Tiềm năng trở thành khu vực kinh tế trọng điểm
Tại buổi tọa đàm “Cơ hội nào cho môi giới khi thị trường nhiều biến động” diễn ra vào tối 8/10 do Hưng Vượng Holdings tổ chức, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Ngọc Châu Á cho biết, hiện nay, trên thế giới, hơn 90% lượng hàng hóa đều được di chuyển bằng đường biển vì chi phí thấp, trọng tải lớn.
Điển hình các nước như Scotland hay Island, khi đánh cá tuyết họ sẽ chở thẳng qua Trung Quốc gia công, rồi sau đó mới chở về bằng đường biển để giảm chi phí. Toàn bộ các tuyến hàng hóa trên thế giới đều di chuyển bằng đường biển, nên những nơi có cảng nước sâu như cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cực kỳ có tiềm năng để phát triển về mọi mặt.
Hiện nay, quy hoạch các khu đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM bao gồm 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Toàn bộ Vùng Kinh tế này sẽ là nơi trung chuyển hàng hóa, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Mọi nguồn hàng của khu vực này sẽ đổ về cảng Cái Mép – Thị Vải.
“Trong tương lai, chúng ta có thể hình dung Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ giống như Thượng Hải. Đồng Nai là nơi tập trung toàn bộ các tuyến đường cao tốc lớn như Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương…, cộng với sự phát triển về hàng không thì toàn bộ lượng hàng hóa sẽ đổ ra hàng hải ở cảng Cái Mép – Thị Vải. Đây là sự kết hợp giữa 3 yếu tố vừa đường bộ, đường không và đường biển để tạo ra sự phát triển đồng bộ và cực kỳ nhanh chóng.
Bình Dương, Đồng Nai là những tỉnh phát triển rất tốt về công nghiệp nhưng do không có biển nên chỉ có thể là nơi đặt các nhà máy, xí nghiệp và phát triển về hạ tầng giao thông. Sau đó, toàn bộ hàng hóa sẽ được đẩy ra cảng biển Cái Mép - Thị Vải để đưa đi các nước. Một khi cảng biển được ưu tiên phát triển, thì đây là sẽ trung tâm trong vận chuyển hàng hải. Từ đó, mở ra cơ hội rất lớn về phát triển hạ tầng, hàng loạt tuyến đường lớn sẽ được khơi thông để hàng hóa từ các thành phố lớn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đồng loạt đổ về đây.
Một khi Bà Rịa – Vũng Tàu phát huy hết tiềm lực về cảng biển, khi đó sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp, kéo theo công ăn việc làm, dịch vụ và các hệ sinh thái để phục vụ chuyên gia. Do vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là thị trường bất động sản rất tiềm năng trong thời gian tới”, ông Hạnh nhìn nhận.
Bất động sản giá mềm dẫn dắt thị trường sau dịch
Ông Phạm Việt Anh, Tổng Giám đốc Hưng Vượng Holdings cũng đánh giá, trong thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, do tỉnh này có lợi thế rất lớn từ cảng Cái Mép – Thị Vải và gần sân bay Long Thành.
“Bà Rịa – Vùng Tàu là tỉnh “all in one”, nghĩa là có mọi thứ. Ở phía Bắc, Hải Phòng là thành phố cảng phát triển, Quảng Ninh thì có Hạ Long nổi tiếng về du lịch. Trong khi đó, ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tủ cả 2 yếu tố về cảng biển và du lịch. Cảng biển sẽ hỗ trợ công nghiệp, du lịch giúp phát triển kinh tế - xã hội, bất động sản.
Khi xưa từ Hà Nội đi Hạ Long mất 4-5 giờ đồng hồ, còn khi có cao tốc thì chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi. Lúc đó, giá bất động sản Quảng Ninh bắt đầu tăng phi mã. Tới đây, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ lặp lại chu kỳ phát triển như vậy nhờ đầu tư công tăng tốc, sân bay Long Thành liền kề, mở rộng hàng loạt cảng, các tuyến đường nội khu sẽ giúp hỗ trợ lưu thông hàng hóa đi về cảng Cái Mép. Vì vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là nơi hội tụ các tiềm năng trong tương lai”, ông Phạm Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Hưng Vựng Holdings, nếu tính từ chợ Bến Thành (TP.HCM) trong bán kính 100km, giá bất động sản tại các thị trường như Long An, Bình Dương, Biên Hòa đều đã tăng rất cao. Trong khi đó, giá đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, rất rẻ so với các địa phương khác. Đây là mức giá rất tốt để đầu tư thời điểm này. Do vậy, thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là tâm điểm đầu tư trong thời gian tới. Ông Việt Anh cho rằng, những sản phẩm trên dưới 1 tỷ đồng sẽ hút dòng vốn sau dịch.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh cũng cho biết, vào khoảng năm 2013-2014, khi cao tốc Long Thành – Dầu Giây chưa hoàn thiện thì không ai nghĩ sẽ về Bà Rịa – Vũng Tàu mua đất đầu tư. Thế nhưng, từ khi cao tốc hoàn thành thì bất động sản tại đây bắt đầu phát triển. Năm 2011, nhà đầu tư đi tìm mua đất tại thị trường này chỉ khoảng 3 triệu/m2, đến năm 2018 đã tăng lên 9 triệu đồng/m2 và đến năm 2020 tăng lên tới 20 triệu đồng/m2 nhờ xuất hiện cao tốc. Do đó, hiện nay nhà đầu tư vẫn nên nhắm vào nơi nào giá mềm, có tiềm năng tăng trưởng để đón đầu chu kỳ tăng trưởng.
“Hiện các cao tốc đều đang triển khai, chỉ chờ dịch bệnh được kiểm soát thì chắc chắn Nhà nước, Chính phủ sẽ nhanh chóng kích hoạt đầu tư công, giải ngân hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc để hỗ trợ phát triển công nghiệp, cảng biển. Từ đó, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đón thêm nhiều đợt tăng giá về bất động sản”, ông Hạnh nói thêm và cho biết, đất chính là bắt đầu cho mọi đầu vào của kinh tế, từ xây nhà, xây trung tâm thương mại, nhà xưởng, nhà trọ đều bắt đầu từ đất. Những ai đầu tư từ 5 năm trước thì đến nay ai cũng lời gấp 2, 3, thậm gấp 4 - 5 lần.
Khi thị trường càng khó thì những sản phẩm vừa túi tiền sẽ dễ mua, dễ bán nhất. Hiện nay, nếu nhà đầu tư có 1 tỷ đồng trong tay thì không thể mua được bất động sản tại TP.HCM, nhưng với 1 tỷ đó hoàn toàn có thể mua ở Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc một số tỉnh vùng ven với các suất đầu tư gần khu công nghiệp.
“Nếu thời điểm này chúng ta chọn đúng phân khúc sản phẩm nhiều người tiếp cận được thì sẽ tạo ra doanh thu, thu nhập. Ví dụ trên góc độ doanh nghiệp, tôi cũng luôn tham gia bán sản phẩm nhiều người có thể hữu, dễ mua, dễ bán để nhân viên ai cũng có thu nhập đều đặn thay vì tập trung vào sản phẩm giá quá cao. Tới đây, thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mới sau dịch, trong đó các thị trường vùng ven như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết vẫn được ưu ái vì sở hữu mức giá tốt”, ông Hạnh đánh giá.