Mới đây, ông Trần Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang ký công văn 3882/SXD-KT&QLXD gửi các chủ đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2023 về chấn chỉnh công tác quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Xây dựng có trách nhiệm thông tin đến các chủ đầu tư có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm theo nội dung của Chỉ thị số 12 và theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 5/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cũng đã ký chỉ thị số số 12/CT-UBND, chấn chỉnh công tác quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung chỉ thị, chủ đầu tư thực hiện đề xuất gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng khi đã hết thời gian thực hiện hợp đồng, không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP quy định “1. Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng bao gồm cả thời gian được gia hạn thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.”
Nguồn vốn bố trí cho các dự án được UBND tỉnh bố trí thông qua kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch giao chi tiết vốn hằng năm. Tuy nhiên, khi các chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng chưa tính toán đến nguồn vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và dự kiến giao các năm tiếp theo, dẫn đến việc đề xuất gia hạn nhiều lần, thời gian gia hạn kéo dài.
Cá biệt có những công trình chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng nhiều lần nhưng đã dừng thi công trong thời gian dài (1-3 năm) trong khi nguồn vốn ngân sách vẫn cấp hằng năm. Chủ đầu tư đã không sát sao trong việc đôn đốc, chấn chỉnh công tác thi công của nhà thầu, gây chậm tiến độ thời gian thực hiện hợp đồng.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng năng lực còn hạn chế, chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng; một số Chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác quản lý hợp đồng xây dựng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình cũng như các cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Công tác quản lý, kiểm soát tiến độ thực hiện hợp đồng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý hoạt động xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các dự án và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện hợp đồng xây dựng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
Rà soát tình hình thực hiện toàn bộ các hợp đồng xây dựng đang quản lý. Trường hợp còn tồn tại hợp đồng chậm tiến độ và đã hết thời gian thực hiện hợp đồng, Chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng báo cáo người có thẩm quyền trước ngày 15/12/2023.
Sau thời gian trên, việc thực hiện đề xuất, xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thực hiện đúng theo các nội dung tại Chỉ thị này và các quy định của pháp luật hiện hành./.