Bà Thái Hương: "Tôi muốn rơi giọt nước mắt hạnh phúc"

Bà Thái Hương: "Tôi muốn rơi giọt nước mắt hạnh phúc"

Thứ Sáu, 25/10/2019 - 09:42

"Điều khiến tôi rơi nước mắt vì cổ nhân đã từng ví “một bịch sữa chấn hưng một dân tộc”. Vì sữa là dinh dưỡng, là sức khỏe, và giờ đây sữa còn trở thành tình hữu nghị, là giao lưu dân tộc. Sữa là sức khỏe của toàn toàn dân. Và sức khỏe toàn dân lại là sức mạnh của dân tộc.

Tôi mừng và rơi nước mắt vì sự nghiệp mà tôi kiên trì theo đuổi với chiến lược công nghệ cao đã thành công. Tôi nhớ năm 2008, tôi đã vạch ra chiến lược cho sữa TH. Thời điểm đó, người ta có quan điểm đầu tư vào sữa là nghèo, là khó. Nhưng bây giờ, tôi không thất bại mà thành công”.

Đó là những lời chia sẻ đầy tâm huyết của bà Thái Hương, nhà sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn TH trong lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa tươi tiệt trùng đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc diễn ra vào ngày 22/10 vừa qua.

Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người phụ nữ giàu quyết tâm và can đảm – người phụ nữ luôn nuôi dưỡng trong mình niềm khát khao mang tới ly sữa đầy tâm huyết của người mẹ đến mỗi một người dân Việt.

Phát biểu tại sự kiện lễ công bố 22/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhiều lần nhấn mạnh: “Sự kiện này không đơn thuần chỉ là một nghi thức xuất khẩu mặt hàng nông sản đi quốc tế, xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên sang Trung Quốc là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của nền nông nghiệp Việt Nam”.

Lý giải về hai chữ “quan trọng” đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói rằng, đây là sự kiện mà rất nhiều lãnh đạo tới tham dự và điều này cho thấy sự quan tâm Đảng, Nhà nước với ngành nông nghiệp.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt của nền nông nghiệp còn bởi Trung ương rất quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp với chỉ đạo, định hướng từ Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 13 về kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tổng kết về sớm hơn 1 năm…

Hơn hết, việc xuất khẩu sữa – một trong những ngành khó tính sang một thị trường đầy tiềm năng nhưng khắt khe về các tiêu chí càng chứng tỏ việc tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam là hoàn toàn đúng hướng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nông nghiệp không phải là chỗ để thực hiện chính sách xã hội, không phải là nơi cứu thế mà là dư địa, thế mạnh của Việt Nam trong phát triển chính trị và kinh tế”.

“Tôi dùng từ bước ngoặt là vậy!” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cần phải nhấn mạnh lại, việc xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là một trong những hoạt động triển khai, thực hiện Nghị định thư về các sản phẩm sữa. Đây là lần đầu tiên sữa của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường giàu tiềm năng với 1,4 tỷ người tiêu dùng.

Rõ ràng, chỉ sau gần 6 tháng, kể từ khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 26/4/2019), với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và sự phối hợp chặt chẽ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc; sự nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam triển khai Nghị định thư đã đạt được mục tiêu đề ra.

Xưa nay, Trung Quốc vốn được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng nhưng đầy thách thức. Theo thống kê, mỗi năm, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của Trung Quốc ước tính đạt 160 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại mới đóng góp 8,5 tỷ USD trong tổng 160 tỷ USD nhu cầu về nông thủy sản của người dân Trung Quốc. Đặt ra một con số mới thấy tỷ trọng của Việt Nam trong việc xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn.

Trong khi đó, thương mại xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện nay đang ở mức trên 40 tỷ USD năm 2018. Mục tiêu cho năm 2019 là 43 tỷ USD. Và để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường mà ta có thế mạnh là hết sức quan trọng, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Bởi vậy, với dấu mốc quan trọng của lễ công bố ngày 22/10, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể và góp phần vào mục tiêu xuất khẩu chung các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, khẳng định vị thế sản phẩm sữa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, thời gian vừa qua, Trung Quốc đang triển khai áp dụng chặt chẽ các qui định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, hạn chế thương mại tiểu ngạch. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam. Cho nên, việc doanh nghiệp Việt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một tín hiệu vô cùng đáng mừng, mở đường cho cuộc chinh phục tiếp theo của lĩnh vực nông sản Việt.

“Và hôm nay chứng minh một điều, thị trường Trung Quốc và Việt Nam rất cần sữa. Một nông sản đặc biệt không chỉ chăm lo cho đời sống mà góp phần chăm lo đến nòi giống. Không còn là câu chuyện thương mại bình thường, sự kiện này còn đánh dấu bước ngoặt trong khẳng định chất lượng hàng hóa” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trong cuốn phim tài liệu “Ly sữa tươi” và trong nhiều lần trải lòng về câu chuyện của chính mình, bà Thái Hương vẫn nhắc lại cơ duyên để một người phụ nữ chưa từng hiểu gì về sữa đã quyết định lấn sân sang một lĩnh vực khó và mạo hiểm. 

Năm 2008, Trung Quốc gây chấn động với sự kiện sữa nhiễm melamine. Bản tin thời sự liên tục đưa tin về vấn đề đó đã khiến bà Thái Hương phải suy nghĩ và đau lòng. Tại sao một nguồn dinh dưỡng cần thiết như vậy lại có thể trở thành sự đe dọa đến sức khỏe của con người? Dù sau đó, báo chí Trung Quốc đăng tải thông tin, cuộc kiểm tra đã không phát hiện ra sữa nhiễm melamine trong sữa tươi nhưng bà Thái Hương vẫn lựa chọn sữa – nông nghiệp sạch là con đường mình đi theo. Bà nhiều lần nhắc lại rằng: Người dân Việt Nam cần nguồn dinh dưỡng sạch, cần sữa sạch. Nhưng lúc đó, Việt Nam lại có tới 92% sữa là nhập từ nước ngoài.

Mạo hiểm, táo bạo, bản lĩnh. Và quyết đoán!

Đó là hình ảnh của bà Thái Hương của hơn 10 năm trước.

“Tôi bước vào ngưỡng cửa khi tôi chưa có bất kỳ kiến thức gì về sữa. Tôi đã mời người thầy giỏi nhất về dạy mình cách đi trên con đường này. Rồi tôi phải tự lập ra chiến lược cho TH”.

Chia sẻ với báo chí, bà Thái Hương lý giải: “Đã xác định sản xuất sữa tươi, không có cách gì khác là phải nuôi bò. Tôi đã đặt ra câu hỏi: nước nào nuôi bò tốt nhất thế giới hiện nay? Câu trả lời là Israel. Đây là đất nước bán sa mạc, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều song Israel lại là nước xuất khẩu nhiều nông sản, thực phẩm và sữa sang châu Âu, Mỹ - là những nước đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩn.

Bí quyết của quốc gia này chính là công nghệ. Từ những phân tích đó, tôi cho điểm, xét về đất đai, khí hậu, chúng ta được 100 điểm thì Israel chỉ đạt 50 điểm. Thế nhưng, về công nghệ, Việt Nam chỉ được 30 điểm nhưng Israel đạt tới 100 điểm. Israel chỉ 150 điểm mà họ đã rất thành công trong chăn nuôi bò sữa, tôi mua công nghệ của Israel, được những 230 điểm, vậy chắc chắn sẽ thành công”.

Nghĩ là làm, nhà sáng lập TH True Milk đã dồn toàn bộ tâm huyết để tự tay đặt những viên gạch đầu tiên cho “đế chế” sữa của chính mình. Sau ý tưởng được đưa ra, Tập đoàn TH ngay lập tức ký hợp đồng tư vấn chăn nuôi bò sữa với một công ty của Israel với số tiền lên tới 50 triệu USD - số tiền không hề nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam khi đó. Để hiện thực hóa giấc mơ mang sữa sạch đến người dân Việt, bà đã lăn lộn tìm kiếm quỹ đất rộng lớn để nuôi bò. Vùng đất Nghĩa Đàn, quê hương bà đã trở thành sự lựa chọn.

Đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày TH “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực sữa, trong bối cảnh thị trường đang bị “gây bão” bởi sữa nhiễm malamine. Thời điểm ấy, với phát ngôn “Chúng tôi chỉ làm sữa sạch” của bà Thái Hương đã khiến người ta từng nghĩ rằng, đó là cách làm thương hiệu “giật gân” , gây chú ý của một tân binh bởi TH vẫn còn là thương hiệu mới lạ trong khi thị trường sữa dường như đã được định vị đầy đủ.

Nhưng rồi, sự băn khoăn của người tiêu dùng đã dần được xóa nhòa. TH đã tuyên bố thật và quan trọng nhất là TH đã làm thật, làm đúng. Từ một vùng đất cằn cỗi, đầy nắng và gió, những cánh đồng cỏ và hoa màu đã được tô lên xanh mát. Đàn bò đã dần đông hơn. Hơn hết, một hệ thống công nghệ hiện đại đã được áp dụng chuẩn. Còn TH cũng đã lớn mạnh, trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu trên thương trường.

Năm 2012, tức khoảng 2 năm sau khi sữa TH xuất hiện trên thị trường, trong trả lời phỏng vấn báo chí, bà Thái Hương vẫn tự tin tuyên bố: “Tôi có thể tự hào khẳng định mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường. Tôi không cần lấy thị trường của người khác, tôi tự tạo ra một lớp khách hàng mới”.

Đến hiện tại, hơn 10 năm đặt bước chân vào thương trường sữa khắc nghiệt, Tập đoàn TH đã tạo nên những dấu ấn đáng ngưỡng mộ.

Với sự góp mặt của TH True Milk trên thị trường, Việt Nam từ một nước có tới 92% sữa nhập khẩu đã giảm xuống 62%. Nhưng quan trọng nhất, nhận thức về dinh dưỡng từ sữa của người Việt đã thay đổi, tăng 10 – 15%.

Thành công của TH còn là sự tiên phong đi đầu trong áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nhìn vùng đất nắng gió của Nam Đàn nay trở thành trang trại hiện đại, người ta mới tin vào sức mạnh của khoa học công nghệ. Những đồng cỏ hàng trăm hecta, ngô, cao lương đỏ bạt ngàn và hoa hướng dương vàng ruộm, những dàn tưới khổng lồ, dài 500 - 700m tự động di chuyển khắp cánh đồng, những con bò được gắn chip và theo dõi bởi điện thoại thông minh... khiến người ta buộc phải tin rằng, một trang trại với công nghệ hiện đại nhất đã hiện hữu thật sự ở Việt Nam.

Thế mới rõ, sự thành công của TH đã khiến người ta tin rằng, quyết tâm và ý chí sẽ đủ sức mạnh biến vùng đất cằn cỗi nhất trở thành chiếc máy “đẻ” ra tiền.


Thành công của TH còn là sự mạnh dạn đặt chân ra thị trường quốc tế. Phải tự tin, phải chất lượng sản phẩm của mình, phải có tâm và tầm thì TH có đủ nội lực để đặt chân ra nước ngoài như vậy! 

Mùa thu năm trước, nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH chính thức khởi công tại Khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế đặc biệt “Kaluga”. Dù đó là một vùng đất phải trải qua 6 tháng đầy khắc nghiệt của mùa đông thì với bà Thái Hương “cứ nỗ lực, có lòng quyết tâm là có tất cả”. Nữ doanh nhân quyền lực của ngành sữa Việt cho biết, bà đặt mục tiêu TH sẽ trở thành doanh nghiệp có diện tích trang trại lớn nhất nước Nga và đứng trong top đầu các doanh nghiệp sữa của đất nước này.

Trước đó năm 2017, TH cũng chính thức đặt chân vào thị trường Trung Quốc. Còn cách đây 4 ngày, 22/10, lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa tươi tiệt trùng đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã chính thức diễn ra. Lại thêm một dấu ấn vàng son nữa để tiếp tục khẳng định con đường mà Tập đoàn TH bước là hoàn toàn đúng đắn.

Thật khó dùng những ngôn từ để diễn tả được khát khao cháy bỏng và tâm huyết của người phụ nữ xứ Nghệ này. Đã không ít lần bà Thái Hương chia sẻ về ước mong của mình khi đầu tư vào lĩnh vực sữa. Bà muốn mang một ly sữa hoàn mỹ, một ly sữa đong đầy tình mẹ đến cho mỗi người. Cũng trong lễ công bố vừa qua, một lần nữa bà đã tiếp tục khẳng định lại cam kết của mình: “Chúng tôi sẽ tiếp cận khoa học hiện đại nhất để tạo ra một ly sữa hoàn mỹ, đúng về chất lượng. Chúng tôi sẽ để thương mại sau cùng trong mỗi ly sữa”.

Quả thực, nếu không có tâm và tầm, người phụ nữ đó sẽ không thể biến một vùng đất cằn cỗi, tưởng chừng không thể trồng cỏ, nuôi bò trong điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt lại trở thành trang trại nuôi bò lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á. 

Nếu không có tâm và tầm, bà Thái Hương sẽ không tạo ra một chiến lược hoàn hảo, xác định công nghệ cao chính là chìa khóa của thành công trong nông nghiệp. Điều mà cách đây hơn 10 năm, khái niệm “công nghệ 4.0” vẫn còn mơ hồ.

Nếu không có tâm và tầm thì Tập đoàn TH sao có thể xây dựng được nhà máy triệu USD tại một đất nước Nga cách xa Việt Nam hàng vạn dặm.

Nếu không có tâm và tầm thì Tập đoàn TH sao có thể cạnh tranh được với hàng trăm các nhãn hàng khác, đường đường chính chính bước vào thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc. 

Và đáng ngưỡng mộ hơn, các sản phẩm sữa của TH xuất sang thị trường khó tính nhất vẫn nguyên vẹn chất lượng như  tại Việt Nam bởi họ đã sở hữu một nền tảng, quy trình chuẩn ngay từ đầu. Khác chăng chỉ là nhãn mác phải chuyển đổi phù hợp với Trung Quốc.

Nếu không có tâm và tầm thì bà Thái Hương sẽ chẳng bao giờ lại trăn trở và đau đáu với tâm niệm xây dựng một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nghiệp sạch.

“Những người biết cách làm điều tốt nhất cho con cái và người thân của mình, chúng ta hãy cũng nhau làm đẹp cho bản thân mỗi ngày bằng cách sống vì người bên cạnh, xa hơn là sống vì con cháu mai sau, giúp chúng có được môi trường sạch đẹp, tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Hãy sưởi ấm cho gia đình và xã hội bằng tình thương của người phụ nữ” – bà Thái Hương nói.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top