Theo quyết định ngày 8/8/2014, do Sở Xây dựng TP. HCM ban hành, dự án Tân Bình Apartment gồm 2 block, cao 14 tầng (không kể một tầng hầm và mái che cầu thang) với 168 căn hộ có diện tích từ 30m2 - 68,3m2.
Qua kiểm tra, tháng 8/2016 Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện chủ đầu tư xây sai phép (vượt tầng so với giấy phép). Theo đó, Sở Xây dựng TP. HCM lập biên bản xử phạt và ra quyết định cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ phần diện tích sai phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án vẫn phớt lờ yêu cầu này, cơ quan chức năng ban hành quyết định cưỡng chế chỉ để đó.
Điều đáng nói, ngày 02/12/2016, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP. HCM lại ban hành giấy phép quy hoạch, theo đó, Sở QHKT điều chỉnh hàng loạt các chỉ tiêu của dự án. Trong đó, cho phép dự án tăng từ 14 tầng lên 18 tầng, chiều cao công trình từ 45m lên 65m, quy mô dân số từ 392 lên 975 người, mật độ xây dựng toàn khu từ 43,75% lên 50%, hệ số sử dụng đất từ 4,73 lên 7.0... Với giấy phép điều chỉnh này của Sở QHKT, dự án được tăng thêm 28 căn hộ.
Rõ ràng việc thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khách hàng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở để Sở QHKT đưa ra việc thay đổi các chỉ tiêu trên là ý kiến của UBND quận Tân Bình và biên bản lấy ý kiến cộng đồng dân cư đạt 100%, cho rằng thay đổi này phù hợp. Đáng nói biên bản lấy ý kiến cộng đồng chỉ có 22 người. Tuy nhiên, theo khách hàng của dự án, họ không hề hay biết về biên bản lấy ý kiến trên. Rõ ràng việc tổ chức lấy ý kiến không thực hiện đúng theo quy định.
Theo thông tư 18/2014-TT-BXD của Bộ Xây dựng, ghi rõ, nếu chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán cho khách hàng, thì khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở phải có sự đồng thuận của 100% khách hàng.
Còn tại buổi làm việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư ngày 22/3/2017, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM “nhắc nhở” chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để tiếp tục thi công dự án.
Trong khi đó, tính theo thời điểm thì rõ ràng chủ đầu tư cố ý phạm luật, tiến hành cơi nới thêm tầng trước khi có giấy phép.
“Vì sao một công xây dựng sai phép đã ban hành cưỡng chế rồi không ai thực hiện? Vì sao xây dựng sai phép nhưng các cơ quan chưa năng vẫn tiếp tục quy trình cấp phép cho chủ đầu tư? Phải chăng đây chính là lý do khiến nhiều chủ đầu tư coi thường pháp luật, đẩy thiệt hại về khách hàng, dẫn đến những vụ khiếu kiện không đáng có”, chị Kim Tuyền - khách hàng dự án Tân Bình Apartment thắc mắc.
Được biết, mới đây, Sở QHKT TP. HCM đã gửi công văn cho Sở Xây dựng TP. HCM, đề nghị cung cấp kết quả xử lý sai phạm tại dự án Tân Bình Apartment. Việc cung cấp này nhằm phê duyệt tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc của dự án, để chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục, thi công tiếp dự án.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, nếu trước đây, dự án chỉ thiết kế cho chịu lực 14 tầng thì nay không thể chịu lực đến 18 tầng.
Khi dự án bị thay đổi về thiết kế, tăng số tầng, số căn hộ công trình sẽ ảnh hưởng về kết cấu chịu lực. Tất cả các hạng mục: cột, dầm, đà... đều bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, khi một dự án điều chỉnh thiết kế sẽ làm kéo dài thời gian hoàn thành. Việc này sẽ khiến dân số tại khu vực đó tăng đột biến. Nguy cơ hệ thống hạ tầng: đường sá, cấp thoát nước... bị quá tải, phá vỡ quy hoạch; gây kẹt xe, ngập nước.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.