Aa

Agribank sẽ “chỉnh trang” bức tranh tài chính trước thềm IPO 2019?

Thứ Hai, 18/02/2019 - 21:01

Agribank muốn được để lại một phần từ nợ đã xử lý rủi ro và phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ...

bcd

Agribank sẽ “chỉnh trang” bức tranh tài chính trước thềm IPO 2019? (ảnh minh họa)

Ngay đầu năm đã “vội vàng” phát mại tài sản!

Theo thông báo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), trong tháng 1/2019, ngân hàng sẽ thực hiện bán đấu giá loạt tài sản để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, ngày 14/1, Agribank sẽ bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Đại Việt với giá khởi điểm của tài sản là 350 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông.

Trước đó, ngày 11/1, Agribank Hải Dương đưa ra đấu giá hai nhóm tài sản của Công ty TNHH thương mại Thành Phát, tổng giá trị khởi điểm là hơn 19,1 tỷ đồng. Nhóm tài sản thứ nhất gồm trụ sở làm việc, nhà máy, dây chuyền sản xuất và các trang thiết bị máy móc. Nhóm thứ hai gồm toàn bộ tài sản không thuộc trong danh mục thế chấp và khối lượng san lấp mặt bằng với diện tích quyền sử dụng đất 12.122m2 tọa lạc tại số 7 đường Bạch Đằng, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Cũng trong tháng, ngân hàng cũng thực hiện đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản vay của của Công ty Cổ phần Sinh Tùng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội với giá khởi điểm gần 1,5 tỷ đồng. Tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Trong đó diện tích sử dụng riêng 44,6m2 (đất ở tại nông thôn), diện tích sử dụng chung 19,4m2 (đất giao thông)…

Mới đây, tại "Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước" được tổ chức cuối 2018, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết mặc dù được Nghị quyết 42 của Quốc hội mở đường cho ngành ngân hàng xử lý nợ xấu và Agribank đã rất tích cực áp dụng nhiều biện pháp nhưng do nhiều nguyên nhân tình hình xử lý nợ xấu vẫn rất phức tạp.

Trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank phải kiện ra toà dân sự 6.500 vụ việc với tổng giá trị tranh chấp trên 4.000 tỷ đồng. Hiện đã có 3.300 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ các cơ quan thi hành án giải quyết. Số vụ án đang xử tại toà là 3.200 vụ, công tác thi hành án cực kỳ phức tạp, có không ít vụ kéo dài 4 – 5 năm; tài sản bán đấu giá trên 10 lần không thành.

Điều đáng nói, khi đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì lập tức khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm không xử lý được nên xuống cấp, giá trị thu hồi không đáng kể so với số nợ vay. Có vụ hầu như mất trắng, đơn cử vụ việc liên quan đến 16 khách hàng có dư nợ trên 5.000 tỷ đồng, khi chốt thời điểm đưa vụ việc ra xét xử thì chỉ thu được 190 tỷ đồng.

Hay như vụ án Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam ở chi nhánh Agribank Nam Hà Nội có dư nợ 2.500 tỷ đồng, khởi tố từ 2012 nhưng tận 2017 mới kết thúc. Toàn bộ số tài sản bảo đảm vụ này không được xử lý, nhà máy không hoạt động, xuống cấp và có thể thất thoát hoàn toàn nợ vay.

Hoặc như Công ty dệt Bình Dương có dư nợ gần 3.000 tỷ đồng, mặc dù các bộ ngành và cả lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo nhiều lần nhưng khách hàng vẫn không giao tài sản.

Áp dụng Nghị quyết 42, hiện ngân hàng có 3.166 vụ khách hàng chây ì trả nợ và được phép xử lý rút gọn nhưng toà chỉ xử lý vỏn vẹn 2 vụ.

Muốn “chỉnh trang” bức tranh tài chính trước thềm IPO

Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, hiện ngân hàng Agribank có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu m2 đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao ngân hàng lại cho vay khi hồ sơ pháp lý “chưa đầy đủ”. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai là câu hỏi hỏi còn bỏ ngỏ cần được Chính phủ chỉ đạo làm rõ thì không thấy lãnh đạo Agribank “cầu cứu”?

Tuy nhiên, trước những ngổn ngang nợ nần có khả năng mất trắng… vốn ngân sách, lãnh đạo Agribank lại mạnh dạn mang đề án trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cấp bổ sung 20.200 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020 với lý do “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới tuy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế”.

Cùng với đó, Agribank còn mong muốn Bộ Tài chính, Chính phủ sớm chuyển số vốn được cấp bằng trái phiếu đặc biệt nêu trên (3.590 tỷ đồng) sang bằng tiền. Trong lúc chưa được chuyển số này sang bằng tiền thì đề xuất nâng lãi suất từ 3,3%/năm lên ngang bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn…

Trong trường hợp được cấp đủ vốn, Agribank muốn được để lại một phần từ nợ đã xử lý rủi ro và phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ, “chỉnh trang” lại bức tranh tài chính trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo lộ trình IPO trong năm 2019.

Cùng đó, các bộ, ngành liên quan nên thiết lập cơ chế đặc thù: cho phép Agribank áp dụng chỉ tiêu an toàn phù hợp trong bối cảnh chưa được cấp đủ vốn điều lệ.

Xem chừng khó khăn của Agribank chưa chịu dừng lại ở đó khi Agribank - một ngân hàng thương mại nhà nước, vừa phải làm nhiệm vụ chính trị cấp vốn cho “tam nông”, vừa phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác.

Trong khi khách hàng chủ yếu của Agribank là “nông dân” thường xuyên đối mặt tình trạng “được mùa rớt giá”, lại thêm trước đây ở một số lĩnh vực cho vay được bao cấp, ngân hàng còn có thể cho vay thoả thuận lãi suất nhưng gần đây phải thực hiện ưu đãi lãi suất vay nhưng không được cấp bù, không được hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp nên năng lực tài chính ngân hàng bị ảnh hưởng rất lớn do đó khả năng cân đối lời lãi rất chật vật…

Như vậy, thực trạng trên đã một phần nào phản ánh “sức khỏe” cũng như khả năng quản trị vốn của ngân hàng Agribank nhưng một mặt khác cũng đang phản ánh tâm tư của lãnh đạo Agribank trước thêm IPO ngân hàng này.

Tính đến 30/9/2018, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1.211 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 1.125 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ tiền gửi dân cư. Tổng dư nợ đạt 958.213 tỷ đồng, trong đó 70% dư nợ là tín dụng nông thôn. Hiện có tới 50% tổng cho vay nông nghiệp toàn hệ thống thuộc về ngân hàng này.

Đối với tín dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, doanh số cho vay đạt 21.390 tỷ đồng (trong gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng mà ngân hàng dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu triển khai từ ngày 1/11/2016).

Tuy nhiên, nợ xấu của nhà băng này vẫn cao. Đến cuối tháng 7, Agribank còn khoảng 120.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 chưa được xử lý, giảm 21,5%; gồm 16.000 tỷ đồng nợ nội bảng, 21.000 tỷ đồng nợ cơ cấu lại, 19.000 tỷ đồng nợ ở công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top