Aa

Áp lực tăng trưởng từ quý II

Thứ Hai, 19/04/2021 - 11:10

Tăng trưởng kinh tế quý I/2021 đạt 4,48% dù ngay từ những ngày đầu tháng 1, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại khiến Hải Dương, Quảng Ninh và hàng loạt địa phương khác phải gồng mình chống dịch xuyên Tết.

Tác động xấu từ dịch tiếp tục dai dẳng đến nay khiến tăng trưởng thấp hơn kịch bản điều hành, song nếu so sánh với quý cùng kỳ năm ngoái - thời điểm dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, thành quả này vẫn đáng lạc quan.

Để có được bức tranh kinh tế khá sáng sủa trong bối cảnh mọi hoạt động chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường, Chính phủ đã khá mềm dẻo, linh hoạt khi khoanh từng vùng có dịch, không co cụm ngăn sông cấm chợ nên hàng hóa ở trong và ngoài vùng dịch đều dồi dào, không xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá. Đặc biệt, ngay ở trong vùng dịch, hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp vẫn được duy trì, đóng góp phần nào vào mức tăng trưởng ngành công nghiệp toàn quý tăng 6,5% so với cùng kỳ, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Những kinh nghiệm đáng giá trong điều hành kinh tế - xã hội từ các đợt dịch trong năm trước đã giúp quý đầu năm nay đạt hiệu quả tốt cả về phát triển kinh tế lẫn khống chế dịch.

Tuy nhiên, theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, để đạt mức tăng trưởng cả năm 6,5%, các quý trong năm phải lần lượt đạt mức tăng trưởng 5,12%; 7,1%; 6,71% và 6,67%.

Theo tính toán từ cơ quan thống kê, với mức tăng trưởng quý I chỉ đạt 4,48%, phải có ít nhất 2 quý còn lại tăng trưởng trên 7% để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, ngay từ quý II, yêu cầu tăng trưởng phải đạt 7,19%, cao hơn 0,08% so với kịch bản điều hành. Đây là thách thức không nhỏ vì các động lực tăng trưởng cho nhiệm kỳ mới vẫn cần thời gian để định hình rõ nét, trong khi tiêu dùng dân cư chưa hồi phục mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,42% (sau khi loại trừ yếu tố giá) so với mức cực kỳ thấp của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chi tiêu Chính phủ cũng không thực sự nhiều do vắng bóng các công trình, dự án lớn.

TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tuy khó khăn nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm có thể đạt được. Bởi lẽ, nền kinh tế có thể trông chờ vào 2 động lực tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu và đầu tư. Nhiều quốc gia trên thế giới dần kiểm soát và sẵn sàng sống chung với dịch bệnh nên nhu cầu mua hàng sẽ được duy trì, không còn bị trì hoãn như năm ngoái. Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do với những thị trường lớn được ký kết trong thời gian qua cũng đem lại cơ hội lớn cho xuất khẩu. Về đầu tư, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái là con số khá tích cực tuy không thật sự xuất sắc. Một khi dịch bệnh bớt căng thẳng, đầu tư trong và ngoài nước tất yếu sẽ tăng lên. "Mức tăng trưởng quý I đạt 4,48% tuy không cao nhưng cũng không phải quá thấp. Con số này cho thấy nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa đạt hết công suất. Cần thêm một chút thời gian để người kinh doanh, nhà đầu tư đủ tin tưởng chi tiền vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh" - ông Độ nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top