Aa

An Giang: Bất cập trong giám định, cấp chứng chỉ xây dựng

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Sáu, 19/01/2024 - 12:27

Sở Xây dựng An Giang đề nghị có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với cách xác định chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang có báo cáo 4519 /BC-SXD về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Sở.

Trong đó, Sở Xây dựng cho biết, còn nhiều bất cập, thiếu sót được phát hiện trong quá trình thực thi pháp luật và đánh giá về việc phân cấp, phân quyền theo quy định của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, về chuyên môn được đào tạo để xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng, theo Sở Xây dựng, trên thực tế và cũng như hiện trạng, chứng chỉ hành nghề của các cá nhân được cấp ở giai đoạn theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì cá nhân có chuyên môn đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng này vẫn được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng loại công trình thuộc chuyên ngành khác khi đáp ứng điều kiện kinh nghiệm (ví dụ: kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường từng được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông, thiết kế kết cấu công trình, thiết kế công trình phục vụ NN&PTNT, thiết kế hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước).

Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định về chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lĩnh vực thiết kế xây dựng thì cá nhân khi đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng tương ứng với từng loại công trình thì phải có chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành có liên quan đến từng loại công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng. 

Trong quá trình tổ chức xét cấp chứng chỉnh hành nghề cho cá nhân, nhất là trường hợp cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hiện nay, bộ phận chuyên môn cũng như các thành viên Hội đồng xét cấp chứng chỉ buộc phải đánh giá không phù hợp về chuyên môn được đào tạo đối với các trường hợp đề nghị cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề thiết kế nhiều loại công trình như đã nêu trên và gặp rất nhiều phản ứng trái chiều từ các cá nhân.

An Giang: Bất cập trong giám định, cấp chứng chỉ xây dựng- Ảnh 1.

Theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì cá nhân có chuyên môn đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng này vẫn được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng loại công trình thuộc chuyên ngành khác khi đáp ứng điều kiện kinh nghiệm. ảnh HL

Đối với chứng chỉ hành nghề cho cá nhân và chứng chỉ năng lực cho tổ chức đối với loại công trình đường dây và trạm biến áp, các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ- CP và được sử đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP thì cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng không có loại công trình đường dây và trạm biến áp.

Mặc dù vậy, theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP thì các lĩnh vực, phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực cho tổ chức trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, thi công xây dựng thì có loại công trình công nghiệp năng lực (đường dây và trạm biến áp).

Qua đó, việc đánh giá, xét cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức trong lĩnh vự thiết kế, thi công xây dựng loại công trình công nghiệp năng lượng (đường dây và trạm biến áp) theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 89 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là không có cơ sở.

Sở Xây dựng cũng cho rằng, có bất cập theo quy định tại khoản 18 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 5 Điều 62, khoản 1 Điều 63 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì cá nhân khi đề nghị cấp lần đầu, điều chỉnh hạng, gia hạn chứng chỉ hành nghề thì thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề là 5 năm. Các trường hợp còn lại thì thời hạn chứng chỉ theo thời hạn chứng chỉ được cấp trước đó. Điều này rất thuận tiện trong việc kiểm soát số lượng chứng chỉ, thời hạn hiệu lực chung cho chứng chỉ hành nghề của một cá nhân.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 18 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ- CP đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 63 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, trong đó "a) Cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu (bao gồm trường hợp lần đầu được cấp chứng chỉ và trường hợp bổ sung lĩnh vực hoạt động xây dựng chưa có trong chứng chỉ); điều chỉnh hạng chứng chỉ hành nghề;". Điều này dẫn đến trường hợp một cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề được cấp trước đó nhưng khi xin điều chỉnh, bổ sung thêm lĩnh vực mới lại phát sinh thêm một chứng chỉ mới có thời hạn hiệu lực mới (5 năm) so với chứng chỉ củ được cấp trước đó (còn thời hạn) làm phát sinh thêm nhiều chứng chỉ khác nhau, có thời hạn khác nhau, khó kiểm soát trong quá trình quản lý.

Tương tự, chứng chỉ năng lực của tổ chức cũng vướng phải vấn đề này.

An Giang: Bất cập trong giám định, cấp chứng chỉ xây dựng- Ảnh 2.

Sở Xây dựng kiến nghị hướng dẫn cụ thể khi cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP - Ảnh minh họa

Trước những bất cập trên, Sở Xây dựng kiến nghị có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với cách xác định chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Vì năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức căn cứ trên năng lực hành nghề của các cá nhân tham gia chủ trì, chủ nhiệm, giám sát trưởng, chỉ huy trưởng công trình. Qua đó, Sở kiến nghị lĩnh vực hành nghề của cá nhân và lĩnh vực hoạt động của tổ chức cần có sự thống nhất. 

Trường hợp có bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật về năng lực hành nghề giữ ngành Xây dựng và ngành Công Thương (quản lý năng lượng, điện năng), đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công thương thống nhất quy định quản lý tránh chồng chéo.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh thống nhất quy định hoặc khái nghiệm về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lần đầu cần hiểu là lần đầu được cấp chứng chỉ, không nên bao gồm trường hợp điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực hành nghề hoạt động xây dựng chưa có trong chứng chỉ. Điều này tránh trường hợp một cá nhân, một tổ chức có quá nhiều chứng chỉ có lĩnh vực hoạt động, thời hạn hiệu lực khác nhau./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top