Gần 1 năm kể từ ngày 1/9/2016, chiếc ghế chủ tịch BIDV mà ông Trần Bắc Hà bỏ lại vẫn chưa tìm được người thế chỗ.
Trùng hợp, khoảng thời gian kể từ ngày mà ông Trần Bắc Hà rời đi cho đến nay, cổ phiếu BID của BIDV đã chứng kiến một trong những khoảng thời gian tăng giá mạnh nhất. Kết thúc ngày 8/8/2017, cổ phiếu BID chốt ở mức giá 21.900 đồng/cổ phiếu, tăng tới 45% so với mức giá 15.100 đồng/cổ phiếu kết thúc ngày 1/9/2016.
Kể từ khi BIDV chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 24/1/2014 cho đến ngày ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, xét ra, cổ phiếu BID gần như không tăng. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của BIDV chốt ở mức giá 14.760 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh).
Thống kê vậy không có nghĩa phủ nhận công lao và dấu ấn của ông Trần Bắc Hà trong việc niêm yết BIDV lên sàn chứng khoán. Thời kỳ ông Bắc Hà làm Chủ tịch BIDV, ngoài việc niêm yết, tại ngân hàng này chứng kiến nhiều thay đổi và điểm nhấn rất đáng chú ý.
Gần nhất có thể kể đến việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Ngày 25/5/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) đã ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV, hoàn tất thủ tục cuối cùng để MHB chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV.
Trước đó, trong hai ngày 23-24/5/2015, BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
Sau sáp nhập, tại BIDV có 3 điểm thay đổi đáng kể. Một là tổng tài sản tính đến hết ngày 31/12/2015 tăng vọt lên 850.669 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới gần 31%, đưa BIDV vượt VietinBank trở thành ngân hàng niêm yết có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.
Hai là BIDV ghi nhận 475,8 tỷ đồng lỗ lũy kế nhận từ MHB.
Ba là trích lập dự phòng của BIDV tăng vọt. Năm 2016, năm đầu tiên sau khi thực hiện sáp nhập MHB, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của BIDV tăng mạnh lên 54% từ mức 42% của năm trước đó. Điều này kéo lãi ròng năm 2016 của BIDV xuống 6.228 tỷ đồng, giảm 2,3% so với năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận BIDV giảm kể từ năm 2012.
8 năm BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà, nhìn chung ngân hàng này duy trì được tăng trưởng ổn định cả về lợi nhuận, nguồn vốn lẫn dư nợ tín dụng, tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm nhấn không mấy tích cực song hành với những kết quả tích cực trên, đó là nợ xấu.
Năm 2014, lượng nợ xấu tại VAMC của BIDV chỉ là 7.152 tỷ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng 1.064 tỷ đồng), trong khi đó, nợ xấu nội bảng là 9.056 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2015, nợ xấu BIDV bất ngờ “bộc phát”. Lượng nợ xấu tại VAMC của BIDV tính đến hết ngày 31/12/2015 lên đến 20.836 tỷ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng gần 1.999 tỷ), tăng gần gấp 3 lần chỉ sau một năm, đưa BIDV trở thành “quán quân” nợ xấu tại VAMC thời điểm đó. Nợ xấu nội bảng cùng thời điểm là 10.053 tỷ đồng.
Sang đến năm 2016, nợ xấu tại VAMC của BIDV tiếp tục tăng lên 21.131 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đã trích lập dự phòng 5.654 tỷ đồng nên lượng nợ xấu tại VAMC chưa xử lý “chỉ” còn 15.476 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng lên mức 14.428 tỷ đồng.
Nợ xấu “bộc phát” chỉ trong một thời điểm, nhưng hình thành lên nợ xấu lại là cả một quá trình dài trước đó.
BIDV thời ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch còn vướng vào một trong những phi vụ cực kỳ đáng chú ý liên quan đến đại án Phạm Công Danh.
Cụ thể, từ 12 hồ sơ khống do Phạm Công Danh lập, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được chuyển qua các cá nhân thân cận của Phạm Công Danh để góp tăng vốn điều lệ cho VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.
Ngày 3/8, trong một diễn biến liên quan đến việc bắt ông Trầm Bê do có liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, C46 Bộ Công an cho biết đã khởi tố thêm 3 cán bộ của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định (cho tại ngoại) để điều tra về các sai phạm liên quan.
Cụ thể, các bị can bị khởi tố gồm ông Hoàng Long Hà - phó giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định; Nguyễn Ngọc Sơn - trưởng phòng khách hàng BIDV; Nguyễn Vũ Bảo - cán bộ phòng khách hàng BIDV.
Cơ quan điều tra xác định các lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định này đã giúp cho Phạm Công Danh trong vụ ông Danh gửi hơn 3.000 tỷ đồng qua BIDV bằng hồ sơ vay vốn khống. Trong thương vụ này, ngân hàng BIDV bị thiệt hại 1.170 tỷ đồng.
Liệu dấu ấn lớn của ông Trần Bắc Hà tại BIDV có đang tạo áp lực lên người kế nhiệm? Hay NHNN đang còn chờ diễn biến mới để bổ nhiệm chủ tịch mới?
Suốt gần 1 năm nay, ông Phan Đức Tú dù trở thành đại diện theo pháp luật của BIDV vẫn chỉ giữ cương vị Tổng giám đốc. Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT thì giữ cương vị phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Tiên – thời điểm trước khi vào BIDV là Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - được NHNN cử vào BIDV làm Thành viên HĐQT đến nay vẫn chưa có thêm cương vị.