Aa

Bắc Ninh dùng gần 19 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương "hỗ trợ" cho Dabaco?

Thứ Sáu, 03/08/2018 - 11:40

Dễ nhận ra mối quan hệ “thân mật” của tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Dabaco liên quan đến các dự án BT. Thậm chí, tỉnh còn hỗ trợ cả kinh phí cho doanh nghiệp này giải phóng mặt bằng trong một dự án nhà máy ép dầu.

Ngày 23/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã ký Quyết định số 1202/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, xét tờ trình số 155/TTr-STC ngày 18/7/2018 của Sở Tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC bồi thường giải phóng mặt bằng (phần chi phí đầu tư vào đất bổ sung) xây dựng nhà máy ép dầu tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Số kinh phí này được tạm ứng từ nguồn cải cách tiền lương cấp tỉnh chưa được sử dụng.

Được biết, quyết định này tỉnh căn cứ vào các Luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Nghị quyết số 221/2016/NQ-HĐND 17 ngày 14/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà máy ép dầu của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam;...

Tuy nhiên, thực tế, tại Nghị quyết số 221/2016/NQ-HĐND17 chỉ nêu dòng thông tin: Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam được cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh không quá 100 tỷ đồng, với mức lãi suất 0%, thời gian cho vay không quá 5 năm.

Nhà máy ép dầu tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du của Dabaco

Nhìn lại 2 quyết định có sự lệch thông tin. Cụ thể, tại quyết định số 1202 được ban hành ngày 23/7/2018, UBND Bắc Ninh đã hỗ trợ Dabaco hơn 18,7 tỷ đồng mà không nói về thời hạn vay và lãi suất.

Trước đó, ngày 11/5/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định số 252/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả chi phí đầu tư vào đất khu đất thu hồi của Công ty CP đầu tư Sao Thủy để thực hiện dự án Nhà máy ép dầu tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du. Tổng số tiền là 28,137 tỷ đồng.

Tại văn bản này có nêu: Giao Sở Tài chính bố trí kinh phí để Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Dự án Nhà máy ép dầu thực vật được xây dựng tại Cụm công nghiệp Tân Chi với diện tích hơn 6ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cố định khoảng 40 triệu USD (tương đương 850 tỷ đồng). Nhà máy có công suất 1.000 tấn hạt đậu nành/ngày.

Dự kiến mỗi năm sản xuất, tinh chế hơn 80 triệu lít dầu ăn làm thực phẩm và 270 nghìn tấn nguyên liệu khô dầu đậu nành, đậu nành lên men chất lượng cao cho Nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vừa ép dầu thô vừa tinh luyện dầu ăn. Quy trình dây chuyền công nghệ và thiết bị của Nhà máy ép dầu thực vật được bố trí qua các công đoạn bảo đảm tính khoa học và chính xác, toàn bộ dây chuyền công nghệ và thiết bị của nhà máy được nhập khẩu đồng bộ từ Châu Âu.

Theo giới phân tích, dễ nhận ra mối quan hệ trên mức thân thiết giữa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Dabaco.

Ở một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có yêu cầu làm rõ thông tin: Bắc Ninh đổi cho Dabaco 100ha đất để lấy 1,3km đường.

Thời gian qua, nhiều nguồn tin phản ánh việc UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng gần 100ha đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (dài 1,39 km) tại TP. Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, đặt nhiều câu hỏi trong dư luận.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 theo hình thức hợp đồng BT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top