
Anh hùng Lao động Thái Hương: Sự tử tế là hạt giống ươm mầm cho tương lai
Nhìn lại hành trình gần 40 năm Đổi mới, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cảm thấy ấn tượng song cũng đầy trăn trở với lĩnh vực nông nghiệp. Mở đầu cho tiến trình Đổi mới và hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định được dấu ấn trên thị trường quốc tế, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu thiên niên kỷ của quốc gia. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nông nghiệp là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào mục tiêu nâng cao "thể lực - tâm lực - trí lực" cho người Việt. Trong hành trình đó, những doanh nghiệp tiên phong như Tập đoàn TH, do doanh nhân, Anh hùng Lao động Thái Hương sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng chiến lược đã khẳng định được vai trò phụng sự và lan toả triết lý kinh doanh vì sức khỏe con người dựa trên những lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với sức mạnh của thời đại là khoa học, công nghệ và trình độ quản trị tiên tiến.
Doanh nhân, Anh hùng Lao động Thái Hương từng khẳng định, "các em ở lứa tuổi vàng, có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai". Nhà sáng lập Tập đoàn TH đã nhiều lần chia sẻ với chúng tôi, một trong những mơ ước lớn nhất của bà chính là sự ra đời Luật Dinh dưỡng học đường. Bởi bà quan niệm, chỉ có như vậy mới đảm bảo quy chuẩn và kiểm soát chất lượng cho mọi thứ liên quan đến dinh dưỡng học đường, từ nguồn gốc thực phẩm, tiêu chuẩn nhân sự, hoạt động giáo dục dinh dưỡng tới học sinh, phụ huynh…
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là dinh dưỡng cho thế hệ trẻ, ngày càng trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn quyết định trí tuệ và tương lai của mỗi thế hệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang kỳ vọng vào một thế hệ thanh niên với trí tuệ, thể lực và khát vọng vươn lên, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc đầu tư cho dinh dưỡng từ sớm, đặc biệt là trong giai đoạn vàng từ 0 - 12 tuổi, càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với TS. Võ Trí Thành bắt đầu bằng những suy tư, băn khoăn về giải pháp nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Có lẽ, phải bắt đầu từ những tư duy khác đi dựa trên thế mạnh của Việt Nam, bằng khát vọng mạnh mẽ và hành động quyết liệt ở đẳng cấp cao nhất theo chuẩn mực quốc tế thì mới thành công.
Nhớ lại câu chuyện do chính bà Thái Hương chia sẻ, vào năm 2008, khi sự cố sữa nhiễm Melamine tại Trung Quốc khiến hàng nghìn trẻ em bị tổn thương, Tập đoàn TH ra đời với một tầm nhìn đặc biệt: Phát triển bài bản theo chuỗi giá trị khép kín, lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng và con người là trọng tâm. Tập đoàn đã tận dụng mọi thành quả của khoa học công nghệ và quản trị tiên tiến để biến những điều chưa thể thành hiện thực.
Lúc đó, thị trường sữa nước tại Việt Nam chủ yếu là sữa bột pha lại (92%) và chỉ 8% là sữa tươi. Sự ra đời và vào cuộc mạnh mẽ của Tập đoàn TH đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tỷ lệ sữa tươi đã tăng lên 60%, trong khi sữa bột pha lại giảm xuống còn 40%. Lượng sữa sử dụng bình quân từ 8 - 12 lít/người (2008) đã tăng lên 25 lít/người. Các sản phẩm sữa tươi sạch của Tập đoàn TH hiện chiếm 51,9% thị phần sữa tươi tại Việt Nam.
Theo bà Thái Hương, thành công này là nhờ Tập đoàn TH đã tận dụng khoa học công nghệ và quản trị tiên tiến để tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất và sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu - yếu tố quan trọng trong nền kinh tế hiện đại.
"Việc làm chủ công nghệ và dữ liệu không chỉ giúp TH tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động, mà quan trọng hơn, nó tạo ra những sản phẩm tươi sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được người tiêu dùng trong nước tin yêu và quốc tế công nhận", bà Thái Hương chia sẻ.



Mô hình này cũng giúp Tập đoàn TH duy trì tăng trưởng hai con số ngay cả trong những giai đoạn khó khăn như đại dịch hay khủng hoảng. Quan trọng hơn, mô hình này góp phần định hình nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương - những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của Tập đoàn TH.
Và không có gì thúc đẩy bà Thái Hương mạnh mẽ hơn khát vọng nâng cao tầm vóc và sức khỏe cho thế hệ tương lai...
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nhân tiêu biểu Thái Hương, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024).
- Thưa TS. Võ Trí Thành, ông có bao giờ hình dung đến một ngày, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế không?
TS. Võ Trí Thành: Tôi không chỉ hình dung, mà còn tin tưởng điều đó sẽ trở thành hiện thực - thậm chí vượt xa cả sự kỳ vọng. Thực tế, Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như sữa, cà phê, thủy sản... Một ví dụ tiêu biểu là Tập đoàn TH - doanh nghiệp dân tộc đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng thành công mô hình chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất đầu vào đến phân phối sản phẩm ra thị trường. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, sản phẩm của TH còn được xuất khẩu sang hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất, qua đó khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Đây cũng là minh chứng cho thấy nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đạt chuẩn quốc tế. Những bước đột phá kể từ giai đoạn đầu cải cách cùng với quá trình hội nhập thị trường quốc tế đã giúp Việt Nam vươn lên nhóm dẫn đầu thế giới ở nhiều mặt hàng nông sản, như gạo, điều, cà phê...
Nhiều quốc gia khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) từng tỏ ra e ngại về sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của chúng ta là rất lớn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Vì sao nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt đến tầm vóc xứng đáng? Theo tôi, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Nhà nước cần được hoàn thiện và đồng bộ hơn, còn tồn tại nhiều lực cản mang tính nội tại. Đó có thể là ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, tâm lý tự ti, hoặc tư duy kinh doanh ngắn hạn - những yếu tố khiến doanh nghiệp khó tạo dựng được tầm nhìn chiến lược dài hạn để bứt phá.
- Ngay từ khi thành lập, Tập đoàn TH - do doanh nhân Thái Hương sáng lập - đã xác định tập trung phát triển các sản phẩm gắn liền với sức khỏe con người, hướng tới những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược này?
TS. Võ Trí Thành: Với hành trình 15 năm phát triển, Tập đoàn TH đã khởi đầu từ con số 0. So với các doanh nghiệp lớn khác, TH đi sau, nhưng lại có lợi thế của người đến sau: Dễ dàng bắt nhịp với xu thế hiện đại, không bị "trói buộc" bởi quá khứ, bởi công nghệ cũ. Cũng bởi không vướng bận với quá khứ nên họ đã đi nhanh hơn các doanh nghiệp khác và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Ví dụ, trong ngành ô tô, Vingroup đã "xây nhà từ nóc" khi tập trung vào làm xe điện thông minh, bỏ qua các công nghệ truyền thống chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Nếu tư duy theo cách truyền thống thì không thể có những doanh nghiệp dân tộc như vậy.
- Chính nhờ không mang theo "gánh nặng quá khứ", TH có thể đi nhanh, bắt kịp xu thế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Phẩm chất và năng lực gì đã khiến TH làm được điều đó?
TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, có hai năng lực đặc biệt mà Tập đoàn TH sở hữu.
Thứ nhất là nền tảng phát triển. Tất nhiên, trong mọi thành công đều có yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", nhưng quan trọng nhất là TH có một người lãnh đạo hội tụ đủ bản lĩnh, tầm nhìn và ý chí kiên định để dẫn dắt tổ chức đi đến cùng con đường đã chọn.
Thứ hai là khả năng kết nối và xác lập chiến lược phù hợp với xu thế thời đại. Khi nắm bắt được những xu hướng mới, TH không chỉ xây dựng được lợi thế cạnh tranh bài bản và bền vững mà còn gắn kết hiệu quả với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, điều chúng ta rất cần chính là sự hòa quyện giữa mục tiêu kinh doanh với các giá trị xã hội. Một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài không thể thiếu văn hóa doanh nghiệp vững mạnh - và đó là điều mà TH đã làm được, đang tiếp tục làm, và tôi tin rằng họ sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai.
Mặc dù khí hậu Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa, nhưng vẫn có thể thành công bằng việc áp dụng đan xen các thành quả của khoa học - công nghệ và khoa học quản trị, từ đó tạo ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, năng suất cao, chi phí hợp lý nhất… Không những vậy, điều này còn góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ trở thành sản xuất hiện đại, tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...
Chúng ta hãy nhìn lại dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao có tổng vốn 1,2 tỷ USD do TH tự trồng cỏ, nuôi bò, ứng dụng những công nghệ đầu cuối thế giới. Người đứng đầu tập đoàn đã quyết định đưa chuyên gia từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này như Israel, Ấn Độ về chuyển giao công nghệ, kết hợp với chế biến sâu để mang đến những sản phẩm sữa tươi sạch giàu dinh dưỡng, đặt nền móng cho cuộc cách mạng sữa tại Việt Nam.



Kết quả là, dự án của TH đã hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao khép kín với đàn bò gần 70.000 con, nhà máy sữa hiện đại công suất chế biến đã đạt mốc hơn 1 triệu lít sữa/ngày. Điều đáng nói, đây là 1 triệu lít sữa tươi từ một nguồn đồng nhất của trang trại tập trung. Năm 2020, TH xác lập kỷ lục Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao khép kín quy mô lớn nhất thế giới, do tổ chức Kỷ lục thế giới ghi nhận, và đến nay vẫn giữ vững kỷ lục này.
Có thể thấy, điểm nổi bật nhất khi nhắc đến thương hiệu TH chính là các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, được sản xuất với quy trình khép kín từ đồng cỏ đến ly sữa ngay tại đồng đất Việt Nam và để phụng sự cho sức khỏe người Việt.
- Trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng, sức khỏe và thể chất của người Việt còn kém so với các quốc gia khác. Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam năm 2020 là 168,1cm, nữ giới là 156,2cm, thấp hơn so với Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuổi thọ trung bình là 74,5 năm, thấp hơn 5 - 10 năm so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam là 19,6%, cao hơn nhiều so với Nhật Bản hay Singapore. Trong việc nâng cao thể chất cho người Việt, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng. Anh hùng Lao động Thái Hương đã đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường và cần có chiến lược phát triển thể chất cho người Việt thông qua các sản phẩm từ sữa và nông nghiệp như bơ, lúa gạo, dược liệu... Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực và đề xuất này của doanh nghiệp?
TS. Võ Trí Thành: Vấn đề về thể trạng, tầm vóc và sức khỏe của người Việt đã được đặt ra từ nhiều thập niên trước, nhưng chỉ những năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, "lấy con người làm trung tâm" thì câu chuyện này mới thực sự được nhìn nhận như một nền tảng chiến lược quốc gia.
Thứ nhất, khi nói đến "tầm vóc", chúng ta thường nghĩ đến chiều cao, cân nặng - những chỉ số sinh học rõ ràng. Tầm vóc, đúng nghĩa còn là sự phát triển toàn diện: Từ thể lực, trí lực đến tâm thế sống. Nhưng "tầm vóc người Việt" trong thế kỷ 21 còn phải được hiểu là sức khỏe tinh thần, năng lực đổi mới, sáng tạo, khả năng thích ứng và khát vọng vươn lên.
Ở Việt Nam, mối liên hệ giữa thể chất và sức mạnh tinh thần vẫn còn hạn chế. Chúng ta vẫn hay nói về "trí lực, tâm lực, thể lực", nhưng phần lớn vẫn là những khái niệm tách rời. Trong khi đây lại là gốc rễ của năng lực đổi mới, sáng tạo - điều mà thế hệ trẻ Việt Nam cần phải có để hội nhập và bứt phá trong tương lai.
Thứ hai, để nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ một cách thực chất, cần triển khai đồng bộ nhiều chương trình, từ rèn luyện thể chất - giáo dục thể thao đến xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, lối sống lành mạnh. Trong đó, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu như một phần của "học đường tâm - trí - lực".
Khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, tôi thấy rất rõ một sự thay đổi mang tính thời đại: Người Việt hôm nay không còn chỉ mong "ăn no" mà đã chuyển sang "ăn đúng - ăn lành mạnh". Từ chỗ lo thiếu hụt dinh dưỡng, nay họ đối diện với những mối quan tâm mới như thừa cân, rối loạn chuyển hóa, vóc dáng, sức đề kháng… Điều đó phản ánh một xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm hơn, đặc biệt ở tầng lớp trung lưu và khu vực đô thị - nơi tốc độ phát triển nhanh đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe.
Đây chính là thời điểm mà nhu cầu tự thân của xã hội về sức khỏe - dinh dưỡng - thể chất chưa bao giờ lớn đến như thế.
Thứ ba, bên cạnh sự quan tâm của nhà nước thông qua sự đầu tư bài bản cho các chương trình từ giáo dục, y tế, dinh dưỡng học đường, cho tới truyền thông thay đổi hành vi, cải thiện lối sống và nhận thức dinh dưỡng trong cộng đồng, các doanh nghiệp cũng đã có sự thay đổi tư duy.
Ngày nay, đầu tư vào sức khỏe cộng đồng - đặc biệt là dinh dưỡng học đường được xem như một chiến lược kinh doanh hiệu quả, tận dụng thị trường tốt hơn và mở rộng thị trường bền vững, đáp ứng kỳ vọng xã hội. Đây cũng là hướng đi tất yếu trong giai đoạn mà doanh nghiệp không chỉ "making profit" (tạo ra lợi nhuận), mà còn phải gắn với trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong những điều tốt mà TH đang làm, cái tốt hơn có lẽ chính là chương trình dinh dưỡng học đường. Họ hiểu rằng trẻ em hôm nay không những là thị trường tiêu dùng mà còn là lực lượng lao động, là tương lai của đất nước trong 10 - 20 năm tới và xa hơn. Hướng đi này vừa phù hợp xu thế của thời đại, vừa phù hợp với mong muốn về mặt chính sách cũng như gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội và cũng chính là sự lớn mạnh của doanh nghiệp: Nơi "lợi nhuận" đi cùng "trách nhiệm xã hội - môi trường" hay nói cách khác, là công thức "profit + responsibility".
Khi một doanh nghiệp lựa chọn làm điều gì đó vì cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu thực sự của xã hội, với một "tâm thức" và tinh thần tử tế, giá trị mà họ tạo ra sẽ không chỉ nằm ở sản phẩm, mà còn là niềm tin, là hy vọng.



Dinh dưỡng là câu chuyện có tính chiến lược lâu dài, liên quan trực tiếp đến nòi giống, đến sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai. Vai trò, nhận thức của doanh nghiệp rất quan trọng và đã được chứng minh bằng hành động thực tế nhưng không nên để họ đơn độc trong hành trình đó. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của chính sách trong việc tạo ra một môi trường thật sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh. Ở đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được luật hóa, gắn với các vấn đề cốt lõi như tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và môi trường. Điều này cho thấy, việc xây dựng luật về dinh dưỡng học đường là rất cần thiết. Luật không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề nội tại của Việt Nam, mà còn liên quan đến các cam kết quốc tế về sức khỏe, dinh dưỡng và phát triển bền vững. Ở góc độ này, tôi đánh giá cao tầm nhìn, nỗ lực và tâm huyết của bà Thái Hương trong việc đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường cũng như chiến lược phát triển thể chất cho người Việt. Đây cũng là tinh thần "hiến kế" chính sách của doanh nhân dân tộc, đang rất cần được thúc đẩy.
- Theo ông, cần lưu ý điều gì khi xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường?
TS. Võ Trí Thành: Một mặt, chúng ta cần xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn được luật hóa, gắn với các vấn đề cốt lõi như tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và môi trường. Đây là câu chuyện có tính chiến lược lâu dài, liên quan trực tiếp đến nòi giống, đến sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng việc xây dựng luật trong lĩnh vực này đòi hỏi sự cẩn trọng cao, do liên quan đến sức khỏe con người. Luật cần được thiết kế chặt chẽ nhưng vẫn phải linh hoạt, đủ khả năng điều chỉnh và thích ứng trong một khoảng thời gian dài, tránh tình trạng lỗi thời hay kìm hãm đổi mới.
Quan trọng hơn, luật không nên tạo ra những rào cản bất hợp lý cho thị trường, mà cần đóng vai trò là công cụ thúc đẩy thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh hơn. Để làm được điều đó, nhất thiết phải có nền tảng là các nghiên cứu khoa học toàn diện và khách quan. Từ đó, tạo cơ sở để thiết lập chuẩn mực hợp lý và đồng thời khuyến khích doanh nghiệp cải tiến, đổi mới, đáp ứng được các yêu cầu được luật định.
Tập đoàn TH đã thể hiện vai trò lĩnh ấn tiên phong trong việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường
Để hiểu rõ hơn về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường - sáng kiến được doanh nhân Thái Hương đưa ra với tâm huyết cải thiện sức khỏe và tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam - trong bối cảnh thực trạng bữa ăn học đường còn nhiều bất cập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội - một trong những chuyên gia hàng đầu về pháp luật kinh tế tại Việt Nam.
- Thưa PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, với góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc xây dựng một đạo luật riêng về Dinh dưỡng học đường trong bối cảnh hiện nay?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Về vấn đề này, tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng minh họa để cho thấy tính cấp thiết và ý nghĩa của tăng cường, bảo đảm dinh dưỡng phát triển thể chất cho con người nói chung và cho trẻ em nói riêng ở nước ta hiện nay. Theo Bộ Y tế, 3cm là chiều cao tăng lên của người Việt Nam sau hơn 1/4 thế kỷ. Đây là con số thấp so với hầu hết các nước trong khu vực.
Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng là điều kiện không thể thiếu để thế hệ trẻ có thể thích nghi và phát triển trong môi trường toàn cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Một thế hệ thanh niên khỏe mạnh về thể chất sẽ đảm bảo nguồn lực lao động chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Do đó, giáo dục thể chất cần được chú trọng hơn nữa, kết hợp với việc xây dựng hệ thống y tế cộng đồng và cơ sở vật chất thể thao hiện đại nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với việc phát triển thể chất của những chủ nhân tương lai của đất nước. Để chăm lo, phát triển thế hệ trẻ toàn diện về trí tuệ, kỹ năng, đạo đức, nhân cách, lối sống, hành vi ứng xử… (trong đó có vấn đề thể chất), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều quan điểm, đường lối, chủ trương; chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Nội dung này đã được thể chế hóa thành các quy định trong Luật Trẻ em năm 2016, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành…, Các văn bản pháp luật này đã góp phần hình thành hệ thống pháp lý về chăm sóc sức khỏe thế hệ trẻ nói chung và chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng học đường mới chỉ được quy định rải rác ở các văn bản khác nhau hoặc đề cập lồng ghép, tích hợp với những vấn đề về chăm sóc sức khỏe của nhân dân, của thanh, thiếu niên, vẫn còn thiếu một văn bản ở tầm đạo luật quy định, điều chỉnh trực tiếp. Vì vậy, khó có thể nói rằng khung pháp lý về đảm bảo dinh dưỡng học đường đã đầy đủ, có hệ thống, toàn diện để có thể điều chỉnh hiệu quả vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, đề xuất của một doanh nghiệp tư nhân đang trăn trở về vấn đề dinh dưỡng học đường là tiền đề để chúng ta cùng suy nghĩ, thảo luận.
- Từ kinh nghiệm thực tiễn lập pháp, theo ông, việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường cần được bắt đầu như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quan điểm của Đảng đã khẳng định việc đổi mới tư duy, quy trình, cách thức xây dựng pháp luật phải gắn công tác xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật… Có nghĩa là việc xây dựng pháp luật phải dựa trên tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để phát hiện, nắm bắt yêu cầu của thực tiễn để soạn thảo quy định điều chỉnh. Mặt khác, yêu cầu này còn đảm bảo tính khả thi của pháp luật; quy định của pháp luật sau khi ban hành, có hiệu lực, nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh tự giác chấp hành, tuân thủ và phát huy tác dụng tích cực.
Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng là một trong những đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh nên sự tham gia của họ vào quá trình lập pháp, vào quá trình tổ chức thi hành pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi hơn ai hết, các chủ thể này chịu sự điều chỉnh, tác động trực tiếp của pháp luật và cũng chính họ gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh… nên cần được Nhà nước đồng hành, tháo gỡ các rào cản về thể chế pháp lý để phát triển. Làm được điều này, pháp luật mới phát huy được chức năng kiến tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, hiện nay, Đảng ta coi trọng và khẳng định phát triển thành phần kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - quan điểm này được thể hiện trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, Tập đoàn TH với tinh thần tiên phong, đã có bề dày kinh nghiệm và có nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất sữa không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra một số nước trên thế giới như Nga, Australia…
Chương trình sữa học đường của Tập đoàn TH là một chương trình rất có ý nghĩa, giàu tính nhân văn, tính con người vì tương lai phát triển cho trẻ em Việt Nam. Thông qua chương trình này, hàng triệu trẻ em Việt Nam (đặc biệt là các cháu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) đã được uống sữa; góp phần vào việc cải thiện, nâng cao thể trạng, sức khỏe để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Vì vậy, hơn ai hết, Tập đoàn TH là một trong những chủ thể hiểu rõ sự cần thiết của việc xây dựng một đạo luật về dinh dưỡng học đường.
Tuy nhiên, từ nhận thức, suy nghĩ đến hiện thực hóa ý tưởng là một chặng đường dài; gặp phải rất nhiều gian nan, thử thách, rào cản; bởi không phải ai cũng ủng hộ ý tưởng này. Bởi vậy, Tập đoàn TH đã và đang đầu tư công sức, thời gian, nguồn lực vật chất, nguồn nhân lực cùng với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, mạng lưới các trường học; các tổ chức về trẻ em, người dân... vào việc nghiên cứu, đánh giá thực tiễn; đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật; nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế… để xây dựng luận cứ, cơ sở khoa học lý giải sự cần thiết của việc xây dựng đạo luật này; bước đầu đưa ra cấu trúc của đạo luật, tổ chức các chiến dịch truyền thông, hội thảo, tọa đàm… để nâng cao cũng như thống nhất nhận thức của xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, trẻ em, các thầy cô giáo, các nhà trường, chuyên gia quốc tế… Trong các hoạt động này, Tập đoàn TH đã thể hiện vai trò lĩnh ấn tiên phong, truyền cảm hứng, động lực theo phương châm chủ động - bền bỉ, kiên trì - tích cực - linh hoạt - nhất quán - khoa học.
***
- Là một chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy pháp luật kinh tế - xã hội nhiều năm, ông có kỳ vọng gì về tác động dài hạn của Luật Dinh dưỡng học đường nếu được ban hành?
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Nếu Luật Dinh dưỡng học đường được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý về chăm sóc sức khỏe trẻ em; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Hơn nữa, nếu đạo luật này ra đời sẽ khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân nói chung và Tập đoàn TH nói riêng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng học đường.
Trong hành trình phát triển không ngừng của mình, Tập đoàn TH đã khẳng định được một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, đó là gắn kết sự phát triển của doanh nghiệp với những biến chuyển không ngừng của thời đại. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch và dinh dưỡng cho người tiêu dùng, TH đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới sáng tạo, nơi mà khoa học, công nghệ, và trách nhiệm xã hội hòa quyện vào nhau. Doanh nhân Thái Hương, người sáng lập và dẫn dắt Tập đoàn TH, luôn tâm niệm: "Muốn kinh doanh bền vững thì phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trước. Nếu một doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến giá trị mình mang lại cho xã hội, thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp giới hạn. Nhưng nếu doanh nghiệp biết gieo trồng những giá trị tốt đẹp, biết lấy sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững làm cốt lõi, thì thành công sẽ đến một cách tự nhiên và lợi nhuận cũng là điều tất yếu". Đây chính là triết lý mà bà Thái Hương đã kiên trì theo đuổi trong suốt hành trình xây dựng Tập đoàn TH.
Con đường mà bà đã chọn không hề dễ dàng, cũng không phải là con đường ngắn, nhưng bà luôn nhấn mạnh rằng đó là con đường bền vững. "Tôi rất hạnh phúc trong công việc đó, mỗi ngày nhân lên những giá trị to lớn mà tiền cũng không mua được". Đây là quan điểm thể hiện sự cam kết của doanh nhân dân tộc đối với một mô hình kinh doanh có giá trị lâu dài. Theo bà, thành công không chỉ đo lường qua con số lợi nhuận, mà còn qua khả năng tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng,bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ tạo dựng lòng tin và sự yêu mến từ phía người tiêu dùng, mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của xã hội và thế hệ tương lai.
Tầm nhìn này của doanh nhân Thái Hương không chỉ là lý tưởng, mà đã được hiện thực hóa qua những sản phẩm và mô hình kinh doanh của Tập đoàn TH, nơi mà yếu tố sức khỏe và sự bền vững được đặt lên hàng đầu và lợi nhuận là kết quả tất yếu của một chiến lược đúng đắn. Bà không chỉ xây dựng một thương hiệu, mà còn xây dựng một di sản, nơi mỗi sản phẩm là một phần của sứ mệnh lớn lao để mang lại giá trị cho cộng đồng. Như vậy, dù con đường dài và đầy thử thách, nhưng bà Thái Hương đã chứng minh rằng, những giá trị thực sự sẽ không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài cho cả xã hội và thế hệ tương lai.
- Thưa TS. Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, việc chú trọng kinh doanh trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là nâng cao dinh dưỡng và thể trạng cho người Việt như cách Tập đoàn TH đang làm có ý nghĩa như thế nào để đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
TS. Võ Trí Thành: Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà câu chuyện "thể trạng" không chỉ đơn thuần là chuyện cao thêm vài centimet hay ăn uống đầy đủ, mà còn liên quan mật thiết đến trí tuệ.
Khi nhìn sâu hơn, thế hệ gen Z và rộng hơn là Alpha, mới thực sự là "động cơ chính" của xã hội trong 10 - 20 năm tới và tương lai xa hơn. Nhưng để động cơ ấy vận hành trơn tru, không thể thiếu được cái mà tôi gọi là "nền thể lực khỏe - tâm lực vững - trí lực sáng". Có vẻ như TH đang hội tụ được cả ba nền tảng này trong đường hướng phát triển.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc nâng cao thể chất, chúng ta cần chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người Việt. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa trách nhiệm kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến thể trạng và tinh thần, như ngành sữa.
- Phát triển dinh dưỡng dựa trên lợi thế nông nghiệp không chỉ là một lĩnh vực đáp ứng nhu cầu trong nước đối với việc nâng cao thể chất cho người Việt, mà còn là ngành kinh doanh chiến lược ở tầm cạnh tranh toàn cầu trong thời đại mới, ông có nghĩ vậy không?
TS. Võ Trí Thành: Nếu nhìn từ góc độ thị trường và bài toán kinh doanh dựa trên lợi thế cạnh tranh tự nhiên của Việt Nam, thì cơ hội trong lĩnh vực này là rất lớn. Nếu tôi nhớ không nhầm, tổng mức chi tiêu toàn cầu cho các sản phẩm liên quan đến thực phẩm ăn uống hiện nay vào khoảng 30 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hiện mới chỉ đạt vài ba chục tỷ USD, một con số còn rất khiêm tốn so với quy mô nhu cầu của thế giới.
Nếu tiếp cận theo hướng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, chúng ta vẫn còn nhiều khía cạnh có thể cải thiện. Không chỉ tận dụng lợi thế so sánh sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua kết nối sâu rộng hơn với thị trường quốc tế, áp dụng công nghệ cao, nâng cao trình độ quản trị kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Đó cũng là biểu hiện của sự cạnh tranh theo hướng phát triển bền vững, bao trùm và xanh - những yếu tố đang trở thành chuẩn mực trong nền kinh tế toàn cầu. Và theo tôi, định hướng phát triển của Tập đoàn TH không chỉ đơn thuần là một chiến lược kinh doanh thông minh, mà còn là sự thể hiện rõ nét trách nhiệm và cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.
Trong bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, hội nhập quốc tế là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại". Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp như Tập đoàn TH, với khát vọng mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững, là những minh chứng khẳng định sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp trong việc hội nhập cùng những nhịp đập và hơi thở của thời đại.
Đặc biệt, Việt Nam luôn khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, xây dựng các thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế. Trên thực tế, Tập đoàn TH đã hiện thực hóa điều này thông qua các dự án đầu tư tại Liên bang Nga và Australia.
- Câu chuyện "thể trạng" dường như là chiếc cầu nối, là nơi bắt đầu. Còn mục tiêu sâu xa hơn vẫn là phát triển con người toàn diện?
TS. Võ Trí Thành: Chính xác. Thể chất tốt thì trí tuệ mới được phát huy. Mà trí tuệ - nếu không có tâm thế và đạo đức cũng có thể đi lệch hướng. Điều quan trọng hơn cả là cách chúng ta kết nối với thế hệ trẻ hôm nay để nuôi dưỡng và tôn trọng tài năng thật sự của họ.
Thế hệ chúng tôi khi còn trẻ hay được nghe người lớn, có chức sắc nói rằng: "Tương lai thuộc về các em". Nhưng hiện nay nếu ta mong thế hệ trẻ, thế hệ gen Z… trưởng thành, phát triển không chỉ là chính mình mà còn vì dân tộc, vì đất nước thì tôi nghĩ cần nói đúng hơn: "Ngày hôm nay thuộc về các em", để họ hiểu vận mệnh thuộc về họ ngay từ hôm nay và họ có thể hưởng được những điều tốt đẹp và cả có khả năng đóng góp ngay từ hôm nay.
- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thế hệ trẻ dựa trên bốn yếu tố cốt lõi: Thể chất, trí tuệ, đạo đức và khát vọng. Tập đoàn TH đã xây dựng mô hình TH School với triết lý "trường học hạnh phúc". Theo góc nhìn của ông, tại sao một doanh nghiệp như TH lại chọn tập trung vào tâm lực và trí lực làm điểm tựa để phát triển, đồng thời hướng đến việc đào tạo, giáo dục nhằm truyền đạt đạo đức và khát vọng cho thế hệ trẻ?
TS. Võ Trí Thành: Tâm lực (tức tinh thần và trí tuệ sắc sảo) cùng với thể lực, là nền tảng quan trọng để tạo dựng một vốn xã hội lành mạnh. Đây là những yếu tố cơ bản, nhưng chắc chắn không đủ. Nếu xem thế hệ gen Z và những người trẻ hiện nay là lực lượng dẫn dắt trong quá trình phát triển của dân tộc, thì đạo đức cũng trở thành yếu tố then chốt. Chúng ta cần những con người tử tế, không chỉ mạch lạc về tư duy mà còn lành mạnh về tư duy.
Gen Z là một thế hệ đặc biệt. Họ lớn lên trong thế giới mạng, trong nhịp sống nhanh, trong không gian biến chuyển không ngừng. Họ cá tính hơn, linh hoạt hơn nhưng cũng mong manh hơn. Đây là thế hệ có tiềm năng lớn, nhưng để họ thật sự "nổ máy", chúng ta cần tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển, nhìn nhận họ bằng sự tin tưởng, bằng cái nhìn rộng mở.
Thế nhưng, nếu nói về dân tộc, về kinh tế thì phải có hồn cốt, có cái chất hay còn gọi là "foundations" (những nền tảng). Dù có hội nhập sâu rộng đến đâu, dù thế hệ mới có "toàn cầu hóa" ra sao, thì vẫn cần một nền tảng, một cốt lõi văn hóa để định vị mình. Và đây cũng chính là điều khó nhất: Làm sao để họ vẫn là chính họ, nhưng đồng thời giữ được những điều ta gọi là bất biến đối với một dân tộc - dân tộc Việt Nam.
Vai trò của những người đi trước trong việc dẫn dắt là điều không thể thiếu. Họ không nhất thiết phải là "tấm gương" theo nghĩa cũ, bởi thế hệ trẻ hôm nay cũng có những giá trị riêng, cách nhìn nhận riêng. Nhưng nếu bắt nguồn từ tình yêu với quê hương đất nước, với dân tộc, với những vẻ đẹp trong văn hóa Việt, thì thế hệ đi trước vẫn là một điểm tựa vững vàng, là người truyền cảm hứng để thế hệ sau vững bước đi xa hơn.
Thứ hai, đó là việc cải tổ hệ thống giáo dục và đào tạo. Văn hóa ứng xử, cách sống, lối sống cũng phải phù hợp với những môi trường mới, thế giới mới, không gian mới, với những chất riêng của mỗi thế hệ, nhưng vẫn phải giữ vững những giá trị nền tảng. Và cái nền tảng ấy ngoài dân tộc thì còn một thứ vừa là cái riêng, vừa là cái chung của nhân loại là cái "chất con người", chất nhân văn. Việc đào tạo những giá trị này là vô cùng quan trọng.
Tập đoàn TH đã tích hợp giáo dục và đào tạo vào hệ sinh thái của họ. Điều này không chỉ cho thấy đây là một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng, mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với thế hệ trẻ, với người Việt và với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong lĩnh vực giáo dục, để đạt được mục tiêu cao cả, cần phải làm việc có trách nhiệm. Để thực hiện được sứ mệnh này, để hoạt động bền vững và kéo dài cần có nguồn lực, cụ thể hơn là nguồn lực tài chính. Chính nguồn lực tài chính đảm bảo cho doanh nghiệp không chỉ hấp dẫn về đầu tư, kinh doanh mà còn giúp họ thực hiện mong muốn và sứ mệnh của mình trong bối cảnh mới, đó là phát triển bền vững, xanh và vì con người.
Có hai con đường để hướng tới sự phát triển bền vững. Một là bền vững từ nội lực - tức bản thân doanh nghiệp xây dựng được mô hình phát triển hiệu quả, biết kinh doanh một cách bài bản, có chiến lược, có "gen" riêng. Hai là bền vững nhờ vào sự hỗ trợ. Những trường hợp không đủ nguồn lực kinh tế, nhưng có tư duy tốt, có ý tưởng đáng làm, Nhà nước hay các nguồn lực xã hội khác có thể đồng hành, tiếp sức.
Thế nhưng dù đi theo cách nào, doanh nghiệp cũng phải thật sự bước vào "cuộc chơi" bằng năng lực thực sự. Vì ngày nay, làm doanh nghiệp không chỉ là "making profit" (tạo ra lợi nhuận) như đã nói, mà còn là cạnh tranh để tạo ra thị trường. Và cuối cùng, điều giữ cho hành trình ấy bền vững chính là tâm tốt, là sự tử tế, là tinh thần trách nhiệm thật sự.
Chúng ta từng có rất nhiều bài học trong phát triển, nhất là từ những chương trình giảm nghèo sử dụng vốn ODA. Khi còn dự án, còn ngân sách, đời sống có thể tạm ổn. Nhưng dự án kết thúc, nghèo đói lại quay trở lại. Bởi lẽ, chúng ta chỉ cho cá, mà chưa dạy họ cách tự câu cá. Không có năng lực tự thân, mọi hỗ trợ rồi cũng chỉ là nhất thời.
Nói cách khác, kiếm được tiền đã khó, chi tiêu thông minh lại càng khó hơn.
Chúng ta thường nói về việc phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu cao đẹp. Thế hệ ông cha đã có niềm tin thật lòng và họ đã hy sinh để bảo vệ mục tiêu đó, điều này rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa trách nhiệm xã hội để kiếm tiền, dù họ cũng thực hiện các hoạt động từ thiện, nhưng động cơ đằng sau không thực sự trong sáng, chỉ là để "trang điểm" cho hình ảnh doanh nghiệp của mình.
Trong câu chuyện này, tôi ngầm hiểu một điều rất quan trọng: Hãy "chơi thật", hãy có chất trách nhiệm thật. Kinh doanh phải đúng bản chất kinh doanh. Tôi không phản đối về giấc mộng kiếm được nhiều lợi nhuận, nhưng đó phải là cuộc chơi thật. Chữ "thật" ấy phải vừa là kinh doanh, vừa gắn với trách nhiệm cao cả, lớn lao hơn mà chúng ta vẫn nói nhiều về doanh nghiệp. Và tôi tin vào cách "chơi thật" của Tập đoàn TH.
- Như ông đã khẳng định, TH là trường hợp thành công điển hình của việc chớp lấy sức mạnh của thời đại là khoa học công nghệ và lựa chọn lĩnh vực kinh doanh chiến lược là nông nghiệp, cùng khát vọng và sự tử tế của người đứng đầu doanh nghiệp. Điều đó có ý nghĩa ra sao trong kỷ nguyên mới?
TS. Võ Trí Thành: Bài học lớn nhất, tôi nghĩ nó gắn chặt với công cuộc Đổi mới, cải cách của Việt Nam. Nghe thì không mới, nhưng đó lại là chất xúc tác âm ỉ, đủ mạnh để tạo nên ba, bốn thế hệ doanh nhân tư nhân như hiện nay.
Nói một cách thẳng thắn, nếu không có kinh tế thị trường, thì cũng không thể có khu vực kinh tế tư nhân đúng nghĩa. Và nếu không có tư nhân, thì cũng không thể hình thành thị trường. Thị trường là nơi song hành giữa quyền tài sản, quyền kinh doanh, cạnh tranh và khả năng giao dịch. Và đó chính là nền móng để doanh nghiệp như TH có thể vươn lên.
Khi bàn đến chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân - dù đó là hỗ trợ các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), hay các tập đoàn lớn thì bài học cốt lõi vẫn là: Phải kiến tạo một nền kinh tế thị trường đầy đủ, thực chất và hiện đại.
Nói cách khác, chúng ta phải xây dựng không chỉ "môi trường kinh doanh", mà là một hệ sinh thái thị trường đúng nghĩa - nơi cạnh tranh lành mạnh, luật lệ công bằng, minh bạch, đàng hoàng.
Bài học thứ hai - chính là tạo dựng môi trường cho doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào những lĩnh vực chiến lược của đất nước, ví dụ như nông nghiệp hay công nghiệp công nghệ cao. Cần chú trọng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của thời đại và tạo dựng cho họ những điều kiện nền tảng để có thể phát triển sản phẩm dựa trên những công nghệ đó. Bài học của TH như tôi đã phân tích là một ví dụ điển hình. Nếu như trước đây, thị phần ngành sữa của Việt Nam chỉ thuộc về doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài thì từ khi có TH và sau đó là một số thương hiệu khác, người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn hơn và thị trường cũng trở nên minh bạch hơn. Đó chính là mục tiêu và yêu cầu tất yếu của một thị trường cạnh tranh.
Bài học thứ ba - cũng là điều mang tính chất nền tảng: Để khu vực tư nhân có được vị thế như hôm nay, để hình thành nên những thế hệ doanh nhân bản lĩnh, năng động, có tầm, thì bên cạnh việc xây dựng kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước là yếu tố không thể thiếu.
Cho đến hiện tại, một trong những rào cản lớn nhất của kinh tế tư nhân không đến từ năng lực thị trường, mà đến từ cách ứng xử của Nhà nước đối với thị trường và khu vực này. Nếu vẫn duy trì cơ chế "xin - cho", cơ chế "ban phát", thì không thể có một thị trường đúng nghĩa. Chúng ta cần lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và Nhà nước phụng sự cho cái "trung tâm" đó. Đây là một tiền đề căn bản, trước khi bàn đến bất kỳ giải pháp hỗ trợ nào.
Sau đó mới nói tới các nhóm chính sách hỗ trợ: Theo chiều ngang như đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng; hay theo chiều dọc như hỗ trợ ngành hàng, chuỗi cung ứng, mô hình doanh nghiệp cụ thể.
Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Doanh nghiệp tư nhân cũng là "CHÚNG TA" - viết hoa. Tư nhân hay nhà nước thì cũng là chúng ta, là người Việt, là dân tộc này, là đất nước này. Kinh tế tư nhân chính là kinh tế nhân dân.
Nội lực của nền kinh tế chính là con người Việt, doanh nghiệp Việt, là sự bền bỉ và bản lĩnh của những người "đi cùng dân tộc, nghĩ cho đất nước".
Vì thế, tôi rất tâm đắc khi Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị gọi là "doanh nghiệp dân tộc", không còn sự chia cắt giữa nhà nước và tư nhân, mà hướng đến một khối thống nhất, một nguồn lực chung của đất nước.
- Thưa ông, xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông nhiều lần nhắc đến khái niệm "doanh nghiệp dân tộc". Nếu đặt khái niệm ấy trong lĩnh vực nông nghiệp - một lĩnh vực đặc thù của Việt Nam, ông nhìn nhận vai trò, sứ mệnh và giá trị của các doanh nghiệp dân tộc trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?
TS. Võ Trí Thành: Xét trên nhiều khía cạnh, nông nghiệp có thể không hấp dẫn bằng các lĩnh vực như công nghệ, tài chính hay sản xuất công nghiệp nếu nhìn từ dòng vốn đầu tư hay tốc độ sinh lời. Nhưng nông nghiệp lại giữ một vị trí đặc biệt, mà tôi gọi là vị trí biểu tượng.
Nông nghiệp là mảnh đất màu mở nhất để doanh nghiệp thực hiện được khát vọng nâng cao tầm vóc cho dân tộc Việt Nam dựa trên các nền tảng "tâm - trí - lực".
Đây không chỉ là lĩnh vực gắn bó với người Việt suốt hơn 4.000 năm lịch sử, mà còn là nơi hình thành bản sắc, nền văn hóa nông nghiệp - làng xã - cộng đồng. Và ngay cả khi ta đang bước vào thời đại 4.0 (hay sau này là đến 6.0, 7.0), công nghệ sinh học, AI, blockchain… thì vấn đề lương thực, thực phẩm, nguồn nước, năng lượng vẫn luôn là trụ cột của an ninh quốc gia.
Ngay cả ở các nước phát triển, nơi nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 3% GDP, lực lượng lao động không nhiều, nhưng vai trò và ảnh hưởng của nông nghiệp lại rất lớn. Nó là nơi tạo ra sự ổn định, là bệ đỡ trong khủng hoảng, là nền tảng cho các mô hình phát triển bao trùm - lấy con người làm trung tâm. Cách mà những doanh nghiệp như TH đi vào lĩnh vực này và thành quả mà họ đã đạt được đã cho thấy giá trị của lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển của Việt Nam.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp là biểu tượng, biểu hiện rõ nhất của 3 đỉnh giá trị: Phát triển bền vững - trách nhiệm xã hội - đổi mới sáng tạo.
- Anh hùng Lao động Thái Hương từng khẳng định, một trong những thành công lớn nhất của TH không chỉ nằm ở sản phẩm sữa sạch, mà còn ở việc kiến tạo một hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao lấy người nông dân làm trung tâm. Tại vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), TH đã giúp những người nông dân tưởng chừng bị bỏ lại phía sau bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất hiện đại - nơi mà kiến thức, kỹ năng và công nghệ cùng song hành. "Chúng tôi không chỉ bao tiêu đầu ra, mà còn hướng dẫn người dân trồng thức ăn thô xanh cho bò theo đúng quy chuẩn kỹ thuật. Quan trọng hơn, chúng tôi cho họ thấy rằng, làm nông không đồng nghĩa với lam lũ nếu được tiếp cận đúng phương pháp và có sự đồng hành từ doanh nghiệp", bà Thái Hương chia sẻ.
Không chỉ có việc làm ổn định trên chính quê hương mình, nhiều con em nông dân tại Nghĩa Đàn nay đã trở thành kỹ sư, nhà quản lý và công nhân lành nghề trong các nhà máy, trang trại của TH. Mô hình đó không chỉ giúp xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, mà còn mở ra cơ hội làm giàu chính đáng cho người dân nông thôn - điều mà trước đây từng là giấc mơ xa vời.
Tuy nhiên, theo bà Thái Hương, để phát triển nông nghiệp không thể chỉ trông chờ vào người nông dân. Cần lôi kéo cả tầng lớp doanh nhân, những người có tâm, có trí, có lực tham gia sâu vào lĩnh vực này. Cần có những chính sách, cơ chế hợp lý để doanh nhân nhìn thấy cơ hội và trách nhiệm. Khi đó, họ sẽ cùng người nông dân đi tiếp chặng đường phát triển nông nghiệp hiện đại, như cách mà TH đã làm tại Nghệ An.
Và như vậy, nông nghiệp không chỉ là biểu tượng của phát triển bền vững mà còn là trách nhiệm gắn kết cộng đồng…
TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy. Để có được một mô hình nông nghiệp hiệu quả, phải giải được ít nhất ba bài toán: Gắn với văn hóa - truyền thống của vùng; xây dựng mô hình liên kết đa chiều; đảm bảo giá trị gia tăng cùng lợi thế về quy mô.
Lợi thế quy mô thì nhiều người đã bàn đến - đặc biệt trong ngành nông nghiệp thì câu chuyện tích tụ ruộng đất luôn là then chốt. Nhưng nếu không có mô hình tổ chức sản xuất thích hợp, thông minh thì rất khó bền vững.
Tiếp đến, muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì lợi ích của người nông dân phải được đảm bảo, không chỉ công bằng trong phân phối, mà còn phải gắn liền với sự phát triển toàn diện của nông thôn.
Nói cách khác, mô hình kinh doanh phải hòa vào mô hình phát triển cộng đồng. Ở nhiều nơi, người đứng đầu xã, thôn không chỉ quản lý xã hội, mà chính là người dẫn dắt kinh doanh - một kiểu "khởi nghiệp cộng đồng".
Thực tế, chúng ta từng có những mô hình phản ánh phần nào những tinh thần này như cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã kiểu mới, hình thái ủy thác, cổ phần hóa, hay liên kết "5 nhà" trong nông nghiệp cùng doanh nghiệp dẫn dắt như TH. Nhưng nhìn chung, nông nghiệp Việt Nam vẫn bị chia cắt bởi sự nhỏ lẻ, manh mún, vừa gây khó cho tổ chức sản xuất tận dụng lợi thế nhờ quy mô, vừa cản trở năng lực cạnh tranh theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
TH là một bước tiến lớn và đã mạnh ở một số lĩnh vực như sữa, trồng trọt công nghệ cao, thảo dược. Trong khi đó, bức tranh nông nghiệp Việt rộng hơn rất nhiều: Từ lúa gạo, trái cây, đến thủy hải sản và chăn nuôi. Vậy, làm sao để có thêm những TH khác trong các lĩnh vực còn lại?
Thêm nữa, nếu nhìn vào lợi thế so sánh, Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt, thủy sản, nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi bước vào các lĩnh vực như chăn nuôi, cạnh tranh trong sân chơi lớn toàn cầu trong đó Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả FTA chất lượng cao như CPTPP, EVFTA. Chính vì vậy, chúng ta càng cần thêm những doanh nghiệp dân tộc đi trước, dấn thân, làm hình mẫu để lan tỏa.
- Nông nghiệp từng là trụ cột của nền kinh tế tự cấp tự túc thời kỳ bao cấp và tiếp tục giữ vai trò then chốt trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới - đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội.
Bà Thái Hương từng chia sẻ với chúng tôi rằng, bên cạnh TH, chính BAC A BANK cũng máu lửa không kém với lĩnh vực nông nghiệp."Muốn thành công phải dựa trên thế mạnh của mình. Chúng ta phải đi theo chu kỳ khép kín, từ đồng cỏ đến bàn ăn, từ trồng trọt đến chế biến, ra thương hiệu và tiêu dùng", bà Thái Hương khẳng định. Chính vì vậy, Ngân hàng Bắc Á chú trọng vào công tác tư vấn và cấp tín dụng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao thể hiện qua Tập đoàn TH và một số doanh nghiệp thực phẩm lớn khác. Mục tiêu của Bắc Á và TH là đưa người nông dân vào một mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Thưa TS. Võ Trí Thành, với những sự đổi thay của ngành nông nghiệp khi có sự xuất hiện của những doanh nghiệp như TH, nhìn rộng ra, việc chuyển đổi vai trò của nông nghiệp từ "cứu đói" sang "nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững" mang ý nghĩa như thế nào trong tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam? Và trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với những cú sốc như biến đổi khí hậu, bất ổn địa chính trị và khủng hoảng năng lượng, liệu nông nghiệp có thể một lần nữa trở thành "vùng đệm chiến lược" của nền kinh tế quốc dân?
TS. Võ Trí Thành: Nông nghiệp không chỉ là nền tảng của sản xuất và kinh doanh, mà còn là gốc gác của đời sống - xét cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần, cách sống và lối sống của người Việt. Trước đây, Việt Nam chủ yếu có lợi thế trong những ngành dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai - như lĩnh vực trồng trọt.
Tuy nhiên, nếu tiếp cận từ góc nhìn hiện đại hơn là chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, kết hợp với việc ứng dụng các yếu tố công nghệ và nâng cao năng lực tổ chức, quản trị thì Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước nhảy vọt vượt ra ngoài lợi thế so sánh thuần túy. Ngành sữa, với sự xuất hiện của Tập đoàn TH là một ví dụ điển hình cho điều đó. Thậm chí, trong tương lai, các lĩnh vực như công nghiệp sinh học hay phát triển dược liệu cũng hứa hẹn sẽ mở ra nhiều "câu chuyện kỳ tích" mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Bởi lẽ, nếu chúng ta cứ mãi dựa vào những lợi thế truyền thống, thì sớm muộn gì các lợi thế đó cũng sẽ dần suy giảm, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh quá trình tự chủ các sản phẩm, hướng tới đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy cần thay đổi tư duy, vượt qua giới hạn của cách làm cũ để khai phá những chân trời phát triển mới, nơi mà nông nghiệp không chỉ là sản xuất, mà còn là công nghệ, sinh học, văn hoá và những giá trị mang tính chiến lược dài hạn.
- Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới - nơi mục tiêu không chỉ là tăng trưởng mà còn là phát triển xanh, bao trùm, số hóa và bền vững - ông đặt niềm tin vào những yếu tố cốt lõi nào có thể giúp nông nghiệp Việt Nam vừa giữ được bản sắc, vừa bứt phá, vươn lên thành ngành có sức cạnh tranh toàn cầu?
TS. Võ Trí Thành: Đã là trò chơi thị trường thì tất yếu phải có cạnh tranh - giữa những doanh nghiệp đầu đàn với nhau; giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa; giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế… Điều quan trọng là trong bức tranh ấy, chúng ta phải luôn giữ được "chất thị trường" trong tư duy và hành động của mỗi chủ thể kinh tế, như tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần. Bên cạnh đó, cần sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững.
Tôi đặc biệt tin vào vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn - những doanh nghiệp không chỉ có quy mô lớn mà còn có khả năng dẫn dắt, kết nối và lan tỏa. Họ không đơn thuần là người đi trước, mà cần trở thành biểu tượng của sự đổi mới: Bắt nhịp nhanh với công nghệ, thích ứng với xu thế toàn cầu và đặc biệt là thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc.
Hiện nay, Nhà nước đã và đang có những chính sách nhằm khuyến khích sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân dân tộc với vai trò dẫn dắt thị trường. Thành công của Tập đoàn TH là một minh chứng cho khả năng ấy. Và từ bài học đó, tôi tin rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm nhiều "biểu tượng mới" trong nông nghiệp - những doanh nghiệp hội tụ đủ năng lực, khát vọng và giá trị để đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng cao tầm vóc của quốc gia.
- Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trao đổi sâu sắc, giàu tính gợi mở và đầy cảm hứng - không chỉ phác họa những đóng góp của Tập đoàn TH và doanh nhân Thái Hương cho sự lớn mạnh của đất nước, mà còn giúp soi chiếu hiện trạng và tương lai của nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc! Khép lại cuộc trò chuyện này, tôi muốn mượn lời chia sẻ chân thành của doanh nhân Thái Hương - người đã chọn sự tử tế làm kim chỉ nam cho hành trình kinh doanh và cống hiến của mình:
"Điều giúp tôi luôn giữ vững ranh giới giữa đúng và sai, giữa lợi nhuận và lương tri, chính là niềm tin mãnh liệt vào sự tử tế. Tôi tin rằng, một nền kinh tế chỉ thật sự có thể vươn xa và bền vững khi được xây dựng trên nền tảng minh bạch, liêm chính và hướng đến con người, như một mục tiêu cao nhất. Chính niềm tin ấy đã thắp lửa cho tôi từ những ngày đầu tiên dấn thân vào nông nghiệp - nơi tưởng chừng đầy rủi ro và khắc nghiệt, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm những giá trị chân thực. Từ việc gây dựng thương hiệu sữa sạch, thực phẩm sạch, đến việc kiến tạo những mô hình kinh doanh xanh và bền vững, tôi luôn khao khát thay đổi nhận thức xã hội, rằng một nền kinh tế lành mạnh không chỉ mang lại của cải, mà còn lan tỏa hạnh phúc. Tôi luôn tin, khi một doanh nhân dám đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, thì lợi nhuận sẽ không phải là thứ phải đuổi theo - mà sẽ tự tìm đến. Đó không chỉ là lợi nhuận vật chất, mà còn là niềm tin, về sự trường tồn và những giá trị nhân văn rồi mai sau sẽ trở thành di sản mà tiền bạc cũng không thể mua được. Suy cho cùng, sự tử tế sẽ là hạt giống ươm mầm cho tương lai của chúng ta".
Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.
Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.
Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.
Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!