TỪ "ĐẠI GIA" CHĂN NUÔI LẤN NGANG SANG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhắc đến Dabaco, người ta nghĩ tới một tập đoàn chăn nuôi mạnh tại Việt Nam khi sở hữu 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với tổng công suất 85 tấn/giờ. Dabaco có hệ thống các trang trại nuôi, lai tạo lợn giống gốc: Duroc, Piteran, Landat, Yorshire được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ...
Thế nhưng, giờ đây, Dabaco không chỉ còn có tiếng là một “đại gia” trong lĩnh vực chăn nuôi mà còn khiến giới bất động sản bất ngờ khi quân cờ chiến lược hướng sang bất động sản. Dường như đây là một xu hướng tất yếu kéo các doanh nghiệp ở Bắc Ninh rẽ ngang sang lĩnh vực có giá trị tài sản cao nhất này. Chưa kể, vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Bắc Ninh đang được ví như con rồng mới ngự phía Đông Bắc Thủ đô, hội tụ nhiều tiềm năng trỗi dậy sau hàng loạt cuộc đổ bộ của các khu công nghiệp.
Trong “trào lưu” ấy, Dabaco cũng không bỏ lỡ miếng bánh béo bở và liên tục ghi dấu ấn với hàng loạt dự án như khu đô thị phía Tây thị trấn Hồ, khu nhà ở Huyền Quang 1, khu đô thị Đền Đô, khu công nghiệp Quế Võ 3, Khu nhà ở Huyền Quang…
Và mới đây, Dabaco tiếp tục gây “tiếng vang” khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 theo hình thức hợp đồng BT.
Trước đó, như Reatimes đã đưa tin, Dabaco dự kiến sẽ được nhận gần 100ha đất đối ứng với con đường H2 dài 1,3km. Được biết, dự án đường H2 điểm đầu từ đường Kinh Dương Vương, điểm cuối giao với tỉnh lộ 286 tại phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, bổ sung là 663.118.158.000 đồng.
Đối ứng với con đường dài 1,3km, Dabaco được dự kiến nhận 2 khu đất gồm một phần dự án khu đô thị Vạn An, diện tích khoảng 36,06ha tại phường Vạn An, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh và một phần dự án khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên, diện tích khoảng 58,46ha tại phường Phong Khê, xã Phúc Xuyên và phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh.
Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong, bà Nguyễn Huệ Minh, Chánh Văn phòng HĐQT - Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay, về phương án tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến giao nhà đầu tư 2 khu đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho dự án công trình BT gồm một phần từ dự án Khu đô thị Vạn An (tổng diện tích của cả dự án khu đô thị Vạn An là 36,06ha) và một phần từ Khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên (tổng diện tích của cả dự án Khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên là 58,46ha).
"Thực tế, Dabaco chỉ được giao 36ha đất, trong đó có cả phần diện tích đất của hồ điều hòa và Dabaco triển khai làm cả đường H1 chứ không chỉ đường H2. Trong 36ha đất này, có khoảng 7 - 8ha đất có sổ đỏ của dân”, bà Minh khẳng định.
Cũng theo bà Minh, hai dự án Khu đô thị Vạn An và Phong Khê còn phải thanh toán cho dự án Hồ điều hòa Văn Miếu mà tỉnh Bắc Ninh đang còn nợ nhà đầu tư hơn 200 tỷ đồng và là nguồn đối ứng cho một số dự án khác chứ không phải riêng đường H2.
DABACO ĐƯỢC GÌ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐỔI GẦN 100HA LẤY 1,3KG ĐƯỜNG
Nếu trong trường hợp, Dabaco nhận được gần 100ha cho 1,3km đường thì doanh nghiệp này nhận được gì từ cuộc đổi chác đó? Chỉ cần nhìn vào phép toán 1,3km đường đổi lấy gần 100ha đất, không ít người phải giật mình bất ngờ. Chỉ tính riêng một công thức chênh lệch địa tô đơn giản mới thấy Dabaco nhận được một khoản lợi nhuận khổng lồ đến vậy.
Đối với khu đô thị Vạn An mà Dabaco dự kiến được giao với diện tích khoảng 36,06ha. Giá đất bồi thường là 158 triệu đồng – 175 triệu đồng/360m2. Như vậy, với mỗi mét vuông đất, Dabaco chỉ phải trả cho người dân khoảng 438.888 - 486.111 đồng/m2.
Theo giá đất nền giao dịch hiện tại, khu đô thị Vạn An đang được giới đầu tư và môi giới Bắc Ninh nhận định sẽ rơi vào khoảng 26 – 28 triệu đồng/m2. Chỉ cần làm một phép nhân ước chừng như vậy đã có thể thấy giá trị thực khổng lồ của khu đất 36,06ha này. Chưa kể giá trị của khu đất 58,46ha tại phường Phong Khê và phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh.
Một phép tính nhanh đã cho ra số tiền chênh khổng lồ mà Dabaco nhận được. Lợi nhuận lớn như vậy liệu Dabaco có thể dửng dưng bỏ qua miếng mồi ngon béo bở này?
HỢP ĐỒNG BT VÀ NHỮNG BIẾN TƯỚNG
Để có được điều đó, Dabaco đã phải ký hợp đồng BT: Đổi đất lấy hạ tầng. Phải khẳng định rằng, hợp đồng BT được coi là một trong những chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong thời điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước cũng như Nhà nước đang khó “gánh” hết các công trình bởi ngân sách eo hẹp. Hơn hết, mục đích của BT còn là lời kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp Việt Nam cùng kiến thiết bộ mặt đô thị, bộ mặt đất nước.
Thế nhưng, thật đáng buồn khi thời gian gần đây, những vụ đổi đất lấy hạ tầng khiến người ngoài nhìn vào một phép toán mà lợi ích của doanh nghiệp đang nhận được là “dấu lớn” thay vì “dấu bằng” như lý thuyết.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà giờ đây, doanh nghiệp lại “yêu thích” làm dự án BT đến vậy bởi đúng như ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói rằng: “Mấy chục năm trời chẳng có ai làm mà bây giờ, người ta chạy ào ào vào làm BT”. Đúng là miếng bánh béo bở, là miếng đất sinh ra vàng và kim cương mới khiến doanh nghiệp mạnh dạn lấn sấn đi từng bước để chiếm hữu lấy phần chênh lệch địa tô khổng lồ.
Mấy chục năm trời chẳng có ai làm mà bây giờ, người ta chạy ào ào vào làm BT.
- Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Đã thế, “Công trình được thực hiện không qua đấu thầu. Doanh nghiệp làm giá một đằng, làm một nẻo. Doanh nghiệp tự đẩy giá công trình lên từ 5.000 tỷ đồng lên tới 5.500 tỷ đông. Sau quá trình thẩm định bị cắt mất 500 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn lãi", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp nhận được 2 lợi ích thông qua hợp đồng BT: Một là chênh lệch địa tô từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (quỹ đất mà Nhà nước bàn giao) sang đất đô thị và thứ hai là khoản tiền làm giá từ làm công trình.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), có 3 điểm khiến hợp đồng BT bị biến tướng gây bức xúc cho dư luận.
“Thứ nhất, do quản lý yếu kém dẫn tới các doanh nghiệp lợi dụng hợp đồng BT. Doanh nghiệp đang lợi dụng để phục vụ lợi ích của mình nhưng không làm lợi cho Nhà nước và xã hội.
Thứ hai, hợp đồng BT đã dẫn tới tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Điều khiến dự luận bức xúc là không phải doanh nghiệp nào muốn nhảy vào đổi đất lấy hạ tầng cũng vào được. Đó là tính công khai minh bạch và công bằng còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu hay dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tức là doanh nghiệp sân sau của một số quan chức. Có nhiều trường hợp không có đấu thầu hoặc đấu thầu chỉ là hình thức theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” dẫn tới một số doanh nghiệp được nhảy vào nhưng những doanh nghiệp khác không được tham gia.
Thứ ba là sự móc nối thông đồng trong quá trình thẩm định. Doanh nghiệp bỏ vốn 100 tỷ đồng nhưng nghiệm thu với mức tổng là 1000 tỷ đồng. Giữa con số thật và số thực tế không giống nhau nhưng được nâng lên nhằm đổi lại một giá trị đất lớn. Vấn đề này còn dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp nhảy vào xây dựng công trình nhưng không thực hiện cam kết đến cùng. Họ đầu tư vào BT chỉ là cái cớ nhưng sâu xa là nhận đất, kiếm lời. Một số trường hợp đã không hoàn thành dự án BT vì nhận đất rồi lại tập trung xây dựng công trình bán, bỏ bê công trình hạ tầng”.
Mặc dù, câu chuyện đổi đất lấy công trình không ngang giá rõ ràng “giấy trắng mực đen” nhưng điều kỳ lạ doanh nghiệp vẫn “hiên ngang” thực hiện còn các cơ quan chức năng lại “im hơi lặng tiếng”. Phải chăng, như ông Hùng nói: “Bài toán này ai cũng biết nhưng mọi người đang lờ đi. Hợp đồng BT đang bị lợi dụng bởi những người đang nhận được lợi ích lớn từ nó”?!