Aa

Áp lực vĩ mô và thế khó của chính sách tiền tệ

Chủ Nhật, 31/07/2022 - 11:50

Áp lực gia tăng trong giai đoạn cuối năm đã khiến việc điều hành tiền tệ trở nên thận trọng như người đi trên băng mỏng.

Chưa kịp mừng đã vội lo

Chính phủ vừa có cuộc thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô chiều 30/7 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cuộc thảo luận đã nêu lên những vấn đề trọng yếu của nền kinh tế quốc dân hiện nay, sau những thành tích đạt được trong 6 tháng đầu năm (GDP quý II “lập đỉnh” trong một thập niên; lạm phát cơ bản được khống chế, 7 tháng chỉ 2,54%; mặt bằng lãi suất thấp, ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm; các cân đối lớn được đảm bảo).

Những thành tích 6 tháng đầu năm vừa nêu trên là rất ấn tượng song vẫn là chưa đủ để Chính phủ lạc quan. Trái lại, nỗi lo toan là khá lớn khi cả trên bình diện quốc tế lẫn bối cảnh trong nước đều đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn những áp lực.

Cụ thể, trên bình diện quốc tế, cục diện xoay chuyển rất nhanh từ mức tăng trưởng cao năm 2021 sang tăng trưởng chậm, thậm chí có nguy cơ suy thoái nhẹ tại Mỹ, EU, Trung Quốc. Từ sự ổn định, kinh tế thế giới chuyển sang nguy cơ mất ổn định, thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng, lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng cao tại Mỹ, EU. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn diễn ra vô cùng mau lẹ, song rất khác nhau khiến tính bất định tăng lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với Việt Nam, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Cụ thể, áp lực tăng chi phí sản xuất, giá cả đầu ra, hình thành mặt bằng giá mới có thể làm chậm lại đà phục hồi từ cả phía cung và cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới; tiềm ẩn rủi ro đến cân đối Ngân sách Nhà nước trong trung và dài hạn, có thể ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu tài chính công, vay, trả nợ công; gia tăng áp lực điều hành ổn định tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, cán cân thanh toán, quản lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; cán cân thương mại đối mặt với rủi ro thiếu bền vững.

Đánh giá về tình hình 6 tháng cuối năm ở trong nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, đã chỉ ra 6 vấn đề lớn.

Một là, áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Hai là, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%). Nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong giải ngân, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công và hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ba là, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy nếu có biến động xảy ra như tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.

Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn nhiều vướng mắc; quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chưa chặt chẽ; công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa thực sự hiệu quả. Giá bất động sản tăng cao ở hầu hết các địa phương, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tác động đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô. Tổng vốn FDI đăng ký năm 2020, 2021 chưa lấy lại được quy mô của năm trước dịch 2019; tính chung 7 tháng năm 2022 chỉ bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ.

Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

Năm là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, số ca mắc Covid-19 gia tăng, xuất hiện biến chủng mới cùng với sự bùng phát của dịch cúm A, đậu mùa khỉ... có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung - cầu lao động, hàng hóa thiết yếu.

Sáu là, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, thiếu liên kết với khu vực FDI, cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; quản lý phát triển đô thị còn bất cập. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp phụ trợ.   

Thế khó của chính sách tiền tệ

Đối diện các vấn đề lớn nêu trên, đặc biệt là áp lực gia tăng lạm phát và sức ép tỷ giá do sự mạnh lên của đồng USD, có thể thấy Chính phủ mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước đang trong tình thế khó khăn: Vừa phải điều hành hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa phải chống lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, đảm bảo sức mua của đồng Việt Nam (tức tỷ giá VND), tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, “trần” tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn được “khóa” ở mức 14%. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu) 

Sự lựa chọn giữa tăng tín dụng để đáp ứng cơn khát vốn cho nền kinh tế, nâng lãi suất để chống lạm phát có thể gây ra hiệu ứng ngược, làm đình trệ đầu tư công nói riêng, chương trình phục hồi - phát triển kinh tế xã hội nói chung, lại vừa có thể kích hoạt một cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. Nhưng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế cũng là bất khả, vì điều đó sẽ làm VND yếu đi, gây ra tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Bởi vậy, không quá khó hiểu khi việc điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng như người đi trên băng mỏng. Từ đầu năm đến giờ, lãi suất chỉ tăng 0,2%. Các ngân hàng thương mại cũng mới có những động thái đầu tiên trong việc điều tiết lãi suất ngắn hạn. Thống đốc tuyên bố sẵn sàng bán ra ngoại tệ để can thiệp tỷ giá.

“Điều quan trọng nhất là kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không được chủ quan với lạm phát”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc tới điều này không chỉ một lần.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho tới thời điểm này, “trần” tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn được “khóa” ở mức 14%.

“Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam lên tới 124%, cao bậc nhất thế giới; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn đã 99%, tức huy động 100 đồng thì đã cho vay 99 đồng rồi; nếu nới trần tăng trưởng tín dụng thì nguy cơ có cuộc đua lãi suất như hồi 2010 - 2011; muốn ổn định tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước phải ổn định tín dụng”, bà nói.

Đối với sự ách tắc dòng vốn của thị trường bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, có nhiều kênh dẫn vốn vào thị trường này, tín dụng chỉ là một trong số đó. Mặt khác, bản chất tín dụng của bất động sản là trung - dài hạn, trong khi huy động tiền gửi của ngân hàng lại là ngắn hạn.

“Nếu giải quyết ách tắc dòng tiền cho bất động sản bằng việc nới trần tăng trưởng tín dụng thì chỉ giải quyết được trước mắt, còn trung - dài hạn hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro. Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giải quyết bài toán dòng vốn cho bất động sản bằng kênh khác”, Thống đốc nêu quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top