Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Bảy, 12/10/2024 - 06:45
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 1.

Nhớ lại gần 13 năm trước, trong chuyến thăm lịch sử đến nước ta vào tháng 11/2011, Tổng thống Nhà nước Israel Shimon Peres đã đặt chân tới Tập đoàn TH. Trong cuộc gặp đó, ông Shimon Peres đã phá vỡ mọi nguyên tắc về thời gian ngặt nghèo của một nguyên thủ, khi kéo dài thời gian gặp gỡ đến 58 phút để trò chuyện với bà Thái Hương, thay vì 30 phút như dự kiến. Ông cũng phá vỡ cả quy định về an ninh sức khỏe khi điềm nhiên uống hộp sữa TH true MILK không một chút ngại ngần…

Bắt tay doanh nhân Thái Hương, ông Shimon Peres nhấn mạnh: "Ngay từ khi bắt tay bà, tôi đã cảm nhận nguồn năng lượng tràn đầy trong con người bà. Bà đã kiến tạo cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam". Và sau cuộc gặp đó, Tổng thống Shimon Peres đã quyết định cho Tập đoàn TH vay 100 triệu USD không cần thế chấp trong vòng 10 năm để hỗ trợ thêm vốn cho Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Việt Nam lúc đó đang triển khai mạnh mẽ - một sự hỗ trợ "vô tiền khoáng hậu".

Đến ngày hôm nay, sau 15 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn TH đã trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trên nền tảng phát triển bền vững, mang lại những giá trị lớn lao và dấu ấn đổi thay sâu sắc trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi bò sữa, thị trường sữa nói riêng.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, tháng 7/2022.

Trước những doanh nhân dám nghĩ dám làm, đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp như bà Thái Hương, mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định bà xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng; còn về hành trình phát triển của Tập đoàn TH, chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh thành công mà còn là bài học gìn giữ đạo đức cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, người đặt nền móng cho sự ra đời của "Nghị quyết Tam Nông", TS. Đặng Kim Sơn đã có thời gian quan sát, tìm hiểu và đồng hành với TH trong vai trò một nhà nghiên cứu, nhà quản lý kỳ cựu của cơ quan nhà nước mảng nông nghiệp, từ những ngày đầu Anh hùng Lao động Thái Hương khởi dựng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Với sự đồng hành lâu bền, ông khẳng định rằng Tập đoàn TH vẫn đang tiếp tục ấp ủ những giấc mơ lớn, những cuộc cách mạng khác của riêng mình, vẫn với một sứ mệnh xuyên suốt "Vì sức khỏe cộng đồng" và một tâm niệm cốt lõi "Trân quý Mẹ Thiên nhiên, người sẽ cho mình tất thảy".

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 3.

TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 4.

- Xin chào TS. Đặng Kim Sơn. Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã dẫn lối, khiến ông quan tâm và hào hứng với trường hợp khởi nghiệp của Tập đoàn TH trong ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Việt Nam, để rồi sau đó ông có thời gian đồng hành với họ trên cương vị chuyên gia?

TS. Đặng Kim Sơn: Thực sự là tôi cũng không còn nhớ rõ lắm (cười). Cách đây 10 năm, tôi rời vị trí Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), rồi "lăn" vào với các dự án quốc tế, dự án của doanh nghiệp và địa phương để làm cùng với họ.

Bởi đồng hành cùng nhiều đơn vị, tổ chức, nên tôi không còn nhớ rõ mình đã tiếp xúc với Tập đoàn TH chính xác từ lúc nào. Chỉ có một điều chắc chắn rằng đã từ lâu, khi tôi vẫn còn đang công tác ở Viện Chính sách và Chiến lược, tôi đã rất kính trọng cách làm của Tập đoàn TH.

- Khi ông còn đương chức, Tập đoàn TH mới khởi sự kinh doanh được 1 - 2 năm, điều gì ở TH khiến ông kính trọng cách làm của họ?

TS. Đặng Kim Sơn: Thời điểm đó, khi Tập đoàn TH quyết định đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An, từ góc độ là một chuyên gia kinh tế và chính sách, quan niệm ban đầu của tôi cũng có phần giáo điều, nên tôi đã không tán thành.

Bởi theo lý thuyết, một doanh nghiệp hay rộng lớn hơn là một đất nước, phải bắt đầu từ lợi thế của mình. Việt Nam bắt đầu từ nông nghiệp thì đúng rồi, nhưng nếu chọn nuôi bò sữa ở Nghệ An thì theo cách nghĩ của tôi - lúc đó, là một quyết định sai lầm. Bởi bò sữa là động vật phù hợp chăn nuôi ở các nước có khí hậu ôn đới, á nhiệt đới, phải có đồng cỏ lớn. Trong khi đó, Nghệ An là vùng khó đáp ứng được điều kiện về diện tích đất đai, lại có khí hậu gió Lào rất khắc nghiệt cả mùa đông lẫn mùa hè; không thể nào chọn đó là vùng chăn nuôi bò sữa được. Chưa kể Việt Nam nói chung không phải là đất nước phù hợp để nuôi bò sữa.

Khi ấy, tôi có trao đổi ý kiến với người bạn bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - anh Cao Đức Phát, rằng "tôi thấy doanh nhân này (sau này là Anh hùng Lao động Thái Hương - PV) gan thật, ý tưởng có vẻ tốt đấy, nhưng quá liều". Là người từng học tập ở Đại học Harvard (Mỹ), anh Cao Đức Phát cũng đồng tình với tôi (cười).

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 5.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 6.

Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, dự án của Tập đoàn TH triển khai thành công và thành công ngoài sức tưởng tượng của những người làm chính sách như tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên, khi nhận ra sự sai lầm của mình về mặt tư duy chiến lược. Khi biết người đứng đằng sau sự thành công ấy là một phụ nữ không phải dân nông nghiệp mà là dân tài chính, không được đào tạo về chăn nuôi, tôi cảm thấy thực sự kính nể.

Từ chỗ trước đây thị trường sữa nước Việt Nam có đến trên 90% là sữa hoàn nguyên (không phải sữa tươi, mà là sữa bột nhập khẩu từ nước ngoài về pha lại thành dạng lỏng - PV), sau đó đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50 - 60%, sản xuất sữa tươi trong nước dần đáp ứng được nhu cầu. Đó là một bước ngoặt ngoài sức tưởng tượng đối với ngành sữa nước ta. Cũng bởi vậy mà tôi thấy "thích" doanh nhân này và thích cách làm ấy. Nói thực, tính tôi kiêu ngạo lắm, ít khi kính nể ai, nếu người đó không thực sự thuyết phục được tôi, thật đấy (cười). Nhưng đối với con người này, tôi rất kính nể!

Sau đó, tôi mới tìm hiểu xem tại sao dự án ấy lại thành công được như vậy, bởi nếu một chuyện ngược với lý luận như thế xuất hiện, thì có nghĩa hoặc phải xem lại lý luận, hoặc phải xem lại cách ứng dụng lý luận ấy ở Việt Nam.

- Về sau này, khi dự án đã thành công, có cơ hội nào Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ với ông về việc tại sao ở thời điểm ấy, bà lại quyết định đầu tư nuôi bò sữa và căn cứ vào đâu để người sáng lập Tập đoàn TH tin rằng dự án có thể thành công, đi ngược lại với lý luận thông thường?

TS. Đặng Kim Sơn: Xuất phát của bà Thái Hương là từ trái tim và tấm lòng của một người mẹ.

Thời điểm năm 2008 xảy ra sự cố sữa nhiễm melamine gây bệnh sạn thận ở trẻ em Trung Quốc. Vụ việc này khiến tất cả các bà mẹ trên thế giới đều lo lắng, Việt Nam mình lại càng đáng lo hơn khi trên thị trường đa số là sữa bột nhập khẩu pha lại. Nhưng vấn đề là không có mấy ai chuyển lo lắng ấy thành hành động, mà sự thực là cũng rất khó để hành động.

Khi ấy, bà Thái Hương còn đang công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quyết định chuyển sang đầu tư sản xuất nông nghiệp, lại còn vào làm sữa, là chuyện rất liều lĩnh đối với doanh nhân khởi nghiệp. Bà Thái Hương đã chia sẻ nhiều, rằng khi xem bản tin về sự cố sữa nhiễm melamine đó, bà đã "đau thắt trái tim mình", và quyết tâm phải làm "sữa tươi sạch" từ đồng đất Việt - để con của bà, con của hàng triệu bà mẹ khác, được thụ hưởng dòng sữa sạch, lành nhất.

Quả thực, hành động đầu tiên của bà Thái Hương có lẽ xuất phát từ trái tim, và không ngờ rằng, trái tim ấy lại dẫn đến một quyết định rất đúng đắn về lý trí.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 7.

Có lần, bà Thái Hương nói với tôi rằng: "Tôi không biết gì cả, nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi từ những người giỏi nhất". Vậy học bằng cách nào?

Thứ nhất, Tập đoàn TH đi thẳng vào chọn giống tốt nhất. Họ nhập những con bò sữa có giống tốt nhất từ Mỹ, Úc - các nước đứng đầu thế giới về giống bò. Trước đó, Việt Nam cũng đã có nhiều chương trình bò sữa, Nhà nước triển khai làm rất mạnh, nhưng chỉ thành công ở mức độ nhất định với quy mô gia đình, nhỏ lẻ thôi.

Thứ hai, Tập đoàn TH đi vào công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất. Công nghệ ở đây áp dụng trong cơ sở hạ tầng, chuồng trại, nhà xưởng, các vùng trồng thức ăn và cả trong quản trị, quản lý điều hành, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Doanh nhân Thái Hương nói một cách rất có lý rằng, Israel là quốc gia ở giữa sa mạc, điều kiện còn khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều, thiếu đủ thứ tài nguyên, vậy mà họ vượt qua được mọi bất lợi tự nhiên bằng công nghệ thì mình cũng sẽ làm được nếu mình có công nghệ. Vì thế, Tập đoàn TH đi thẳng vào lựa chọn công nghệ của Israel, Đức, Mỹ…, học tất cả những gì mà họ cho là tinh hoa, trên thế giới đã áp dụng thành công rồi để đưa về Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, người thầy mà doanh nhân Thái Hương học, chẳng phải qua trường lớp gì, mà bằng cách nhập công nghệ, máy móc thiết bị và các loại giống cây, giống con có chất lượng đã được chứng minh là tốt về Việt Nam; rồi mời chuyên gia, tiến hành học tập kỹ thuật.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 8.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 9.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 10.

Nói thì dễ đúng không, ai chẳng biết, cứ có tiền là nhập được, mà khi đó ở Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp lớn về sữa, hoặc có sức mạnh của Nhà nước, hoặc có sức mạnh của quốc tế, nhưng sao họ không làm? Một lần nữa, để làm được những việc đó, sự kiên tâm, cách tư duy vượt trội của doanh nhân Thái Hương lại giúp cho bà ấy rất nhiều. Về sau tôi mới hiểu, đó cũng là từ trái tim.

Doanh nhân Thái Hương đi xem từng con bò sữa được chở về bằng đường biển ra sao; trên hải trình nếu bò ốm đau phải theo dõi, về đến chuồng trại thì phải chăm sóc, bảo vệ nó… Đối với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của cả nước ngoài và Việt Nam, bà ấy cũng chăm sóc rất chu đáo, động viên anh em Việt Nam học tập và tiếp thu công nghệ.

Niềm tin của bà Thái Hương được lan tỏa, trước hết là trong đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp; rồi sau đó tới cả bà con nông dân ở địa bàn đầu tư.

- Nhưng cũng có chuyên gia từng nói với chúng tôi rằng, bà Thái Hương "liều mình" không chỉ là chọn nuôi bò quy mô lớn công nghệ cao - cách làm chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, mà còn là chọn vùng đất ẩn chứa nhiều rủi ro?

TS. Đặng Kim Sơn: Khi ấy, đất nông lâm trường là câu chuyện vô cùng căng thẳng, thế mà bà Thái Hương đã thuyết phục được lãnh đạo, cán bộ địa phương tin tưởng, đứng ra bảo lãnh, giúp đỡ và giao cho doanh nghiệp đất để triển khai dự án. Nhưng giao cũng là về mặt hành chính thôi, còn việc đi đàm phán với người nông dân vẫn là của doanh nghiệp. Bà Thái Hương đã đến thuyết phục bà con để họ tin, và sau này, hầu hết những người ấy trở thành lao động hợp tác với doanh nghiệp trên quy mô rất rộng, có người trở thành công nhân, nhiều người vẫn là nông dân nhưng đều được đưa vào chuỗi sản xuất công nghệ cao, đời sống kinh tế được cải thiện. Những người nông dân đã không bị bỏ lại phía sau.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 11.

Có thể nói, việc tiếp thu công nghệ và hình thành nên một vùng đất rộng lớn, xây dựng được một quy trình khép kín "từ đồng cỏ đến bàn ăn" - từ sản xuất thức ăn đầu vào đến nuôi bò sữa, chế biến sữa, sau đó là xây dựng hệ thống vận chuyển, đóng gói, bán được hàng ra đối với một sản phẩm cần phải bảo quản, vận chuyển khắt khe như vậy vào thị trường, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của một con người, một người phụ nữ nhỏ bé, ở một địa bàn rất khó khăn.

Đó là lý do vì sao doanh nhân Thái Hương thành công, bà biết đứng trên vai những người khổng lồ, mà đứng bằng gì, chính bằng thuyết phục người ta với trái tim của mình.

Không thì tiền đâu để doanh nhân Thái Hương đi mua được tất cả những thứ đó, tiền đâu để bồi hoàn đất đai… Tất cả cũng là từ vay ngân hàng, vay quốc tế... Khi đó, làm gì có một dự án nào được chính phủ nước ngoài đứng ra cho vay 100 triệu USD không thế chấp như vậy. Không có, không thể có được! Bởi vậy, tôi mới nói rằng, trái tim ấy cực kỳ nồng ấm, chân thành và mạnh mẽ.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 12.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 13.

- Đó là một câu chuyện từ trái tim đến lý trí. Ở đây, khi doanh nhân Thái Hương lựa chọn công nghệ cho Tập đoàn TH, điều gì đã làm nên sự thành công trong lựa chọn ấy? Bởi suốt chiều dài gần 40 năm phát triển kinh tế từ khi Đổi mới, chúng ta đã thấy không ít trường hợp đi nhập khẩu công nghệ về nước làm nhưng rồi vẫn thất bại…

TS. Đặng Kim Sơn: Thực ra, tôi nghĩ thông tin về công nghệ không thiếu, mọi người ai cũng đều có thể tiếp cận nếu muốn. Đối với trường hợp của Tập đoàn TH, tôi cho rằng quan trọng là họ đã coi đấy là việc của mình. Là đồng tiền mồ hôi nước mắt do chính họ đứng ra vay mượn, đầu tư nên họ không có cách nào khác ngoài phải chọn được công nghệ hàng đầu, tối ưu và phù hợp. Đó là cái hay, là thế mạnh của doanh nhân.

Tuy nhiên, điều làm cho đồng tiền ấy đem lại hiệu quả, không phải chỉ là chuyện thông tin hay có chọn đúng đối tượng, giải pháp hay không. Mà cái chính là ai làm chủ công nghệ ấy, ai sẽ là người thay đổi, cập nhật, ứng dụng công nghệ, chính là con người.

Điều quan trọng là người chủ đồng tiền ấy phải làm sao nắm được trái tim, khối óc, thuyết phục được người bán công nghệ, giao công nghệ cho mình và thuyết phục những người tiếp nhận sử dụng công nghệ cũng có tinh thần làm chủ như mình.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 14.

Tập đoàn TH có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật rất gắn bó và có trách nhiệm.

Cốt lõi của doanh nhân Thái Hương là truyền cảm hứng, chia sẻ niềm tin, thuyết phục về tầm nhìn, lý tưởng, ước mơ với những người xung quanh. Bởi vậy, tôi biết rằng Tập đoàn TH có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật rất gắn bó, có trách nhiệm vì họ biết rằng họ sẽ đi lâu dài với doanh nghiệp; họ tin rằng những việc họ đang làm này, ngoài việc đem lại lợi ích cho họ và cho doanh nghiệp, thì cũng sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng, làm lợi cho quê hương, đất nước.

Và ngay cả với những chuyên gia từ phía bán thiết bị, họ cũng hiểu rằng việc chuyển giao công nghệ này sẽ đem lại uy tín, tiếng tăm cho doanh nghiệp, cho đất nước của họ ở một miền đất rất hứa hẹn; đem lại niềm tự hào cho đất nước của họ, cho niềm tin của lãnh đạo của họ.

Như vậy, điều quan trọng không hoàn toàn là công nghệ, mà là con người. Con người của hai phía, của bên cung cấp công nghệ, bên nhận công nghệ và những người xung quanh thực hiện.

- Khi đưa công nghệ vào trong sản xuất, Tập đoàn TH và Anh hùng Lao động Thái Hương đã phải giải quyết thêm câu chuyện công ăn việc làm cho người nông dân…?

TS. Đặng Kim Sơn: Xưa nay, trong suốt cuộc cách mạng công nghệ, lao động phổ thông luôn luôn mâu thuẫn với máy móc hiện đại. Từ cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh đã có phong trào đập phá máy móc của công nhân rồi.

Còn ở Việt Nam, trong sản xuất nông nghiệp, một máy kéo như của Tập đoàn TH không phải loại 70, 100 mã lực mà là loại 200, 300 mã lực. To khủng khiếp và năng suất kinh khủng. Hay ta cũng thấy giàn tưới mà hai cánh của nó mênh mông, thay thế cho biết bao nhiêu con người.

Đó là điều tất yếu, nhưng vấn đề quan trọng là có bảo đảm được sinh kế cho người dân không; môi trường vùng dự án sau khi doanh nghiệp tiếp quản có trở nên tốt đẹp hơn, xanh hơn cả về văn hóa lẫn sinh thái không. Tập đoàn TH và Anh hùng Lao động Thái Hương làm được cả hai việc này.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 15.

Tôi cho rằng, đây không phải chỉ là công lao của riêng bà Thái Hương. Nếu không có Đảng bộ, chính quyền, tổ chức của tỉnh Nghệ An, thì khó có thể làm được. Tỉnh khi ấy đã có rất nhiều chính sách về đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, về xây dựng các khu công nghiệp, giúp cho một khối lượng rất lớn lao động của Nghệ An được chuyển đổi… Đã có một quá trình rút lao động ra, chuyển sang ngành khác, di cư đi.

Trong đó, Tập đoàn TH đóng góp một phần xứng đáng khi một số lượng khá đông nông dân hợp tác với họ, tham gia vào chuỗi của doanh nghiệp. Và không chỉ ở tại vùng dự án, Tập đoàn TH tạo ra rất nhiều công ăn việc làm ở khắp nơi, tạo sinh kế cho bà con, cải thiện kinh tế, an sinh xã hội.

Có thể nói, đây là một nỗ lực tổng hợp của tất cả các bên, trong đó Tập đoàn TH đi đúng hướng cần đi để rút được người lao động ra, giúp cho mâu thuẫn giữa con người và máy móc được giảm xuống ở mức tối thiểu.

Và quan trọng sau đó là môi trường ở vùng dự án rất tốt, văn hóa xã hội phát triển. Bà Thái Hương đầu tư ở đâu cũng rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, lo lắng cho môi trường sinh thái, rừng cây hồ nước… Nhìn chung là tốt đẹp, nên người dân ở địa phương rất cảm tình với doanh nghiệp.

Quả thực, tôi cũng ước rằng nhiều doanh nghiệp khác làm được như vậy.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 16.

- Đưa người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất công nghệ cao không phải chuyện dễ dàng. Vậy trong câu chuyện của Tập đoàn TH, điều gì đã giúp làm nên thành công của sự hợp tác này, thưa ông?

TS. Đặng Kim Sơn: Trong câu chuyện chúng ta đang trao đổi về Tập đoàn TH, nếu phải dùng một từ để làm cốt lõi, thì đó là câu chuyện niềm tin.

Thành thực mà nói, vào thời điểm ấy, tôi nghĩ rằng ở Nghệ An, nhiều nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả; cuộc sống của người nông dân rất khó khăn, cái đói cái nghèo còn đeo đuổi. Trồng cây nọ, nuôi con kia, doanh nghiệp đầu tư đến rồi đi, xuất khẩu không như mong đợi… Niềm tin của họ lung lay, họ không biết sẽ phải bám víu vào đâu.

Doanh nhân Thái Hương khởi đầu vào thời điểm bất lợi chung nhưng cũng là thuận lợi riêng. Khi ấy, có một người, một doanh nghiệp đến nói với người nông dân về câu chuyện tương lai, đồng thời lại trả cho họ tiền bồi hoàn đất đai, mang tới công ăn việc làm, thì tin hay không tin chưa biết, nhưng chí ít đó cũng đã là một sự lựa chọn tốt hơn rồi.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 17.

Trên báo chí có đăng chuyện doanh nhân Thái Hương đến nói chuyện với các cụ lão thành, đề đạt rằng cho mình thời gian 3 năm để làm; thế nhưng chỉ sau 14 tháng dự án đã thành công. Các cụ phấn khởi lắm, thấy người dân có việc làm, đất đai tươi tốt thì còn hạnh phúc nào bằng.

Vấn đề tạo dựng niềm tin ở thời điểm ban đầu, là phải thuyết phục bằng hành động. Cứ làm dự án sau, bà Thái Hương lại mời người ta đến xem lại dự án trước, và từ dự án ở Nghệ An, đã phát triển ra nhiều tỉnh thành, phát triển từ trong nước ra nước ngoài.

Như vậy là niềm tin phải được xây dựng từng bước một. Mà có lẽ doanh nhân Thái Hương cũng rất hiểu điều đó, cho nên bà đã chọn thương hiệu của Tập đoàn có chữ "thật" (true).

- Từ đầu, ông đánh giá thế nào về quy mô tiếp cận của Dự án sữa, thưa ông?

TS. Đặng Kim Sơn: Dự án bắt đầu từ tháng 10/2009, tổng diện tích đất quy hoạch cho dự án hơn 37.000ha (trong đó diện tích đất giai đoạn 1 là 8.100ha), tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Tôi nghĩ là với sức và thế của mình lúc đó, doanh nhân Thái Hương bắt đầu dự án với quy mô như vậy là quá lớn! Đầu tư công nghệ, máy móc hàng đầu thế giới, mời chuyên gia giỏi hàng đầu thế giới về..., thực hiện bài bản, quy chuẩn mọi khâu trong chuỗi sản xuất, đó đều là các việc lớn!

Để so sánh thì trước đây, tôi có làm Giám đốc một nông trường, diện tích 3.700ha, đúng bằng 1/10 quy mô dự án của bà Thái Hương, mà tôi chưa bao giờ đi hết được chính nông trường do mình quản lý (cười). To lắm!

Tôi nghĩ bắt đầu như vậy là lớn lắm rồi. Mơ lớn và hành động lớn…

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 18.

- Là chuyên gia hàng đầu về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn ở nước ta, ông đánh giá ra sao về việc phát triển bền vững, sản xuất xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn TH?

TS. Đặng Kim Sơn: Là một doanh nhân, Anh hùng Lao động Thái Hương có 2 kiểu "đi" của riêng mình mà tôi cho rằng rất "từ trái tim". Một là về với mẹ thiên nhiên. Bà ấy nói về mẹ thiên nhiên rất chân thành, rất kính trọng, chứ không nói theo kiểu khoa trương. Và thứ hai là về với con người, nhất là trẻ thơ. Bà ấy nhìn đời bằng con mắt của người con với thiên nhiên, và tấm lòng của một người mẹ. Làm gì cũng vậy, đều bám vào hai định hướng ấy.

Trái tim và tấm lòng của người mẹ đã giúp doanh nhân Thái Hương quyết tâm làm dự án sữa tươi sạch thành công, và bây giờ đang làm giáo dục (TH School - PV), y tế (TH Medical - PV)... Nhìn chung, bà Thái Hương muốn làm điều tốt đẹp cho con người, muốn phụng sự cộng đồng.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 19.

Còn với con mắt của người con với thiên nhiên, bà Thái Hương lo đến câu chuyện phát triển bền vững, sản xuất xanh, sạch. Trong mắt bà ấy, thực sự chỉ thấy thiên nhiên là một thể thống nhất, là cội nguồn sinh ra tất cả nên phải bảo vệ nó. Bởi vậy, tôi thấy doanh nhân Thái Hương xót xa chuyện đất đai, chuyện nước, chuyện môi trường... Từ đó, nếu thấy có thể làm được gì là bà ấy làm ngay.

Nói chung, cách nhìn của doanh nhân Thái Hương là định hướng từ trái tim. Nhìn như vậy thì ở đâu bà ấy cũng thấy được giải pháp, và thường là giải pháp không phải trông cậy vào bên ngoài.

- Ông nhận định như thế nào về việc Tập đoàn TH phát triển thêm hướng đi về dược liệu, làm kinh tế dưới tán rừng?

TS. Đặng Kim Sơn: Từ những gì tôi biết về trường hợp của Tập đoàn TH, tôi nghĩ bà Thái Hương khi chọn làm cây dược liệu, một trong những động lực thôi thúc chính là để hiện thực hóa khát vọng về bảo tồn và phát triển kho tàng thảo dược của dân tộc.

Tôi có cơ hội đi công tác nhiều nơi, sang Nga, sang Cuba… Phải nói rằng thiếu gì những chỗ tuyệt vời để làm được cây dược liệu. Tôi cảm nhận được tình yêu quê hương chân thành, thấy xót xa trước những thực trạng đáng buồn trong bảo tồn và phát triển kho dược liệu quý của đất nước trong con người doanh nhân Thái Hương.

Tôi cũng vậy, hay bạn cũng thế, là một người Việt Nam, chúng ta xót xa lắm chứ, muốn làm những gì mình có thể làm được. Doanh nhân Thái Hương nghĩ rằng bà ấy có nguồn lực tài chính, có đủ các khía cạnh năng lực để có thể giúp bà ấy hành động được, nên muốn làm.

Cũng có một điều rất quan trọng, doanh nhân Thái Hương hiểu rằng nếu không mang lại lợi ích, tạo sinh kế cho người dân thì sẽ chẳng có ai làm với bà ấy cả. Tự dưng bảo người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số giữ rừng mà không có lợi ích nào cho họ, thì rất phi thực tế.

Bà Thái Hương nói với tôi rằng, rừng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và có thể giao cho doanh nghiệp liên doanh liên kết. Doanh nghiệp lại hợp tác, phối hợp với cộng đồng ở địa bàn. Đó chính là cách để giữ được rừng. Nào trồng dược liệu, nông lâm kết hợp, rồi làm du lịch…, bà Thái Hương ấp ủ rất nhiều ý tưởng và mong muốn được làm!

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 20.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 21.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 22.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 23.

Khi chọn làm cây dược liệu, một trong những động lực thôi thúc doanh nhân Thái Hương và Tập đoàn TH chính là để hiện thực hóa khát vọng về bảo tồn và phát triển kho tàng thảo dược của dân tộc.

- Đã khi nào ông thấy doanh nhân Thái Hương thất bại với một kế hoạch đề ra chưa?

TS. Đặng Kim Sơn: Có lẽ bà Thái Hương cũng yêu quý tôi nên "lôi" tôi vào cùng đồng hành, nhưng nói thực, trong vai trò cố vấn, tôi chỉ "gàn" bà Thái Hương lại (cười).

Thế nhưng, việc gì mà bà Thái Hương đã quyết làm là bà ấy sẽ làm và các dự án đều dài hạn nên tới giờ chưa có gì để nói tới "thất bại". Hành động của doanh nhân Thái Hương luôn xuất phát từ trái tim và khối óc của mình.

- Như ông đã nói về 2 hướng đi thường thấy của Tập đoàn TH, họ cũng có triết lý trong kinh doanh về "Trân quý Mẹ Thiên nhiên". Nhưng xin hỏi ông, "trân quý" bằng cách nào? Chúng ta nhận từ thiên nhiên và trả lại điều gì cho thiên nhiên?

TS. Đặng Kim Sơn: Về mặt lý thuyết, lý tưởng, việc thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là một cách và Tập đoàn TH đang đẩy mạnh hoạt động này. Họ thông qua công nghệ cao để kiểm soát chất lượng và giảm thiểu tác động đối với môi trường.

Cá nhân tôi thường chỉ nhìn vào những gì người ta hành động thôi, còn mơ thì không nói, hay những điều người ta vẽ ra thì không tin. Theo tôi thấy, những gì doanh nhân Thái Hương hành động là hàn gắn, vá lại những đổ vỡ, rồi giúp nó tốt lên. Nói một cách đơn giản, bà ấy muốn làm lại những gì mà trước đây đã bị làm sai, hỏng.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 24.
Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 25.

Chẳng hạn, ngay như câu chuyện làm sữa tươi là vì xảy ra vụ sữa nhiễm melamine nên bà Thái Hương mới bắt tay làm ngay, rồi đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như thế, từ đó cứ tiến lên.

Với làm dược liệu dưới tán rừng cũng vậy, bà ấy đau đớn trước cảnh đất rừng bị tàn phá, người nông dân còn thiếu thốn, kho tàng dược liệu bị mai một và nhiều dược liệu quý có nguy cơ biến mất, và trước tiên là muốn cải thiện những điều đó.

Thế còn trả lại cho mẹ thiên nhiên một cách công bằng, xứng đáng và cùng nhau tiến lên, tôi nghĩ rằng sẽ là những bước tiếp theo, trong tầm nhìn dài hạn. Để làm được điều đó, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam rất cần những doanh nghiệp tiên phong để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng bước theo.

Trước mắt, chúng ta phải ăn uống cho sạch, giảm thiểu bệnh tật, ốm đau; sản xuất, sản phẩm trước tiên phải tử tế, hướng đến chữ "thật" và sự an toàn, vì sức khỏe cộng đồng, bảo vệ thiên nhiên. Tôi nghĩ khát vọng của doanh nhân Thái Hương có lẽ cũng bắt đầu từ đấy.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 26.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 27.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 28.

- Trở lại với câu nói ở đầu cuộc trò chuyện của ông khiến chúng tôi rất tò mò, đó là những doanh nhân dám đầu tư vào nông nghiệp là những người anh hùng, ông có thể giải thích rõ hơn?

TS. Đặng Kim Sơn: Khi nói chung theo đại từ nhân xưng số nhiều, những người đầu tư vào nông nghiệp, theo tôi hoặc là "điên", hoặc thật là "anh hùng".

Thông thường thì doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp có 3 kiểu với mục tiêu khác nhau.

Một là họ không hiểu gì, họ thấy viễn cảnh ấy đẹp, thấy lành, thấy tử tế, thấy thân quen, thấy dễ thì họ làm; nhưng không, tất cả những điều đó đều không phải.

Thứ hai là họ "điên", nghĩ rằng việc đầu tư này sẽ có lợi nhuận cao, sẽ thực sự đem lại tiếng tăm cho họ; họ nhầm.

Và kiểu thứ ba, họ làm nông nghiệp chỉ để đánh bóng tên tuổi sau khi đã kiếm tiền đủ ở một lĩnh vực nào đó khác.

Tôi, trong vai trò chuyên gia, đã có nhiều trải nghiệm thực tế. Vì thế, tôi muốn nói rõ rằng có 3 kiểu như vậy, trước khi nói về nhóm thứ 4 là "anh hùng".

"Anh hùng" là như thế nào? Tức là họ biết rằng làm nông nghiệp rất khó khăn, rất rủi ro, lợi nhuận thấp, nhưng họ vẫn làm. Bà Thái Hương là một trường hợp điển hình. Bà ấy làm xuất phát từ trái tim ấm nóng của một con người và lý trí mạnh mẽ, kiên định, với tầm nhìn, kế hoạch rất xa.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 29.

"Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, thực sự là thế mạnh lớn nhất của Việt Nam".

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, thực sự là thế mạnh lớn nhất của Việt Nam. Nếu biết đầu tư vào đây, thì Việt Nam giàu về nông nghiệp. Lâu nay, chúng ta nói rất nhiều về nông nghiệp, nhưng cũng chưa làm được nhiều, tương xứng với tiềm năng phát triển của nông nghiệp.

Đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp hiện nay chỉ có 5%; đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp cũng rất nhỏ bé. Trong khi đó, một nửa dân số Việt Nam đang sống và làm nông nghiệp. Đó là ngành xuất khẩu quan trọng hàng đầu, là trụ đỡ của nền kinh tế, luôn luôn ở đó để bảo vệ đất nước về an ninh lương thực.

Nhưng với lợi nhuận rất thấp, rủi ro rất cao, rất nhiều vấn đề, đụng đâu cũng là vướng mắc, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến môi trường, con người, thiên tai dịch bệnh, hàng rào thuế quan…, cái gì cũng "rơi vào đầu" nông nghiệp, tư duy thông thường là "tốt nhất tránh xa nó ra". Cứ nói làm nông nghiệp là tốt là hay, nhưng thực tế thì khác, chỉ rất ít nguồn lực được đầu tư vào nông nghiệp.

Đó là lý do vì sao tôi gọi những người đầu tư nông nghiệp chân chính là những người anh hùng. Chứ không phải vì doanh nhân Thái Hương được phong danh hiệu Anh hùng Lao động nên tôi gọi bà ấy là "anh hùng". Doanh nhân Thái Hương đã thực sự hành động. Vốn khởi sự từ mảng tài chính, nhưng tôi được biết, nông nghiệp mới là điều bà Thái Hương đau đáu ngày đêm.

Bởi thế, tôi rất quý trọng con người này, tôi biết đây là một con người rất đặc biệt.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 30.

TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch.

- Đằng sau sự thành công của Tập đoàn TH là dấu ấn của "con người rất đặc biệt" này. Vậy điều gì khiến ông ấn tượng nhất về con người bà Thái Hương?

TS. Đặng Kim Sơn: Đó là một con người rất "con người", yêu ghét rõ ràng, mơ mộng rõ ràng, "làm thương hiệu" cũng rõ ràng. Thế rồi dù làm lãnh đạo, doanh nhân lớn nhưng bà Thái Hương vẫn rất thích nấu ăn và nấu ăn ngon. Thỉnh thoảng có dịp gặp, "chế tạo" ra được món gì thật ngon mời khách là bà ấy vui sướng lắm. Riêng khoản này tôi muốn dành lời khen cho bà Thái Hương thật (cười). Vậy thôi, tính bà ấy là như thế.

Điều đó làm nên con người thật của bà Thái Hương.

- Về tầm nhìn thì sao, thưa ông?

TS. Đặng Kim Sơn: Biết nói thế nào nhỉ, tôi nghĩ doanh nhân Thái Hương là người nhìn đúng và nhìn rất xa. Vì sao? Là bởi tâm hồn bà ấy trong sáng.

Là một doanh nhân nữ, dẫn dắt doanh nghiệp với hàng chục nghìn nhân viên, làm điều gì bà ấy cũng đều có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng cả. Lăn lộn trên thương trường lâu như thế, bà Thái Hương vẫn giữ được cái tâm, là người có cái tâm rất tốt và cái nhìn rất trong sáng. Có vấn đề gì là bà ấy sẽ nói thẳng. Cái gì cảm thấy hành động được là sẽ hành động. Thua thì bà ấy đỡ, đau thì bà ấy chịu.

Vì thế, trước hết phải khẳng định rằng bà Thái Hương là con người có trái tim cháy bỏng, có một cách hành động với sự trung thực và trong sáng. Còn nhiều người nói về tầm nhìn và chiến lược, tôi nghĩ rằng mấu chốt là bà ấy đã nhìn đúng.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 31.

- Nếu nói về tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, ông có mong ước gì? Và ông nghĩ sao về tương lai và tầm vóc của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp?

TS. Đặng Kim Sơn: Về điểm này, tôi giống với doanh nhân Thái Hương. Trái tim của tôi cũng đặt trọn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Việt Nam.

Nếu nói đến Việt Nam, tôi cho rằng có 2 thứ mà thế giới biết đến nhiều nhất: Một là chiến đấu bảo vệ tổ quốc, và hai chính là nông nghiệp.

Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về nông nghiệp. Tôi đã cùng một số chuyên gia có nhiều kiến nghị về vấn đề này, bằng mọi cách đưa được quan điểm "Nông nghiệp là lợi thế quốc gia" vào Nghị quyết của Đảng.

Và điều này gắn với câu chuyện thứ hai mà tôi muốn đề cập tới. Quốc gia mình, trong quá trình công nghiệp hóa, muốn tiến lên thì phải dựa vào đội ngũ doanh nhân. Thời điểm này, chúng ta phải có những doanh nhân lớn, doanh nghiệp mạnh. Mỗi quốc gia đều cần có những doanh nghiệp đầu đàn, tạo nên sức mạnh đột phá. Nếu làm được như vậy thì đương nhiên Việt Nam chúng ta sẽ khác.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 32.

Trong nông nghiệp, chúng ta không chỉ tính đến cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa hay xuất khẩu tôm cá… Mà cao hơn và xa hơn, nông nghiệp Việt Nam phải là nền nông nghiệp mà ở đây, chúng ta tạo giống, sản xuất máy móc cho nông nghiệp, làm công nghệ nông nghiệp, làm chuyên gia nông nghiệp.

Và "địa bàn tác chiến" của chúng ta ở đâu? Như cách làm của doanh nhân Thái Hương ấy, "địa bàn tác chiến" của chúng ta sẽ là những nơi có đất, có nước, có lao động và đặc biệt là những nơi có thị trường, như ở châu Phi, ở nước Nga, ở Bắc Mỹ, Canada hay ở châu Úc… Những doanh nghiệp như Tập đoàn TH phải đứng chân ở đây, áp dụng tất cả những công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới; đưa tinh thần, bản lĩnh của người Việt ra thế giới.

Và khi nói đến Việt Nam, thế giới sẽ nhớ đến một điều, như slogan của Tập đoàn TH và doanh nhân Thái Hương ấy, là chữ "true": true MILK, true RICE, true WATER, true HERBAL, true TEA… Trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, lúc này, ai giành được niềm tin thì chiến thắng. Ngoài ra, tất cả những thứ khác như công nghệ, lao động, tài nguyên, đất đai, nhiên liệu… đều mua được hết. Chỉ niềm tin là không mua được. Niềm tin chỉ xuất phát từ trái tim, niềm tin chỉ hình thành nhờ hành động.

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 33.

Doanh nhân Thái Hương là một người phụ nữ nhỏ bé, Tập đoàn TH cũng chưa phải doanh nghiệp vĩ đại, nhưng đó là một hành trình rất đẹp để chúng ta tin ở chính mình, tin vào vận mệnh của đất nước.

Với lợi thế tuyệt đối, tôi mơ Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về nông nghiệp trên thế giới. Hiện nay, dân số thế giới là 8,2 tỷ người (năm 2024) và trong thời gian rất ngắn nữa thôi, sẽ đạt đến 10 tỷ người. Khoảng thời gian rất ngắn đó cũng chính là lúc mà biến đổi khí hậu sẽ diễn ra một cách khốc liệt và "bóp" không gian sống của loài người lại. Mâu thuẫn giữa thiên nhiên và con người sẽ diễn ra đến mức cùng cực.

Điều gì cứu được tất cả? Chính là sự hài hòa với thiên nhiên. Và nhu cầu đầu tiên của con người chưa phải nhà cửa, chưa phải xe cộ, mà trước hết là đủ ăn, đủ dinh dưỡng, ăn no, ăn sạch đã. Vì thế, nông nghiệp thời gian tới sẽ là cánh cửa cuối cùng của loài người. Khi ấy, tôi cho rằng một cường quốc về nông nghiệp sẽ là vô cùng quan trọng.

Và khi chúng ta phát triển bằng lợi thế của mình, thì yếu tố quyết định để ước mơ ấy được thực hiện thành công là một đường lối thực sự đúng đắn để đưa đất nước vượt lên, thoát hoàn toàn khỏi đói nghèo và công nghiệp hóa thành công.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của TS. Đặng Kim Sơn! Chúng tôi tin rằng câu chuyện về con đường phát triển của Tập đoàn TH dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động Thái Hương sẽ tiếp tục không ngừng lan tỏa, thổi bùng trong lòng mỗi người dân Việt Nam một niềm tin trọn vẹn vào vận mệnh tươi đẹp của đất nước mình! Chúc Tập đoàn TH sẽ tiếp tục bước những bước vững chắc trên hành trình phát triển đầy cảm hứng!

Anh hùng Lao động Thái Hương: Dám mơ lớn và hành trình giữ vững đạo đức trong kinh doanh- Ảnh 34.

Doanh nhân Thái Hương là một người phụ nữ nhỏ bé, Tập đoàn TH cũng chưa phải doanh nghiệp vĩ đại, nhưng đó là một hành trình rất đẹp để chúng ta tin ở chính mình, tin vào vận mệnh của đất nước.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top