Aa

Agribank đóng góp tích cực vào sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Bảy, 31/12/2022 - 15:09

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước 6 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản tại Việt Nam có nhiều biến động khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Agribank tiếp tục chủ động làm việc đối với khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng và kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…).

agribank
Agribank liên tục có nhiều đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của thị trường bất động sản những năm qua. Ảnh: Agribank

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 10 năm qua, ngành bất động sản đã thực sự thay đổi bộ mặt của nhiều lĩnh vực, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân và góp công lớn trong việc thay đổi diện mạo đô thị. Lĩnh vực bất động sản trở thành đầu tàu của tăng trưởng, lôi cuốn và tạo ra sức lan toả đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác tại Việt Nam. Doanh nghiệp bất động sản ngày càng có giá về thương hiệu, góp mặt trong Top các doanh nghiệp kinh tế có đóng góp hàng đầu về thuế tại Việt Nam.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, bất động sản là lĩnh vực có khả năng lan tỏa đến hơn 40 lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là những ngành có mối liên hệ trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, lưu trú - ăn uống, du lịch và tài chính - ngân hàng. Ước tính đến năm 2030, tổng giá trị tài sản của ngành bất động sản vào khoảng hơn 28,6 triệu tỷ đồng, chiếm 22% giá trị tài sản của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh những mặt tích cực thì thị trường bất động sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào giai đoạn cuối của chu kỳ, thời điểm 2021 - 2022, thị trường bất động sản đứng trước nhiều biến động và rủi ro. Đó là khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, đồng thời sau một thời gian thị trường phát triển quá nóng, cùng những sai phạm và rủi ro thì các dòng tiền chính vào bất động sản bị quản lý chặt, niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm.

Để tham gia vào quá trình giải quyết rốt ráo những khó khăn này, vai trò của các ngân hàng vô cùng quan trọng, trong đó phải kể tới các chương trình của Agribank. Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/01/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Thêm một thông tin vui cho thị trường là Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Trong năm 2022, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn phát huy trách nhiệm xã hội của “Ngân hàng vì cộng đồng”. Từ nguồn tài chính của mình và sự hưởng ứng của gần 4 vạn cán bộ, người lao động toàn hệ thống, trong năm 2022, Agribank dành hơn 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế cho người nghèo; mở rộng Chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, “Agribank vì tương lai xanh” tại nhiều địa phương trên cả nước, tiếp tục đóng góp quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top