Aa

Ăn thực phẩm chứa bột ngọt bị tê, mỏi người, do đâu?

Thứ Sáu, 13/04/2018 - 00:01

Bột ngọt là chỉ là một loại gia vị, có thể làm cho món ăn ngon hơn, song thực chất chúng không phải là thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng.

BS. CKI Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám Đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng Tp.HCM, cho biết, mì chính chỉ là gia vị thông thường, không phải là thực phẩm dinh dưỡng, do đó cần hạn chế sử dụng chúng.

Vì sao có hiện tượng "say mì chính"?

Phóng viên: Thưa bác sĩ, mặc dù bột ngọt được chứng minh là một gia vị an toàn trong khi sử dụng, bằng chứng là Bộ Y tế xếp bột ngọt vào "danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm năm 2001”. Tuy nhiên cho đến nay nhiều người vẫn lo sợ, bởi có tình trạng khi ăn bị tê vai, mỏi gáy, đơ người hoặc tê lưỡi? Bà có thể lí giải về điều này?

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Hiện tượng một số người ăn các sản phẩm nêm nếm bột ngọt/ mì chính thì xuất hiện tình trạng mỏi vai gáy, tê lưỡi, tê bì chân tay, thậm chí một số người tim đập nhanh... đây là biểu hiện của một số người không dung nạp hoặc dị ứng với mì chính hay còn gọi là bột ngọt.

Hiện tượng này là do cơ thể chuyển hóa hoặc hấp thu thành phần nào đó trong bột ngọt không phù hợp. Tuy nhiên những biểu hiện này đều lành tính, xuất hiện sau khi ăn và thông thường sau một khoảng thời gian tầm 30 phút đến 2 giờ đồng hồ thì những triệu chứng này mất đi. Ngày xưa người ta gọi hiện tượng này là "hội chứng nhà hàng Trung Hoa" (Chinese Restaurant Syndrome).

Vì vậy những người này không nên ăn bột ngọt hoặc các sản phẩm nêm nếm gia vị này.Phóng viên: Theo một số ý kiến từ bạn đọc gửi tới báo Pháp Luật TP. HCM, “Việt Nam làm mì chính từ củ mì cao sản, loại thường dễ say khi ăn. Vậy nên ăn bột ngọt vào mới bị đau đầu chóng mặt”. Điều này có phải là nguyên nhân?

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp : Đối với những người bị dị ứng hoặc không dung nạp khoai mì thì không chỉ ăn mì cao sản mà kể cả khoai mì bình thường cũng say. Cũng như có người ăn thơm bị dị ứng, người thì không. Do đó theo tôi nhận thấy, không có chứng cứ hay kết quả nghiên cứu nào chứng minh rằng việc mì chính làm từ củ mì cao sản nên ăn mì chính bị đau đầu chóng mặt, mà nó chỉ liên quan tới thành phần của bột ngọt.

Bột ngọt/ Mì chính lợi hay hại?

Phóng viên: Nhiều người cho rằng không nên dùng mì chính vào các món ăn chua có giấm vì mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit hay không nên thêm mì chính vào các món nộm, gỏi chua ngọt…

bot

Nên hạn chế tiêu thụ mì chính/ bột ngọt. (Ảnh: PLO)

 

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Việc sử dụng nêm nếm bột ngọt trong các món ăn chua thì nên chúng ta phải nhớ rằng chúng chỉ là thứ gia vị, và phản ứng hóa học của thành phần chính trong bột ngọt là axit glutamic với các loại axit ở thực phẩm chua như axit lactic... nó không gây ra phản ứng có hại cho cơ thể.

Cho nên, khi nấu ăn nếu mình cảm thấy cần thì có thể sử dụng được vì bản chất nó không sinh ra chất gây độc, song hãy nhớ rằng sử dụng theo khuôn khổ kiến nghị.

Phóng viên: Tôi nghe nói, mì chính có chứa natri giống như ở trong muối, mà chất này không tốt cho huyết áp, tim mạch... Điều này có đúng?

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trong thành phần bột ngọt có sodium (natri) là một chất điện giải cần thiết cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên nếu tiêu thụ nhiều natri sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loãng xương và gây rối loạn tiêu hóa, mà trong bột ngọt có natri, do đó phải lưu ý rằng những người bị tăng huyết áp, suy thận, hoặc các bệnh lý liên quan tới chuyển hóa thì nên hạn chế sử dụng bột ngọt.

Thêm vào đó, ta cần biết hàm lượng nitrat có trong các gia vị như sau: 1 muỗng canh cà phê muối có 4 g, 1 muỗng canh nước mắm thì có 1g , 1 muỗng cà phê nước tương chứa 0,75 g muối nitrat, 1 muỗng cà phê hạt nêm có 0,25g, trong khi 1 muỗng cà phê bột ngọt đã có tới 1,25g muối. Có thể thấy lượng natri trong bột ngọt bằng 1/3 lượng natri trong muối.

Do đó, tôi có lời khuyên tới mọi người, cần hạn chế sử dụng bột ngọt khi chế biến món ăn, và sử dụng ít bột ngọt theo cách của bạn.

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top