Aa

Ấn định thời điểm 2 bệnh viện tuyến cuối Trung ương 10.000 tỷ đi vào hoạt động

Thứ Ba, 25/02/2025 - 10:06

Hai bệnh viện quy mô đã khởi công xây dựng từ hơn 10 năm trước, trong năm nay sẽ được đưa vào vận hành.

Văn phòng Chính phủ vừa công bố thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long sau chuyến thăm và kiểm tra trực tiếp các công trình của Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam.

Theo thông báo, nhằm đảm bảo việc xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng hai bệnh viện này được thực hiện đúng tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp liên quan sớm đưa 2 bệnh viện vào vận hành.

Ấn định thời điểm 2 bệnh viện tuyến cuối Trung ương 10.000 tỷ đi vào hoạt động - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Bộ Y tế, chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị liên quan cần huy động tối đa nhân lực, thời gian và trí tuệ, lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực một cách tối ưu. Mục tiêu là hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" - không để công việc bị chậm trễ do chờ đợi hay trì hoãn. Việc thi công "3 ca, 4 kíp" được khuyến khích nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa hai bệnh viện vào hoạt động sớm hơn ít nhất một tháng so với kế hoạch ban đầu, tức trước ngày 30/11/2025.

Bộ Y tế, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan cần chủ động trao đổi, phối hợp và thống nhất tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý tình huống cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, các bên phải tổ chức họp, làm việc trực tiếp để tránh tình trạng văn bản qua lại nhiều lần gây chậm trễ và ách tắc trong công việc.

Chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện tờ trình và các tài liệu liên quan đến thẩm định dự toán xây dựng phần cơ điện, gửi Bộ Xây dựng để tiếp tục thẩm định. Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức thẩm định và hoàn thành báo cáo thẩm định theo quy định, chậm nhất trước ngày 03/03/2025.

Các nhà thầu cần chủ động phối hợp chặt chẽ cùng chủ đầu tư trong việc tăng cường nhân lực, cung ứng vật tư và thiết bị. Đồng thời, tổ chức triển khai đồng loạt các hạng mục theo tinh thần "thi công 3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", đảm bảo an toàn lao động và chất lượng công trình để sớm đưa hai bệnh viện vào hoạt động.

Ấn định thời điểm 2 bệnh viện tuyến cuối Trung ương 10.000 tỷ đi vào hoạt động - Ảnh 2.

Trước 30/11, hai bệnh viện sẽ được đưa vào hoạt động. Ảnh: Internet

Các Bộ có liên quan, gồm Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án và Bộ Y tế trong quá trình thực hiện và hoàn thành hai dự án này.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu ngay từ giai đoạn xây dựng, mua sắm thiết bị y tế. Đồng thời, các bên cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực y tế và các điều kiện cần thiết để đảm bảo 2 bệnh viện có thể vận hành hiệu quả ngay sau khi hoàn thành.

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được khởi công từ cuối năm 2014. Quy mô dự kiến cho mỗi bệnh viện là 1.000 giường bệnh với tổng diện tích sàn khoảng 118.941m2 đối với Bệnh viện Bạch Mai và 117.714m2 đối với Bệnh viện Việt Đức. Tổng mức đầu tư của hai dự án lần lượt là 4.990 tỷ đồng và 4.968 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả hai bệnh viện đã được khánh thành, nhưng chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020, trước khi tạm ngừng hoạt động. Khu vực này sau đó được sử dụng làm khu cách ly tập trung trong thời gian chống dịch Covid-19.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top