Khánh thành cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2)
Tháng 6, Bắc Giang khánh thành dự án cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu, nối hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trên tuyến QL1.
Nhiều năm qua, vị trí cầu Như Nguyệt là nút thắt, điểm nghẽn trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, vì tuyến cao tốc này có 6 làn xe nhưng cầu Như Nguyệt giai đoạn 1 chỉ có 2 làn xe.
Việc khánh thành cầu Như Nguyệt góp phần giải tỏa điểm nghẽn ách tắc giao thông, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường cao tốc huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn. Đồng thời tạo điều kiện thông thoáng cửa ngõ vào tỉnh Bắc Giang, thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu lưu thông rất lớn của các khu công nghiệp.
Công trình cầu Á Lữ; cải tạo nút giao Hùng Vương - đường dẫn cầu Đồng Sơn và Trung tâm Điều hành đô thị thông minh
Tháng 8, Bắc Giang khánh thành dự án Cầu Á Lữ; cải tạo, mở rộng nút giao giữa đường Hùng Vương với đường dẫn cầu Đồng Sơn và Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bắc Giang, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, thành phố đã chú trọng công tác lập quy hoạch. Nhất là quy hoạch hạ tầng khung, hệ thống giao thông kết nối và xác định đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thành phố cũng quyết tâm xây dựng TP.Bắc Giang theo hướng đô thị xanh và thông minh, thông qua những giải pháp cụ thể.
Các dự án Cầu Á Lữ, Nút giao cầu Đồng Sơn, Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), là những dự án trọng điểm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên. Xóa bỏ việc chia cắt giữa các khu vực của thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng đô thị tại các khu vực ngoài trung tâm thành phố.
Khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên ở miền Bắc
Tháng 9, dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2, của Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Vân Trung thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang được khánh thành.
Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Việc triển khai thực hiện hiệu quả dự án sẽ là nền tảng cho định hướng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong tỉnh Bắc Giang nói riêng và miền Bắc nói chung.
Theo ông Choi ChangHo, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron, đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động. Việc vững tin phát triển nhanh chóng như vậy, là nhờ vào sự hỗ trợ toàn diện cũng như ý chí mạnh mẽ trong xây dựng ngành công nghiệp hiện đại của Chính phủ Việt Nam.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL31, đoạn Km2+400 - Km44+900 (đoạn qua TP Bắc Giang, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn)
Tháng 10, Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31, đoạn Km2+400 - Km44+900 (đoạn qua TP.Bắc Giang, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn).
Tuyến đường do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Với chiều dài hơn 39,1 km, mặt đường rộng 11 m, tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 863 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đây là tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong kết nối, tạo động lực phát triển các huyện phía Đông của tỉnh Bắc Giang.
Khánh thành cầu vượt sông Lục Nam
Gần đây nhất, ngày 28/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ khánh thành cầu vượt sông Lục Nam. Công trình thuộc dự án xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An- quốc lộ 31- quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa- Khuôn Thần trên địa bàn huyện Lục Nam và Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Tổng mức đầu tư của dự án gần 1000 tỷ đồng. Trong đó cầu vượt sông Lục Nam có giá trị xây lắp gần 83 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cầu vượt sông Lục Nam khởi công ngày 30/9/2022 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh thi công.
Đây là công trình thuộc dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, giúp người dân các xã Phượng Sơn, Mỹ An (Lục Ngạn) và người dân trong và ngoài huyện khắc phục được tình trạng phải đi đò qua sông như trước đây.
Đặc biệt, việc kết nối đường dẫn nối cảng Mỹ An- quốc lộ 31- quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa- Khuôn Thần trên địa bàn huyện Lục Nam, Lục Ngạn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu công nghiệp tập trung, thương mại, du lịch, dịch vụ và khai thác lâm sản, cây ăn quả.