Aa

Ái nữ Tập đoàn Nam Cường hồi tưởng ký ức về người cha “tự đốt cháy mình” đến chiến lược khu đô thị “thuận thiên”

Thứ Ba, 07/03/2017 - 14:11

Với Trần Thị Quỳnh Ngọc, tấm gương của cha là nguồn động lực, cảm hứng to lớn thôi thúc cô nối nghiệp gia đình dù trước đó 9x này tự thấy bản thân “mình hạc, xương mai” trong môi trường kinh doanh khốc liệt.

Khi còn tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế, Trần Thị Quỳnh Ngọc không nghĩ mình sẽ theo nghiệp bất động sản của bố (ông Trần Văn Cường – cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường). Cô gái này mảnh mai, yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật và những hoạt động xã hội hơn là kinh doanh. Thế nhưng, hình ảnh người cha trong lúc bệnh nặng nhất vẫn đau đáu về những sản phẩm để đời của Nam Cường trong tương lai đã khiến Quỳnh Ngọc thay đổi.

Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường tâm sự: “Bố tôi đam mê đến mức không dừng lại được. Ông như một ngọn đuốc tự đốt cháy mình trong công việc”. Và câu chuyện với chúng tôi của cô gái trở thành Phó Chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn ở tuổi đôi mươi cũng bắt đầu.

Người ở túp lều muốn xây lâu đài phải làm gì?

Trong thời gian đi chữa bệnh nặng ở Nhật Bản, thói quen nghề nghiệp của bố tôi vẫn không hề thay đổi. Ở bệnh viện, những lúc phải vịn hành lang để đi lại, ông gõ gõ vào tường rồi cứ hỏi cái này làm bằng chất liệu gì, đơn vị nào thiết kế… Ông thường ngồi nhìn xa xăm, ánh mắt mờ sương hỏi tôi: Biết bao giờ Việt Nam mới bằng được một phần nước Nhật hả con? Lúc ấy, tôi biết rằng mình phải đi tiếp con đường dang dở của bố. Vậy thôi, chỉ đơn giản vậy.

Sau đó, tôi phải mời tập đoàn Nhật Bản đã thiết kế, xây dựng các công trình lớn mà bố tôi đã trải nghiệm ở Nhật Bản đến gặp bố để ông thoả lòng. Ông dặn tôi: “Sau này con mời đơn vị này thiết kế cho chúng ta nhé”. Chúng tôi cũng mời các cán bộ của Tập đoàn ở Việt Nam sang thăm và cả đoàn đứng lặng đi khi nghe câu chuyện. Từ đó đến nay, chúng tôi với Nihon Sekkei trở thành đối tác đồng hành trong nhiều dự án.


Đồ hoạ: 7pm

Đồ hoạ: 7pm

Cách đây hơn 20 năm, các dự án bất động sản của Nam Cường đã tiên phong mời tư vấn thiết kế nước ngoài. Lúc đó, nhiều người nói bố tôi sính ngoại, người khác thì nói là “chịu chơi”, nhưng thực ra không phải. Bố nói với tôi: “Họ sinh ra đã ở trong lâu đài, sinh ra đã biết thế nào là cuộc sống văn minh thì họ sẽ tư vấn tốt cho mình những điều văn minh. Chúng ta sinh ra trong túp lều, lớn lên trong gian khó nên muốn làm điều văn minh, hãy hỏi những người ở trong lâu đài”.

Chỉ bấy nhiêu từ thôi là tôi hiểu là Nam Cường sẽ phải làm như thế nào sau này. Cái gì mình không biết thì phải cầu thị, hỏi những người từng làm tốt và luôn cởi mở để đón nhận cái mới.

Khi còn sống, mỗi khi đi cùng với bố đến nơi nào mà có cái gì hay từ cục xà phòng, đến tờ rơi, ông đều bảo tôi mang về học tập. Trong con mắt của ông, không có cái gì tốt nhất mà luôn có thể tốt hơn. Đó cũng là điều mà chúng tôi, thế hệ F2 của Nam Cường sẽ khắc ghi và lấy đó làm nguyên tắc trong kinh doanh.

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tự hào vì Nam Cường đã góp một phần nhỏ thay đổi diện mạo của các tỉnh thành, đóng góp vào việc hình thành khái niệm khu đô thị mới ở miền Bắc. Thời ấy, khi mở bán, khách hàng đập vỡ cả cửa kính để vác bao tải tiền vào mua nhà. Đó là thời mà Nam Cường đi tiên phong về mô hình nhà ở tại miền Bắc. Chúng tôi đáp ứng một cách thiết thực cho nhu cầu với những giá trị mới được tạo ra chứ không đặt nặng giá tiền.

Giờ đây chúng tôi là những người đi sau luôn phải trăn trở làm thế nào để vượt qua được cái bóng ấy và mang lại cho Nam Cường một diện mạo mới, một tầm vóc mới.

Khu đô thị “thuận thiên” và miền đất cho trẻ em

Bố tôi vẫn thường nói: Mình phát triển được là nhờ thuận thiên, phúc tổ. Ngày hôm nay, chúng tôi cũng muốn làm mọi thứ thuận thiên: thuận trời, thuận đất, thuận với thiên nhiên - đó là quan điểm phát triển bất động sản của Nam Cường.


Đồ hoạ: 7pm

Đồ hoạ: 7pm

Tôi muốn mọi người hình dung: Đến với Nam Cường là đến với miền đất vượng khí, phong thủy tốt, có hệ sinh thái thuận hoà với thiên nhiên. Đến với Nam Cường là đến với một cộng đồng mà mọi người tôn trọng giá trị gia đình, giá trị bền vững của tương lai và cùng nhau chung tay vun đắp.

Thế nhưng, việc có một hệ sinh thái thuận hoà với thiên nhiên sẽ không giống với khái niệm xanh ở nhiều khu đô thị khác. Có người hỏi chúng tôi: Vì sao “làm xanh” lại không phủ xanh cả tòa nhà như ở Singapore? Tôi có giải thích, quan trọng là ai sẽ ở trong đó. Nếu dân mình vẫn muốn mang chăn ra ngoài phơi, vẫn thích tích trữ nhiều đồ trong nhà, vẫn mang rất nhiều nồi niêu xoong chảo ra ngoài hành lang… thì không thể làm cả tòa nhà màu xanh được. Đó là cả một quá trình, một tương lai, một định hướng.

Ở đây, chúng tôi không đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tạo ra một khu rừng ngay lập tức. Chúng tôi bắt đầu từ những bước nhỏ nhất: từ màu xanh, nghĩ xanh, sống xanh rồi mới đến lan tỏa xanh. Đấy là con đường của Nam Cường trong nhiều chục năm sắp tới mà phải rất kiên định, cần kiên trì hơn nữa để bắt đầu một câu chuyện dài tập về khu đô thị phát triển “thuận thiên”.

Đối với Nam Cường, đó là An lành, là môi trường sống hoà hợp với thiên nhiên. Chúng tôi muốn tạo ra một tư duy xanh cho mọi cư dân, để từ ngày hôm nay không chỉ có Nam Cường trồng cây. Khi bàn giao nhà, Nam Cường sẽ tặng cho mỗi gia đình một cái cây và hy vọng với những chiến dịch của chúng tôi thì các cháu nhỏ sẽ thích trồng cây, rồi cây xanh sẽ được phủ một cách tự nhiên chứ không cưỡng ép... Với trẻ con, môi trường sống là số 1 chứ không phải tiện ích, hay những thứ xa xỉ khác.

Điều này không hề dễ dàng nhưng tôi nghĩ rằng, cần bắt đầu một điều gì đó để cộng đồng nhận ra rằng mình cần sống khác đi, trong lành hơn, trở về với thiên nhiên hơn.

Bởi “Trời sinh ra trước nhất, chỉ toàn là trẻ con”, nên chúng ta bắt đầu từ gốc, từ mầm non, và ươm mầm. Đó là lý do tôi kể tập 1 của câu chuyện này: một mảnh đất an lành, một cổng chào, một miền đất hứa dành cho trẻ em.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top