Aa

Ba trụ cột phát triển đô thị thông minh

Thứ Tư, 20/02/2019 - 23:30

Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển đô thị thông minh đang trở thành xu hướng của nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Xu hướng mới...

Những năm gần đây, phát triển đô thị thông minh đã trở thành xu thế trên thế giới nhờ tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối số, dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT)…

Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ quản lý đô thị, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, hình thành xu hướng xây dựng các đô thị thông minh.

Chẳng hạn, kể từ khi chương trình Smart Nation được Chính phủ Singapore đưa ra vào năm 2014, quốc gia này luôn đi đầu về quy hoạch và được xem là thành phố thông minh hàng đầu thế giới.

Tại Singapore, một mạng lưới khổng lồ gồm camera an ninh và nhiều loại cảm biến khác nhau được triển khai khắp mọi nơi. Dữ liệu thu được từ mạng lưới này, kết hợp cùng với một bản mô phỏng đô thị kỹ thuật số (được gọi là Virtual Singapore) cho phép chính phủ kiểm tra cơ sở hạ tầng hoạt động theo thời gian thực, phân tích mọi thứ, từ an ninh trật tự, cho đến mật độ đám đông, chất lượng không khí...

Tương tự, Oslo (Na Uy) cũng được xem là một thành phố thông minh đi đầu về công nghệ tái tạo năng lượng. Những năm qua, tiêu thụ năng lượng bền vững là yếu tố chính trong chiến lược phát triển của thành phố này. Ở Oslo, từ rác thải gia đình, đến rác thải công nghiệp đều được chuyển đổi thành điện năng.

Cùng với xu hướng này, TP.HCM cũng đưa ra “Đề án xây dựng thành phố thông minh” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và xác định, đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Thành phố.

Theo nhận định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.

Khu Đông được TP.HCM lựa chọn để phát triển khu đô thị sáng tạo.

Khu Đông được TP.HCM lựa chọn để phát triển khu đô thị sáng tạo.

Đề án được xây dựng trên 4 nguyên tắc: tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; huy động mọi nguồn lực tham gia.

Đề án hướng đến mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân - phát huy trí tuệ nhân dân…

... Nhưng không dễ

Để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh, đã có nhiều ứng dụng được nghiên cứu và giới thiệu như: Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam giới thiệu công nghệ và giải pháp quan trắc, điều khiển giao thông đô thị; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán giới thiệu hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí...

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Bộ môn Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, để xây dựng đô thị thông minh không chỉ có công nghệ, mà cần nhiều yếu tố. Trong khi đó, nếu so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á về 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, thì TP.HCM đang đứng ở cuối bảng trong 12 thành phố, xếp sau Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines)…

“Thách thức lớn mà TP.HCM đang đối điện là dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế tăng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị, trong đó bao gồm công tác dự báo, quy hoạch điều hành còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt, trong khi nhu cầu về giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, hành chính công ngày càng cao…”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, để phát triển thành công khu đô thị sáng tạo, TP.HCM cần có sự kết hợp hài hòa giữa 3 trụ cột gồm khu vực công, khu vực đại học, khu vực tư nhân, cùng với các cơ chế, chính sách phù hợp. Thành phố phải có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân tham gia tích cực vào quá trình hình thành khu đô thị sáng tạo.

Bên cạnh đó, sự nhập cuộc của cả người dân và doanh nghiệp cũng rất quan trọng, bởi khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi họ sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, từ đó tạo nên một xã hội thông minh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top