Anh em nhà “Nguyễn Cảnh”: “Cửa sổ” mở ra thế giới
Hà Nội nắng tháng năm rực lửa. Bên ngoài Tòa nhà Cung triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng Quốc gia, nhiệt độ đo được lên tới gần 40 độ C. Tuy nhiên, trong căn phòng chúng tôi thường dự Hội thảo, dù không bật điều hòa nhưng vẫn mát mẻ lạ thường. Thì ra, tấm kính cách âm mà tòa nhà sử dụng còn có tính năng cách nhiệt. Mỗi lần đến làm việc tại Tòa nhà này, trong cảm giác dễ chịu của tâm hồn, nhìn qua những ô cửa kính trong veo, chúng tôi đã nhiều lần tự hỏi, điều gì làm nên điều kỳ diệu ấy?
Tôi chợt nhớ ra, một người có thể trả lời câu hỏi đó - Ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam - người từng nhiều năm làm Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có trụ sở đặt tại chính Tòa nhà này.
Mở đầu câu chuyện, nguyên Thứ trưởng Tống Văn Nga nhớ lại, trong thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam, ngành xi măng đi đầu với 121 năm truyền thống, tiếp đến là ngành gạch ốp lát với thương hiệu Viglacera tiên phong, rồi mãi sau đó, anh Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng mới về nước, đề xuất ý tưởng phát triển thị trường cửa của Việt Nam.
Ông Tống Văn Nga: Anh em nhà "Nguyễn Cảnh" đến gặp bác Trần Văn Huynh - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - khi đó là Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam và một số lãnh đạo của Bộ Xây dựng đề xuất việc đưa công nghệ mới vào phát triển ngành cửa ở Việt Nam. Khi trình bày xong thì mọi người ở Bộ rất ủng hộ, bởi đó là những ý tưởng đột phá lúc bấy giờ. Cái hay là anh em họ đã tìm đúng được công nghệ gốc từ Đức, Áo, Phần Lan… chứ không phải công nghệ của mấy nước kém phát triển.
Anh Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng là những con người hăng say, thích cái mới và có sự quyết tâm rất cao. Thực ra, họ là những người có cơ hội học ở nước ngoài, được đào tạo bài bản, tiếp cận những cách tư duy, đào tạo kỹ thuật ở nước ngoài (Nga) sau đó mới là tiếp cận với công nghệ từ các nước phát triển khác.
Công nghệ hiện đại là một trong những thế mạnh giúp Eurowindow chinh phục được khách hàng
- Nếu không phải công nghệ tốt, mình có từ chối không?
Ông Tống Văn Nga: Khi đó, nếu như đưa công nghệ của Trung Quốc vào thì sẽ lãnh đủ. Chúng ta đánh giá cao việc dám đổi mới tư duy và đưa cái mới về Việt Nam của Eurowindow, nhưng không thể lấy công nghệ hạng 2 mang về được.
Bấy giờ, Trung Quốc học nhanh, giỏi copy công nghệ chứ thường không hiểu gốc của công nghệ, nên khi họ bán thiết bị cho mình với một mớ máy móc nhưng giải pháp chuyển giao công nghệ không có. Như vậy thì thực sự rất nguy hiểm. Hơn nữa, với chính bản thân Eurowindow, chỉ có công nghệ hiện đại thì họ mới chinh phục được khách hàng.
Và, công lao lớn nhất của anh em nhà “Nguyễn Cảnh” là đã mở lối tư duy, thay đổi được nếp nghĩ của người dân Việt Nam, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả, tăng thẩm mỹ mà giảm bớt việc phá hoại môi trường.
Quả thực, sau hai thập kỷ phát triển, Eurowindow đã chứng minh là một doanh nghiệp yêu nước, sử dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy việc đưa hệ thống cửa hiện đại vào Việt Nam. Tinh thần đó của những doanh nhân yêu nước còn xuất phát từ lòng yêu nghề. Khi đó, họ dám mở đường đưa những cái mới vào Việt Nam - ông Tống Văn Nga tâm đắc nở nụ cười đầy tự hào và tiếp lời - Có lẽ, cần đến những người trẻ hơn tôi và người già hơn tôi để cùng nhận định về những bước đi của hai anh em nhà “Nguyễn Cảnh” - với sự quan sát đa thế hệ sẽ phong phú và khách quan hơn bạn ạ.
Sau cuộc trò chuyện, theo chỉ dẫn của ông Tống Văn Nga, người tiếp theo tôi tìm gặp là ông Nguyễn Quang Cung, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, khi được biết ông là người đã đồng hành, theo sát Eurowindow từ những ngày đầu thành lập.
Từ đầu dây bên kia, sau khi nghe tôi trình bày mong muốn tìm hiểu về sự phát triển của thị trường cửa cũng như con đường phát triển của Eurowindow, với giọng chắc nịch, ông Cung bảo ngay: “Đóng góp lớn nhất của họ chính là việc hạn chế tình trạng phá rừng lấy gỗ làm cửa. Nhưng mà cũng phải trải qua nhiều khó khăn lắm mới được như ngày nay!”. Dù đã về hưu nhưng vẫn bận rộn với công việc khi đảm đương vai trò lãnh đạo tại các Hiệp hội ngành nghề, ông Cung hẹn tôi: “Chuyện này phải gặp trực tiếp mới nói hết được”.
- Tôi đang tìm hiểu về Eurowindow với sự hiểu biết tương đối hạn chế về thị trường vật liệu xây dựng nói chung và thị trường cửa ở nước ta nói riêng. Chỉ biết rằng khi ấy, thị trường còn rất sơ khai, cửa gỗ vẫn là sản phẩm chủ đạo trong đời sống nhân dân ta.
Ông Nguyễn Quang Cung: Đầu những năm 2000 ở Việt Nam, hầu hết nhà dân, các tòa nhà, công sở đều dùng cửa gỗ là chính. Khi ấy, một loại cửa khác bắt đầu thịnh hành là cửa nhựa nhà vệ sinh. Vì tính chất cửa nhà vệ sinh là phải thường xuyên tiếp xúc với nước, nếu dùng cửa gỗ sẽ đắt và không tối ưu, dễ bị mục, mối mọt; vì thế để tiết kiệm chi phí, người ta dùng cửa nhựa, chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).
Thanh profile của loại cửa nhựa ấy không có lõi thép gia cường nên yếu và có chất lượng thấp, ọp ẹp lắm. Cửa nhựa này được sản xuất theo module chứ không phải theo đặt hàng; có nghĩa rằng người xây dựng mua cửa làm sẵn về, rồi đo và xây thế nào để lắp vừa chiếc cửa này vào.
Vào thời điểm ấy, anh Nguyễn Cảnh Sơn từ Nga về nước. Anh Sơn tốt nghiệp Đại học Xây dựng ở Mátxcơva và cũng đã có thời gian làm ăn, kinh doanh ở Liên Xô cũ.
Học tập và sống ở nước ngoài về, anh ấy nhận thấy ở châu Âu bấy giờ cửa nhựa chất lượng cao với thanh profile có lõi thép gia cường đã phát triển mạnh mẽ thay thế cho cửa gỗ, ưu việt hơn. Vì vậy, anh Nguyễn Cảnh Sơn đã quyết định đầu tư vào sản phẩm cửa đó, đưa công nghệ mới vào Việt Nam bằng cách mua tất cả các chi tiết của cửa, như thanh profile, lõi thép gia cường… từ Cộng hòa Liên bang Đức. Eurowindow cũng ra đời trong bối cảnh đó.
Giai đoạn ấy, chúng ta mới chỉ bắt đầu công cuộc xây dựng đô thị. Dù mới có rất ít nhà cao tầng nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nhìn ra rằng, nếu như những tòa nhà chọc trời, những khu đô thị mọc lên thì lượng cửa là rất lớn.
Với truyền thống sử dụng cửa gỗ thì sẽ tốn quá nhiều tài nguyên. Lượng gỗ là không thể đủ, hiện tượng chặt phá rừng sẽ tàn phá nặng nề môi trường. Làm thế nào để có thể giảm bớt việc sử dụng gỗ trong xây dựng, mà đặc biệt là trong sử dụng cửa là điều cơ quan quản lý khá đau đầu.
Vì thế, ngay khi tiếp cận, chúng tôi đã đánh giá rất cao ý tưởng của Eurowindow, trong đó có vai trò của hai anh Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng. Các anh ấy quyết tâm muốn đưa bằng được cửa nhựa chất lượng cao với thanh profile có lõi thép gia cường, kết hợp với kính vào Việt Nam.
Vượt lên trên ý nghĩa đầu tư đơn thuần, đó còn là khát vọng muốn làm thay đổi thói quen sử dụng cửa quá lâu đời của người Việt Nam, sử dụng vật liệu khác thay cho gỗ, giảm bớt phá rừng và sự ảnh hưởng đến môi trường. Đó là một ý tưởng lớn và rất đáng trân trọng!
- Nhưng từ ý tưởng của anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng và Eurowindow đến việc hiện thực hóa là không hề đơn giản, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Cung: Đúng vậy! Bởi người Việt Nam ta khi ấy chỉ thích cửa gỗ, nên khó khăn gặp phải là vô cùng lớn. Truyền thống dân ta đã hàng nghìn năm dùng cửa gỗ rồi. Hơn nữa, loại cửa nhựa của Đài Loan (Trung Quốc) mà nhiều gia đình khi ấy đang dùng vừa không đẹp về thẩm mỹ, lại không bền và không có khả năng bảo vệ. Vì thế, người dân dễ nghĩ loại cửa của Eurowindow đang phát triển giống với cửa nhựa Đài Loan. Rất khó để thay đổi tư duy của người tiêu dùng, bởi có một định kiến về cửa nhựa, đó là “đồ dởm”. Có phải ai cũng được đi châu Âu để chứng kiến những loại cửa nhựa chất lượng cao đâu.
Trước tình hình đó, chiến lược của hai anh Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng là tạo một cuộc vận động khổng lồ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên truyền hình. Họ tập trung quảng cáo về cửa nhựa Eurowindow, với mục đích thuyết phục dân chúng hiểu hơn về sản phẩm.
Đồng thời, giai đoạn đầu đó, họ cũng tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học rất lớn ở Hà Nội và TP.HCM, tại những khách sạn cao cấp 5 sao. Mỗi cuộc hội thảo ấy có khoảng 600 người tham dự với một chế độ chăm sóc rất tận tình từ ban tổ chức.
Tại đây, đại diện Eurowindow phải thuyết trình giới thiệu tường tận về sản phẩm và được người nghe hết sức quan tâm, đặt rất nhiều câu hỏi để các diễn giả trả lời.
Vậy những buổi hội thảo này tập trung vào điều gì? Khi ấy người ta vẫn đặt vấn đề nhiều nhất là về sự khác biệt giữa cửa nhựa uPVC và cửa gỗ, trong đó bao gồm cả vấn đề màu sắc vì dân mình thích cửa màu véc-ni, màu nâu của gỗ. Phía Eurowindow đã lý giải rằng, loại cửa này ra đời là màu trắng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng cửa nhựa màu véc-ni cũng có thể đáp ứng được, sẽ có lớp phủ màu được cho ra đời.
Vấn đề thứ hai người ta lo là về khuôn cửa có đảm bảo mức độ an toàn cho ngôi nhà hay không, khi khuôn cửa gỗ rất chắc chắn, còn khuôn cửa kiểu mới lại mỏng và nhỏ hơn.
Thêm nữa, cửa uPVC là cửa kính chứ không phải cửa kín hoàn toàn. Cho nên, khi ấy doanh nghiệp phải lùi một bước, làm cửa chủ yếu là cửa ra vào, cửa thông phòng; còn cửa lớn từ ngoài đường vào nhà có tính chất bảo vệ vẫn ưu tiên cửa gỗ.
Thứ ba, một trong những khó khăn lớn nhất là giá thành. Người ta cho rằng giá thành cửa của Eurowindow cao hơn so với các sản phẩm khác và cửa gỗ trên thị trường bấy giờ.
Tuy nhiên, nếu tính tổng thể thì thực chất là không cao lắm. Bởi khi tính giá thành cửa gỗ thì chỉ tính trên diện tích của riêng tấm cửa, còn khuôn cửa lại tính riêng theo mét dài, khóa, êke, bản lề cũng tính riêng, trong khi khuôn cửa lại là thứ vô cùng đắt.
Ngược lại, cửa của Eurowindow đã được hoàn thiện rồi, từ khuôn, cửa, êke đến bản lề, khóa, tay nắm đều tính chung trong giá thành rồi sau đó mới chia theo mét vuông. Cho nên, nghe giá trên mét vuông cửa thì người ta thấy cửa nhựa đắt hơn cửa gỗ, nhưng thực chất thì không hề đắt hơn khi cửa gỗ phải cộng cả khuôn cửa vào.
Vì thế, để đến lúc khách hàng thấu hiểu được điều này thì đây quả thực là một hành trình thuyết phục quá lâu dài và bền bỉ, dễ phải mất đến 4 - 5 năm.
Trên bước đường của mình, Eurowindow không dừng lại ở đó mà tiếp tục đổi mới sản phẩm.
Với cửa kính, họ phải chuyển sang làm kính 2 lớp để có khả năng cách âm, cách nhiệt, ý tưởng là làm sao để cách âm tốt cho những nhà mặt phố, khi ô tô chạy ở ngoài mà trong nhà không phải chịu nhiều tiếng ồn. Đó tiếp tục là một ý tưởng tuyệt vời.
Rồi thay vì nghĩ đến dùng rèm che chắn ánh năng xuyên vào, người ta có thể sử dụng các loại kính cao cấp như kính phản quang, kính cách nhiệt, kính chống ánh nắng mặt trời, kính low-E, là những sản phẩm chất lượng tuy giá cao hơn nhưng đưa được vào sẽ có thể ngày càng cải thiện điều kiện sống của người dân.
Như vậy, họ liên tục thay đổi, phát triển chứ không phải chỉ có mỗi ý tưởng đưa cửa nhựa vào Việt Nam.
- Trên hành trình đồng hành cùng Eurowindow thuyết phục khách hàng, có câu chuyện nào khiến ông còn nhớ?
Ông Nguyễn Quang Cung: Khi ấy, bên cạnh vai trò Vụ trưởng, tôi còn làm việc và hỗ trợ Eurowindow như một chuyên gia. Họ đến gặp, chuyện đầu tiên đưa ra bàn bạc là việc tổ chức hội thảo. Tại những buổi hội thảo này, cần có người thuyết trình là chuyên gia của Eurowindow được đào tạo, có hiểu biết về đặc tính của loại cửa này. Nhưng nảy sinh một vấn đề là làm sao để có thể trình bày được thông tin mà khách hàng muốn nghe?
Ta phải giải đáp được vấn đề mà khách hàng đang thắc mắc, đang cần có thông tin. Ví dụ như về giá, phải phân tích, so sánh được giá của cửa nhựa Eurowindow so với các loại cửa khác. Hay trước đây, loại cửa truyền thống chúng ta thường sử dụng có 2 lớp: Bên ngoài cửa chớp, bên trong cửa kính, thì bây giờ bỏ lớp cửa chớp làm từ gỗ bên ngoài đi, chỉ còn cửa kính khuôn nhựa thôi, vậy thì phải phân tích được ánh sáng vào cửa kính Eurowindow sẽ như thế nào. Nếu không, người ta sẽ bảo là dùng cửa kính phải làm rèm và trong nhà sẽ rất nóng.
Vì thế, tôi khi ấy với vai trò chủ trì các cuộc hội thảo, đã phải tuyển chọn và đào tạo nhiều người thuyết trình. Từ kiến thức cho đến kỹ năng đều phải tập trung vào việc nói cái khách hàng cần, xã hội quan tâm, muốn đưa được sản phẩm mới vào thị trường thì phải lý giải sản phẩm giải quyết được vấn đề gì. Cứ tuyển chọn như vậy mà phải đến người thứ 5 mới đạt yêu cầu.
Một việc nhỏ mà lại rất khó. Nhưng đó là điều mà người đứng đầu Eurowindow cũng đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt hồi ấy, khuôn cửa nhựa phải có một thanh lắp ở dưới sàn, người đi qua rất dễ vấp, trong khi cửa gỗ lại không có chi tiết này. Đây là một trong những yếu tố tạo sự cản trở ghê gớm, ai cũng chê. Vì thế, sản phẩm đã phải cải tiến rất nhiều, mất rất nhiều công sức để xử lý nó. Tưởng là đơn giản, tưởng là “ngon ăn”, nhưng các bạn khó có thể tưởng tượng hết được muôn vàn khó khăn lúc bấy giờ.
- Ông có chia sẻ rằng Eurowindow đã phải trải qua nhiều khó khăn lắm, tất cả đều nằm ở vấn đề thuyết phục người tiêu dùng sao?
Ông Nguyễn Quang Cung: Không hẳn là như vậy. Có rất nhiều vấn đề mà anh Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng phải đối mặt giải quyết chứ. Khi khó khăn thứ nhất về thị trường vượt qua được, sản phẩm được xã hội chấp nhận, Eurowindow và hai doanh nhân lại tiếp tục đối diện với giai đoạn khó khăn khác.
Đó là khi đã bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để thuyết phục được người tiêu dùng rồi, thì ở Việt Nam xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp làm cửa như thuyết domino. Họ đầu tư vào cửa nhưng hầu hết là sản phẩm chất lượng thấp hơn, nguồn gốc không phải từ châu Âu mà từ những quốc gia xung quanh chúng ta, nhưng có điều là giá lại rẻ hơn.
Người tiêu dùng không dễ nhận biết, phân biệt được sự khác nhau về chất lượng đó, trong khi túi tiền của họ lại có hạn, nên người tiêu dùng mua rất nhiều cửa của các doanh nghiệp đi sau. Hàng ngàn doanh nghiệp ra đời, vì thế Eurowindow phải cố gắng trụ vững trong một trạng thái hết sức khó khăn.
- Như vậy là khi chọn đi con đường chưa ai từng đi, họ đã chấp nhận bỏ ra khoản chi phí truyền thông rất lớn để “educate - đào tạo” thị trường, nhưng ngược lại đó cũng lại là những viên gạch lát đường cho các doanh nghiệp khác ào lên, khiến Eurowindow vấp phải sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Trong hoàn cảnh đó, hai doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng đã tính toán những bước đi như thế nào để xoay chuyển tình thế?
Ông Nguyễn Quang Cung: Khi hoạt động kinh doanh của Eurowindow về cửa nhựa gặp khó cả về thị trường và lợi nhuận, anh Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng cùng doanh nghiệp lại tiếp tục con đường chinh phục bằng cách tiến sâu vào thị trường, không chỉ làm cửa nhựa mà làm thêm cửa nhôm kính.
Tuy nhiên, đó không phải loại nhôm kính bình thường cho cửa sổ, mà là nhôm kính mặt dựng dùng cho các tòa nhà cao tầng để thay thế cho việc xây tường. Nhôm là loại chịu lực; kính thì cách nhiệt, cách âm, phản quang, kính low-E. Tất cả đều là những loại chất lượng cao trên thế giới mà phải nhập về theo công nghê. Nhà máy của Eurowindow cũng phải hiện đại hơn so với nhà máy của các doanh nghiệp khác.
Đồng thời, họ cũng phải sang Pháp để liên hệ hợp tác với hãng SHAL – thương hiệu cung cấp nhôm làm máy bay Airbus, gần như là hãng sản xuất nhôm chất lượng cao nhất thế giới, để đưa công nghệ ấy vào Việt Nam và làm nên những mặt dựng lớn.
Dự án đầu tiên Eurowindow làm chính là tòa nhà BIDV trên đường Trần Quang Khải, và họ là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này. Yêu cầu của cuộc sống thay đổi phát triển, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng. Thời ấy làm gì có nhà cao tầng, thường chỉ 7 - 10 tầng là cùng lắm rồi, chứ không có nhà 40 - 50 tầng. Nếu không thay đổi kịp để đưa khung nhôm kính vào thì sẽ không thể làm được nhà cao tầng. Nếu có làm rồi xây tường với những ô cửa sổ nho nhỏ thì cũng sẽ không đáp ứng được yếu tố thẩm mỹ.
Có thể nói rằng, Eurowindow luôn luôn đi tiên phong và cho đến bây giờ cũng vẫn vậy. Những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình thì họ luôn nắm bắt nhanh chóng và đi đầu, đầu tư công nghệ hiện đại, quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như độ bền của công trình.
Vì thế, với những doanh nhân, doanh nghiệp làm được những việc khó như vậy, thực sự rất đáng trân trọng. Tôi cho rằng, nếu không có đủ lực về tài chính và đặc biệt nếu không đủ sự kiên nhẫn để thuyết phục khách hàng như Eurowindow, khả năng rất cao là chết yểu. Trước đó thực tế cũng đã có những nhà đầu tư vào lĩnh vực này rồi nhưng không thành công.
- Giữa cơ hội và thách thức dành cho Eurowindow cùng hai doanh nhân, ông cho rằng yếu tố nào trội hơn?
Ông Nguyễn Quang Cung: Thách thức lớn hơn chứ! Cơ hội là rất ít. Cơ hội chỉ lớn khi người dân mình cũng mong muốn có cửa nhựa thôi, chứ dân mình khi ấy nào đã mong muốn dùng sản phẩm này. Ở đây, Eurowindow đang muốn thay thế một thói quen tiêu dùng lâu đời, thuyết phục để người ta thay đổi.
- Khi Eurowindow đạt được những thành tựu bước đầu, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008 ập đến tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, tình trạng đầu cơ đã đẩy giá bất động sản lên quá cao so với giá trị thực, tạo ra những cơn sốt ảo, cầu ảo tăng cao. Bước sang năm 2008 và 2009, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó khăn, buộc người dân phải giảm chi tiêu, thị trường bất động sản đóng băng. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rơi vào khó khăn, không bán được sản phẩm, lại phải chịu lãi suất cao do chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong bối cảnh đó, ngành vật liệu xây dựng cũng chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Sóng gió có ập đến với Eurowindow không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Cung: Vật liệu xây dựng là phục vụ cho xây dựng, mà thị trường bất động sản đóng băng thì vật liệu xây dựng bán cho ai? (cười)
Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng cũng luôn có độ trễ so với xây dựng. Dù bất động sản xây xong chưa bán được nhưng thực tế khi đó, phần vật liệu cũng đã được sử dụng hết rồi. Tất cả các hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng thường được ký kết từ trước, thậm chí dự án nhà cao tầng còn phải ký hợp đồng cung cấp vật liệu, vật tư trước mấy năm.
Dẫu sao, Eurowindow cùng tất cả các doanh nghiệp đều gặp nhiều sóng gió trong giai đoạn đó. Không thể nào không có khó khăn được. Nhưng, Eurowindow được dẫn dắt bởi những con người rất năng động, sáng tạo nên họ thích nghi rất nhanh. Như tôi đã nói, trước tình hình xã hội thay đổi, kinh doanh cửa nhựa lợi nhuận không quá lớn và lại khắt khe về vấn đề cạnh tranh, họ vẫn duy trì ý tưởng ban đầu với cửa sổ nhựa châu Âu, liên tục cải tiến sản phẩm; đồng thời tìm cho mình thêm những hướng đi khác nữa.
Chúng ta cũng thấy Eurowindow có các công ty con kinh doanh trong những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến ngành vật liệu như xây dựng, bất động sản… Họ là một doanh nghiệp đa ngành, cho nên có thể khó khăn trong lĩnh vực này nhưng lại thuận lợi trong lĩnh vực khác.
Eurowindow có Tổ hợp Mê Linh Plaza là trung tâm thương mại, vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất lớn nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng.
Họ cũng có doanh nghiệp xây dựng là CTCP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1), triển khai đầu tư các dự án bất động sản như Khu đô thị Nghĩa Đô, Tòa nhà văn phòng của Eurowindow tại số 2 Tôn Thất Tùng, Tòa tháp Thành Công 57 Láng Hạ…
Hơn nữa, khi đầu tư bất động sản, thi công dự án cao tầng của chính mình, Eurowindow dùng chính loại cửa do doanh nghiệp mình sản xuất nữa. Đó cũng là một đầu ra của sản phẩm cửa với số lượng tương đối lớn.
Khi làm như vậy, Eurowindow càng củng cố thêm khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Bởi cửa sổ nhựa châu Âu không sản xuất ra để bán tại cửa hàng mà phải sản xuất cửa và lắp, nghiệm thu trên công trình, làm theo đặt hàng. Quá trình đó có thể cũng đã cho họ nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học để cải thiện các khâu, thay đổi cả công tác quản lý và ứng dụng những công nghệ quản lý mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động.
- Tôi đã bị gây ấn tượng rất mạnh với một phép so sánh của ông Nguyễn Cảnh Hồng khi nói về triết lý kinh doanh của Eurowindow rằng: “Làm sản xuất, chất lượng là máu; làm dịch vụ, uy tín là ô xy. Thiếu máu, thiếu ô xy thì cơ thể ốm o, thậm chí có thể chết”.
Ông nghĩ sao về triết lý kinh doanh này?
Ông Nguyễn Quang Cung: Đó là nguyên tắc tiên quyết và sống còn không chỉ của riêng Eurowindow mà bất kỳ doanh nghiệp làm sản xuất, dịch vụ nào cũng cần xác định cho mình triết lý kinh doanh này.
Eurowindow ngay từ đầu đã quan tâm đến chất lượng và cạnh tranh bằng chất lượng, cạnh tranh về thương hiệu, cạnh tranh về giải pháp thi công, chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán.
Mặc dù tình hình khó khăn nhưng thị phần của Eurowindow vẫn lớn lên nhanh chóng và doanh thu hằng năm vẫn tiếp tục tăng. Những nỗ lực của doanh nghiệp được thị trường ghi nhận và đền đáp bằng việc xã hội càng ngày càng chọn sản phẩm của Eurowindow nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cũng chính nhờ uy tín về thương hiệu, chất lượng sản phẩm dịch vụ nên các công trình lớn đòi hỏi chất lượng cao thì Eurowindow trúng thầu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ khác, họ chủ yếu làm nhà dân nhỏ lẻ là chính.
Eurowindow phải đầu tư nhà máy, đầu tư thiết bị công nghệ, đào tạo đội ngũ rất bài bản và chuyên nghiệp, là doanh nghiệp tầm cỡ… thì mới làm được nhưng công trình lớn, cao cấp.
Trả lời báo chí thời điểm năm 2013, Tổng Giám đốc Eurowindow cho biết, tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã tác động xấu đến ngành vật liệu xây dựng. Eurowindow cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một nền tảng tốt, kết hợp cùng chiến lược phù hợp đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Tôi muốn nói đến vai trò của công tác phân chia thị trường và định vị sản phẩm nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn. Thời gian qua, việc này đã phát huy tác dụng tốt, giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Eurowindow được duy trì ổn định.
Tôi có thể lấy ví dụ. Khi kinh tế lâm vào khó khăn, các quyết định cắt giảm đầu tư được đưa ra, các công trình, dự án lớn là phân khúc bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nhận định xu hướng này, chúng tôi đã chuyển hướng, tập trung vào phân khúc thị trường nhà riêng, là khu vực ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Nhờ thế, chúng tôi vẫn giữ được thị phần và duy trì sự phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Ngoài việc sớm có chiến lược kinh doanh phù hợp, thì ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã có sự đầu tư chuyên nghiệp, dài hơi và tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Eurowindow là ngành sản xuất cửa. Định hướng này giúp chúng tôi không bị phân tán tài chính vào các ngành nghề khác, tập trung nguồn lực đầu tư về con người, công nghệ, cơ sở vật chất…, để có thể phát triển sản phẩm và hoàn thiện về dịch vụ.
Từ dòng sản phẩm đầu tiên là dòng cửa uPVC, chúng tôi đã tiếp tục cung cấp sản phẩm cửa nhôm, vách nhôm kính lớn, cửa gỗ. Đến nay, Eurowindow đã có một hệ thống sản phẩm về cửa có thể nói là chất lượng và đa dạng nhất Việt Nam. Ngay trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng các dòng sản phẩm mới, nhằm đón đầu thị trường và sẵn sàng cho giai đoạn kinh tế phục hồi.
Một yếu tố quan trọng nữa tôi muốn nói đến là việc giữ vững chất lượng sản phẩm và dịch vụ, ngay cả trong thời kỳ khó khăn.
Với Eurowindow, giai đoạn khủng hoảng chính là lúc chúng tôi càng phải chú trọng đến sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ sau bán hàng…, nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ để giữ vững thị trường và niềm tin của khách hàng.
Những nỗ lực trên là bước tạo đà để sau khủng hoảng, Eurowindow tiếp tục duy trì được vị trí là nhà cung cấp tổng thể về cửa hàng đầu Việt Nam và hiện đây vẫn là định hướng lâu dài của chúng tôi”.
- Quá trình làm việc, quan sát và đồng hành cùng Eurowindow, ông nhận thấy bản lĩnh của doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng để vượt qua những khó khăn, trở ngại như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Cung: Đó là những con người xuất thân từ vùng quê xứ Nghệ, họ biết quý trọng những giá trị dù là nhỏ nhất nên luôn hăng say làm việc với tinh thần quyết tâm cao độ, chưa có lúc nào chán nản. Chưa khi nào tôi thấy họ than thở, cũng chưa khi nào nghe câu “anh ơi việc này có khi thất bại” được nói ra từ anh Nguyễn Cảnh Sơn hay Nguyễn Cảnh Hồng.
Họ từng nói rằng chắc chắn họ sẽ thành công, bởi họ có kinh nghiệm từ châu Âu, có tiềm lực và tôi cho sự quyết tâm là yếu tố lớn nhất quyết định thành công của họ.
Nền tảng của các anh ấy là đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài, lại được tiếp cận với những xã hội phát triển hiện đại hơn nước ta, nhìn thấy sản phẩm làm ở nước ngoài hay quá, thì tại sao lại không đưa về Việt Nam.
Nhưng thực sự là cũng không lường hết được những khó khăn đâu, phải nói rằng quá khó khăn, khó khăn quá lớn! Nhưng rồi họ cũng vượt qua được.
- Một đời doanh nhân, khởi sự kinh doanh tại Việt Nam với Eurowindow, họ liệu đã được gì và mất gì?
Ông Nguyễn Quang Cung: Tôi không dám khẳng định họ mất gì, nhưng từ quan sát của mình, tôi thấy rõ việc họ phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức, trí tuệ và tiền của. Đổi lại, họ có được công nghệ sản xuất cửa mới, hiện đại và thay thế được thói quen truyền thống, cải thiện đời sống cho người dân và giảm được tối đa vấn đề phá hoại môi trường.
Cái được cho bản thân họ, có lẽ cũng giống như các doanh nhân khác thôi, chỉ có điều họ không đình đám, không nằm trong những nhân vật tỷ phú đô la nổi danh thương trường hiện nay (cười). Nhưng cái được cho xã hội, lợi ích đem lại cho xã hội là rất lớn, mà lớn nhất vẫn là yếu tố môi trường. Nếu không thì trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị đã và đang diễn ra, lấy đâu ra gỗ để làm lớn như vậy.
- Trong giai đoạn mới, Eurowindow đã chọn thay đổi vì mục tiêu phát triển bền vững hơn?
Ông Nguyễn Quang Cung: Khi ấy, việc Eurowindow làm sản phẩm cửa nhựa uPVC cũng là thời cơ chín muồi. Đất nước đứng trước những thử thách về vấn đề môi trường, liên quan đến nạn phá rừng. Chính vì thế, cũng rất may mắn là ý tưởng nhận được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của Bộ Xây dựng và của nhiều ngành, nhiều cấp. Cơ quan Nhà nước ủng hộ ý tưởng đó lắm, mặc dù còn chưa biết liệu có thành công hay không. Đó là một thuận lợi.
Bên cạnh đó, cách làm của anh Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng là cách làm của doanh nhân. Họ không xin gì của Nhà nước mà chỉ cần nhận được sự ủng hộ thôi. Họ chỉ nghĩ đến việc làm ra cái cửa để bán cho dân, bán cho người xây dựng, nên không lý gì lại không ủng hộ.
Cho nên, tôi làm việc với Eurowindow với 2 tư cách là vậy. Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng bấy giờ là ủng hộ về mặt cơ quan quản lý Nhà nước; nhưng vai trò phần nhiều hơn thì là chuyên gia, hỗ trợ về mặt chuyên môn.
Những thay đổi trên thị trường cửa không chỉ có ý nghĩa trong vấn đề bảo vệ môi trường, mà càng về sau, nhờ những cải tiến công nghệ, nó càng cho thấy lợi ích thiết thân đối với người tiêu dùng.
Ngoài cái được là khả năng cách âm, chống tiếng ồn, cửa nhựa Eurowindow còn có khả năng cách nhiệt rất tốt, chống được ánh nắng. Nếu sử dụng cửa gỗ, kể cả là cửa lim đi chăng nữa, đặc điểm của nó dưới tác động của ánh nắng về lâu dài vẫn sẽ bị cong vênh, rồi mối mọt. Và như vậy khi gia đình dùng điều hòa sẽ bị mất nhiệt ra ngoài, qua bề mặt cửa. Nhưng khi sử dụng cửa kính 2 lớp, ở giữa là một lớp khí trơ hoặc chân không, thì việc mất nhiệt qua kính là rất nhỏ.
Bên cạnh đó, lượng nhiệt từ ngoài trời vào trong nhà cũng giảm đi vì ở ngoài đã có lớp chống nắng. Mà cửa này sẽ không có hiện tượng cong vênh, lại có gioăng cao su cho nên kín tuyệt đối.
Ở trong ngôi nhà với những sản phẩm cửa như vậy vừa giúp nâng cao điều kiện sống của người dân, vừa tiết kiệm được năng lượng. Tiền điện của từng gia đình sẽ có khả năng giảm đi. Mà suy cho cùng, đây cũng được coi là tiết kiệm năng lượng cho quốc gia, đem lại lợi ích cho đất nước.
Trong khi đó, người tiêu dùng thường chỉ quan tâm rằng loại cửa này sử dụng trong ngôi nhà của họ thì nó ra làm sao, đắt rẻ thế nào, có tốt không thôi.
Một số công trình lớn cấp quốc gia sử dụng sản phẩm cửa của Eurowindow như Tòa nhà Quốc hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trụ sở Bộ Ngoại giao, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ... Trên cả nước hiện nay có hàng chục nghìn công trình sử dụng sản phẩm mang thương hiệu này. (Ảnh: Internet)
Xuất phát từ ý tưởng ban đầu tương đối đơn sơ, nhưng càng về sau, Eurowindow càng nhận thấy rõ rằng đây là một bước đi đúng đắn, phù hợp với người tiêu dùng. Giờ đây có bảo người tiêu dùng quay lại với cửa gỗ, có khi họ cũng không quay lại nữa.
Còn một điểm nữa khiến cửa của Eurowindow hơn hẳn những loại cửa khác. Chúng ta vừa nói cửa sổ truyền thống là cửa chớp bên ngoài, cửa kính bên trong. Mà thời ấy không phải nhà nào cũng làm được cửa chớp đâu, vì đầu tư rất tốn kém. Hầu hết các gia đình đầu tư cửa sổ khung gỗ, ở giữa là kính, mà cũng chỉ làm bé thôi, không ai làm tất cả cửa bằng kính hết. Nhưng ở những địa phương thường có bão, cửa gỗ do cong vênh, nên khi gió bão va đập vào, cửa lắc là toàn bộ phần kính bị vỡ hết.
Biểu hiện rất rõ là khi cơn bão số 5 (năm 2020) đổ vào Đà Nẵng, nhà nào dùng cửa của Eurowindow là không vỡ, bởi nó khít chặt và không có chỗ cho va đập. Vì thế mà loại cửa đó cũng có khả năng chống bão khá tốt.
Giờ đây, cửa của Eurowindow đã trở thành một loại sản phẩm, hàng hóa quá quen thuộc với người tiêu dùng. Đó là những đóng góp lớn mà nếu không phải những con người ấy, không phải tiềm lực tài chính ấy và lòng quyết tâm ấy, thì không làm được.
- Hiện nay, yếu tố xanh, thân thiện trong vật liệu xây dựng được các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành vô cùng quan tâm, là một xu hướng không thể đảo ngược. Doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng đã nhìn ra những vấn đề này ngay từ khi thành lập Eurowindow và hướng doanh nghiệp mình đi theo “xanh”?
Ông Nguyễn Quang Cung: Đúng vậy. Tôi cho rằng con đường đi của Eurowindow trong phát triển sản phẩm đều hướng đến yếu tố xanh. Không phá rừng đã là xanh rồi. Phá rừng sẽ tạo điều kiện cho lũ lụt, lũ quét, rồi sau này còn hạn hán nữa. Không những thế, sản phẩm còn đem lại sự xanh hóa cho đời sống người dân, cho xã hội; thay đổi điều kiện sống, trong phòng mà không có tiếng ồn, cách âm tốt, tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện và điều hòa ít đi.
Thực tế sau này, khi phát triển cửa gỗ, Eurowindow cũng sử dụng gỗ rừng trồng được xay nghiền ra chứ không dùng gỗ tự nhiên. Không chỉ "xanh" đâu mà còn đẹp, hiện đại nữa chứ. Không có cửa nhựa mà đặc biệt là cửa nhôm kính, thì làm sao có những tòa nhà đa dạng.
- Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cho rằng, Eurowindow đã góp phần thúc đẩy ngành xây dựng và các ngành sản xuất kính, nhôm, nhựa, tôn… cùng phát triển. Thậm chí, vai trò đầu kéo rất lớn không chỉ dừng lại ở phần “cứng”, mà còn tác động đến cả những lĩnh vực “mềm” như kiến trúc và nội thất. Bởi lẽ, “trước đây, kiến trúc sư có muốn vẽ cũng không có giải pháp thi công để mà vẽ. Khi có sản phẩm cửa của Eurowindow rồi sự lựa chọn đa dạng lên, các kiến trúc sư càng có nhiều đất để ‘diễn’, giúp ngôi nhà ngày càng đẹp và khang trang hiện đại hơn”.
Ông Nguyễn Quang Cung: Chính xác là như vậy! Ban đầu, thanh nhựa profile Eurowindow phải nhập từ hãng Koemmerling của Đức, nhưng sau đó dần dần ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện những nhà đầu tư sản xuất thanh profile trong nước. Đơn cử như nhựa Đông Á, họ cũng có mấy nhà máy sản xuất thanh profile này. Tức là sự xuất hiện của Eurowindow đã thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nhựa.
Chưa hết, đây cũng là bàn đạp cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau phát triển theo như làm lõi thép gia cường, khóa, bản lề, ê ke… Như bản lề của Koma chất lượng cũng rất cao. Thực tế về lâu dài, không phải cái gì mình cũng nhập mãi về được. Nếu trong nước cũng có những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tốt, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì các doanh nghiệp sẽ tự cung ứng cho nhau trong chuỗi.
Còn ở “phần mềm” như bạn nói, có thể thấy các kiến trúc sư nhờ có sản phẩm này cũng có nhiều điều kiện để thiết kế hơn, không thì vẫn như ngày xưa. Nếu có xây nhà cao tầng thì nhà cũng sẽ không đảm bảo an toàn, vì nhà cao tầng phải chịu rất nhiều tác động chưa kể đến động đất. Phải là kết cấu nhôm kính này mới chịu được.
Là doanh nghiệp tiên phong đi đầu, Eurowindow đã trở thành một đầu kéo thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề trong lĩnh vực vật liệu, tạo ra lượng công ăn việc làm tôi cho là rất lớn, tuy không tổng kết cụ thể được nhưng có lẽ lên đến hàng vạn người.
- Ông Nguyễn Cảnh Hồng đã không ít lần đề cập đến tinh thần khởi nghiệp và phong trào Quốc gia khởi nghiệp. Chính ông Hồng từng nói rằng: “Trong kinh doanh, nếu không có tinh thần khởi nghiệp thì sẽ rất dễ bị tụt hậu, bị thị trường đào thải”.
Ông Nguyễn Quang Cung: Tinh thần khởi nghiệp là gì? Là đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân trong tiến trình của sự phát triển luôn phải cập nhật thông tin mới, nhu cầu mới và phải đầu tư sáng tạo. Nếu Eurowindow vẫn giữ nguyên sản phẩm cửa nhựa từ khi mới đưa vào thị trường cho đến tận bây giờ, thì cũng sẽ thất bại thôi.
Do đó, doanh nghiệp nào cũng vậy, phải thay đổi liên tục để phù hợp với yêu cầu cuộc sống ngày càng cao, đầu óc tư duy lúc nào cũng phải nghĩ đến đổi mới, lúc nào cũng phải nghĩ đến công nghệ mới, hướng đi mới. Mặc dù xác định một yếu tố làm chính, làm cốt lõi, nhưng vẫn phải phát triển những hướng đi mới.
Đó là cách làm của doanh nhân thời nay!
- Xin hỏi một câu cuối cùng, như ông nhận xét, Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng không phải những doanh nhân nổi đình nổi đám trên truyền thông, không phải những tỷ phú đô la nằm trong danh sách xếp hạng của Forbes, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, qua những gì họ đã làm được cho mình, cho xã hội, cho thị trường cửa Việt Nam và cho ngành vật liệu xây dựng nói chung, có thể gọi họ là những doanh nhân dân tộc?
Ông Nguyễn Quang Cung: Chắc chắn rồi. Bất kể với danh xưng là gì, tôi cho rằng họ đều là những con người có đủ bản lĩnh của một doanh nhân, bao gồm cả khát vọng làm giàu cho bản thân và làm được một điều gì đó, thậm chí là nhỏ nhoi, cho Tổ quốc. Họ dám nghĩ, dám làm, dám kiên cường đương đầu với khó khăn và luôn luôn không ngừng nghĩ về việc thay đổi, đặc biệt là không bảo thủ, bởi bảo thủ là chết.
Đến thời điểm này rồi, trước mắt chắc chắn vẫn sẽ là một con đường khó khăn lắm, cuộc cạnh tranh này phức tạp và rất nhiều vấn đề chứ không chỉ trải đầy hoa hồng. Cho nên anh Sơn, anh Hồng và Eurowindow vẫn phải liên tục thay đổi, có bước đi bài bản, đào tạo đội ngũ đến nơi đến chốn; công nghệ, thiết bị, công tác quản lý phải luôn được cải tiến.
Giờ họ đầu tư cho công nghệ quản lý, kỹ thuật số tự động hóa rất cao để có thể tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh; nhưng đồng thời, cũng vẫn phải quan tâm đến yếu tố lợi nhuận, làm ăn vẫn phải đem lại hiệu quả. Nếu không quan tâm đến lợi nhuận thì dễ “chết” lắm. Có thể khẳng định rằng, ở họ hội tụ đầy đủ yếu tố, phẩm chất của một doanh nhân dân tộc!
Kết thúc cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Cung, trên đường từ trụ sở Bộ Xây dựng ra về, tôi theo một cách vô thức nào đó, cứ đưa mắt nhìn từng khung cửa nhà dân san sát nối nhau trên các con phố nội đô, rồi những tòa chung cư cao tầng chạy dọc phố mới từ Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Sự hiện diện hay vẻ đẹp riêng có của bất kỳ loại cửa nội thất nào cũng như một lẽ dĩ ngẫu trong tiến trình phát triển của xã hội, khi từ xa xưa với thiếu thốn đủ bề, cha ông ta cũng đành tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng và sẵn có để vun vén cho đời sống.
Nhưng quả thực, cũng là một quá trình không thể đảo ngược, tôi nhận ra rằng những khung cửa hiện đại kia đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của Thủ đô qua từng năm tháng. Mà chắc hẳn không chỉ là Hà Nội, còn có bộ mặt đô thị của TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… và rất nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước.
Nhưng chẳng lẽ, Eurowindow chỉ dừng lại trong khung cửa nhỏ? Tôi nhớ lại trong cuộc chuyện trò, ông Nguyễn Quang Cung cũng chỉ ra rằng, Eurowindow còn có các công ty con kinh doanh trong những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến ngành vật liệu như xây dựng, bất động sản… “Họ là một doanh nghiệp đa ngành, cho nên có thể khó khăn trong lĩnh vực này nhưng lại thuận lợi trong lĩnh vực khác”, ông Cung nhấn mạnh.
Quay ngược lại thời gian, có một điểm chung khá lý thú là, cách đây hơn hai thập niên, hầu hết các doanh nhân đình đám ở Việt Nam đều là du học sinh ở Đông Âu về nước lập nghiệp, như các ông Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh và anh em nhà “Nguyễn Cảnh”.
Nhận định về hiện tượng này và về các quyết định của những doanh nhân ấy, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, các doanh nhân kể trên đều có sự lựa chọn sản phẩm, môi trường và thời điểm rất tốt khi khởi nghiệp và chuyển hướng kinh doanh.
Sau khi tạo ra được lợi thế nền tảng và dần định vị được thương hiệu, trước những biến chuyển của tình hình thế giới và các nền kinh tế, những Tập đoàn như Eurowindow đã mở rộng hoạt động trên những lĩnh vực có nhiều lợi thế, nhất là khi có sự hỗ trợ của một ngân hàng lớn như Techcombank, nơi doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn làm Phó Chủ tịch. Đó là lợi thế hiếm hoi cần phát huy ở Việt Nam.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đây là sự “bắt tay” đến từ sự tận dụng lợi thế kinh doanh của nhau. Tuy nhiên sau đó, mô hình liên kết này đã được nâng cấp, khi có khung chiến lược chung dài hạn, đảm bảo đủ tiềm lực tài chính, nhân lực để làm chủ công nghệ. Vừa vững vàng về tài chính - ngân hàng, vừa vững vàng về công nghệ xây dựng - thương mại - dịch vụ, đó là cơ sở để thành công. Tôi cho rằng, đó là sự liên kết mẫu mực, mà lẽ ra, ở Việt Nam nên có nhiều sự liên kết như thế. Nó vừa là nhân duyên hiếm có giữa những doanh nhân xuất sắc; đồng thời, cũng là sự lựa chọn đầy khôn ngoan, có tầm nhìn xa và thức tỉnh thời cuộc.
Bằng kinh nghiệm của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sự liên kết như cách mà Techcombank, Vingroup, Sun Group, Masan Group, Eurowindow đang tạo dựng sẽ tạo ra sự gắn kết mà không có đối thủ ngoại nào có thể xâm nhập được. Chỉ có sự liên kết, mới tạo ra được nền tảng phát triển bền vững cho các doanh nhân.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, các kết nối của doanh nghiệp trong một nhóm đồng lợi ích, đồng hệ sinh thái, đồng đường hướng phát triển là vô cùng quan trọng. Nó tạo ra sức mạnh, tiềm lực trong nghiên cứu phát triển, đặc biệt là nghiên cứu phát triển công nghệ, thị trường và hỗ trợ sử dụng tài chính hiệu quả nhất. Suy cho cùng, đó là cách giúp nhau tạo ra sự liên kết, liên minh đủ sức cạnh tranh với các đối thủ, bảo vệ thị trường nội địa.
Nhưng đó mới chỉ là nhìn vào sự “liên kết ngoài”, còn khi nghiên cứu kỹ hệ sinh thái của Eurowindow, với những định hướng quan trọng như vật liệu xây dựng, nội thất, xây dựng, bất động sản và tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cảm nhận được sự “liên kết trong” chặt chẽ, hữu cơ và tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn này. Đó là khát vọng kiến tạo nên các công trình hiện đại, mở ra cơ hội trải nghiệm sự khác biệt cho hàng triệu người dùng.
Đơn cử như trong lĩnh vực bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây vẫn là lĩnh vực có cơ hội lớn và dài hạn. "Mảnh vải" còn lại, nơi có nhiều cơ hội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường của Việt Nam khi chưa mở toang, là bất động sản.
Những phân khúc mà Eurowindow hướng tới cũng đều là những phân khúc có nhiều lợi thế trong nền kinh tế mở của Việt Nam như căn hộ, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại Hà Nội, Nghệ An, Cam Ranh, bất động sản thương mại - văn phòng - những mỏ vàng tiềm năng rất lớn của Việt Nam - sẽ được phát huy khi đi sâu vào kinh tế dịch vụ.
Những phân khúc mà Eurowindow hướng tới cũng đều là những phân khúc có nhiều lợi thế trong nền kinh tế mở của Việt Nam như căn hộ, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại Hà Nội, Nghệ An, Cam Ranh
Hay như trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, Việt Nam còn quá nhiều lợi thế và dư địa để phát triển, nhất là với quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh.
Đặc biệt, CTCP Eurowindow quả thực đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” trong hệ sinh thái của hai anh em nhà “Nguyễn Cảnh”. Không những chỉ là câu chuyện lợi nhuận, CTCP Eurowindow đã khẳng định vị thế nhà cung cấp giải pháp tổng thể về cửa số 1 Việt Nam và từng bước vươn tầm quốc tế.
Hơn nữa, “điều quan trọng nhất trong kinh doanh, suy cho cùng không phải là chuyện thắng thua, mà là giúp người khác cùng vươn lên chiến thắng. Đó là ý thức tự cường và tự tôn dân tộc, chứ không phải là việc làm ra bao nhiêu lợi nhuận, bỏ được vào túi bao nhiêu tiền. Đó là triết lý muôn thuở, đúng cả trong cuộc đời và kinh doanh. Tôi nghĩ rằng, các doanh nhân này đều là những người rất thấu hiểu điều đó”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Trong tư duy của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, để những Vingroup, Sun Group, Masan Group, Techcombank, Eurowindow… lớn mạnh, cần những cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành thực chất hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Đó đều là những doanh nghiệp, với sự chèo lái của những doanh nhân có tâm, có tầm, luôn giản dị, kín tiếng, khiêm nhường và đang ngày đêm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của dân tộc Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Nhân vật tiếp theo tôi có cơ hội được trò chuyện, chính là nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Huynh, người mà ông Tống Văn Nga nhắc đến khi kể về cuộc gặp gỡ của anh em Nguyễn Cảnh Sơn hai mươi năm trước tại trụ sở Bộ Xây dựng. Năm nay, ông Huynh đã ngoài 90 tuổi. Độ tuổi mà nhiều người không còn đủ minh mẫn để nhớ hết những chuyện từ thời xa xưa. Nhưng khi nhắc đến cái tên Eurowindow, dường như một khoảng trời ký ức tươi đẹp ùa về trong ông:
- Thực tế cách đây hơn 20 năm, ngành cửa ở nước ta khi ấy chưa phát triển gì. Thú thực, anh em ở Bộ Xây dựng cũng chưa có nhiều kiến thức về những lĩnh vực hẹp. Trên thế giới, thị trường cửa nhiều nước tôi được biết cũng còn mới, chỉ có một số nước châu Âu là phát triển mạnh.
Việt Nam đi sau, nên lãnh đạo Bộ Xây dựng lúc bấy giờ với trách nhiệm là đưa ngành đi lên, phải tìm cách học tập, làm theo nước ngoài, tiếp thu những công nghệ tốt, tiên tiến đã được phát triển trên thế giới.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý là đánh giá đúng mức, tận dụng đúng người và kiến thức của họ. Ai làm được thì mình ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho họ làm việc tốt, hướng đến sự phát triển nói chung. Eurowindow khi ấy là người được chọn (cười).
Không phải nói quá, nhưng với lĩnh vực mới như vậy, giữa nhiều người không hiểu về mảng này lại có một người hiểu sâu và tâm huyết xuất hiện thì rất đáng quý. Nên khi anh Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng đến trình bày, báo cáo Bộ Xây dựng về việc đưa cửa sổ nhựa châu Âu vào Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao và tin tưởng bởi đó là những con người có kiến thức, có trình độ thật sự, nắm được vấn đề và đưa công nghệ mới vào làm, chứ không dùng công nghệ cũ. Nếu cứ học theo những công nghệ lạc hậu thì nguy, bao giờ mình mới lên nổi.
Đặc biệt, tôi thích nhất là họ có cái tâm, tâm huyết với những công việc mình làm. Chứ cũng không ít anh khi ấy không biết gì mà chỉ nói hay, mục đích để được hưởng lợi ích ở đâu đó thì không được, mình nghe theo họ là mình “chết”.
Nói đến đây, giọng ông Trần Văn Huynh bỗng trầm xuống, ông nghĩ ngợi trong giây lát như nuối tiếc điều gì đó rồi khẳng định:
- Ở vị trí lãnh đạo quản lý nhưng phải thẳng thắn rằng, tôi luôn ngầm coi và đặt mình trong vai học trò, bởi không phải cái gì mình cũng biết hết được mà phải tận dụng sự hiểu biết, năng lực chuyên môn của từng anh em, từ các vụ trưởng, đến tiến sĩ, kỹ sư, những người được học hành đào tạo ở nước ngoài về. Nên khi anh Sơn, anh Hồng là những người đầu tiên mang được cửa hiện đại về, mình phải dựa vào các anh ấy để phát triển ngành trong nước, tạo điều kiện cho họ làm.
Không chỉ có trình độ, họ còn có đạo đức nữa, thái độ đúng mực, biết tôn trọng chứ không như một số người thấy cán bộ mình khi ấy không nắm rõ những vấn đề mới, sản phẩm, công nghệ mới thì khinh thường. Vì thế ngược lại, tôi cũng rất tôn trọng họ - những con người trí thức, có trình độ.
Tôi từng đọc được câu danh ngôn bất hủ này của nhà văn Mark Twain - người đến nay vẫn được mệnh danh là ngôi sao sáng nhất trên văn đàn nước Mỹ rằng: “Hai mươi năm nữa, bạn sẽ thất vọng về những việc không làm hơn là những việc bạn đã làm. Vì thế, hãy tháo nút dây, cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá”.
Thâm trầm quan sát chiếc thuyền buồm no gió, có lẽ không gì khác được ngoài suy nghĩ: Hành trình của mỗi doanh nghiệp như chiếc thuyền căng buồm ra khơi, còn những vị doanh nhân kia là thuyền trưởng, lèo lái con thuyền chinh phục từng mục tiêu, vượt qua mọi gian khó, không chỉ với tâm niệm cần “bội thu”, mà còn là sự định vị về vai trò “người dẫn đầu”. Và, câu chuyện của Eurowindow là một hành trình căng buồm ra khơi như thế của anh em thủ lĩnh nhà “Nguyễn Cảnh”.