An Gia Group: Từ đơn vị môi giới đến doanh nghiệp địa ốc nghìn tỷ
Ngày 17/12/2019 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia đã chính thức niêm yết thành công tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán “AGG”. Ngày 9/1/2020, cổ phiếu AGG sẽ đi vào phiên giao dịch đầu tiên với giá tham chiếu là 25.000 đồng/cổ phiếu.
Với dấu mốc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán, An Gia trở thành cái tên khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Không quan tâm sao được khi thị trường bất động sản vừa trải qua một năm với nhiều nốt trầm, khi các doanh nghiệp còn đang loay hoay tìm cách khẳng định vị thế thì cái tên được nhắc đến là “An Gia Group” lại là đơn vị mới gia nhập thị trường có vỏn vẹn 5 năm.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng gây chú ý khi sở hữu thương vụ chuyển nhượng dự án 3,1ha ở trung tâm Bình Chánh vào hồi tháng 9. Tuyên bố sẽ biến dự án 3,1ha ở trung tâm Bình Chánh trở thành dự án hạng sang vùng ven TP.HCM, ông Nguyễn Bá Sáng - người sáng lập An Gia Group đã tiếp tục một lần nữa khiến các nhà đầu tư phải chú ý. Đây là một trong những bước tiến của An Gia trong lộ trình phát triển và mở rộng quy mô, gia tăng khối tài sản nhằm chuẩn bị cho bước đệm lên sàn HoSE vào cuối tháng 12/2019. Rõ ràng, khi xác định niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE, An Gia cần có một lộ trình dài hơi để gia tăng mục tiêu về tài sản cũng như lợi nhuận.
Cần phải nhắc lại, thực tế, ở thời điểm trước khi hoàn tất thủ tục “sang tên đổi chủ” dự án 3,1ha ở trung tâm Bình Chánh, An Gia Group đã xây dựng được tiếng vang trên thương trường TP.HCM với bảng dài các dự án bất động sản có tỷ lệ hấp thụ lớn nhất. Tính đến nay, An Gia Group đã ghi dấu ấn với 6 dự án có tốc độ bán hàng thần tốc trên thương trường. Tuy nhiên, với ông Sáng, con số này chưa đủ trong cuộc hành trình chinh phục thương trường và khách hàng của doanh nghiệp còn trẻ này.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Bá Sáng đã khẳng định: “Mục tiêu duy nhất công ty theo đuổi là tạo ra những sản phẩm tốt hơn mỗi ngày. Đối thủ lớn nhất của An Gia là chính mình, làm sao để hôm nay luôn phải tốt hơn hôm qua”. Tuyên bố của ông Sáng cho thấy, doanh nghiệp này sẽ còn tiếp tục có những tham vọng khác để khẳng định và củng cố vững chắc thương hiệu của mình.
Cũng theo đánh giá của Công ty Savills mới đây, An Gia đang có những con số về tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận đầy ấn tượng. Cụ thể, tổng tài sản dương của An Gia là 3.500 tỷ đồng. Doanh thu năm 2018 của doanh nghiệp này đạt 1.492 tỷ đồng/năm (tương đương 64,3 triệu USD), tăng khoảng 50% so với doanh thu 1 năm trước. Năm 2019, An Gia ước tính doanh thu thuần 359 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 320 tỷ đồng (vượt 7% kế hoạch).
Sự ngạc nhiên về tốc độ phát triển 5 năm của An Gia đối với giới thương trường là điều không tránh khỏi. Nhưng, ít ai biết rằng, trước khi trở thành cái tên vàng trong bảng danh sách các doanh nghiệp phát triển bất động sản đình đám, An Gia có tiền thân là doanh nghiệp kinh doanh chính mảng môi giới bất động sản, được thành lập vào năm 2006. Trải qua hơn 1 thập niên, đi cùng quãng thời gian thăng trầm của thị trường bất động sản, An Gia thời điểm đó đã là đơn vị môi giới có tốc độ bán hàng “khủng”. Ngay cả khi thị trường rơi vào điểm trũng, các doanh nghiệp chật vật trong bài toán thanh khoản sản phẩm thì An Gia lại luôn là “bà đỡ mát tay”.
Đến năm 2012, An Gia hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Năm 2014, khi thị trường bất động sản ấm lại sau sự cố đóng băng trước đó, An Gia đã chuyển mình trở thành đơn vị phát triển bất động sản.
Đánh dấu bước khởi đầu cho cuộc chuyển hướng trọng tâm phát triển, năm 2014, An Gia đã mua lại thành công dự án The Star và The Garden tại quận Bình Tân, Bình Phú (TP.HCM).
Các báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã từng nhiều lần đưa ra nhận định về xu hướng M&A của doanh nghiệp địa ốc, kể từ khi thị trường bất động sản quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng sau thời gian đóng băng. HoREA đã nhận định, đây là xu hướng phát triển nhanh và mạnh trên thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và thị trường nói chung.
Không nằm ngoài xu hướng đó, An Gia trở thành cái tên nổi danh và thực sự thành công nhờ chiến lược M&A. Thẳng thắn nhìn nhận rằng, vào thời điểm năm 2014, việc chuyển nhượng lại 2 dự án ở quận Bình Tân, Bình Phú (TP.HCM) chưa tạo ra sức hút của An Gia trên thương trường. Phải đến năm 2015, thương vụ bỏ ra 200 triệu USD của quỹ đầu tư Nhật Bản - Creed Group vào An Gia để mua lại 20% cổ phần, đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50 - 50% khiến cái tên An Gia mới đủ sức gây chú ý.
Cú bắt tay với Creed đã mở ra chặng đường liên tục thành công với An Gia khi các dự án ra đời đều đạt kết quả tỷ lệ bán lớn trên thị trường điển hình như Riverside, Skyline, River Panorama, Sky89 (quận 7), The Sóng (1.526 căn)…
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Bá Sáng cho rằng, thành công của An Gia là nhờ một phần nguồn lực tài chính mạnh từ phía Creed cũng như quá trình chuyển giao công nghệ, tư vấn và hợp tác. Thương vụ hợp tác trên cơ sở chung định hướng, tầm nhìn đã giúp “cặp đôi” An Gia - Creed tạo dòng sản phẩm bất động sản hạng sang nhưng giá tầm trung. Điển hình như trong năm 2017, An Gia và Creed đã bắt tay và hoàn thành 246 căn hộ toà Riverside, 471 căn hộ toà Skyline; ba dự án thành phần còn lại là River Panorama 1.006 căn, Sky89 quy mô 430 căn.
“Đứa con chung” - dự án Signial dự kiến hoàn thành vào năm 2020 - 2021 của An Gia và Creed với mô hình lưu trú thông minh đang trong quá trình triển khai, được dự đoán sẽ tạo nên cơn sóng lớn trên thị trường nhờ khai thác dòng ngách về sản phẩm, đánh trúng thị hiểu của dòng khách hàng trẻ, năng động.
An Gia và Creed cũng đang hợp tác trong dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, mà dự án mới đây nhất là The Sóng (Vũng Tàu).
Tuy nhiên, có thể thấy, An Gia đang thể hiện mối quan hệ hợp tác “fair play” khi sẵn sàng để mức lợi nhuận đối với Creed là 50 - 50% cho 20% số vốn mà quỹ đầu tư này góp vào. Đây cũng được đánh giá là nhân tố giúp cho mối quan hệ của Creed và An Gia thực sự “đơm hoa kết trái ngọt”.
Để đa dạng hóa nguồn vốn, giảm rủi ro trong tín dụng, An Gia còn “bắt tay” với Quỹ KIM (Hàn Quốc), Hoosiers (Nhật Bản) và Actis (Anh Quốc).
Trên thương trường, An Gia là một trong những minh chứng điển hình nhất của chiến lược M&A thành công. Không thể phủ nhận khả năng sử dụng bài toán nguồn vốn hiệu quả, doanh nghiệp địa ốc này còn có những nước cờ thông minh để phát huy mối quan hệ hợp tác M&A.
Nhìn lại một chặng đường mà An Gia Group bước qua, có lẽ thành công sẽ không thể đến nếu thiếu đi nguyên tắc bản lề, kim chỉ nam của sự phát triển bền vững. Quay trở lại với thời điểm chuyển hướng phát triển, trong chia sẻ về hành trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, điều khiến ông Nguyễn Bá Sáng luôn trăn trở và tâm huyết chính là chất lượng sản phẩm, lấy khách hàng làm trung tâm.
Cũng bởi trăn trở mà ông Nguyễn Bá Sáng đã đặt sứ mệnh của An Gia là “Mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn mỗi ngày”.
Chính vì khát khao tạo ra sản phẩm tốt nhất mà An Gia Group đã chuyển hướng từ doanh nghiệp môi giới sang đơn vị phát triển bất động sản. Bởi chỉ trong vai trò là đơn vị phát triển bất động sản, An Gia mới thực sự đảm bảo và kiểm soát được quy trình từ đầu vào đến sự ra đời của một sản phẩm hoàn hảo và chỉn chu nhất.
Chính vì mong muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất mà An Gia Group đã xác định phải có kiềng 3 chân: Nguồn vốn, đối tác và đội ngũ nhân sự. Ngoài các quỹ đầu tư lớn như Creed Group (Nhật Bản)… An Gia còn bắt tay với Coteccons Group, Ricons… để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án. Coteccons còn là đơn vị tham gia góp vốn vào một số dự án với An Gia. Trong khi đó, An Gia cũng có lợi thế nhờ việc sở hữu đội ngũ nhân sự trẻ năng động, chuyên nghiệp.
Triết lý lấy khách hàng làm trung tâm, xây dựng sản phẩm tốt nhất cũng được vị lãnh đạo của An Gia coi là quan điểm, nguyên tắc lựa chọn đối tác và bán hàng của An Gia Group.
Người sáng lập của Hershey (thương hiệu sô-cô-la nổi tiếng thế giới) có một triết lý marketing rằng: "Hãy cho họ chất lượng. Đó là quảng cáo tốt nhất trên thế giới". Và điều này đã hoàn toàn đúng với An Gia khi doanh nghiệp này liên tục có dự án ra đời với chất lượng tốt, tạo ra thành công trên thương trường.
Có một điều khá thú vị về doanh nghiệp địa ốc này!
Thành công trong việc niêm yết trên sàn HoSE của An Gia vào cuối năm 2019 được coi là trường hợp khá đặc biệt. Vì từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường chứng khoán không có được một thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trong khi đó số lượng các doanh nghiệp đăng ký lên sàn cũng không nhiều, nhất là hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Chưa kể, An Gia là doanh nghiệp hiếm hoi tại TP.HCM thực hiện M&A dự án đất sạch, có sổ đỏ. Trong khi đó, xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp địa ốc đều thực hiện chiến lược “đánh bắt xa bờ”, tìm kiếm các quỹ đất xa nội đô TP.HCM như Long An, Đồng Nai hay Bình Thuận, Khánh Hòa… Nhưng An Gia lại xác định TP.HCM và vùng ven thành phố vẫn là thị trường đầy tiềm năng và giàu tính thanh khoản. Hiện tại, An Gia đang có kế hoạch gia tăng thêm quỹ đất tại các vị trí phù hợp với chiến lược phát triển thông qua các hoạt động M&A. Mục tiêu hướng đến của An Gia là: Các khu đất trong các quận 7, quận 9, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè…, các địa bàn trong phạm vi lái xe xung quanh TP.HCM, các tỉnh miền Tây; chi phí M&A phù hợp với phương án phát triển; hiện trạng pháp lý minh bạch (ưu tiên dự án có sổ đỏ, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư).
Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Bá Sáng đã chia sẻ về kế hoạch thời gian tới là đầu tư xây dựng hàng trăm căn hộ ven biển Hòn Rơm, Phan Thiết. Trước đó, An Gia đã tung ra thị trường dự án The Sóng - sản phẩm đầu tay trong dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Thị trường cũng đã đón nhận dự án này khá tích cực. Nhưng tuyên bố đầu tư mở rộng vào dòng sản phẩm nghỉ dưỡng của An Gia khiến dư luận cho rằng đây là động thái đầy mạo hiểm, nhất là khi thị trường này đang có dấu hiệu bão hòa và còn nhiều rủi ro tranh cãi.
Tuy nhiên, giải thích về kế hoạch này, ông Sáng đã khẳng định, đúng là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu đi xuống nhưng nhu cầu du lịch của người dân không bao giờ biến mất. Nếu tín hiệu kinh tế tốt, người ta có thể bỏ ra vài chục triệu thuê một căn hộ bên biển để nghỉ dưỡng. Nhưng nếu kinh tế ảm đạm hơn, người ta vẫn đi du lịch nhưng sẽ thuê những căn hộ 5 - 7 triệu đổ lại. Những căn hộ nghỉ dưỡng trong tầm giá này hầu như không có. Ông Sáng đưa ra quan điểm về bán hàng của An Gia đó là: “Chúng tôi muốn bán kem mùa đông. Nếu mùa đông bạn bán được kem thì quanh năm không bao giờ lo không bán được nữa”.
Có vẻ như, dẫu thị trường có biến động thì điều đó không phải là thử thách cho tham vọng của vị lãnh đạo An Gia Group. Bởi ở đâu có thách thức thì với An Gia đó là cơ hội, như lời của CEO Nguyễn Bá Sáng nói: “Những dấu mốc quan trọng của An Gia đều rơi vào những thời điểm khó khăn nhất của thị trường. Theo quy luật tự nhiên: Thứ gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”.
Con đường phát triển của An Gia sẽ còn nhiều dấu ấn mới khi doanh nghiệp này đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE. Trong thông báo mới đây nhất, đại diện của An Gia cho biết, năm 2020, doanh nghiệp này sẽ triển khai bán các dự án đã ra mắt như Westgate, đồng thời mở bán các dự án mới gồm BD7.0 (Bình Dương), PT5.0, PT5.8 và PT9.0 cùng một số dự án khác đang trong quá trình ký kết. Công ty dự kiến tổng số lượng sản phẩm tiêu thụ được khoảng 2.000 căn với doanh số ước đạt 8.500 tỷ đồng.
Do đó, An Gia đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng, tăng lần lượt 624% và 50% so với năm trước. Cổ tức dự kiến duy trì từ 10 - 15%.
Về dài hạn, mục tiêu mỗi năm sẽ chi từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng để tạo quỹ đất và đảm bảo đầu vào phát triển bền vững trong 10 năm tới. Mỗi dự án sẽ có quy mô trung bình (dưới 1.000 tỷ đồng), phù hợp với phân khúc vừa túi tiền và trung cấp. Dự kiến trong tương lai, An Gia hướng tới xây dựng những dự án quy mô trung bình từ 20 – 30ha nhằm xây dựng những khu phức hợp (compound), khu đô thị (township) có quy mô trung bình.