Khi tốc độ đô thị hoá tăng cao, các khối bê tông cao tầng mọc lên ngày càng nhiều làm mất đi nhiều khoảng xanh trong phố. Cùng với đó, cuộc sống người dân đô thị gói trọn qua những cửa kính chung cư và những khối bê tông cứng nhắc, các mảng xanh bị thu hẹp tối đa làm không gian trở nên ngột ngạt, khiến cho các mối quan hệ cũng vì thế mà trở nên hạn hẹp, bức bối. Khát vọng sống xanh của người Hà Nội nhiều năm qua vẫn không ngừng cháy bỏng. Để cải thiện không gian, chất lượng sống, nhiều gia đình tại Hà Nội đã tự tạo cho mình những khoảng xanh riêng.
Ngôi nhà hoa giấy tồn tại 3 thập kỷ của vị Phó giáo sư
Xuất phát từ niềm đam mê cây cối, PGS. TS Hoàng Như Tầng, nguyên giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã dành 30 năm chăm sóc “ngôi nhà hoa giấy” độc đáo, được phủ kín tầng tầng, lớp lớp bằng giàn hoa giấy.
Nằm tại khu tập thể Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), ngôi nhà 5 tầng, 2 mặt tiền được chủ nhân bao bọc bởi 2 cây hoa giấy đã 30 năm tuổi. “Vào năm 1990, khu này hầu hết đều là nhà thấp tầng, ánh nắng chiếu vào ngôi nhà rất gắt, hơn nữa trước kia ở đây vẫn là đường đất nên bụi rất nhiều. Vì vậy, tôi lựa chọn biện pháp trồng cây hoa giấy để hạn chế ánh nắng cũng như bụi bay vào nhà”, ông Tầng nói.
Sau 30 năm, 2 cây hoa giấy đã phát triển rất nhanh và bao bọc toàn bộ không gian bên ngoài ngôi nhà. Không chỉ giúp tránh nắng và bụi, 2 cây hoa giấy cổ thụ còn giúp điều tiết không khí trong nhà. Ông Tầng cho biết: “Nhờ có 2 cây hoa giấy, không khí bên trong ngôi nhà vào mùa hè rất mát mẻ còn mùa đông bớt lạnh hơn”.
“Hoa giấy nở quanh năm, tím rực cả một góc phố, thế nhưng do thời tiết gần đây mưa nhiều nên hoa bị rụng hết. Khoảng 1 tháng nữa hoa sẽ lại nở, rất đẹp”, chủ nhân ngôi nhà nói thêm.
Để không bị ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh, ông Tầng tự chế công cụ riêng để cắt tỉa vào thời gian rảnh rỗi.
“Nhiều người sợ rằng trồng cây bọc kín như vậy sẽ rất bí, thiếu ánh sáng và nhiều muỗi. Thế nhưng, nhờ có lớp màng cây bảo vệ, không khí trong nhà rất trong lành, mát mẻ, nhà tôi không hề có muỗi. Hoa giấy thuộc dạng cây thân leo nên cần phải làm giàn cho cây mọc theo ý mình để ánh sáng chiếu vào nhà vẫn đủ để gia đình sử dụng”, ông Tầng chia sẻ. Bên cạnh hoa giấy, chủ nhân ngôi nhà cũng trồng nhiều loại cây khác như cây địa lan, cây trạng nguyên…
Xanh mướt và bình yên giữa lòng phố cổ ồn ào
Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, nhất là ở khu vực phố cổ, thật khó có thể tìm thấy không gian trong lành, yên tĩnh và nhiều cây xanh như nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Giao, tại ngõ 6 Đinh Liệt. Ngôi nhà được xây dựng năm 1945, trên mảnh đất rộng gần 700m2.
Đằng sau cánh cổng, một khu vườn phủ kín cây cối xanh tươi, tiếng chim hót. Những ồn ào của cuộc sống sôi động ngoài kia như dừng lại ở đầu ngõ.
Ông Giao tự tay trồng đủ các loại cây, tự tạo một khu riêng để ngồi uống trà, thư giãn, hoà mình với cây cối và thiên nhiên.
“Có nhiều người ngỏ ý mua lại ngôi nhà nhưng tôi không bán, bởi ngôi nhà và khu vườn đã gắn bó với nhiều thế hệ gia đình tôi. Hơn nữa, để có một không gian nhiều cây cối, mát mẻ thế này ở thời điểm hiện tại là vô cùng khó. Tôi muốn giữ lại mảnh đất cũng như giữ lại không gian sống trong lành cho các thành viên trong gia đình”, ông Giao khẳng định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với nhiều công bố, nghiên cứu về tầm quan trọng của không gian xanh đối với việc sống tốt và sức khỏe cộng đồng đã chỉ ra rằng, các không gian xanh đô thị như công viên, sân thể thao, rừng cây, ven hồ và vườn mang đến cho mọi người không gian để hoạt động thể chất, thư giãn, yên bình và thoát khỏi nhiệt độ nóng bức. Theo đó, những không gian này làm giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Không gian xanh cũng góp phần giúp cho chất lượng không khí được cải thiện, giảm tiếng ồn giao thông.