Aa

ACV nhiều lần cùng “xuồng” với công ty ma của Út “trọc”?

Thứ Bảy, 13/04/2019 - 07:01

Khó có thể tin rằng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại bị một công ty giả mạo hồ sơ “qua mặt” nhiều lần. Nhưng cũng có thể là dễ hiểu nếu có chuyện “nhắm mắt bắt tay”.

Thái Sơn Bộ Q.P đích thực là công ty “ma”?

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đã bị khởi tố, đưa ra xét xử.

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đã bị khởi tố, đưa ra xét xử.

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn Bộ Q.P). Công ty do Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), là nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đã bị khởi tố, đưa ra xét xử.

Sau khi xem xét về việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần, năng lực và kinh nghiệm cho thấy Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không khác gì một công ty “ma”.

Chẳng hạn, ngày 5/8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (viết tắt là Tổng công ty Thái Sơn) có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10.200 triệu đồng, tương đương 51% vốn điều lệ.

Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24.000 triệu đồng.

Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34.200 triệu đồng nhưng không thực góp.

Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, tại thời điểm tăng vốn điều lệ (năm 2013) từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, các cổ đông Công ty chưa góp đủ vốn, đến năm 2016 mới góp đủ 120.000 triệu đồng bằng tiền mặt. Về năng lực còn đáng sợ hơn, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hàng năm với các cơ quan Thuế nhưng không được kiểm toán.

Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hằng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).

Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án.

Theo tài liệu của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cung cấp, tài sản cố định đủ hồ sơ chứng minh đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120.000 triệu đồng, trong đó, chủ yếu là: 01 bồn chứa dầu và khoảng từ 10 đến 40 xe ô tô du lịch từ 04 đến 07 chỗ ngồi, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao nhận thầu.

Theo sổ sách, kế toán tiền lương từ khi thành lập (tháng 9/2009) đến tháng 12/2014, Công ty có rất ít lực lượng nhân công, chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ… và một số rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có 01 người, năm 2012 không có, đến 12/2014 mới có 04 người thuộc Phòng dự án).

Theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có kê khai về kinh nghiệm đã tham gia một số dự án với vai trò là nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào.

Hồ sơ yêu cầu hay Hồ sơ mời thầu và sau khi được lựa chọn, trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện.

Thái Sơn của Út “trọc” chui vào dự án ACV bằng cách nào?

Thế nhưng, không hiểu nhờ mối quan hệ nào mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại trúng ít nhất 2 gói thầu do ACV (khi đó, ông Nguyễn Nguyên Hùng đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên sau đó lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, ông Lê Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc ACV) là chủ đầu tư.

Tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku - Liên danh Cienco 4 và Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là 606 tỷ đồng.

Công ty của Út trọc ngang nhiên trúng thầu và bán thầu tại

Công ty của Út trọc ngang nhiên bán thầu tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku 

Sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Sau đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt, Gia Lai thực hiện thi công.

Cũng lạ là, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành, trong đó, nhà thầu chính thanh toán khối lượng được nghiệm thu cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền 13.745,882 triệu đồng, có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công.

Đồng thời, không hoạch toán đủ số doanh thu 120.000 triệu đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3.436 triệu đồng.

Tại gói thầu BP04 “Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn”, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trị giá 488.322 triệu đồng do Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh ký Hợp đồng số 02/2017-TTHĐ-CRTC ngày 03/4/2017 với Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P - Cienco 1, trong đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P làm đại diện liên danh, thực hiện khối lượng công việc trị giá 146.497 triệu đồng, chiếm 30%; Cienco 1 thực hiện khối lượng công việc trị giá 341.825 triệu đồng, chiếm 70%.

Ngay sau đó, ngày 7/4/2017, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng lại toàn bộ khối lượng công việc cho Cienco 1 với giá trị 144.299 triệu đồng, hưởng chênh lệch theo sổ sách gần 2,2 tỷ đồng.

Nhiều dấu hỏi đặt ra đến mối quan hệ của ACV và Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Bởi trước đó, Thanh tra Chính phủ từng kết luận việc ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP.HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai.

Hay, trong kết luận của Thanh tra Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý giai đoạn từ 3/2012 đến 12/2016 khẳng định ACV còn thể hiện sự hạn chế trong quy hoạch. Theo đó, một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai).

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top