Aa

Áp lực tỷ giá chưa gây sốc

Thứ Ba, 13/08/2019 - 10:15

Việc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thêm nấc mới, áp lực lên tỷ giá là điều khó tránh khỏi.

Các động thái gia tăng căng thẳng thương mại đã được đưa ra từ phía Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump ngày 1/8 tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi các nỗ lực đàm phán không đem lại hiệu quả.

Ngay sau đó, Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ (CNY) và tuyên bố ngừng mua mới nông sản Mỹ. Đáp trả lại, Mỹ chính thức tuyên bố coi Trung Quốc là quốc gia “thao túng tiền tệ”.

Diễn biến này khá tương đồng với nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn tương đối xa.

Động thái phá giá đồng CNY của Trung Quốc nhằm hướng tới mục tiêu khiến cho giá cả hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn và từ đó tăng tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Điều này cũng phần nào giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa xuất khẩu vào quốc gia này. Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi khi các khoản nợ tính bằng đồng USD cũng sẽ có mức tăng tương ứng.

Đối với Việt Nam, đứng từ góc độ thương mại, CNY giảm giá đồng nghĩa hàng hóa Trung Quốc sẽ “rẻ hơn tương đối” và tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với hàng hóa Việt Nam. Điều này đồng nghĩa Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn.

Dù vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, các nhà phân tích lưu ý rằng Việt Nam vẫn đang trong quá trình “thích nghi” với sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất trên thế giới. Do đó khó có thể kỳ vọng một mức tăng trưởng đột phá trong tương lai gần.

Việc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thêm nấc mới, áp lực lên tỷ giá là điều khó tránh khỏi. Mặc dù vậy, trong giai đoạn thị trường thuận lợi vừa qua, NHNN đã tạo ra một dư địa chính sách điều hành nhất định nhằm đối phó với các rủi ro khó lường.

VCBS tiếp tục giữ đánh giá khả năng thị trường ngoại hối chịu những cú sốc lớn là không cao và mức giảm giá của tỷ giá trung tâm cho cả năm 2019 sẽ được giữ quanh mốc 2%.

Xét từ góc nhìn thị trường tài chính, tất cả thông tin trên đẩy rủi ro mang tính hệ thống thị trường lên mức cao hơn. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cần thời gian cân bằng lại, thể hiện qua xu hướng chuyển dịch khỏi các tài sản mang tính rủi ro, tăng đầu tư tại của các tài sản mang tính trú ẩn như vàng hay trái phiếu.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, trong ngắn hạn, đồng Việt Nam (VND) có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của đồng nhân dân tệ (CNY) nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành, trước diễn biến mới của đồng CNY.

Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY nhưng VND sẽ không giảm giá quá sâu (trên 3%) do lo ngại rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top