Thông quan hàng hóa tại chỗ
Ghi nhận tại các DN trong KCN cho biết, hàng tháng các DN cần xuất nhập với số lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, hiện tại khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) các tuyến tàu nội Á rất ít, DN phải vận chuyển hàng hóa lên cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) để xuất đi.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, với sự có mặt của cảng cạn Phú Mỹ kỳ vọng sẽ thu hút nhiều hơn các hãng tàu mở dịch vụ tại CM-TV hoặc là mở depot container rỗng. Khi đó, các DN không cần phải lên Cát Lái lấy container rỗng, hàng hóa được thông quan tại chỗ và tận dụng chính sách ưu đãi miễn lưu bãi dài. Việc này không chỉ hỗ trợ giải phóng hàng hóa nhanh chóng mà còn tiết kiệm tối đa chi phí logistics, chi phí sản xuất cho các khách hàng. Đây cũng là điểm cộng để các nhà đầu tư chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm điểm đến. Bởi không dễ dàng gì có vị trí thuận lợi như nơi đây, vừa có cảng nước sâu liền kề với cảng cạn hiện đại.
Theo ông Takahiro Shimada, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA-KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3), KOA có lượng hàng hóa xuất nhập trên 100 container/tháng. Do đó, cùng với hệ thống cảng nước sâu CM-TV, cảng cạn Phú Mỹ ra đời sẽ tạo thêm động lực, góp phần thu hút thêm các dự án đầu tư vào các KCN. “Khi các DN đến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu, mà chắc chắn bất cứ một sản phẩm nào cũng sẽ sử dụng sản phẩm của KOA vì công ty chúng tôi chuyên sản xuất ra các bao bì”, ông Takahiro Shimada tự tin nói.
Như kỳ vọng của các DN xuất nhập khẩu, cuối tháng 10 vừa qua, hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC đã ký kết hợp tác với Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ để khai thác Cảng cạn Phú Mỹ. Ông Benoit de Quillacq, Tổng Giám đốc điều hành MSC Việt Nam, cho biết, chính sách của MSC là đáp ứng nhu cầu về hàng hóa ở địa phương. Mà CM-TV nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng cao. Đây là lý do để MSC quyết định đầu tư, trang bị thiết bị hiện đại, container đến đây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Phạm Quốc Phương, Phó Giám đốc điều hành Cảng cạn Phú Mỹ 3 cho biết, cảng cạn là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN, nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, bảo đảm chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả. Do đó, cảng cạn Phú Mỹ sẽ lấp đầy những “chỗ khuyết” của hệ sinh thái của cụm cảng CM-TV.
Cần đầu tư nhiều hơn cho các cảng cạn
Cảng cạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mạng lưới logistics. Nếu chỉ có cảng nước sâu mà không có cảng cạn thì sẽ mất tác dụng liên hệ với nguồn hàng, kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí, giới hạn năng lực khai thác cảng biển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống cảng cạn trên cả nước nói chung cũng như tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian dài chưa được quan tâm phát triển. Việc phát triển cảng cạn còn nhiều điểm nghẽn.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, từ nay tới năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 dự án cảng cạn được ưu tiên đầu tư gồm: Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III) và Phước Hòa (KCN Cái Mép) thuộc cụm cảng Phú Mỹ - Phú Hòa. Trong đó, cảng cạn Phú Mỹ- Phước Hòa có năng lực thông qua khoảng 300.000-400.000 TEU/năm với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.
Quy hoạch này đã mở ra kỳ vọng sẽ phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của CM-TV. Từ góc nhìn của DN kinh doanh cảng biển, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, các cảng cạn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gắn liền với các KCN nên hoạt động khá hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các cảng nước sâu. Hiện nay, có tới 80-85% hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển đến CM-TV bằng đường sông thông qua các cảng cạn. Tuy nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi tập trung nhiều cảng nước sâu trong thời gian dài nhưng thiếu các cảng cạn. Tỉnh đang tập trung phát triển các KCN, ưu tiên vào công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử có giá trị cao. Vì thế việc hình thành các cảng cạn sẽ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu tận dụng được lợi thế gần cảng nước sâu.
“Các cảng cạn quan trọng số 1 là vị trí phải nằm giữa cảng biển, các chủ hàng và các giá trị mà cảng cạn đó tạo ra được. Hiện các cảng cũng khá nhiều nên xây dựng phải tính toán kỹ, phù hợp theo vùng hấp dẫn của cảng cạn đó. Chúng tôi mong mỏi các cảng cạn xuất hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu để hỗ trợ cho các cảng, giảm chi phí logistics”- ông Nguyễn Xuân Kỳ chi sẻ thêm./.