Aa

Luật sư Trương Thanh Đức: "Chỉ nên đánh thuế nhà trên 5 tỷ đồng"

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 27/06/2018 - 15:00

Thời gian vừa qua, có rất nhiều tranh cãi xoay quanh dự thảo Luật thuế tài sản bởi dự thảo này có những tác động đối với đa số xã hội. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chỉ nên đánh thuế với tài sản có giá trị lớn, ví như nhà ở có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp.

Tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng việc đánh thuế tài sản là đúng, cần thiết cần ủng hộ nhưng cách làm thế nào trên thực tế thì cần xác định rõ ràng và cụ thể hơn.

Thuế tài sản làm lành mạnh thị trường bất động sản

Trình bày tại hội thảo, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích, theo thống kê từ Ngân hàng thế giới hiện đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế nhà, đất. Đây là nguồn thu quan trọng, có xu hướng ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương.

Phương pháp tính thuế dựa trên giá trị thị trường của tài sản. Phương pháp này được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đan Mạch, Nam Phi.

Chu kỳ định giá, giá trị tính thuế thường ổn định trong một thời gian nhất định (3 - 5 năm) nhằm giảm chi phí hành chính và đơn giản hóa trong quản lý. Hầu hết các quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng theo thuế suất tuyệt đối hoặc kết hợp cả hai hình thức.

Bà Lê Thị Mai Liên, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích

Bà Lê Thị Mai Liên, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích

Bà Liên nhận định: "Hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Thuế tài sản đánh vào bất động sản phần nào sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ tích lũy trong quá trình lâu dài cũng như loại bỏ được những bất cập của ngành đất đai. Điển hình tại một số nước như Đài Loan, Campuchia, Thái Lan,… đều đánh thuế cao đối với đất bỏ không, chưa đưa vào sử dụng. Tại Pháp áp dụng mức thuế suất thu thêm 20% đối với bất động sản thứ 2”.

Cũng tại hội thảo, ông Nicolas Drouin, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho rằng, thuế tài sản là nguồn thu chính do chính quyền đô thị kiểm soát. Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp. Vì các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng thuế. Cụ thể là các dịch vụ như giáo dục, văn hóa giải trí, y tế, phúc lợi, nhà ở cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp, giao thông vận tải.

Ông Nicolas Drouin lấy dẫn chứng tại bang Ontario, quá trình định giá tài sản căn cứ trên 5 tiêu chí chiếm đến 85% nội dung định giá tài sản nhà ở bao gồm vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời của tài sản, chất lượng xây dựng. Ở khu vực đô thị, vị trí gần đèn giao thông, đường tàu, công viên, bến tàu xe, đường dây tải điện, sân golf có thể tăng hay giảm giá trị của tài sản. Ở khu vực nông thôn, vị trí gần các điểm cung cấp dịch vụ (nước, hệ thống thoát nước, đường, điện) và gần sông, hồ có thể có ảnh hưởng đến giá trị tài sản.

Ông cho biết: “Ở bang Ontario, mỗi hộ gia đình đều bắt buộc phải đóng thuế tài sản theo quy định. Chỉ sau khi khai báo thu nhập cá nhân, nếu hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp mới được tính giảm trừ thuế tài sản”.

Phải có dữ liệu nhà đất

Bình luận về dự thảo thuế tài sản, luật sư Trương Thanh Đức cho hay: “Tôi cho rằng, về lý thuyết việc đánh thuế tài sản là cần thiết, cần phải thực hiện nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác đánh loại thuế gì. Nếu là thuế tài sản thì phải tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào không phải đánh thuế để trừ đi. Nếu chỉ đánh thuế nhà đất, thì phải gọi đúng là “Thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”.

Theo đó, ông Đức đề xuất, khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà. Bên cạnh đó, chỉ nên đánh thuế với tài sản có giá trị lớn, ví như nhà ở có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao. Cuối cùng là không nên đánh thuế tất cả mọi người, chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và nên miễn thuế cho hộ nghèo.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức

Ông Đức nhấn mạnh: “Ý tưởng của bộ Tài chính đang gây tranh cãi bởi thuế tài sản sẽ không thể công bằng khi ban hành một mức thu chung giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Tôi cho rằng, việc làm trước tiên là chúng ta phải có dữ liệu về nhà, đất. Hiện chúng ta không quản lý được số nhà, không thống kê được nhà đó của ai, giá trị bao nhiêu thì không thể đánh thuế được. Nếu có đánh thuế chúng ta chỉ đánh thuế vào quyền sử dụng đất, không thể đánh thuế bất động sản được. Chúng ta đang tư duy là đánh thuế bất kể dù đó là tài sản gì, thể hiện rõ qua những sắc thuế vừa rồi. Thuế tài sản phải xuất phát từ những gì rõ ràng, tài sản sở hữu thế nào, nguồn gốc ra sao nếu không sẽ là vô căn cứ.

Trong lịch sử, lần đầu tiên chúng ta đánh thuế thì phải đánh thế nào cho hợp lý, nếu đánh quá cao thì sẽ có những phản ứng từ xã hội. Tôi đề xuất mức thuế nhà thấp nhất là 0,1% và cao nhất có thể là 0,4%".

Cũng đưa ra giải pháp, bà Lê Thị Mai Liên cho rằng, Việt Nam chỉ nên áp dụng thuế tài sản đối với nhà, đất, có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Mặt khác, các khoản thu khác đối với tài sản như lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất phải giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế. Về giá nhà, đất để tính thuế, trong ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Về trung và dài hạn, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.

Bà Liên cũng đề xuất: “Luật thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Đồng thời, nên có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ”.

Thuế tài sản là khoản thu định kỳ thường xuyên hoặc khoản thu không định kỳ (phát sinh không thường xuyên) liên quan đến việc sử dụng, sở hữu và chuyển nhượng tài sản. Thuế tài sản có nhiều tên gọi khác nhau như thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng ký tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng. Đối tượng chịu thuế thường là nhà và đất.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top