng điều thú vị ở đây là chị Dung đã tìm kiếm hai chữ “nhân hòa” này ở nước ngoài. Đó là sự thông minh, sắc sảo mà tôi đánh giá cao ở người phụ nữ đi trước thời đại này.

- Nghe có vẻ phi lý. Vì lúc bấy giờ hội nhập và mở cửa chưa sâu rộng, mấy ai lại nghĩ đến việc “mượn sức” người nước ngoài?

Ông Đinh Nho Bảng: Trong câu chuyện này, tôi muốn nhắc đến một nhân vật là ông Albert Cheng – Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Vàng Thế giới. Ngay từ những ngày đầu dẫn dắt PNJ, chị Dung đã chủ động có những kết nối, liên hệ thân cận với Hội đồng Vàng thế giới. Vị Tổng Giám đốc khu vực Châu Á được xem là người có công rất lớn với PNJ khi trợ giúp và định hướng Tập đoàn phát triển theo con đường trang sức mỹ nghệ. Nhờ vậy, việc tiếp cận thị trường vàng trang sức khu vực và thế giới, khảo sát kinh nghiệm, đào tạo chuyên gia cũng trở nên thuận lợi hơn.

Nhưng trên hết là, sự đồng hành đó đã giúp cho PNJ có hướng đi đáng tin và là nền tảng giúp chị Dung tin vào chiến lược, tin ở khả năng của mình. Như tôi đã nói, ngày ấy, một mình PNJ tách ra làm vàng trang sức mỹ nghệ – đó là một hành trình cô đơn nhưng không hề đơn độc. Làm gì cũng vậy, muốn đi xa phải đi cùng nhau, phải có bạn đồng hành, phải có người dẫn dắt và chia sẻ. Đôi khi, niềm tin mà ta nhận được từ ai đó còn giá trị hơn rất nhiều so với vật chất. Niềm tin của Hội đồng Vàng thế giới, niềm tin vào ông Albert Cheng đã mở ra một con đường hoàng kim cho PNJ.

PNJ hành trình màu nhiệm

Có một câu chuyện mà chúng tôi từng được nghe chị Dung chia sẻ, rất xúc động: Trong 3 năm đầu tiên xây dựng hệ thống, PNJ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thông tin, công nghệ, con người, ý kiến nội bộ lại không phải khi nào cũng có sự đồng lòng. Trong khoảnh khắc, trên một chiếc cầu vượt ở Hong Kong, ông Albert Cheng đã nói với chị Dung rằng: “Bà đã đi đúng hướng rồi đấy. Những nơi tôi dẫn bà tham quan như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… họ đã đi trước Việt Nam 20 năm rồi. Bà mới bước đi thôi, đừng có nản!”. Câu chuyện nhỏ trên để minh chứng rằng, niềm tin mà ta được trao cho, có sức mạnh lớn vô cùng.

Với câu nói đó, chị Dung tin là mình làm được. Và ông Albert Cheng đã đồng hành với PNJ cả về tinh thần lẫn tri thức, thậm chí có tài trợ ban đầu về marketing để PNJ tự tin đưa những sản phẩm kim hoàn rất tinh xảo của Việt Nam ra thị trường trong nước và thế giới.

Hội đồng Vàng thế giới cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều. Ngay đầu năm 2020, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Hiệp hội Vàng Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Vàng Singapore và Hội đồng Vàng thế giới đã phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Hiệp hội Vàng ASEAN nhưng vì đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Chúng tôi rất lấy làm tiếc... Vì đây là một cơ hội tốt để quảng bá thị trường và tiềm năng ngành kim hoàn của nước ta. Những năm trước đây, chúng tôi được tham quan nhiều hội chợ lớn ở Hồng Kông, Dubai, Ý, đi khắp nơi để kết bạn hàng, tranh thủ cập nhật công nghệ, mẫu mã và thị trường. Có thể thấy đó là điều cực kỳ quan trọng.

Một trong những thành công của PNJ là mở rộng quan hệ quốc tế để hoạch định chiến lược bài bản mà chiến lược này ngay từ đầu đã giúp PNJ nhìn nhận được thị trường nước ngoài, bắt kịp công nghệ, kinh nghiệm với các nước bạn. Đây là một tư duy thực sự nhanh nhạy và thôi thúc cả ngành kim hoàn của Việt Nam cùng tham gia vào cuộc chơi này.

Kinh doanh vàng trang sức là mục tiêu chủ đạo, chiến lược lâu dài. Cho đến bây giờ phải nói là sản phẩm của PNJ không cần bình luận nữa vì đã được thế giới công nhận và Hội đồng Vàng thế giới cũng đánh giá rất cao. Thương hiệu “CAO” của PNJ đang ngày càng bay cao, bay xa trên thị trường trong nước và khu vực. Thật đáng tự hào cho sản phẩm của Việt Nam.

Chiến lược của chị Cao Thị Ngọc Dung kéo dài hơn 30 năm, giờ đã có kết quả rõ ràng. Kinh doanh vàng mà được giải thưởng danh giá trên thế giới, được khách hàng quốc tế đánh giá cao, không phải ai cũng làm được điều đó.

- Khoảng thời gian hơn 30 năm quả là một hành trình không hề ngắn cho một sự kiên trì lội ngược dòng... Trên hành trình đó, đã bao giờ ông thấy một Cao Thị Ngọc Dung bị lung lay ý chí?

Ông Đinh Nho Bảng: Tôi cảm nhận được sự kiên trì đáng kinh ngạc của người phụ nữ này. Tôi nghĩ rằng chiến lược phát triển và thích ứng với chính sách, với thị trường của PNJ rất thành công. Chuyển hướng sang sản xuất vàng trang sức là một thay đổi lớn phù hợp với cả chiến lược lâu dài của Chính phủ, cụ thể ở đây phải nhắc đến dấu mốc thay đổi thị trường vàng là Nghị định 24CP của Chính phủ.

Tập quán của dân Việt Nam luôn tích trữ vàng, trong Nam hay ngoài Bắc đều vậy. Không phải một sớm một chiều mà thay đổi được thói quen của người dân. Cho nên, việc chuyển hướng từ sản xuất vàng miếng sang vàng trang sức mỹ nghệ theo Nghị định 24 phải là cả một quá trình. Cho đến nay, sau gần 10 năm ban hành, Nghị định 24 đã phát huy tác dụng và vì thế mà thị trường vàng khá ổn định. Đó là đường hướng rất đúng đắn của Chính phủ, làm thay đổi cả một thị trường. Từ chỗ đa số doanh nghiệp lao vào sản xuất vàng miếng thì sau Nghị định 24, vàng miếng được quản lý chặt chẽ hơn và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

pnj

Như vậy, sự hội nhập quốc tế trong hướng đi của PNJ rất rõ ràng, từ rất sớm đã nắm bắt được ngay xu hướng thế giới để phát triển. Nghị định 24 mới ra đời được 10 năm thôi nhưng PNJ đã đi trên hành trình này được hơn 30 năm rồi. Thử hỏi mấy ai trong ngành kim hoàn Việt Nam có được tầm nhìn xa như vậy?

Qua đó có thể thấy, chính sách và luật pháp rất quan trọng. Chính sách và luật pháp có ổn định, có đổi mới phù hợp thì mới là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển. Làm gì thì làm, doanh nghiệp phải hoạt động trong hành lang pháp lý. Đó là nguyên tắc, có vậy mới vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo ra động lực phát triển. Trong những năm gần đây, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những thay đổi về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ hội phát triển. Tuy nhiên, dường như chính sách vẫn bị chậm một nhịp so với sự năng động và thích ứng nhanh của doanh nghiệp. Điều đó đã tạo ra những khó khăn cho cả thị trường.

- Ông nhắc đến thách thức và khó khăn mà các doanh nghiệp vàng đang phải đối mặt, điều đó cụ thể là những gì, thưa ông?

Ông Đinh Nho Bảng: Nguồn nguyên liệu khan hiếm là một trong những trăn trở của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc hiện nay. Bên cạnh đó, việc định nghĩa và làm rõ pháp lý liên quan đến vàng tiền tệ và vàng hàng hóa cũng đang là điều cần phân định rõ. Câu chuyện đưa vàng trang sức mỹ nghệ thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư là chưa hợp lý, điều này được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì thực chất việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ là sản xuất kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thông thường.

Đây là vấn đề mà tôi hy vọng sắp tới trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ sẽ xem xét một cách kỹ càng hơn. Khi pháp luật xác định sản xuất vàng trang sức là sản xuất hàng tiêu dùng thì chúng ta mới khuyến khích, mở rộng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ.

Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước có đổi mới rất nhiều về thủ tục, thể hiện sự quan tâm với các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho nên đã tháo gỡ được nhiều khó khăn. Ví dụ, trong Nghị định 24, quy định muốn sản xuất vàng trang sức thì phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được làm. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ điều này và để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Hay như việc cấp giấy phép con để mở thêm các cửa hàng kinh doanh mua bán vàng miếng, thực chất là giấy phép con bây giờ cũng đã được dỡ bỏ.

Nghị định 24 mới ra đời được 10 năm thôi nhưng PNJ đã đi trên hành trình này được hơn 30 năm rồi. Thử hỏi mấy ai trong ngành kim hoàn Việt Nam có được tầm nhìn xa như vậy?

Quan trọng nhất là cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cần được nối lại vì luật không cấm, nghị định không cấm, mà đó là yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, muốn sản xuất thì cần có nguyên liệu. Nhất là khi giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm trên 8 triệu đồng/lượng.

Tất nhiên ta phải nhìn nhận, chính sách nào thường cũng có mặt trái của nó. Nhưng vấn đề là cần nhận ra mặt trái đó là gì, có kiểm soát được hay không, có giám sát theo dõi và hạn chế được không. Mục tiêu cuối cùng là phải hạn chế được tiêu cực. Khi hoạch định chính sách, phải nhìn được cả hai mặt như vậy. Cái được lớn hơn thì cần làm. Còn những mặt trái phải biết được để theo dõi và quản lý, để hạn chế những tiêu cực với thị trường. Đó là điều quan trọng mà chúng ta cần nhìn ra để khơi thông thị trường, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Trong những bối cảnh còn ít nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh vàng của Việt Nam như PNJ vẫn hợp tác, ký kết được nhiều đơn hàng quốc tế, thì đó là sự nỗ lực lớn của họ. Cần được ghi nhận và đánh giá cao.

Cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu tôi nghĩ là điều tốt. Một mặt quản lý, loại trừ vàng nhập lậu, mặt khác doanh nghiệp minh bạch công khai trong sản xuất, chứng từ, hạch toán, và người dân không phải mua hàng trang sức với giá cao hơn giá quốc tế, nên người dân được hưởng lợi, Nhà nước thu tăng thuế.

- Qua những chia sẻ của ông, tôi còn nhận ra rằng, một trong những điều then chốt giúp các doanh nghiệp kim hoàn nói chung và PNJ nói riêng có được thành công chính là sự liên kết cộng đồng?

Ông Đinh Nho Bảng: Đó là yếu tố quan trọng. Như với PNJ, ở phương diện đối ngoại là sự tư vấn, hỗ trợ của Hội đồng vàng Thế giới; đối nội là sự hợp tác liên kết với các bạn hàng trong nước và Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam. Hiệp hội là đại diện cho tất cả các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh vàng, và PNJ là thành viên tiêu biểu. Sự đóng góp của PNJ đối với sự phát triển của Hiệp hội rất đáng được ghi nhận.

Đó cũng là giá trị tạo nên thành công cho PNJ. Sự hỗ trợ tích cực, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của Hiệp hội Vàng Việt Nam và các hội viên của Hiệp hội đối với PNJ, là điều hết sức quan trọng vì trong kinh doanh, không thể nào đứng một mình một chợ.

Sự hội nhập quốc tế trong hướng đi của PNJ rất rõ ràng, từ rất sớm đã nắm bắt được ngay xu hướng thế giới để phát triển

 
pnj

- Tôi từng rất tò mò và ấn tượng với chia sẻ này của chị Dung, rằng chị không coi cuộc đời có điều gì là vĩnh viễn, quá quan trọng. Tuy không theo thuyết nhà Phật hay thiền phái, nhưng chị Dung nhìn mọi vật vô vi. Nhiều người hỏi tại sao trong thời buổi dịch dã, chị vẫn có thể ung dung, điềm tĩnh đến thế?

Ông Đinh Nho Bảng gật gù, mỉm cười rồi chia sẻ: Trước khi cùng bạn bàn luận về điều này, chúng ta cũng nhau chiêm nghiệm những con số mà tôi cho là ấn tượng. Năm 2020, PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất hơn 14.000 tỷ đồng, lãi sau thuế đâu đó cũng hơn 800 tỷ đồng. Kết quả, họ đều vượt các chỉ tiêu trên từ 20 – 30%. Cũng trong Đại hội cổ đông thường niên 2021 vừa tổ chức, Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông – người đóng góp công sức để nâng tầm của PNJ đã chia sẻ rằng, doanh thu quý I của Tập đoàn tăng trên 40% so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu trong một quý cao nhất trong lịch sử của PNJ. Lợi nhuận sau thuế ước tính cũng đạt hơn 500 tỷ đồng. Nếu so với quý I/2019 là thời điểm trước đại dịch Covid-19 thì doanh số PNJ tăng khoảng 30%. Những con số biết nói và quả thực phần nào cũng khiến chúng ta phấn khích phải không nào?

Tôi nghĩ, PNJ có thể vượt qua nhiều giông tố, vượt bão Covid-19 đầy hiên ngang như vậy là một phần từ tinh thần tĩnh tại của người “đàn bà thép” Cao Thị Ngọc Dung.

Trong kinh doanh, hơn nhau ở chiến lược. Nhưng còn có một điều quan trọng nữa đó là sự ổn định tổ chức. Chị Dung duy trì cương vị đứng đầu từ khi được chọn phụ trách PNJ cho đến bây giờ vẫn là Chủ tịch. Trong kinh doanh vàng, sự ổn định tổ chức là điều quan trọng. Họ không lo sợ tư duy nhiệm kỳ, họ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong bước đi và chiến lược của mình nên ắt có hiệu quả rõ rệt, khác với một số doanh nghiệp Nhà nước.

Những kết quả mà PNJ đạt được đầy ấn tượng trong năm qua chính là một sự khẳng định cho rất nhiều niềm tin.

Tập đoàn PNJ

- Niềm tin cho khách hàng và niềm tin cho chính những người lao động – mỗi con người tại PNJ, phải vậy không thưa ông?

Ông Đinh Nho Bảng: PNJ hiện tại có hơn 6.000 lao động chứ không hề ít. Họ mạnh dạn bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư, tuyển hàng ngàn lao động để sản xuất. Vấn đề nằm ở chỗ, đầu tư thì tạo ra sản phẩm cho doanh nghiệp, cho đất nước, cho thị trường. Nhưng quan trọng không kém là đời sống dân sinh ở phía sau đó – con cái, bố mẹ người lao động, gia đình của họ... cái mà mới thoạt nhìn chưa thấy hết.

Thợ chế tác ở PNJ toàn người tay nghề cao. Nghề trang sức không phải ai cũng làm được. Không phải cứ đào tạo nhiều là có một người thợ giỏi. Kim hoàn tinh xảo đòi hỏi tay nghề, tư duy thẩm mỹ và tính cá thể trong đó. Người ta cần những nghệ nhân có “bàn tay vàng” là như vậy. Điều đó rất đáng trân trọng trong ngành kim hoàn. Tôi nghĩ PNJ đã có những chiến lược quản lý nội bộ, thu hút, giữ chân nghệ nhân, thợ giỏi tốt. Vì sản phẩm trang sức khác rất nhiều so với hàng hóa tiêu dùng khác, vai trò của nghệ nhân làm nên thương hiệu của doanh nghiệp.

Nói như vậy là bởi việc chọn và đào tạo thợ, nghệ nhân rất cẩn trọng, nó gắn với trách nhiệm của Tập đoàn. Nếu không có những bàn tay “vàng” của nghệ nhân thì không thể có sản phẩm đẹp. Đẹp ở đây còn phải đi đôi với chắc chắn. Chứ không phải đeo một hai bữa đá quý kim cương rơi rụng cả thì đâu có được. Có khi những thứ gắn trên đồ trang sức còn đắt hơn vàng nhiều lần nên nghệ nhân phải chịu trách nhiệm lớn là vậy – uy tín của doanh nghiệp là ở đây.

Trang sức không phải là một sản phẩm công nghiệp. Máy móc chỉ làm những thứ cơ bản, những “phôi” ban đầu, còn tỉ mỉ từng chi tiết để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, tinh xảo thì không thể thay thế được bàn tay nghệ nhân. Cũng phải kể đến cả những nghệ nhân trong khâu thiết kế. Thiết kế cũng là những người được học bài bản nhưng phải qua kinh nghiệm của nghệ nhân mới biết được. Nuôi dưỡng nghệ nhân cũng là một chiến lược của PNJ.

Dây chuyền PNJ
Nghệ nhân PNJ
Thợ thủ công pnj
Nhà máy pnj
Nhà máy pnj

Làm nghề kim hoàn, mọi thứ được móc nối bởi niềm tin – niềm tin của tổ chức dành cho người lao động và ngược lại, cốt sao để đạt được giá trị cao nhất là niềm tin của khách hàng. Nuôi dưỡng nghệ nhân cũng là một chiến lược của PNJ.

PNJ có chiến lược nhân sự rất rõ ràng, từ người bán hàng cho đến tất cả 6.000 cán bộ, nhân viên. PNJ đề ra tiêu chuẩn rất cao, nhưng đồng thời lại có chế độ đãi ngộ xứng đáng. PNJ không tuyển người dễ dãi, mà ngược lại rất khắt khe, kỳ công và chặt chẽ, đào tạo công phu trước khi sử dụng. Mỗi bước phải trải qua từng giai đoạn, với những yêu cầu riêng. Mặc dù đã thông qua tuyển chọn rồi nhưng về vẫn phải đào tạo lại để thích ứng từng vị trí, theo từng thời gian nhất định. Có thể làm ở vị trí A trong vài tháng rồi lại chuyển sang vị trí B, để cuối cùng đạt được kết quả, mục tiêu là sự thấu hiểu và sống cùng Tập đoàn.

Thuyên chuyển nhiều bộ phận là chuyện bình thường tại đây. Làm cho nhân sự hiểu biết và có kinh nghiệm hơn. Sự am hiểu nhờ trải nghiệm qua các vị trí đó mới là thứ cốt lõi lấy được lòng tin của khách hàng. Không kỹ lưỡng như vậy là mất uy tín ngay và làm sao xây dựng được thương hiệu.

Trong sản xuất cũng vậy, mặc dù anh có bằng cấp gì đi chăng nữa thì cũng phải qua quá trình đào tạo bài bản. Như viên đá quý, mài quá tay là hỏng. Nên ngành kim hoàn có những nét đặc thù không giống như những ngành khác. Vì vậy, việc sử dụng con người được xem là tôn chỉ hàng đầu, rất nghiêm khắc và khốc liệt tại PNJ.

Sử dụng con người với các doanh nghiệp kinh doanh vàng rất khắt khe. Nên PNJ có một chiến lược sử dụng con người rất tốt và bài bản. Đối với những thứ cốt lõi đòi hỏi nghệ nhân cao tay, sự tin tưởng lớn thì không thể không khắt khe được. Ấy là bí quyết để thành công. “Chọn mặt gửi vàng” thực sự là như vậy. Tương tự như thế, với những người có trách nhiệm, họ được tưởng thưởng tương xứng.

Từ những móc xích đó để thấy rằng, làm nghề kim hoàn, mọi thứ được móc nối bởi niềm tin – niềm tin của tổ chức dành cho người lao động và ngược lại, cốt sao để đạt được giá trị cao nhất là niềm tin của khách hàng. Hành trình, bước đi của chị Cao Thị Ngọc Dung hơn 30 năm nay, giờ đã có kết quả rõ rệt. Giả sử ngày đó chị không lựa chọn con đường trang sức này thì ắt hẳn giờ cái tên PNJ không chiếm lĩnh vị trí tốp đầu trên thị trường. “Cứ đi rồi sẽ đến” như ý chị Dung chia sẻ, tôi nghĩ được minh chứng qua hành trình dám nghĩ, dám làm vì niềm tin và thương hiệu.

CEO Cao Thị Ngọc Dung
CEO Cao Thị Ngọc Dung
CEO Cao Thị Ngọc Dung

Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung và những giây phút thân tình bên cán bộ nhân viên

- Tôi cảm nhận ông tâm đắc nhiều về câu chuyện tính cá thể hóa của doanh nghiệp kim hoàn. Ngoài yếu tố con người, điều đó còn thể hiện ở những khía cạnh nào?

Ông Đinh Nho Bảng: Mẫu mã, cập nhật công nghệ là điều tôi muốn nhắc đến ở đây trong câu chuyện về tính cá thể hóa và văn hóa độc đáo của một doanh nghiệp kim hoàn. Khác với những dây chuyền sản xuất công nghiệp khác, dây chuyền chế tác vàng bạc rất nhiều nhưng phải chọn lựa cực kỳ kỹ. Máy này chỉ làm được cái mắt xích theo kiểu này thôi, máy khác chỉ làm được mẫu dây đeo kiểu kia... Vì vậy mà nó đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tường trong lựa chọn của doanh nghiệp và là một vòng cập nhật rất nhanh.

Thị trường, thị hiếu thay đổi thì công nghệ, mẫu mã phải thay đổi theo, thậm chí là định hình, dẫn dắt thị hiếu. Mẫu mã trang sức mỹ nghệ luôn thay đổi theo xu hướng thị trường thế giới mà.

Thiết kế mẫu mã là cốt lõi thành công của trang sức, sản xuất hay công nghệ là một chuyện, nhưng mẫu mã mới là điều quan trọng. Mà cạnh tranh với thế giới thì không phải đơn giản. Trong khâu này lại phải một lần nữa nhắc đến công lao rất lớn của những nghệ nhân, từ kỹ sư thiết kế đến nghệ nhân chế tác. Đó là tập hợp của một dây chuyền đoàn kết hướng tới mục tiêu là đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của khách hàng của thị trường.

 
pnj

Mẫu mã và công nghệ với PNJ đều là những bước đi chiến lược, mạnh dạn, dẫn đầu và thành công như hôm nay.

Chị Dung và PNJ đã quan tâm ngay từ đầu đến những việc như vậy. Khi đã tham gia vào thị trường trang sức thì hơn nhau ở chỗ mẫu mã. Đối với thị trường quốc tế cũng vậy. Nhưng đây là một chiến lược, khi người ta chọn sản xuất vàng trang sức là mục tiêu chính, chiến lược lâu dài và theo đuổi mục tiêu thì để thành công phải rất quan tâm đến thiết kế mẫu mã và đầu tư công nghệ. Cả 2 khâu này, với PNJ đều là những bước đi chiến lược, mạnh dạn, dẫn đầu và thành công như hôm nay.

Nói đến đây, ông Bảng bày tỏ nhiều nuối tiếc vì đại dịch Covid-19 không thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch các Hiệp hội vàng khi Việt Nam làm chủ nhà ASEAN vào năm ngoái, “để người ta tận mắt nhìn thấy sự thay đổi, sự chuyển mình của thị trường vàng trang sức của Việt Nam tiềm năng như thế nào, để tạo cơ hội mở rộng quan hệ phát triển. Tất cả các nước, kể cả trong ASEAN của mình, bây giờ người ta chỉ giao thương vàng trang sức, mỹ nghệ là chủ yếu, xuất nhập khẩu cũng vậy. Hàng trang sức mỹ nghệ để làm đẹp cho con người và thực ra nó là hàng tiêu dùng thiết yếu.

Những gì chúng ta có hôm nay chính là minh chứng cho bước đi rất thận trọng nhưng cũng đầy nỗ lực, táo bạo và quyết đoán của các doanh nghiệp kim hoàn như PNJ. Đây là doanh nghiệp hàng đầu về hệ thống mạng lưới kinh doanh vàng trang sức. Nên phải nói rằng, thành công bây giờ của PNJ là xuất phát từ việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng của thế giới. Đặc biệt từ sự thành công của PNJ, của các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bắt nguồn từ sự đổi mới của chính sách và tầm nhìn của các nhà quản lý - mặc dù mong muốn của doanh nghiệp còn nhiều hơn."

pnj
pnj
pnj
pnj

STYLE BY PNJ là một thương hiệu trang sức và phụ kiện hoàn toàn khác biệt, cả về phong cách và khuynh hướng thời trang. Không chỉ khác so với các nhãn hiệu hiện có của PNJ, mà còn hoàn toàn khác biệt so với các dòng sản phẩm của các thương hiệu khác hiện diện trên thị trường Việt Nam hiện nay. Điều đó minh chứng cho sự không ngừng sáng tạo và cải tiến của PNJ. 

pnj

- Một cách đầy riêng tư và cá nhân, tôi ngưỡng mộ tinh thần của chị Dung. Có lẽ, hiếm ai lại được (hoặc bị) cuộc đời thử thách nhiều đến vậy. Ta tuyệt nhiên không thấy chị Dung trốn tránh bất cứ một câu chuyện gì, ngược lại, đón nhận và bình thản để bước đi.

Nói như tác giả Paulo Coelho trong Nhà giả kim là: “Tôi có thể chọn hoặc là trở thành nạn nhân của thế giới hoặc là một kẻ phiêu lưu tìm kiếm kho báu. Tất cả chỉ là câu hỏi về cách mà tôi nhìn nhận cuộc sống này...”.

Ông Đinh Nho Bảng: Và rồi thì người ta thấy chị Dung vẫn vượt qua tất cả phải không? (cười sảng khoái). Với ai đó, một biến cố có thể khiến họ nhanh chóng trở thành nạn nhân, nhưng với chị Dung, chị ấy chọn lựa trở thành “một kẻ phiêu lưu tìm kiếm kho báu” như cách bạn vừa chia sẻ.

Độc lập trong quyết định, chiến lược, sách lược kinh doanh rõ ràng là điều hiện rõ ở con người Cao Thị Ngọc Dung. Không phải ai cũng được như vậy đâu. Chị Dung – một con người độc lập tác chiến, luôn có suy nghĩ riêng, con đường riêng, không dựa vào “bờ vai” nên mới làm được như vậy.

CEO Cao Thị Ngọc Dung

Đã có những khoảnh khắc chúng ta tưởng chừng thấy PNJ sẽ gục ngã, nhưng không, chị Cao Thị Ngọc Dung và PNJ đã có một niềm tin to lớn vào sự chính trực, tin vào khả năng của mình và điều kỳ diệu đã đến với PNJ. Bằng sự vượt qua khó khăn đáng nể, PNJ sau đó thậm chí còn phát triển vượt bậc, khiến nhiều người ngỡ ngàng, giật mình. Chứng khoán càng lên cao. Mà thị trường chứng khoán là đánh giá khách quan nhất, có gì đấy bất thường là chao đảo ngay.

- Dường như định mệnh đã sắp đặt một PNJ luôn phải “lội người dòng”, kể cả trong tương lai?

Ông Đinh Nho Bảng: Nhờ niềm tin mãnh liệt của người đứng đầu mà sự “lội ngược dòng” ấy đã làm nên một PNJ đầy khác biệt, ấn tượng. Một người đàn bà thép thành công!

Chị Dung là người rất thông minh, xử lý bộ máy như thế nào, người giúp việc ra sao, chọn lựa thông tin thế nào cho hợp… Đó là tầm nhìn chiến lược của vị nữ tướng này. Cách tổ chức với tôi là rất quan trọng. Tổ chức quản lý giỏi là ở chỗ đó, để làm đâu cũng thành công, làm gì cũng có cơ sở, căn cứ.

Và trong tương lai, dù có phải tiếp tục “lội ngược dòng” để thành công như thế thì tôi cũng có niềm tin ở PNJ. Nhất là khi, chị Dung đã chọn cho mình một đội ngũ kế cận đầy trí tuệ, đầy tâm huyết và mang tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ như chị. Điều đó được chứng minh khi tân Tổng Giám đốc Lê Trí Thông nhận nhiệm vụ trong giai đoạn nhiều thử thách và khó khăn của đại dịch toàn cầu, nhưng hai năm qua đã sát cánh cùng chị Dung chèo lái con tàu PNJ vượt bão Covid-19 ngoạn mục, đạt được những thành tích mà ai nhìn vào cũng phải khâm phục, đáng nể. 

Trong những đoạn cuối của cuộc chuyện trò, tôi mạnh dạn hỏi một điều riêng tư rằng, gạt đi tất cả những công việc và chuyên môn, ông Bảng nghĩ sao về người bạn nữ mạnh mẽ này của mình. Ông hóm hỉnh chia sẻ: “Thường thường nói phụ nữ là phái yếu nhưng với Dung thì không phải như vậy đâu. Yếu thì không làm được thế phải không?! (cười). Biết hoàn cảnh như vậy, thành công thật đó nhưng còn bao trăn trở phía sau, nên khi gặp, tôi hay nói với Dung: “Làm gì thì làm, hai mục tiêu cuối cùng phải giữ cho mình là sức khỏe và sắc đẹp. Trước hết là vì mình. Vì mình ở đây không phải là quyền lợi của mình mà vì trách nhiệm, vì uy tín, vì còn hàng nghìn người lao động phía sau và trên hết là giữ được bản chất của mình. Muốn làm được như vậy thì phải có sức khỏe, đảm bảo đầu óc minh mẫn. Minh phải lo cho mình thì mới có điều kiện lo cho anh em. Một người đứng đầu như vậy mà sức khỏe không có thì anh em dựa vào đâu...”.

Ông Bảng cười hiền từ. Nắng cuối chiều bàng bạc chiếu xiên lấp ló qua ô cửa kính, ánh lên trên mái đầu đã hai thứ tóc của ông. Ngoài kia bầu trời vẫn xanh và cao vời vợi. Chẳng hiểu sao khoảnh khắc ấy làm tôi xúc động vô cùng. Đôi mắt của ông thật ấm áp, như thể chị Dung đang ngồi ngay tại đây – cùng với những chia sẻ chân thành, lời dặn dò ấm áp của người bạn già nói với người bạn nữ, người đồng nghiệp không còn trẻ, nhưng đầy mạnh mẽ, gai góc của mình. Sau tất cả, điều còn ở lại với ta, vẫn là thứ lấp lánh, nhưng là sự lấp lánh của niềm tin và xúc cảm.

Tạm biệt vị chuyên gia, tôi ra về mà trong lòng nhiều tâm tư hỗn độn. A Magical Journey – Hành trình kỳ diệu của PNJ, sẽ còn những điều diệu kỳ nữa, dưới sự dẫn dắt của người “đàn bà thép” Cao Thị Ngọc Dung, ông Bảng có niềm tin to lớn như vậy. Bởi chị Dung đã nắm được trong tay chiếc chìa khóa vàng – Đó là niềm tin mãnh liệt vào khả năng của chính mình, tin vào đồng đội, tin vào những điều tuyệt vời vẫn đón đợi phía trước, như chàng trai chăn cừu Santiago trong Nhà giả kim đã mải miết đi trên hành trình của riêng chàng, dù ngay cả trong những thời khắc phía trước là mênh mông sa mạc và bủa vây những chướng ngại vật, những lời can ngăn...

"Nỗi sợ đau khổ còn tồi tệ hơn cả đau khổ. Chỉ có một lý do khiến giấc mơ không thể trở thành sự thực, đó là nỗi sợ thất bại. Không có trái tim nào lại đau khổ khi lên đường tìm kiếm ước mơ của nó. Vì mỗi giây của cuộc tìm kiếm là mỗi giây gặp gỡ với sự vĩnh hằng”.

Cuộc đời đã dành cho người phụ nữ nhỏ nhắn Cao Thị Ngọc Dung thật nhiều thử thách. Với nhiều người, họ sẽ định nghĩa đó là những nỗi sợ, nỗi đau, nhưng chị đã “chọn hoa hồng, để nước mắt vào trong”, nghe theo tiếng gọi trái tim và lên đường tìm kiếm ước mơ. Tôi tin, với chị, những thử thách đã qua không phải là đau khổ, lại càng không phải là nỗi sợ, nó chỉ đơn giản là minh chứng cho việc, có niềm tin, chị đã và sẽ chiến thắng tất thảy!

...

PNJ

Sau tất cả, hành trình đi tìm “kho báu” lại là chính hành trình quay trở về bên trong – Hành trình tĩnh tại của tâm trí, khám phá, thấu hiểu bản thân và đi đến tận cùng để tìm ra chính mình.

Đó cũng là điều mà chị Dung đã từng chia sẻ, giản dị rằng: “Tôi đón nhận vui, buồn ở trạng thái giống nhau. Thậm chí, nếu ngày mai, cái chết đến một cách bất ngờ hay điều khủng khiếp nào đó xảy ra, tôi cũng sẽ bình thản. Tôi sống cho từng ngày...”.

 “Không ai trong chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra, ngay cả trong giây phút tiếp theo, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tiến lên. Bởi vì chúng ta tin tưởng. Bởi vì chúng ta có đức tin... Đừng quên rằng trái tim cậu ở đâu thì kho báu cũng ở đó, cũng như phải tìm cho ra kho tàng thì những gì cậu học được trên đường mới thật có ý nghĩa”. (Trích lời nhà hiền triết nói với chàng trai chăn cừu Santiago, Nhà giả kim, Paulo Coelho)./.

Nhà giả kim PNJ
Ảnh chuyên gia: Trịnh Tây
05/26/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top