Aa

Ăn uống gìn giữ sức khỏe du xuân

Chủ Nhật, 22/01/2017 - 17:00

Tết là dịp nhiều món ăn và thức uống được làm ra để phục vụ nhu cầu lễ tiệc và đãi khách. Ông bà, cha mẹ nấu ra những món ăn thức uống ngon để cho con cháu và bạn bè thưởng thức; nhà hàng, quán ăn chế biến nhiều món đặc sản.

Theo truyền thống người Việt, ngày Tết là ngày sum họp gia đình và là mùa lễ hội. Dù làm ăn ở nơi đâu con cháu cũng phải về quê ăn Tết với ông bà và làng xóm

Dù ở tuổi nào ngày Tết đến cũng nôn nao và rộn ràng. Để vui trọn vẹn mùa Tết, chúng ta nên chú ý bảo vệ sức khỏe bằng cách cân đối mọi việc từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vui chơi.

Về ăn uống

Tết là dịp nhiều món ăn và thức uống được làm ra để phục vụ nhu cầu lễ tiệc và đãi khách. Ông bà, cha mẹ nấu ra những món ăn thức uống ngon để cho con cháu và bạn bè thưởng thức; nhà hàng, quán ăn chế biến nhiều món đặc sản để phục vụ thực khách du lịch. Không vì thế mà món nào cũng ăn.

Nên lựa chọn thức ăn thức phù hợp với cơ thể mình. Đó là những thức ăn mình ăn thường ngày. Nếu có thưởng thức các món đặc sản, món lạ, chỉ lấy vị, ăn ít, ăn từ từ.

Vì món lạ vào cơ thể sẽ làm rối loạn hệ tiêu hóa hoặc bị ngộ độc, thường biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, nổi mề đay... Nếu lỡ bị ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa, nên dùng bột sắn dây như sau.

Lấy một muỗng canh bột sắn dây cho một chút xíu nước lạnh (nước nấu chín để nguội), khuấy lên cho bột tan hết, rồi mới cho một bát nước sôi vào, khuấy đều thấy bột trong là chín.

Nếu bột chưa trong thì cho vào nồi để lên bếp lửa khuấy cho chín, rồi cho một muỗng cà phê nước tương tamari vào khuấy đều. Nếu không có tương tamari thì dùng muối hầm thay thế nhưng không tốt bằng. Uống nóng hỗn hợp này vào, rồi trùm mền cho đổ mồ hôi.

Sau đó lau khô người và thay quần áo. Không được chạm vào nước lạnh, ra gió, hoặc sử dụng máy quạt, máy lạnh trước một tiếng đồng hồ. Hỗn hợp này rất hữu hiệu đối với trường hợp trúng gió. Tương tamari được sử dụng trong thực dưỡng, làm từ đậu nành và muối biển, rồi để 3 năm sau mới lấy ra sử dụng.

Thời gian lâu cộng với muối biển làm tương tamari rất dương nên giải độc hiệu quả. Các loại chất độc đều rất âm. Tốt nhất nên lựa chọn những thức ăn làm từ gạo lức hoặc ngũ cốc.

Theo tự nhiên, gạo lức hoặc ngũ cốc mới đúng là thức ăn của loài người. Tự nhiên qui định rằng mỗi loài đều có thức ăn riêng và loài này ăn xâm phạm thức ăn của loài khác sẽ dẫn đến mất mạng.

Con bò ăn cỏ, con cọp ăn thịt và con người ăn gạo lức hoặc ngũ cốc. Con cọp bị ép buộc ăn cỏ mà không cho ăn thịt, thì con cọp sẽ chết sớm. Không cho con bò ăn cỏ mà ép ăn thịt, thì con bò cũng không sống nổi. Con bò ăn lá thầu đâu (lá xoan) cũng chết vì lá thầu đâu rất độc với con bò, nhưng lại không độc với con dê.

Con dê rất thích ăn lá xoan và khi ăn lá xoan, dê mẹ cho nhiều sữa nữa. Tạo hóa rất tinh tế. Hiện nay, con người đang mất mạng dần dần thông qua bệnh tật vì đang vi phạm thức ăn của loài khác (ăn thịt nhiều, ăn rau củ nhiều) mà không hề hay biết.

Thức ăn của loài khác không hợp với hệ tiêu hóa con người nên làm rối loạn hệ tiêu hóa và hệ chuyển hóa, lâu ngày sinh bệnh, nặng thì mất mạng. Theo tiên sinh Ohsawa, một người Việt bình thường ăn 60% gạo lức, 30% rau củ và 10% trái cây; nhưng nếu bị bệnh thì phải ăn 100% gạo lức muối mè.

Về thức uống: Bao gồm rượu, nước ngọt, nước ép trái cây... Những ngày Tết là mùa lễ hội, cúng kính nên rượu thường sử dụng, “Vô tửu bất thành lễ”.

Dùng rượu chúc nhau ba ngày Tết

Uống rượu là truyền thống của Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Uống rượu để tăng thi hứng, xướng họa, tăng niềm vui cho ngày gặp mặt và lưu niệm cho giờ chia tay. Nói đến “lễ”, nói đến “niềm vui” tức nói đến sự “chừng mực” khi uống rượu. Một chút “âm” trong “dương” sẽ tăng “dương”.

Một chút rượu (rượu mang tính âm) trong “niềm vui” (dương) sẽ tăng “niềm vui”. Tổ tiên mình hay lắm! Bây giờ chúng ta uống rượu nhiều quá nên làm mất niềm vui, nhiều lúc còn gây họa, “âm trưởng thì dương tiêu”, nước nhiều sẽ dập tắt lửa.

Chưa kể uống nhiều rượu sẽ ảnh hưởng xấu đến thần kinh và trí thông minh của chúng ta, đặc biệt xấu cho thận và thế hệ con cháu. Để làm cho một dân tộc suy yếu (kém thông minh và kém sức khỏe), chỉ cần khuyến khích dân tộc đó uống rượu bia mà không cần sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào khác.

Đức Phật biết rõ tác hại của rượu nên đưa vào giới cấm thứ năm là cấm uống rượu. Uống bột sắn dây nóng (dương) theo cách trên cũng giải được rượu (âm).

Phải chữa cháy thôi bằng cách trước khi ra khỏi nhà ăn một chén bột sắn dây nóng, khi về nhà ăn thêm chén nữa, để phòng khi không thể từ chối vì chúc nhau bằng rượu trong những ngày Tết.

Rượu để qua thời gian sẽ dương hóa, khoảng 12 năm, chu kỳ của một giáp. Uống rượu lâu năm và uống chừng mực thì không những không có hại mà còn có lợi cho sức khỏe.

Biết được điều này, người phương Tây đã xây hầm rượu nhằm cất giữ rượu. Vậy mới có thế hệ cha chưng cất rượu cho thế hệ con đem bán. Rượu càng lâu năm càng cao giá không phải vì hiếm mà còn vì tác dụng tốt của nó.

Nhiều loại nước ngọt chứa đường sắc-ca-rô, chất ngọt nhân tạo, chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo vị, chất tạo mùi, hóa chất... đây là món thịnh âm. Uống nhiều nước ngọt sẽ ảnh hưởng xấu đến phần trên của cơ thể, trong đó có bộ não (âm).

Đường sắc-ca-rô khi vào cơ thể phân hóa ra nước và khí cacbonic (CO2). Khí cacbonic tràn ngập trong máu sẽ chiếm chỗ khí ô xy, nên khi máu lên não sẽ thiếu ô xy làm cho não mơ mờ, lâu ngày làm hại đến bộ não. Thử ăn vài muỗng đường, chúng ta cảm thấy buồn ngủ ngay, đó là tình trạng mơ mờ của não. Đường sắc-ca-rô có trong đường cát trắng, đường mía, đường thốt nốt, đường phèn

Nước đá: âm rất nhiều nên phá dương lực của cơ thể rất dữ dội. Uống nước đá hay đồ ướp lạnh làm cơ thể âm, gây viêm họng. Môi trường “âm” là môi trường sinh sống của vi trùng, vi rút và vi khuẩn. Môi trường “dương” chúng không sinh sống được, đó là lý do cơ thể nóng lên (sốt, dương) khi vi sinh vật xâm nhập cơ thể.

Vậy mà chúng ta uống thuốc hạ sốt, vô tình giúp vi sinh vật tiếp tục phát triển, khiến những lần nóng sau phải cao hơn lần trước. Chúng ta lại tiếp tục uống thuốc hạ sốt, tiếp tục giúp vi trùng, vi rút tiếp tục phát triển tràn ngập cơ thể, gây nên co giật khi sốt, thậm chí gây tử vong.

Về bánh kẹo

Chúng cũng chứa nhiều đường sắc-ca-rô và các hóa chất (thuộc âm) nên khi sử dụng phải thận trọng và không sử dụng nhiều. Khổ nỗi vào những ngày Tết, nhà nào cũng đãi bánh, kẹo, mứt có nhiều đường. Về trái cây. Trái cây được sử dụng nhiều trong lễ hội và cúng kính.

Ăn trái cây nhiều cũng không tốt cho não bộ và những bệnh thuộc tính “âm”. Trái cây mang thuộc tính “âm”. Người ăn trái cây nhiều sẽ bị rụng tóc và bị mụn nhọt phần trên của cơ thể. Người bị rụng tóc để ý hôm nào ăn trái cây nhiều hơn tóc sẽ rụng nhiều hơn. Ai cũng biết rằng ăn trái cây nhiều sẽ làm lở miệng và nổi mụn, chẳng hạn như ăn sầu riêng, chôm chôm.

Bị cảm mà ăn trái cây thì bệnh cảm kéo dài và không chữa hết hẳn được nên tái đi tái lại. Nếu không khỏe, nên tránh ăn trái cây và tránh luôn nước ép trái cây. Về ngủ nghỉ. Những ngày Tết rất vui nhưng đừng để “ham chơi quên ngủ”. Muốn hòa vào cuộc vui trọn vẹn, cần phải tỉnh táo.

Lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi thì làm sao vui vẻ và hòa đồng được. Một ngày có 24 giờ, chia đều 8 giờ làm việc, 8 giờ chơi và 8 giờ ngủ. Một giờ làm việc với đầu óc sáng suốt sẽ hiệu quả hơn nhiều giờ làm việc với đầu óc mơ mờ.

Cho nên mới có người sáng làm việc tốt hơn người khờ, người này làm việc tốt hơn người khác. Sự khác biệt từ chỗ đầu óc sáng suốt hay mơ mờ mà ra.

Ngủ nghỉ đủ giúp cho đầu óc sáng suốt. Khi du lịch: Đến vùng đất lạ, khí hậu lạ, thời tiết lạ, thức ăn lạ dễ gây bệnh cho du khách. Nên chọn những món ăn thức uống phù hợp với cơ địa của mình, uống nước ít.

Trong bữa ăn nên ăn ít món và tránh ăn canh. Khi du lịch, người thực dưỡng luôn mang theo những món như tương tamari, chanh muối hoặc mơ muối, bột sắn dây, trà ban cha (lá trà già).

Tamari vừa làm nước chấm vừa là món để giải độc do thú độc cắn; cùng với bột sắn dây và trà bancha có thể giải ngộ độc thức ăn, giải cảm, bồi bổ dương lực khi mệt, chữa đau đầu; mơ muối hoặc mơ muối dùng để giải độc, giải say tàu xe, trừ viêm họng, đau bụng, tiêu đàm.

Đây là những thức ăn dùng để cấp cứu. Khi đến vùng đất lạ không nên tắm liền mà đợi 1-2 tiếng sau mới tắm để cơ thể thích nghi với môi trường và khí hậu nơi đó.

Những ngày Tết là những ngày đầu năm và cũng là những ngày đầu xuân. Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viết “mùa xuân là mùa thay cũ đổi mới, khí trong trời đất phát sinh, vạn vật nảy nở, chỉ cho mà không lấy, chỉ thưởng mà không phạt”.

Mùa xuân là mùa của bắt đầu một chu kỳ mới. Mùa xuân đến, tự nhiên lòng người cảm thấy vui vẻ, cởi mở. Đó là nhờ khí của trời đất bắt đầu “bung ra” sau ba tháng mùa Đông tàng trữ. Nên mùa xuân là mùa tốt để yêu đương cho các cặp vợ chồng trẻ muốn tạo tác thai nhi.

Cho nên, những người sinh cuối năm hoặc đầu năm thường là những người hiền tài. Đến đây chúng ta đã hiểu tại sao ngày Tết có tục lệ lì xì, tức “chỉ thưởng mà không phạt”.

Ngày Tết cũng là mùa vui chơi với gia đình, bạn bè, để nghỉ ngơi sau một năm làm việc, và cũng là mùa du lịch để khám phá những lễ hội đặc thù của từng vùng miền. Không vì thế mà quá sa đà mà quên đi sự cân đối.

Đừng lo Tết sẽ hết mà lo không đủ sức để chơi lâu dài. Năm nào cũng có Tết mà, còn nhiều mùa Tết để vui chơi nữa mà. Hãy vui vẻ để cả năm được vui, hãy yêu thương để cả năm được yêu thương, hãy cho đi để cả năm được nhận

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top