Aa

“Ăn xổi ở thì” sẽ không làm được BĐS Xanh!

Thứ Năm, 21/09/2017 - 22:50

Sáng 20/9, tọa đàm Bất động sản xanh: trào lưu hay xu thế? do trang tin CafeLand (thuộc tạp chí Nhà đầu tư) tổ chức tại TP.HCM, đã đề cập nhiều vấn đề cũng như giải pháp cho lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, hiện nay tại Việt Nam có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, quá thấp so với nhu cầu thực tế cũng như so với sự phát triển của các nước ở khu vực và thế giới.

Nguyên nhân do đây còn là vấn đề mới, lại thường tạo tâm lý lo ngại làm gia tăng chi phí đầu tư và có thể làm kéo dài thời  gian phát triển dự án hoặc làm gia tăng chi phí bản trì bảo dưỡng công trình về sau. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích rõ nhất của công trình xanh có thể tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí vận hành, tăng giá trị tài sản và nâng cao điều kiện sống, qua đó tăng độ  hấp dẫn khách hàng.

Một số dự án đã triển khai có thể kể đến như Diamond Lotus Riverside, The Ascent Thảo Điền, Ecohome, khu biệt thự nghỉ dưỡng Marina Hill Villas…

Theo các chủ đầu tư, giai đoạn đầu khi doanh nghiệp làm sẽ gặp nhiều khó khăn bởi muốn xây dựng công trình xanh phải có đơn vị tư vấn, kiến trúc sư am hiểu, phải có nguồn cung ứng phong phú và ổn định vật liệu xanh. Việc thi công không chỉ tập trung vào yếu tố xanh truyền thống như cây cỏ, mảng xanh và tái tạo.

Theo như chia sẻ của bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Chủ tịch Bất động sản Phúc Khang, một trong các doanh nghiệp đang triển khai sản phẩm bất động sản xanh tại TP.HCM thì giai đoạn đầu doanh nghiệp rất “cô đơn”, phải đi thuê chuyên gia dạy về công trình xanh, đi tìm các tài liệu liên quan…

Bà Mẫu cho rằng đến một giai đoạn nào đó thì công trình xanh sẽ trở thành văn hóa sống. Nhận định về điều kiện phù hợp làm công trình xanh, bà cho rằng bất kỳ vị trí, thời điểm nào cũng làm được công trình xanh. Quan trọng là doanh nghiệp có nguồn lực về tài chính, nhân lực, tâm huyết.

“Ăn xổi ở thì sẽ không làm được bất động sản xanh. Nên doanh nghiệp phải có nguồn tài lực. Ngoài ra vấn đề nhân lực cũng là vấn nạn. Hiện nhân lực từ kiến trúc sư còn hạn chế do hệ quả của vấn đề giáo dục thiếu tính sáng tạo, bứt phá mang lại”, bà Mẫu nêu quan điểm.

Dự án Diamond Lotus Riverside đạt chuẩn LEED của Phúc Khang

Dự án Diamond Lotus Riverside đạt chuẩn LEED của Phúc Khang

Nữ “đại gia” bất động sản này cũng đưa ra một số khuyến cáo với người mua sản phẩm bất động sản xanh. Theo đó, khách hàng cần nhận thức và tư duy một cách đầy đủ về công trình xanh. Công trình xanh không chỉ là trồng cây xanh hay có một công viên cây xanh. Đó chỉ là một yếu tố trong công trình canh. Cần sáng suốt lựa chọn những công trình chính phẩm trong giai đoạn thị trường có nhiều công trình tự nhận là công trình xanh.

Nói về vấn đề này, ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc CTCP Dịch vụ và đầu tư năng lượng xanh cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng của các bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh hiện nay là sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó việc sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng, sưởi ấm và phát điện trở thành ứng dụng quan trọng.

Gỡ “nút thắt” cho phát triển bất động sản xanh

Nhìn về tương lai gần, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập GreenViet cho rằng công trình xanh sẽ phát triển mạnh bởi Việt Nam đã và ngày càng có nhiều những công trình ủng hộ phát triển xanh bền vững trong bối cảnh tài nguyên dần cạn kiệt, nhu cầu nhà ở chất lượng cao tăng theo thời gian, công trình xanh khi hoàn thiện sẽ càng chứng minh được tác dụng (gia tăng giá trị) và các chủ đầu tư sẽ coi đây là dư địa cạnh tranh thời gian tới.

Tuy nhiên như nhận định của GS. Đặng Hùng Võ thì hiện nhà đầu tư làm bất động sản xanh đang gặp nhiều rào cản. Đó là chi phí đầu tư nhiều hơn làm giá thành cao hơn, qua đó gây áp lực lên nhà đầu tư dự án. Vấn đề phân tích chi phí, lợi ích cần tính toán cho tầm nhìn dài hạn hơn và tổng thể hơn. Phát triển đô thị cần thay đổi, điều này gây áp lực lên nhà quản lý…

“Đến một lúc nào đó trở thành xu thế thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn. Do đó, cần hình thành các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể về bất động sản xanh. Trong phát triển đô thị cần có tầm nhìn dài hạn. Quá trình đô thị hóa phải theo triết lý phát triển xanh. Các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy quản lý, đừng cho cắt xén những dự án đã được duyệt, chiều theo nhà đầu tư để giảm chi phí công trình. Cư dân cũng phải thay đổi tư duy về quyền của mình được thụ hưởng môi tường sống trong lành”, GS. Võ nhận định.

Theo chuyên gia này, dưới góc độ thực tiễn thì trước mắt Chính phủ có thể ban hành Nghị định với những cách thức để phát triển bất động sản xanh.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Mẫu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho lĩnh vực sản xuất nguồn nguyên liệu xây dựng công trình xanh. Thí dụ, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua bất động sản xanh, tương tự như gói 30 nghìn tỷ đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường thời gian qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cho rằng cần có chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích nhà đầu tư phát triển bất động sản xanh…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top