Aa

Ai đứng sau vụ “sang tay” thỏa thuận 203 triệu cổ phiếu Eximbank?

Chủ Nhật, 14/04/2019 - 09:30

Giữa cuộc nội chiến, những giao dịch “sang tay” cùng với các mức giá phiên sau cao hơn phiên trước cho thấy có “hiện tượng” nhà đầu tư lớn đang thu gom cổ phiếu EIB...

fđg

Ai đứng sau vụ “sang tay” 203 triệu cổ phiếu Eximbank? Ảnh minh họa

Cuộc đua gom cổ phiếu EIB thuộc về các nhà đầu tư nội?

Suốt 3 quý sau của năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị coi như "gặp hạn" cho đến đầu quý 1 năm 2019 mới có sự phục hồi đáng kể như MBB, STB, BID, ACB, VCB, TCB, CTG…

Sáng giá nhất là cổ phiếu VCB, dù kết quả tài chính rất triển vọng nhưng tính đến ngày 26/3/2019, mức tăng chỉ hơn 20%. Hay như MBB tăng khoảng 14% và ACB cũng chỉ gần 4%. Đây đều là những cổ phiếu ngân hàng có kết quả kinh doanh và được đánh giá có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, duy chỉ có cổ phiếu gây bất ngờ với mức tăng giá cao nhất là EIB của Eximbank. Tiếp nối đà tăng trước đó (năm 2017) cho đến đầu năm 2019, cổ phiếu EIB đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/03 tại mức giá 17.600 đồng/cổ phiếu (tăng 0,9%) và nâng mức tăng giá kể từ đầu tháng 1/2019 đến nay lên gần 26%, vượt trội so với cổ phiếu “vua” ngân hàng VCB.

Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh mà ngân hàng này đạt được trong năm 2018, sẽ rất khó để lý giải hiện tượng trên. Bởi với chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng đột biến trong quý IV/2018 (tăng 75% và 239%). Kết quả, ngân hàng Eximbank đã ghi lỗ trước thuế TNDN tới 309 tỷ đồng trong quý IV/2018, kéo lợi nhuận sau thuế TNDN trong năm 2018 giảm 19% so với năm trước đó.

Cùng với đó, năm 2018, Eximbank đã phải trích lập tổng cộng 904 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Trong đó, trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo Thông tư 08/2016 của Ngân hàng Nhà nước với số tiền 514 tỷ đồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, những giao dịch “sang tay” cùng với các mức giá phiên sau cao hơn phiên trước cho thấy có “hiện tượng” nhà đầu tư lớn đang thu gom cổ phiếu EIB.

Cụ thể, ngày 28/3, EIB bất ngờ được giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn lên tới 17,67 triệu đơn vị. Liên tiếp nhiều phiên sau đó, khối lượng EIB được sang tay ở phiên thoả thuận rất lớn, từ 3 đến 59,67 triệu đơn vị mỗi phiên. Tổng khối lượng được giao dịch thoả thuận lên tới 203,7 triệu đơn vị, ước tính giá trị hơn 3.544 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin cổ đông lớn giao dịch khối lượng cổ phiếu EIB thời điểm này vẫn là ẩn số?

Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 340 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thoả thuận, chiếm khoảng 28% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng Eximbank.

Đáng chú ý, các giao dịch thỏa thuận lớn của Eximbank xuất hiện từ ngày 28/3/2019 – chính là thời điểm ngân hàng vướng lùm xùm tranh chấp bầu HĐQT mới. “Tâm điểm” sự việc xuất phát từ quyết định 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 đã thông qua việc miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập. Đồng thời, HĐQT đã bầu ngay Chủ tịch mới là bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT, người mới gia nhập ngân hàng và được bầu vào HĐQT hồi tháng 4/2018.

Nếu nhìn rộng ra, càng cho thấy động cơ ''sang tay'' cổ phiếu EIB không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây mà đã "âm thầm" từ trước khi ĐHĐCĐ Eximbank vào tháng 4/2018 và kéo dài cho đến tháng 10/2018 trước khi tăng mạnh trong tháng 12/2018 đến nay.

“Soi” thêm diễn biến giao dịch khối ngoại càng cho thấy ý đồ “thâu tóm” cổ phiếu EIB càng lộ rõ khi lượng giao dịch mua bán khá cân nhau. Vì vậy, có thể thấy cuộc đua gom cổ phiếu EIB thuộc về các nhà đầu tư nội?

Cuộc tranh chấp bầu nhân sự lãnh đạo HĐQT tại Eximbank vẫn chưa “hạ nhiệt” và được dự báo sẽ càng “nóng” hơn khi sắp cận kề cuộc họp ĐHCĐ thường niên sẽ diễn ra ngày 26/4 tới đây. Hiện, ngân hàng vẫn đang hoạt động trong tình trạng Chủ tịch HĐQT mới bầu chưa được công nhận chính thức.

“Lằng nhằng” kiện tụng thu hồi nợ

Liên quan tới hoạt động kinh doanh, Eximbank cũng nằm trong diện sẽ bị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động xử lý nợ xấu. Thời kỳ được kiểm toán là từ 15/8/2017 đến 31/12/2018.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của Ngân hàng Eximbank, Kiểm toán Nhà nước rất “lưu ý” đến 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản đảm bảo.

Trước đó, năm 2016, EIB đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Đến ngày lập BCTC kiểm toán 2018, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 312 tỷ đồng đã có bản án sơ thẩm. Theo đó, 3 khách hàng này phải thanh toán cả lãi và gốc cho EIB số tiền 437.94 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực.

Trong trường hợp không thể thanh toán khi đến hạn thì EIB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Các khách hàng này hiện đã kháng cáo phán quyết của Tòa sơ thẩm về cách tính lãi. Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ 434 tỷ đồng, EIB đang chờ Tòa án giải quyết.

Theo kiểm toán, tại ngày 31/12/2018, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên 97.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top