Thời điểm vào hè, số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh lý hô hấp tăng mạnh mà nguyên nhân bất ngờ chính do cha mẹ sử dụng quạt, điều hòa làm mát sai cách cho con.
Trong thời tiết nắng nóng, điều hòa có tác dụng làm mát không khí, giảm sự khó chịu cho cơ thể khi phải tiếp xúc với không khí nóng bức.
Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa không đúng cách cũng là cơ hội để gió lạnh nhân tạo kéo dài nhiều giờ hay sự chênh lệch nhiệt độ nóng – lạnh giữa bên ngoài và bên trong phòng tấn công sức đề kháng của trẻ, dẫn tới trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.
Mới đây, Ths. Bs Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung Ương cho biết, điều hoà hoạt động như vòng tròn khép kín, hút khí nóng đưa qua bộ lọc, làm mát và thổi hơi mát quay trở lại. Chính vì vậy, với quy trình khép kín, việc sử dụng điều hoà cần phải lưu ý 3 điểm sau để tránh nguy cơ mắc, lây truyền bệnh.
Không dùng triền miên
Bác sĩ chia sẻ, không nên phụ thuộc quá nhiều vào điều hoà, đặc biệt, không sử dụng liên tiếp 24/24 giờ mà cần có một quãng thời gian nghỉ để không khí được lưu thông.
Việc mở cửa, đón ánh sáng vào phòng góp phần rất lớn trong việc triệt khuẩn, làm sạch không khí, hạn chế bớt nguồn bệnh.
Vi trùng nói chung (vi khuẩn, vi rút) , nếu có ánh sáng bên ngoài chiếu vào, nhất là với virut sẽ dễ dàng bị tiêu diệt, nhưng khi dùng điều hoà, với quy trình khép kín, nó sẽ là tác nhân thuận lợi khiến mầm bệnh luẩn quẩn trong phòng, khiến nhiều người lây nhiễm.
“Ngay ở các phòng bệnh tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, trong những ngày thời tiết nắng nóng, phải dùng điều hòa, hàng ngày, tôi đều hướng dẫn bệnh nhân cần mở thoáng cửa vào đầu buổi sáng để đón ánh sáng, cùng thời gian này, tại mỗi phòng sẽ có nhân viên lau chùi, làm sạch bề mặt buồng bệnh. Như vậy sẽ hạn chế tối đa sự ẩn náu, phát triển của vi khuẩn gây bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo”, bác sĩ Thành cho biết.
Đặt nhiệt độ phù hợp, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời
Bác sĩ nhận định, trên thực tế, có rất nhiều người thường điều chỉnh nhiệt độ điều hoà rất thấp. Tuy nhiên, điều này lại vô cùng nguy hiểm, việc đặt nhiệt độ chênh lệch quá cao vô tình có thể gây sốc nhiệt do cơ thể chưa kịp thích ứng, rất nguy hiểm đối với người cơ địa tăng huyết áp, rất dễ gây đột quỵ.
Riêng với đường hô hấp, việc thay đổi nhiệt độ môi trường tác động rất lớn tới đường thở, nếu quá lạnh - quá nóng có thể gây hậu những quả không tốt, nhẹ thì kích ứng đường thở với biểu hiện ho, khó chịu ở mũi họng, nặng hơn làm tổn thương hệ thống bảo vệ của phế quản, phổi, dẫn tới dễ bị nhiễm khuẩn …
Vì vậy, khi dùng điều hoà, để bảo vệ đường thở, mọi người nên điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, theo khuyến cáo, mức độ chênh lệch dưới 7 độ C so với nhiệt độ bên ngoài.
Khi di chuyển từ phòng điều hoà ra ngoài hoặc ngược lại, mọi người cũng nên có thời gian chuyển tiếp để cơ thể kịp thích ứng.
Uống bù nước khi sử dụng điều hoà
Bác sĩ cho biết, thông thường, độ ẩm khi sử dụng điều hoà rất thấp chỉ khoảng <50%, trong khi với môi trường bên ngoài, chỉ số này rơi vào 80 - 90%.
Khi dùng điều hoà trong thời gian dài dễ dẫn tới khô da, khô họng, cơ quan hô hấp cảm thấy khó chịu và nếu nằm lâu, cơ thể có thể mất nước.
Chính vì vậy, cần bổ sung thêm nhiều nước, nhất là khi cơ thể có các biểu hiện thiếu nước như khô da, khô môi…
Không để điều hòa thốc thẳng vào người
Để điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu sẽ làm cơ thể dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, ho…
Ngoài ra, với những chiếc điều hòa lâu không được vệ sinh việc thốc thẳng điều vào vào người sẽ khiến cơ thể hít phải các loại bụi, nấm mốc và gây hại cho sức khỏe.