Bạc Liêu - Tỉnh mạnh về kinh tế biển và du lịch của vùng

Bạc Liêu - Tỉnh mạnh về kinh tế biển và du lịch của vùng

Thứ Ba, 06/02/2024 - 06:00

Năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Bạc Liêu tiếp tục khởi sắc và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực.

Theo UBND tỉnh, trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát triển khá. Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,13%; thu ngân sách nhà nước đạt 106,58% dự toán. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời; cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục đà tăng trưởng, Bạc Liêu đầu tư liên kết vùng, phát triển 5 trụ cột kinh tế, trở thành điểm sáng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chia sẻ với Reatimes về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cũng như những quyết sách để phát triển thị trường bất động sản địa phương trong thời gian tới.

Bạc Liêu - Tỉnh mạnh về kinh tế biển và du lịch của vùng- Ảnh 1.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu (Ảnh: Phan Thanh Cường)

PV: Xin ông chia sẻ về những lợi thế và điểm nhấn nổi bật trong chính sách thu hút đầu tư của Bạc Liêu?

Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, trong đó, các lợi thế điển hình có thể kể đến như:

Thứ nhất, tỉnh Bạc Liêu có những tiềm năng lớn về nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch… Tỉnh Bạc Liêu đang phấn đấu để trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và là một trong những trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, tỉnh có định hướng thu hút đầu tư rõ ràng dựa trên những lợi thế và tiềm năng từ đó xác định cụ thể 5 lĩnh vực trụ cột tập trung thu hút mời gọi đầu tư. Đó là phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thứ ba, đổi mới phương pháp tiếp cận nhà đầu tư. Với định hướng thu hút đầu tư rõ ràng gồm 5 trụ cột nêu trên, lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp cận, gặp gỡ, mời chào các dự án đến các nhà đầu tư, tập đoàn trong và ngoài nước có nguồn lực và năng lực.

Thứ tư, tỉnh chú trọng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo phương châm "đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục". Tỉnh luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhất quán với phương châm "Việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm". Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các nhà đầu tư; từ đó giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Thứ năm, sự cầu thị của lãnh đạo các cấp trong công tác thu hút đầu tư, cùng sự tận tâm và chân thành của cấp lãnh đạo và người dân, đã giúp Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư với hình ảnh là vùng đất nghĩa tình, thân thiện, cởi mở và hiếu khách.

PV: Với những lợi thế trên, kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến nay như thế nào?

Ông Phạm Văn Thiều: Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, thực hiện thành công nhiều quyết sách quan trọng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh. Với những nỗ lực ấy, thời gian qua, Bạc Liêu đã trở thành "điểm sáng" trong thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng, có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Công tác thu hút đầu tư được thực hiện tích cực, thường xuyên, đa dạng, đổi mới về hình thức, nội dung, chú trọng chiều sâu, hiệu quả ngày càng cao. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thu hút đầu tư được 195 dự án (trong đó 179 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 62.483 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,509 tỷ USD).

Nhìn chung, các nhà đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại tỉnh, cùng với sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện dự án, phấn đấu hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

PV: Bạc Liêu đặt ra những mục tiêu gì về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột và 3 đột phá đã xác định để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Bạc Liêu quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu: "Đến năm 2025, tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030", nỗ lực hoàn thành tất cả các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Trong đó, tập trung vào một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 là 110 - 120 triệu đồng…

Bạc Liêu - Tỉnh mạnh về kinh tế biển và du lịch của vùng- Ảnh 2.

Thời gian qua, thị trường bất động sản Bạc Liêu gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

PV: Những mục tiêu này được thể hiện trong quy hoạch và kế hoạch phát triển của địa phương như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát là: Phát triển Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm.

Tỉnh cũng phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại; khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo dần trở thành động lực chủ yếu của phát triển. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, gia nhập nhóm tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước.

Song song với đó, định hướng đến năm 2025, tỉnh Bạc Liêu cũng đặt ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm và hằng năm của tỉnh để các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, mà trước mắt là hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

PV: Với riêng lĩnh vực bất động sản, thực trạng phát triển thị trường ở Bạc Liêu trong thời gian qua có gì đáng chú ý, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Theo đánh giá chung, thời gian qua, thị trường bất động sản Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, thách thức, giao dịch suy giảm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù vậy, thị trường bất động sản tỉnh Bạc Liêu cũng đạt được những kết quả nhất định.

Tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 dự án: Khu nhà ở kết hợp công viên cây xanh Hiệp Thành, quy mô sử dụng đất 43,38ha; Khu nhà ở kết hợp sinh thái - Vĩnh Trạch Đông, quy mô sử dụng đất 46,22ha; Khu dân cư Vĩnh Trạch Đông, quy mô sử dụng đất 37,67ha. Cả 3 dự án trên hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở. Tỉnh cũng nghiệm thu đưa vào sử dụng 1 dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ thị trấn Gành Hào có quy mô 64 căn nhà phố liền kề, 186 lô đất nền.

Bạc Liêu - Tỉnh mạnh về kinh tế biển và du lịch của vùng- Ảnh 3.

Tỉnh Bạc Liêu đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường bất động sản Bạc Liêu cũng có một số bất cập, khó khăn. Địa phương thiếu sản phẩm dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình của tỉnh Bạc Liêu là tương đối nhiều. Trong khi đó, các sản phẩm đất nền, sản phẩm nhà phố liền kề tại các dự án có giá tương đối cao, phần lớn người mua với mục đích đầu cơ đã dẫn đến tình trạng sản phẩm bất động sản vừa thiếu vừa thừa.

Tình hình giao dịch bất động sản có chiều hướng trầm lắng, do phần lớn các giao dịch mang tính đầu cơ nên có tâm lý lo sợ khả năng chậm phục hồi của thị trường trong thời gian tới.

Bạc Liêu là tỉnh thuộc vùng kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí ngân sách dành cho hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội có hạn, do đó, tỉnh gặp rất nhiều thách thức trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để tạo quỹ đất sạch cho dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các chính sách ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nguồn vốn cho vay ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Trung ương phân bổ cho tỉnh Bạc Liêu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm gần đây là rất ít. Doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội khó tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023, dù đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật; đã có quyết định giao đất hoặc có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn giấy phép theo quy định của pháp luật.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, vướng mắc mà thị trường bất động sản Bạc Liêu đang gặp phải?

Ông Phạm Văn Thiều: Thị trường bất động sản của Bạc Liêu do có quy mô tương đối nhỏ, số lượng dự án bất động sản đầu tư trên địa bàn không nhiều, một số dự án đã được đầu tư trước ngày 1/7/2015 (ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành), nên đến nay sản phẩm tồn kho không nhiều, một số dự án mới chủ đầu tư đang trong giai đoạn lập các hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai xây dựng, vì vậy về cơ bản thị trường bất động sản Bạc Liêu chưa gặp phải vấn đề lớn.

Khó khăn, vướng mắc của địa phương hiện nay chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng. Bạc Liêu thiếu đơn vị tư vấn xác định giá đất dẫn đến chậm có giá đất để áp phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định (như Dự án Khu đô thị mới phường 8, TP. Bạc Liêu, chủ đầu tư Công ty cổ phần Kosy; Dự án Khu đô thị mới công viên cây xanh, chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Mavico).

Một nguyên nhân khác là do người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án (như Dự án Khu đô thị mới Hòa Bình, chủ đầu tư liên danh Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang đã thực hiện giải phóng mặt bằng thu hồi đất được 61.921m2/99.276m2, chiếm tỷ lệ 62,37%).

Bên cạnh đó, thị trường Bạc Liêu đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Bạc Liêu chưa có dự án nhà ở xã hội được triển khai để thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", trong đó Bạc Liêu được giao chỉ tiêu 1.900 căn.

PV: Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Địa phương đã triển khai Nghị quyết này như thế nào?

Ông Phạm Văn Thiều: UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1197/UBND-KT ngày 12/4/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 15/6/2023 thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Qua đó, đã triển khai thực hiện quán triệt, phổ biến sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ giao đến toàn thể cán bộ, công chức, đồng thời xác định việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết.

PV: Địa phương triển khai những giải pháp hoặc có đề xuất gì để thị trường bất động sản Bạc Liêu phát triển trong giai đoạn tới?

Ông Phạm Văn Thiều: Với các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản của Trung ương ban hành trong thời gian qua, cùng với sự quyết liệt của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng sự điều tiết giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hy vọng thị trường bất động sản cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng sẽ sớm phục hồi và phát triển ổn định.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói riêng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan những việc trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao năng lực, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, bảo vệ người làm đúng, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các thủ tục hành chính liên thông, đẩy nhanh giải quyết thủ tục đầu tư dự án bất động sản theo hướng nhanh, đơn giản.

Thứ ba, đẩy mạnh việc rà soát, lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư các dự án bất động sản trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top