Từ việc thâu tóm các dự án bất động sản khủng...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường quê xã Thành Lợi (Vụ Bản, Nam Định), là cử nhân Ngôn ngữ, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Bà từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13.
Bà Nguyệt Hường đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings) từ năm 2006 khi mới 37 tuổi. VID Group được biết đến là nhà đầu tư bất động sản và khu công nghiệp lớn ở miền Bắc.
Thương vụ mới nhất của bà Nguyệt là mới đây, tháng 4/2016, một công ty con của VID đã mua lại khu công nghiệp Quế Võ 3 từ Dabaco Group. Theo quy hoạch, dự án KCN Quế Võ 3 tại Bắc Ninh có quy mô 598 ha, với 530 ha diện tích khu công nghiệp và 68 ha khu đô thị dịch vụ.
Công ty con của VID mua lại KCN Quế Võ 3 là CTCP Đầu tư Phát triển VID Thanh Hóa. VID Thanh Hóa cùng với CTCP Kiến Trúc Phục Hưng là chủ đầu tư hạ tầng của Khu A (diện tích 308ha) – Khu công nghiệp Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hệ thống các khu công nghiệp của VID Holdings có thể kể đến như KCN Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Đồng Văn 2, Nam Sách… CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang, chủ đầu tư của KCN Nam Sách, là cổ đông sáng lập nắm giữ 48% cổ phần của VID Thanh Hóa.
Tên tuổi của bà Hường cũng gây chú ý dư luận với dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp The Gold View hơn 2,3 ha tại số 346 Bến Vân Đồn, Phường 1, Q.4, TP.HCM. Dự án do TNR Holdings Việt Nam làm chủ đầu tư, TNR Holdings Việt Nam là thành viên của TNG Holdings Việt Nam.
TNR Holdings Việt Nam ra đời từ cuối 2014, Hiện TNR Holdings có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Vào thời điểm ra mắt vào tháng 12/2014, TNR Holdings Việt Nam được giới thiệu là nhà quản lý độc quyền phát triển, tiếp thị và bán hàng cho nhiều dự án BĐS lớn tại Hà Nội và TP. HCM như Goldmark City, Goldsilk Complex, The Goldview, TNR Tower... tạo nên mô hình mới trên thị trường là Chủ đầu tư không trực tiếp làm kinh doanh cho dự án của mình mà giao cho một đối tác có năng lực quản lý và phát triển.
Trong khi đó, Maritime Bank được biết tới là đối tác tài chính chiến lược hợp tác hỗ trợ cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ vốn cho các dự án. TNR Holdings Việt Nam chỉ tập trung đến các vấn đề về thương hiệu của dự án, quản lý bán hàng, …
Tại Hà Nội, dự án bất động sản gây chú ý thời gian qua là Khu Căn hộ chung cư GoldSeason tại số 47 phố Nguyễn Tuân. Dự án ra mắt vào cuối năm 2015 và được giới thiệu chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Mùa Đông – VID, một công ty con của TNG Holdings. Cái tên Công ty CP bất động sản Mùa đông – VID được ghép từ V.I.D Group và công ty CP Dệt Mùa đông, tiền thân là công ty dệt len Mùa Đông.
Đáng chú ý, bà Hường từng kinh qua nhiều vị trí thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng nên không khó để bà gọi vốn tài trợ cho các dự án BĐS. Bà từng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MaritimeBank, thành viên HĐQT Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (tiền thân là ngân hàng OceanBank).
VID Group hiện gồm 12 công ty thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định.
Sau 10 năm hình thành và phát triển, tính đến nay, VID Group đã là chủ đầu tư của 11 khu và cụm công nghiệp khác nhau ở miền Bắc.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp, VID Group còn tập trung đầu tư vào các khu dân cư phục vụ cho các khu công nghiệp này. Các khu dân cư và dịch vụ này bao gồm Khu dân cư và dịch vụ phục vụ công nhân KCN Nam Sách 28 ha (Hải Dương); Khu dân cư và dịch vụ phục vụ KCN Tân Trường: 50ha (Hải Dương); Khu dân cư và dịch vụ phục vụ KCN Đồng Văn: 48 ha (Hà Nam).
Theo VID Group, Tập đoàn này đã thu hút được trên 400 doanh nghiệp vào đầu tư tại các KCN, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, … với tổng vốn đầu tư thu hút trên 3 tỷ USD.
Ngoài ra, từ năm 2007, VID Group mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng và trở thành cổ đông chiến lược của Maritime Bank.
... đến việc có tài khoản nước ngoài, sở hữu cổ phiếu quỹ Malta
Chiều 17/7, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ 8- phiên họp đột xuất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Hội đồng bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
“100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa 14 và cá nhân có đơn xin rút không tham gia đại biểu Quốc hội khóa 14”, thông cáo phát đi sau phiên họp đột xuất nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí về nguyên nhân bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận là ĐBQH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, bà Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo ông Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, dù là đại biểu Quốc hội khoá 13, là uỷ viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tức là người am hiểu pháp luật nhưng cả nhà bà Hường lại đăng ký quốc tịch Cộng hoà Malta.
“Trong đơn bà Hường đã thấy hành vi vi phạm và thấy không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu nhưng vi phạm đã quá rõ, nên dù không có đơn xin rút thì vẫn không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14”, ông Phúc nói thêm.
Chiều 3/8, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 15 (nhiệm kỳ 2016-2021) đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND TP Hà Nội khóa 15 của bà Nguyệt Hường, phần tài sản ghi: "Không có tiền và tài khoản nước ngoài".
Tuy nhiên, đến giai đoạn Hội đồng bầu cử quốc gia làm quy trình để công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Hường thì xuất hiện những tình tiết cơ quan điều tra Bộ Công an cung cấp liên quan đến kê khai tài sản và quốc tịch.
"Ngày 15/7/2016, đại diện của tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia đã làm việc với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Quá trình làm việc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường thừa nhận mang quốc tịch Malta và có tài khoản nước ngoài, cổ phiếu quỹ Malta", ông Nam thông tin.
Từ những vi phạm trên, tại phiên họp đột xuất ngày 17/7, bà Nguyệt Hường đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội do vi phạm Luật quốc tịch. Căn cứ vào các quy định pháp luật, HĐND TP Hà Nội tiến hành bãi nhiệm đại biểu HĐND đối với bà Nguyệt Hường./.