ABBank và triết lý Người đồng hành thân thiện

ABBank và triết lý Người đồng hành thân thiện

Thứ Ba, 31/08/2021 - 06:00

Hơn 30 năm sau đổi mới và phát triển, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được nhưng thành quả đó, không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng. 

Hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay được đánh giá là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tài chính và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững... 

Phát triển cùng dòng chảy kinh tế trong nước và thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng ghi nhận những dấu mốc phát triển vượt bậc, có những giai đoạn nhảy vọt, những giai đoạn "nhanh như vũ bão", và cũng có cả những bước đi chậm rãi, cầm chừng... Trong sự vận động ấy của thị trường, có những cái tên như Ngân hàng An Bình - dù trải qua bao thăng trầm - vẫn được khách hàng nhớ đến với ấn tượng về một ngân hàng thân thiện và ổn định. 

Có lẽ, trong cuộc đời của nhiều người làm kinh doanh, sẽ có những giai đoạn mà sự "phát triển ổn định" không được coi trọng bằng "tăng trưởng vượt bậc", những con số "tăng trưởng đều" qua các năm có thể không được đánh giá cao bằng những "nhảy vọt" trong kết quả kinh doanh. Thế nhưng, Covid-19 đã đến và làm thay đổi mọi định nghĩa, mọi giá trị quan của nhân loại. Lúc này, dưới sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, sự phát triển ổn định, bền vững như cách mà ABBANK đã làm được, bất chấp những khó khăn, đã thực sự trở thành mong ước của nhiều đơn vị khác trên thị trường. 

Năm 2020, Covid-19 là biến số không ai có thể lường trước được. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, trong đó ngành ngân hàng có liên quan đến tất cả các ngành nghề khác nên cũng chịu tác động rất lớn. Đối với ABBank, năm 2020 vượt qua khủng hoảng Covid mà vẫn đảm bảo tăng trưởng là điểm nổi bật ấn tượng của ngân hàng. 

Báo cáo trước ĐHĐCĐ của Ngân hàng hồi cuối tháng 4/2021, Tổng Giám đốc ABBank - ông Lê Hải cho biết, năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.368 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch và tăng 11,3% so với năm 2019. Tổng tài sản ngân hàng đạt 116.267 tỷ đồng, tương đương 113,4% so với năm 2019. Nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,5%. RoA và RoE lần lượt đạt 1,4% và 16,5%. 

Phải khẳng định rằng, những thành quả tích cực mà ABBANK đạt được trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh là bởi tiếp bước đi lên dựa trên những nền tảng vốn đã vững chắc từ trước của ngân hàng này. Trước dịch bệnh, ngân hàng tăng trưởng đều, năm 2019, ABBANK đạt mức tăng trưởng 10%, huy động vốn tăng 16% và lợi nhuận vượt kế hoạch. 

Cụ thể, tính đến hết 31/12/2019, tổng tài sản của ABBANK đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt 102.550 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2018. Huy động từ khách hàng đạt 74.786 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2018. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 10% so với năm 2018, đạt mức 63.028 tỷ đồng; đặc biệt, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng SMEs – hai nhóm khách hàng mục tiêu của ABBANK - đều có sự bứt phá, lần lượt tăng 12% và 26% so với cuối năm 2018. Thu nhập từ lãi đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2018. Nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 2%, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản RoA đạt 1,4%; tỷ suất sinh lời trên vốn RoE đạt 17% còn hệ số an toàn vốn CAR theo chuẩn mới đạt 10,5%. 

Sang năm 2021, các định hướng, đầu tư của ABBANK tiếp tục vững chắc, không thay đổi, phấn đấu vào top các ngân hàng có hiệu suất sinh lời trên vốn (RoE) tốt nhất, thông qua một loạt những chiến lược, dự án lớn được triển khai. 

Tự tin vào sự chủ động và kế hoạch phát triển ổn định của ngân hàng, năm 2021, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập lãi thuần đạt 20%, cao hơn mức 13,1% trong năm 2020. Tổng tài sản đến thời điểm 31/12/2021 dự kiến đạt 120,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay tín dụng ước tăng 18% lên 81,7 nghìn tỷ đồng (sẽ điều chỉnh theo room tín dụng được NHNN cho phép). Quy mô huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 8% lên 87,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. 

Sự tự tin của ABBANK là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo ông Lê Hải, dù tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng hơn ngay từ đầu năm 2021, nhưng chưa năm nào ABBANK có tăng trưởng dư nợ 3% ngay trong quý I như năm nay. Đến 31/3/2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 465 tỷ đồng, tương đương hơn 25% kế hoạch cả năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2,83% với dư nợ đạt gần 71,4 nghìn tỷ - là quý đầu năm ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy; trong đó dư nợ khách hàng cá nhân tăng khoảng 15,7%. Mảng dịch vụ cũng đạt kết quả tốt. 3 tháng đầu năm thu dịch vụ 82 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ sở để ngân hàng có thể hoàn thành mục tiêu đã trình cổ đông trong ĐHĐCĐ. Nợ xấu kiểm soát dưới 2%.  

Tiếp đó, trong quý II/2021, ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về quy mô và hiệu quả. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 đạt hơn 73.900 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 6,4% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.164 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ 2020 nhờ tăng trưởng của tổng doanh thu thuần (đạt tới 43% so với cùng kỳ) và tối ưu chi phí hoạt động (chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ 2020). Nhờ đó, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (RoA) của ngân hàng đạt 2,2%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (RoE) đạt 25,33%. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Ngân hàng cuối tháng 6 năm 2021 ở mức 1,6% trên tổng dư nợ, tăng so với mức 1,44% cuối năm 2020. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố khách quan do nằm trong bối cảnh chung của toàn ngành ngân hàng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.  

Năm 2021, theo thông báo từ NHNN, ABBANK sẽ tăng trưởng tín dụng 6,5%.

Để hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021, ABBANK đã có những kế hoạch cụ thể liên quan đến việc phát triển công nghệ, phát triển nhóm khách hàng cá nhân, mà theo ông Lê Hải – Tổng Giám đốc Ngân hàng ABBANK, “Tốc độ tăng trưởng luôn được xem xét phù hợp với quy mô của ngân hàng, với vốn điều lệ hiện có cũng như vẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn quốc tế cũng như quy định của NHNN”. 

Với ABBANK, gọi đây là ngân hàng thân thiện có lẽ cũng không có gì bất ngờ với các khách hàng lâu năm của ngân hàng này, bởi trong suốt nhiều năm hoạt động, ABBANK luôn có các chính sách ưu đãi với tất cả các nhóm khách hàng của mình. 

Đúng như người đứng đầu Ngân hàng đã chia sẻ, năm 2021, ABBANK đã đặt ra nhiều mục tiêu tăng trưởng, trong đó có nhiều kế hoạch liên quan đến phát triển các nhóm khách hàng cá nhân và cả doanh nghiệp cũng như phát triển công nghệ. 

Khách hàng cá nhân là xu thế của tín dụng trong tương lai, đây là đối tượng khách hàng được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng vào những năm tới. Với ABBANK, với mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi  - hiện đang mức 17 – 18%), Ngân hàng đã lên kế hoạch mở rộng tập khách hàng cá nhân, hiện có khoảng gần 1,1 triệu. Năm 2021, ngân hàng đặt kế hoạch có thêm 300 nghìn khách hàng cá nhân nữa, mục tiêu 5 năm là vươn tới con số 3 triệu khách hàng cá nhân. 

Còn với khách hàng doanh nghiệp, ABBank sẽ xây dựng các cộng đồng doanh nghiệp quan hệ tại ABBank, ví dụ như chuỗi khách hàng, chuỗi bán hàng, chuỗi quan hệ của khách hàng lớn, khách hàng SMEs… để tạo ra một "cộng đồng sinh thái An Bình", từ đó CASA khách hàng doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. 

Để đạt được mục tiêu kép vừa tăng trưởng theo kế hoạch vừa hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng khách hàng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, ABBANK đã đưa ra liên tiếp các chính sách ưu đãi cho các nhóm khách hàng trong tình cảnh căng thẳng bởi Covid-19.   

Với nhóm khách hàng cá nhân, ABBANK áp dụng đồng thời hai chương trình: “Vay ưu đãi - Lãi an tâm” với lãi suất chỉ từ 7,2%/năm và “Vay kinh doanh - Phát tài nhanh” với lãi suất chỉ từ 7,0%/năm. 

Cụ thể hơn, hạn mức giải ngân cho gói “Vay ưu đãi - Lãi an tâm” trong giai đoạn này là 5.500 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, mua xe ô tô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng với thời hạn vay tối thiểu 24 tháng. Nếu tham gia chương trình này, khách hàng có thể lựa chọn 2 hình thức ưu đãi kèm các điều kiện khác nhau: Gói ưu đãi 1 áp dụng mức lãi suất chỉ từ 7,2%/năm cho 6 tháng đầu, 7,8%/năm cho 6 tháng tiếp theo. Gói ưu đãi 2 có lãi suất 7,6%/năm trong 12 tháng đầu.

 

Cùng thời gian này, các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ… với kỳ hạn tối thiểu 9 tháng có thể tiếp cận gói “Vay kinh doanh - Phát tài nhanh” với hạn mức giải ngân lên đến 8.000 tỷ đồng. Mức lãi suất ưu đãi của gói vay này có phần hấp dẫn hơn, chỉ từ 7,0%/năm hoặc 7,5%/năm tùy theo các điều kiện tương ứng.

Cùng với đó, với mong muốn hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp và các giải pháp quản lý tài chính hiệu quả, ABBANK đã triển khai nhiều biện pháp ưu đãi mới.

Với hạn mức chương trình lên đến 3.000 tỷ đồng và 80 triệu USD, được áp dụng lần lượt mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 4,84%/năm (đối với giải ngân bằng đồng VND) và 2,1%/năm (đối với giải ngân bằng đồng USD), chương trình "Ưu đãi lãi suất - Vững bước thành công" được ABBANK triển khai có chính sách và thủ tục vay đơn giản, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh chóng. 

Bên cạnh chương trình ưu đãi chung dành cho khách hàng doanh nghiệp, ABBANK cũng song song tiếp sức, đồng hành nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp siêu nhỏ (SSE) với Chương trình “Nhận vốn ưu đãi - Kinh doanh siêu lãi” dành cho các khách hàng SME và SSE có nhu cầu về khoản vay ngắn hạn từ dưới 12 tháng. Với  hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng cùng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,2%/ năm khách hàng SME và SSE có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho những mục đích như bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đầu tư tài sản cố định, máy móc thiết bị, nhà xưởng... Hay chương trình "SME - Tiếp vốn đầu tư" được ABBANK thiết kế riêng cho khách hàng SME có nhu cầu về vốn trung dài hạn từ 24 tháng trở lên. Chương trình có chính sách  lãi suất ưu đãi cố định chỉ từ 8,5%/ năm cho 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/ năm cho 12 tháng đầu tiên của khoản vay. 

Đương nhiên, nếu chỉ tập trung vào các hoạt động chuyên môn, thì không dễ gì để ABBANK có thể trở thành một ngân hàng thân thiện trong mắt khách hàng, mà đó còn là kết quả của một hành trình bền bỉ gieo những hạt giống yêu thương trong suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển. 

Định vị là ngân hàng bán lẻ thân thiện, đồng cảm, có trách nhiệm với cộng đồng, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, ABBANK đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực trên khắp cả nước. Bên cạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức và văn hóa cộng đồng, ABBANK cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động xây dựng, cải tiến cơ sở vật chất tại địa phương nhằm tạo nền tảng cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào Việt Nam là cách ngân hàng góp phần nhỏ sức lực của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Trong nhiều năm trở lại đây, ABBANK đã dành một nguồn lớn ngân sách cho các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội, định hướng đầu tư kiến thức, phương tiện học tập cho thế hệ trẻ nhằm bắc những “chiếc cầu”, vun đắp, ươm mầm cho những ước mơ đi học, cho những khát vọng đổi đời của các em. Tiêu biểu kể đến như: Tết An Bình; Chương trình “Cặp lá yêu thương”; Giải thưởng Nhân tài đất Việt; Quỹ học bổng Ông bà Giáo sư Nguyễn Thiện Thành; Quỹ học bổng Vừ A Dính; Tiếp sức đến trường; Dự án thư viện Room to Read;…

 

Trong đó, Tết An Bình là hoạt động thiện nguyện thường niên, mang đậm dấu ấn của ABBANK, được phát động từ năm 2010 với mong muốn mang Tết ấm, Tết vui đến với những đồng bào khó khăn trên khắp cả nước. Sau hơn 10 năm phát động, hành trình Tết An Bình đã dần có sự thay đổi về hình thức và mở rộng hơn về mục đích và ý nghĩa: không chỉ mang Tết ấm, Tết vui đến từng gia đình nhỏ mà sẽ là những cái Tết an lành, hạnh phúc, sum vầy đến cho cả một địa phương, cả một cộng đồng trên khắp dải đất chữ S. 

 

Không cố chạy theo hình ảnh một ngân hàng hiện đại nhưng xa lạ, một mặt, ABBANK vẫn phát triển các sản phẩm của mình tối ưu nhất để theo kịp xu hướng thế giới, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, mặt khác, việc đến gần hơn với công chúng thông qua thông điệp “Gia đình là Hạnh phúc” được Ngân hàng thể hiện sắc nét và rõ ràng thông qua các hoạt động như phát động và tổ chức Ngày hội gia đình – ABBANK Family Day: sự kiện dành cho cộng đồng được ABBANK phát động và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, hướng đến đối tượng là trẻ em, các gia đình và những người trẻ. ABBANK Family Day muốn làm sống lại những giá trị truyền thống của người Việt, đó là sự quan tâm lắng nghe, sẻ chia, kết nối giữa các thế hệ, giữa những người bạn, thông qua các câu chuyện kể của thời trước đây – của thời sau này, làm sống lại các trải nghiệm vui vẻ của thời ông bà, bố mẹ với các không gian xưa hay các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, kéo co, làm đèn ông sao... Hoặc khiến thế hệ “người lớn” hiểu hơn những đam mê xu hướng của thời đại mới như nhảy breakdance, trải nghiệm công nghệ 4.0… 

Mang đến những trải nghiệm công nghệ 4.0 cho khách hàng là lời hồi đáp của ABBANK trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. 
Thực tế thị trường thời gian qua đã cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đã và đang tích cực tham gia vào cuộc cải tổ công nghệ, và sự tích cực này đã tạo nên những kết quả bất ngờ trên toàn bộ cục diện. Bởi khác với quy mô vốn hay kết quả kinh doanh, những đột phá về ứng dụng công nghệ số với ngân hàng có thể xuất hiện bất kỳ đâu, ở cả những ngân hàng lớn nhất hay nhỏ nhất. Sự bùng nổ này cũng dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về thị phần, mở ra một cuộc đua đầy hứa hẹn và vô cùng thú vị. 

Trong cuộc đua đó, ABBANK là một cái tên đáng gờm.

Xác định tối ưu hóa ngân hàng số theo yêu cầu bắt buộc của dòng chảy thị trường, các ứng dụng mà ABBANK phát triển còn nâng cao những trải nghiệm nhanh, gọn, thuận tiện và thân thiện với người dùng. 

Ở thời điểm hiện tại, do sự bắt buộc của hoàn cảnh là sự lây nhiễm của virus Covid-19, câu chuyện thanh toán không tiếp xúc đã được đưa ra bàn bạc nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng ngay từ năm 2018, ABBANK đã là một trong 5 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless), với việc ra mắt dòng thẻ ABBANK VISA Contactless.

Năm 2019, ABBANK chính thức giới thiệu ứng dụng thanh toán bằng nhận diện gương mặt lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với tên gọi Wee@ABBANK. Ưu điểm nổi trội của ứng dụng Wee@ABBANK là khả năng xác thực thanh toán bằng gương mặt (facepay), khiến giao dịch được thực hiện chỉ trong nháy mắt với tính an toàn tối đa. Chỉ bằng việc sở hữu một tài khoản thanh toán tại ABBANK và quét gương mặt để đăng ký một tài khoản Wee@ABBANK, khách hàng có thể trải nghiệm những tiện ích chưa từng có mà Wee@ABBANK mang lại. Để thanh toán, chủ tài khoản Wee@ABBANK chỉ cần thực hiện thao tác quay sang trái và phải để xác thực nhân dạng và chưa đầy 2 giây, giao dịch đã thành công. Việc quay sang trái và phải nhằm mục đích lấy phổ rộng hơn của gương mặt, từ đó, tăng tính bảo mật cho giao dịch.

Năm 2020, ABBANK đã có số lượng khách hàng mới kích hoạt sử dụng ứng dụng Ngân hàng số tăng 250% so với năm 2019, đồng thời giữ chân được gần như toàn bộ khách hàng hiện hữu, tỷ lệ xóa ứng dụng hoặc rời đi tiệm cận 0%. Cùng với đó,  tỷ lệ CASA của ABBANK đã tăng trưởng tích cực khi nằm ở vị trí thứ 12 - 13 ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Kết quả kinh doanh ngân hàng số vượt mức chỉ tiêu do đại hội đồng cổ đông đặt ra. 

Kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, ABBANK xác định số hóa ngân hàng để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm vượt trội, đây là yếu tố quan trọng giúp Ngân hàng tăng trưởng và đạt được hàng loạt mục tiêu lớn trong giai đoạn này. 

Cuối tháng 4/2021, ABBANK triển khai chiến dịch roadshow giới thiệu ứng dụng ngân hàng số AB Ditizen với người dân tại 15 tỉnh/thành lớn trên toàn quốc và đạt được kết quả bất ngờ. Chiến dịch đã ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngay ngày đầu tiên ra mắt, AB Ditizen đã thu hút được 10.000 khách hàng sử dụng và con số đã tăng lên đến 20.000 tài khoản người dùng mới trong vòng 3 ngày triển khai. 

Sau khi ra mắt, AB Ditizen nhanh chóng xác lập được vị trí trong lòng khách hàng, được đánh giá là một trong những ứng dụng ngân hàng số nhiều đa dạng tiện ích và thân thiện, dễ sử dụng. Người dùng AB Ditizen có thể mở tài khoản ngân hàng trùng với số điện thoại ở bất kỳ đâu mà không cần đến phòng giao dịch. Đây là lợi ích của việc sớm ứng dụng công nghệ định danh khách hàng điện tử tự động toàn diện - eKYC. ABBANK là một trong hai ngân hàng đầu tiên triển khai hình thức này, không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà còn thuận tiện trong việc nhớ thông tin tài khoản. 

Với AB Ditizen khách hàng có thể yên tâm với bảo mật 3S-OTP (Smart – Secure – Smooth), thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn, chi trả phí bảo hiểm, đi lại cho đến chuyển tiền tự động, chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ, tiết kiệm, cho vay online... Những tính năng hỗ trợ hầu hết các hoạt động tiêu dùng này của AB Ditizen giúp ABBANK mang lại lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp trải nghiệm mới mẻ, an toàn trên không gian giao dịch số cho khách hàng của mình.

Ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: "Một chìa khóa quan trọng để ABBANK đạt được chỉ tiêu tham vọng về lợi nhuận của năm 2021 cũng như các năm tiếp theo, chính là phát triển ngân hàng số AB Ditizen. Đây là nền tảng quan trọng để ABBANK tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ với mục tiêu phải khai thác thêm hơn 300.000 khách hàng cá nhân và tăng số lượng sản phẩm dịch vụ trên mỗi khách hàng lên con số 3, thay vì chỉ hơn 1 như lâu nay. 

Mục tiêu của ABBank là hướng tới tạo lập một ngân hàng số phục vụ cho nhu cầu của các công dân số, để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng và các tiện ích cá nhân một cách thuận tiện nhất. AB Ditizen không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp tiết giảm chi phí hoạt động và tạo doanh thu cho ngân hàng."

Nhưng, số hóa ngân hàng không phải chỉ là đưa ra ứng dụng cho khách hàng, số hóa ngân hàng luôn có 2 phần. Phần phía trước là tạo ra App cho khách hàng sử dụng và tối ưu trải nghiệm. Phần phía sau, có tính quyết định là số hóa các hoạt động nội bộ của ngân hàng. 

 

Nhìn nhận được vấn đề này ngay từ đầu, ABBANK đã sớm đặt mục tiêu chiến lược tập trung số hóa các hoạt động vận hành và quy trình để không chỉ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mượt mà, nhanh chóng, xuyên suốt, an toàn mà còn tối ưu các hoạt động nghiệp vụ, rút tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính… 

ABBANK cũng xác định, phát triển ngân hàng số là cách giúp ngân hàng định vị thương hiệu trong tâm trí người dùng về một ngân hàng vừa trẻ trung năng động, vừa có đủ tiềm lực để nhanh chóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản phẩm dịch vụ. 

Chia sẻ với truyền thông, ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK - từng cho biết, hệ thống Smartform được ABBANK đưa vào vận hành nội bộ đã giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch với khách hàng, tăng hơn 18.000 giao dịch trong 3 tháng đầu năm 2020. Việc tự động hóa các yêu cầu phát hành/hỗ trợ thẻ ngay khi ghi nhận yêu cầu trên hệ thống và tích hợp các mẫu biểu điện tử đã giúp giảm thời gian thực hiện giao dịch trung bình từ 5 - 7 phút trên mỗi giao dịch phi tài chính như đăng ký các dịch vụ mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, SMEs…

ABBank đã có những đột phá về số hoá như tập trung hoá và IT hóa hoạt động kho quỹ, dẫn đến lượng tiền tồn quỹ đã tiết giảm đi được khoảng 150 tỷ đồng, việc kiểm soát về luồng tiền mặt trở nên tốt và tối ưu hơn cho ngân hàng. 

Hệ thống Smartform cũng giúp giảm thiểu nhiều thao tác về hồ sơ giấy tại quầy (lấy thêm số lượng khách hàng, giảm chi phí hoạt động 300 tỷ đồng/năm), khách hàng cũng dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin về combo sản phẩm, ngân hàng thì nhận diện khách hàng tốt hơn thông qua hình ảnh dẫn tới thời gian, tốc độ xử lý giao dịch trở nên nhanh hơn, giúp giảm 50% chi phí cũng như thời gian giao dịch. 

Quy trình thẩm định tín dụng của Ngân hàng cũng được IT hoá, tất cả các bước, các khâu luân chuyển chứng từ được nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là tăng năng suất, tăng hiệu quả làm việc, con người ở đâu đều xử lý được hồ sơ đó.

Kết quả ghi nhận trong năm 2020, chỉ riêng thông qua việc cải tiến, xây dựng Smartform tại quầy và tập trung hóa hoạt động kho quỹ đã đóng góp không nhỏ vào việc giúp ABBank thu hút thêm được hơn 368.000 khách hàng, tiết giảm đến 13% chi phí hoạt động dịch vụ trong, và chính nhờ giảm thời gian giao dịch mà số lượng giao dịch tại quầy được tăng lên đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng phí dịch vụ vào lợi nhuận của ABBank.

Hơn bất cứ lời nói nào, những con số trên đây đã chứng minh thành công bước đầu của công tác số hóa hoạt động tại Ngân hàng An Bình. Với thái độ cấp tiến và tinh thần khởi nghiệp, ABBANK đã mạnh mẽ trong phát huy và tận dụng các đòn bẩy công nghệ vào phát triển các hoạt động ngân hàng, tạo nên sự đột phá và gây tiếng vang lớn trên thị trường. 

*** 

Vững bước phát triển trong bối cảnh khó khăn và đầy thách thức của đại dịch Covid-19, ABBANK đã phần nào giữ được lời đảm bảo với khách hàng của mình. Gắn kết hoạt động kinh doanh với các giá trị xã hội, ABBANK sẽ tiếp tục là cái tên ghi được nhiều thiện cảm trong khách hàng, đồng thời sẽ tận dụng được nhiều hơn nữa cơ hội phát triển vì những quyết định táo bạo trong chiến lược phát triển, đặc biệt là phát triển ngân hàng số. 

31/08/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top