Aa

Ba yếu tố dự báo tác động lãi suất huy động năm 2020

Thứ Tư, 08/01/2020 - 06:30

Lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Tuy nhiên, lạm phát cũng sẽ chi phối lãi suất năm 2020.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đầu năm 2020 từ ngày 30/12/2019 - 3/1/2020 của một trung tâm phân tích cho thấy, thị trường mở tạm ngừng hoạt động khi không phát sinh giao dịch mới, số dư OMO và tín phiếu đều giữ ở mức 0. Một lượng tiền đồng nhỏ vẫn được bơm ra thông qua giao dịch bán USD về Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng 11 điểm cơ bản lên mức 2%/năm với kỳ hạn qua đêm nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn lãi suất tín phiếu. Chênh lệch lãi suất VND - USD trong khoảng 0,4 - 0,8%/năm.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ghi nhận bước giảm 30 - 50 điểm cơ bản với kỳ hạn trên 6 tháng ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ, thu hẹp khoảng cách với các nhóm NHTM còn lại.

Hiện lãi suất huy động nằm trong khoảng 4,1 - 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 - 7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và NHNN đã tiếp tục có tác động đến xu hướng lãi suất khi vừa bước sang năm mới, thời điểm các chỉ tiêu an toàn của năm cũ đã phải hoàn tất.

Lãi suất giảm vì đâu?

Theo SSI Research, năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

Việc giảm lãi suất ở kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng vì định hướng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ còn gần 3 năm nữa mới kết thúc. Tuy vậy những diễn biến vừa qua cho thấy việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới có thể giảm sau một loạt động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là quy định hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống mức 5%/năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, khả năng giảm của lãi suất trong năm 2020 cũng không thật sự chắc chắn và phụ thuộc vào những biến động của các nhân tố nội tại trong nước và quốc tế.

Lãi suất chịu tác động của lạm phát

Các nhà phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019.

Mặt bằng lãi suất huy động sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn.

Mặt khác, mặt bằng lãi suất huy động còn chịu ảnh hưởng từ lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ ngày 1/10/2022.

Bên cạnh đó, BVSC cho rằng thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

Dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến nhà điều hành khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu; nhất là trong nửa đầu năm 2020.

Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong nửa cuối năm 2020, NHNN sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể.

Ảnh minh họa

Dự báo về tính ổn định của lãi suất năm 2020, TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì do tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn kéo theo nhu cầu về vốn cũng giảm xuống. Ngoài ra, việc NHNN cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống 5%/năm cũng sẽ giúp cải thiện nguồn tiền gửi dài hạn.

Về ảnh hưởng của yếu tố lạm phát tới mặt bằng lãi suất, vị chuyên gia này cho rằng xu hướng tăng của lạm phát trong những tháng gần đây chủ yếu do giá thịt lợn trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp và ổn định xung quanh 2%. Trong thời gian tới, khi nguồn cung thịt lợn được bình thường hóa thì lạm phát sẽ ổn định trở lại và dự báo năm 2020 sẽ vẫn ở mức dưới 4%.

Mặt bằng lãi suất trong năm 2020 sẽ ổn định ở mức cao bởi so với lạm phát khoảng 3,5%/năm (+/- 0,5%) thì lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở mức 8%/năm vẫn đảm bảo một lãi suất thực khá tốt.

Từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.

Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

Trong năm 2020, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 2020 sẽ cân nhắc trong khoảng của năm 2019 (14%).

"Tất cả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2019 và 2020 sẽ đều kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của NHNN tổ chức ngày 31/12/2019 tại Hà Nội.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top